BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: 2 V 5,1-15a
1 Ngày ấy, ông Na-a-man,
tướng chỉ huy quân đội của vua A-ram, là người có thần thế và uy tín trước mặt
chúa thượng của ông, vì Đức Chúa đã dùng ông mà ban chiến thắng cho A-ram.
Nhưng ông lại mắc bệnh phung hủi.2 Khi những người A-ram đi càn
quét, họ đã bắt được một cô bé từ đất Ít-ra-en đưa về. Nó vào giúp việc cho vợ
ông Na-a-man.3 Nó nói với bà chủ: "Ôi, phải chi ông chủ con
được giáp mặt vị ngôn sứ ở Sa-ma-ri, thì chắc ngôn sứ sẽ chữa ông khỏi bệnh
phung hủi! "4 Ông Na-a-man đến tường trình với chúa thượng của
ông: "Một thiếu nữ xuất thân từ đất Ít-ra-en đã nói thế này thế này."5
Vua A-ram bảo: "Ngươi cứ lên đường và trẩy đi. Ta sẽ gửi thư cho vua
Ít-ra-en." Ông Na-a-man lên đường, mang theo ba trăm ký bạc, sáu mươi ký
vàng và mười bộ quần áo để thay đổi.6 Ông trình thư lên vua
Ít-ra-en. Thư viết: "Cùng với bức thư mà tôi gửi tới ngài đây, tôi sai
Na-a-man, thuộc hạ của tôi, đến với ngài, để ngài chữa người này khỏi bệnh
phung hủi."7 Vua Ít-ra-en đọc thư xong thì xé áo mình ra và
nói: "Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người
này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phung hủi? Các ngươi phải biết, phải thấy
rằng ông ấy muốn sinh sự với ta."
8 Vậy, khi ông Ê-li-sa,
người của Thiên Chúa, nghe biết là vua Ít-ra-en đã xé áo mình ra, thì sai người
đến nói với vua: "Sao vua lại xé áo mình ra? Người ấy cứ đến với tôi, thì
sẽ biết là có một ngôn sứ ở Ít-ra-en."9 Ông Na-a-man đi đến
cùng với cả xe và ngựa. Ông đứng trước cửa nhà ông Ê-li-sa.10 Ông
Ê-li-sa sai sứ giả ra nói với ông: "Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông
Gio-đan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch."11
Ông Na-a-man nổi giận bỏ đi và nói: "Ta cứ nghĩ bụng là thế nào ông ấy
cũng đích thân đi ra, rồi đứng mà cầu khẩn danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông
ta. Ông ta sẽ quơ tay lên đúng chỗ phung hủi mà chữa khỏi.12 Nước
các sông A-va-na và Pác-pa ở Đa-mát chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Ít-ra-en
sao? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch hay sao? " Ông quay
lưng lại và tức tối ra đi.13 Bấy giờ, các tôi tớ của ông đến gần và
nói: "Cha ơi, giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, chẳng lẽ cha
lại không làm? Phương chi ngôn sứ chỉ nói: Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch!
"14 Vậy ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan, theo lời
người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã
được sạch.
15a Cùng với đoàn tuỳ
tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông vào, đứng trước mặt ông ấy và
nói: "Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại
trừ ở Ít-ra-en.
ĐÁP CA: Tv 41.42
Đ. Linh hồn
con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến, vào bệ kiến
Tôn Nhan ? (Tv 41,3)
41 2 Như nai
rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài,
lạy Chúa.
3 Linh hồn
con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ
kiến Tôn Nhan?
42 3 Xin Ngài thương sai phái ánh sáng và chân lý
của Ngài, để soi đường dẫn lối con đi về núi thánh, lên đền Ngài ngự.
4 Con sẽ
bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con. Con
gảy đàn dâng câu cảm tạ, lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ.
BÀI GIẢNG
SỐNG BỞI ĐỨC TIN
(Rm 1,17)
Đức Giê-su đã nói: “Kẻ thù là người nhà của mình” (Mt
10,36). Đúng thế, khi Đức Giê-su về quê Nazareth
giảng dạy cho những người đồng hương của Ngài, ta ngạc nhiên thấy người đồng
hương từ tâm tình thán phục lời giảng của Ngài (x Lc 4,22) lát sau họ chuyển
sang căm thù Đức Giê-su muốn xô Ngài xuống vực thẳm (x Lc 4,29: Tin Mừng). Để biết
lý do nào khiến người đồng hương thay đổi mau chóng như thế, và để biết Đức
Giê-su muốn dạy họ điều gì hòng được cứu độ. Chúng ta hãy tìm hiểu ba vấn đề :
-
Lý do người đồng hương Đức Giê-su chống đối Ngài.
-
Đức tin là ơn Chúa ban.
-
Đức tin phải thể hiện bằng việc làm.
I. LÝ DO NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU CHỐNG ĐỐI NGÀI.
Người đồng hương chống
đối Đức Giê-su vì hai lý do :
1/ Họ xét lý lịch Đức Giê-su thì không có gì đáng kính nể
để họ phải tin Lời Ngài giảng,như họ nói: “Ông này là con ông Giuse” (Lc 4,22), “làm nghề thợ mộc” (Mt 13,54). Cả đến ông
Nathanael, người say mê đọc Thánh Kinh cũng chẳng tin tại Nazareth
xuất thân một Đấng Cứu Thế, ông nói với ông Phi-líp: “Nazareth chẳng có gì hay cả” (Ga 1,46). Đức
Giê-su lại không phải là một thầy Lêvi, Ngài cũng không phải là một ký lục
chuyên sao chép và giảng dạy Lề Luật. Nhưng “người ta kinh ngạc về giáo huấn của Ngài, vì Ngài dạy dỗ họ như Đấng có
uy quyền chứ không như các ký lục” (Mc 1,20).
Chính vì vậy mà khi
những đầu mục Do Thái thấy Đức Giê-su làm nhiều điều lẫy lừng, giảng dạy hấp
dẫn lôi kéo nhiều người mà bỏ họ, do đó họ muốn diệt Ngài, nên sai các thủ hạ
đi bắt, điều ấy gây chia rẽ giữa dân chúng và hàng đầu mục, dân thì xác tín
rằng: “Ngài là tiên tri hoặc Ngài là Đấng
Ki-tô”, nhưng có kẻ chống lại nói: “Dễ
chừng Đức Ki-tô đến từ Galilê sao? Kinh Thánh lại đã không nói là: Đức Ki-tô
thuộc dòng giống Đavid, và đến từ Bêlem làng quê Đavid hay sao ?”(Ga
7,40-42).
Sở dĩ người đồng hương
không tin Đức Giê-su, vì họ quá quen Ngài nên không xin Ngài ban Đức Tin. Vì
thế Đức Giê-su đã trách họ: “Tôi bảo thật
các ông không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24: Tin
Mừng).
2/ Đức Giê-su không đáp ứng yêu cầu của dân như lời họ thách thức Ngài: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình đi ! Mọi
điều chúng tôi đã nghe xảy ra ở Capharnaum, thì ông hãy làm cả nơi quê hương
ông đây nữa đi” (Lc 4,23). Nói như kiểu Việt Nam: “Một người làm quan cả họ được nhờ”, thực ra Đức Giê-su đã chữa lành
nhiều bệnh nhân và trừ quỷ xuất khỏi nhiều người (x Mc 6,13) nhưng họ đâu có chịu
tin Ngài.
II. ĐỨC TIN LÀ ƠN CHÚA BAN.
Đức Tin là ơn nhưng
không Chúa ban cho con người, do đó Đức Tin không phát xuất từ bản năng con
người. Vì bản năng con người là đói khát cơm bánh, tự nhiên không ai đói khát
Lời Chúa. Chính vì vậy Chúa nói qua miệng ngôn sứ Amos: “Ta sẽ gieo đói khát trong xứ này,
không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được
nghe Lời Chúa” (Am 8,11) ; vì thế mà một người có đứa con bị kinh
phong, quỷ cứ xô nó vào nước vào lửa, người cha đã xin các Tông Đồ chữa cho đứa
con, nhưng các ông bất lực, nên người cha đến thưa với Đức Giê-su: “Nếu Ngài có thể xin thương xót chúng tôi và
cứu giúp chúng tôi”, Đức Giê-su nói với ông ấy: “Sao lại ‘Nếu có thể’… mọi sự đều có thể cho người tin”, tức thì cha
đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin hãy đáp cứu lòng yếu tin của tôi !” (x Mc
9,14-24).
Dù Đức Giê-su đã làm
nhiều phép lạ ở quê hương, nhưng Ngài coi đó không phải là phép lạ vì lòng cứng
tin của dân (x Mc 6,4-6), đối với Đức Giê-su chỉ được gọi là phép lạ như ông
Naaman sau khi được Chúa cho khỏi cùi, thì ông không thờ thần nào khác ngoại
trừ Thiên Chúa.
Bởi vậymọi ơn chúng ta
đón nhận nơi Chúa là do bàn tay làm việc trong Chúa Giê-su (x Ga 15,5), riêng
ơn Đức Tin chúng ta đón nhận bằng hai đầu gối quỳ cầu nguyện xin Chúa ban.
III. ĐỨC TIN PHẢI THỂ HIỆN BẰNG VIỆC LÀM.
Dù người đồng hương
cứng tin và có ác ý muốn giết Đức Giê-su, nhưng Ngài vẫn thương dạy họ cách đón
nhận ơn cứu độ, nếu họ thực hiện hai việc sau :
· Tin vào Lời Chúa hướng
dẫn thực hiện đức ái như bà góa Sarepta.
· Tin vào lời hướng dẫn
của người Chúa sai đến, và ngoan ngoãn làm theo, như ông Naaman làm theo lời
ngôn sứ Êlysa :
1/ Tin vào Lời Chúa hướng dẫn thực hiện đức ái như bà góa Sarepta.
Chúng ta biết Đức
Giê-su đã khẳng định: “Mọi người trên
trái đất chỉ có một thầy dạy là Đức Ki-tô” (Mt 23,10). Thế nên ta phải có
tinh thần khiêm tốn đón nhận chân lý bất cứ từ phía nào tới, dù người đó là con
nít hay người lớn, người thất học hay trí thức, kẻ thù hay bạn, nếu ta biết nơi
họ có gì hợp với giáo huấn của Đức Giê-su hay Hội Thánh, thì ta phải đón nhận. Khi
ta biết đón nhận chân lý ấy là đón nhận Thiên Chúa, khước từ là loại trừ Chúa
(x Lc 10,16).
Đức Giê-su nhắc đến bà góa Sarepta mau mắn
thực hành Lời Chúa đã làm bánh đưa cho ngôn sứ Êlya ăn. Thực ra, lúc đầu bà chối từ không giúp ông Ê-ly-a là đúng, vì bà còn có bổn
phận nuôi con, không thể giựt miếng bánh của con mà đưa cho Ê-ly-a ăn được!
Nhưng khi bà vừa nghe ngôn sứ nói: “Chúa bảo
rằng: bà cứ làm bánh cho tôi ăn trước, Chúa sẽ làm cho hũ bột
nhà bà không vơi !”Nghe nói thế, bà mau mắn làm ngay. Qủa thật, từ lúc ấy hũ bột nhà bà lúc nào cũng đầy, nhờ đó hai mẹ con bà không
lâm cảnh chết đói như bao người trong vùng, vì hạn hán đã ba năm sáu tháng! (x
1V 17) Điều này cho ta xác tín rằng: cứ làm theo Lời Chúa dạy, không bao giờ bị
thua thiệt.
2/
Tin vào lời hướng dẫn của người Chúa sai đến,
và ngoan ngoãn làm theo, như ông Naaman làm theo lời cô hầu người Israel và ngôn
sứ Êlysa:
Tướng quân Na-a-man, sau khi đem quân sang đánh nước Do Thái, ông bắt được
một tớ gái đem về phục vụ tại nhà ông. Thời gian sau ông bị bệnh cùi, tìm thày
chạy thuốc khắp nơi nhưng tiền mất tật mang! Lúc ấy đứa tớ gái nói với ông chủ
:
- Ngài cứ sang xứ chúng tôi, đến gặp vị ngôn sứ, ông ấy sẽ có lời chữa bệnh
cho ngài.
Ông Na-a-man không chịu đi, vì nhiều thày thuốc đã phải bó tay trước bệnh
tình của ông, thì đến làm gì với ông ngôn sứ nào có lời chữa bệnh? Nhưng đứa tớ
gái ngày ngày cứ thúc ông chủ, nghe mãi ông cũng mủi lòng đi thử coi cho biết. Để
sang xứ Israel cầu ân, thì phải làm hòa với vua ấy đã, do đó ông Na-a-man đến
xin vua Aram cấp cho một bức thư, ông sẽ cầm qua cho vua Israel để xin chữa
bệnh.
Ông Na-a-man lên đường cùng với lá thư và đoàn tùy tùng chở vàng bạc châu
báu. Khi vua Israel đọc thư xong, ông thịnh nộ xé áo mình ra và truyền lệnh
tống khứ Na-a-man về nước. Với lý do là chỉ có Thiên Chúa mới chữa được bệnh
cùi, chứ người phàm làm gì được? Và cho đó là âm mưu của Na-a-man muốn hại
vua…!
Ông Na-a-man ra về mà lòng nặng trĩu, những người đi theo ông, có kẻ nói :
- Thưa tướng quân, ngài đến lầm
địa chỉ rồi, con bé ấy nói ngài đến nhà ông ngôn sứ nào đó.
Ông Na-a-man quay trở lại tìm đến nhà ngôn sứ Ê-ly-sa, đứng đợi mãi, chỉ có một đứa đầy tớ đi ra hỏi
:
- Ông có việc gì mà đến đây ?
- Tôi bị cùi, nghe nói ở đây có vị
ngôn sứ chữa được bệnh đó phải không? Na-a-man hỏi .
- Ông vui lòng chờ ở đây để con vào nhà hỏi ông
chủ đã. _ Đứa đầy tớ đáp.
Một lúc sau, nó chạy
ra và nói :
- Ngôn sứ bảo là: Nếu
ông muốn khỏi cùi cứ đến sông Gio-đan trồi lên ngụp xuống 7 lần.
Nghe nói thế, ông
Na-a-man tức cuồng lên cho quay xe về quê. Trên đường về, ông nói với những
người tùy tùng :
- Tưởng ông ngôn sứ
cho ta toa thuốc, lại bảo đi tắm sông Gio-đan. Bộ quê mình không có nước sông
nào sạch bằng ở đây sao?
Những người tháp
tùng ông nói :
- Thưa ngài, nếu vị
ngôn sứ đó bảo ngài phải làm một việc vất vả, tốn kém gì để chữa bệnh, thì ngài
vẫn phải làm, đằng này chỉ là đi tắm sông, có khó khăn gì đâu?
Nghe có lý, ông liền
quay lại đến tắm sông Gio-đan, và qủa nhiên sau khi trồi, ngụp 7 lần, da dẻ ông
trở nên trắng trẻo như da con nít. Ông mừng quá, trở lại nhà ngôn sứ dâng vàng
bạc châu báu để tạ ơn, nhưng vị ngôn sứ không nhận và bảo :
- Chúa đã chữa bệnh cho ông chứ không phải tôi.
Na-a-man liền nói:
- Tôi quyết từ nay chỉ thờ Thiên Chúa của ngài,
vậy xin ngài cho tôi ít đất để tôi lập bàn thờ kính Thiên Chúa! (x 2 V 5).
Từ truyện ông Na-a-man được khỏi cùi, ta phải xác tín :
1) Người bị bệnh phong ám chỉ con
người đã phạm tội.
2) Ông Naaman muốn khỏi bệnh, thì :
- Phải nghe lời cô gái
bảo ông sang nước Do Thái gặp vị ngôn sứ Êlysa, dù ông không hiểu lời cô bé và
ngôn sứ Êlysa nói, nhưng ông cứ phải nghe theo; vậy muốn được Chúa tha tội, ta
phải nghe lời các chủ chăn trong Hội Thánh, dù không hiểu, cứ phải gia nhập Hội
Thánh và làm theo những lời Hội Thánh dạy.
- Ông Naaman phải đi tắm
sông Giodan, ngụp xuống trồi lên bảy lần, tức khắc bệnh phong biến mất, da thịt
ông trở nên trắng nõn như da thịt con nít ; điều ấy thua xa khi ta lãnh nhận
các Bí tích Chúa Giê-su lập và truyền cho Hội Thánh cử hành, ta được tha thứ
mọi tội và được tái sinh làm con Thiên Chúa (đẹp hơn da thịt của Naaaman sau
khi khỏi cùi).
- Chúa cứu người ta cách
dễ dàng và khác thường, như Ngài cứu ông Naaman, miễn là người ta phải ngoan
ngoãn làm theo lời Hội Thánh dạy.
- Ơn cứu độ là ơn phổ
quát, Chúa không chỉ dành cho dân Do Thái, mà còn cho cả Naaman, dân ngoại.
- Naaman sau khi khỏi
cùi, ông chỉ muốn tôn thờ Thiên Chúa trên đất Israel, đó là lý do ông xin ngôn
sứ Êlysa một ít đất về lập bàn thờ và dâng của lễ trên đó, để chỉ thờ phượng
Thiên Chúa của Israel cũng là Chúa của ông. Đây là dấu chỉ: ai đã được Chúa ban
ơn, thì người ấy phải từ bỏ thờ bất cứ thần nào, một chỉ thờ Thiên Chúa trong
Hội Thánh là đất Israel Mới mà thôi, nhất là hiệp dâng Thánh Lễ với Hội Thánh
hằng ngày.
Vậy ta phải khiêm tốn và mau mắn
thực hành Lời Chúa do Hội Thánh dạy, như Lời Tung Hô Tin Mừng ta vừa đọc: “Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy
trông ở Lời Người ; bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan
chứa” (Tv 130/129, 5-7), và “khao
khát Chúa Trời hằng sống, như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong” (Tv 42/41, 2-3: Đáp ca), khởi
đi từ việc lãnh Bí tích Thánh Tẩy, và hằng ngày hiệp dâng Thánh Lễ, để “ta được tái tạo nên một tạo vật mới trong Chúa Giê-su, con người cũ qua đi, con
người mới được thành sự” (2Cr 5,17),
không thua ông Naaman mau mắn nghe và làm theo lời ngôn sứ Êlysa.
THUỘC LÒNG
- Đức ái phủ lấp muôn vàn tội lỗi (1 Pr 4,8).
- Phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới con người cũ qua đi, con
người mới được thành sự (2 Cr 5,17).
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH