Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN NĂM A
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI ĐỌC I : Xp 2,3 ; 3,12-13

            3 Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở,những kẻ thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa, anh em hãy tìm kiếm Người ; hãy tìm sự công  chính, hãy tìm đức khiêm nhường thì may ra anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa .

        3 12 Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa. 13 Số dân Ít-ra-en còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ.

ĐÁP CA : Tv 145

Đ.        Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

            vì Nước Trời là của họ.   (x Mt 5,3)

6b Chúa là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời,7a xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn.

7b Chúa giải phóng những ai tù tội, 8 Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính.

9 Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân. 10 Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở, Xi-on hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.

BÀI ĐỌC II : 1Cr 1,26-31

            26 Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.27 Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh;28 những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có,29 hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.30 Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em,31 hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : Mt 5,12a

            Hall-Hall : Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Hall.

TIN MỪNG : Mt 5,1-12a

1 Một hôm thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người mở miệng dạy họ rằng : 3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. 8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. 11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao."

 

BÀI GIẢNG

HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI

            Có một ngộ nhận cần được giải tỏa, đúng ra không gọi nghèo khó, đói khát, khóc lóc là “phúc thật” được, vì bản chất của nó là tiêu cực, là sự dữ! Giáo lý của Chúa phải là sống tích cực, bản chất việc sống đạo phải là thiện hảo, vì “kẻ tìm Chúa chẳng thiếu thốn chi của cải” (Tv 34/33,11), nên “từ nhỏ dại đến nay tôi già cả, chưa thấy người công chính bị Chúa bỏ rơi và giống dòng phải ăn mày thiên hạ !” (Tv 37/36,25).

            Triết gia F. Nietzsche đã mù quáng chối bỏ giá trị “Hiến Chương Nước Trời”, nên khi bàn về “siêu nhân” ông đã nổi giận vì các mối “Phúc thật” của Kitô giáo, ông cho đó là tạo ra con người bạc nhược, tiêu cực, phản tiến bộ !

        Do đó muốn lãnh hội được giá trị của các mối “Phúc Thật”, con người hãy tìm kiếm Chúa, phải khiêm nhường đặt mình là kẻ thấp hèn đối với giáo huấn của Chúa, phải khao khát chân lý và mong được ẩn náu nơi Ngài, hầu được Chúa huấn luyện không ăn gian nói dối, không làm chuyện bất công ! (x Xp 2,3 ; 3,12-13 : Bài đọc I). Vậy muốn lãnh hội được giáo huấn của Chúa, người tín hữu phải xác tín :

1/ TÂM TƯ VÀ ĐƯỜNG LỐI CỦA THIÊN CHÚA KHÁC VỚI CON NGƯỜI.

            Chúa phán : “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55,8-9)

            Ông Pascal (nhà toán học, vật lý, văn sĩ, triết gia) nói : “Tâm khám phá ra Thiên Chúa chứ không phải lý trí, tâm lãnh hội chân lý Đức Tin, chứ không do suy luận đem lại !”

2/ THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG TOÀN NĂNG BIẾN SỰ DỮ RA LÀNH CHO MỌI KẺ TIN YÊU NGÀI (x Rm 8,28).

3/ PHẢI ĐỌC TOÀN BỘ GIÁO HUẤN CỦA THIÊN CHÚA, XUYÊN SUỐT TỪ CỰU ƯỚC ĐẾN TÂN ƯỚC, CHỨ KHÔNG CHỈ CHỌN NHỮNG CÂU TRONG THÁNH KINH MÌNH ƯA THÍCH, ĐỂ RỒI CÂU NÀO NGHE CHÓI TAI THÌ LOẠI ĐI!

4/ CHỈ ĐIỀU NÀO ỨNG NGHIỆM NƠI ĐỜI SỐNG ĐỨC GIÊSU  HOẶC PHÙ HỢP VỚI GIÁO LÝ CỦA NGÀI, VÀ ĐƯỢC HỘI THÁNH CÔNG BỐ MỚI THỰC LÀ Ý CHÚA.

5/ NHIỀU ĐIỂM GIÁO LÝ CHỈ HIỂU VÀ THẤY ĐƯỢC GIÁ TRỊ TRONG THỜI CÁNH CHUNG (thế giới Phục Sinh).

6/ PHẢI HỌC NƠI THÁNH TÔMA TIẾN SĨ TINH THẦN KHIÊM TỐN VÀ KHAO KHÁT CHÂN LÝ : “Một kiến thức bất toàn về mầu nhiệm cao siêu còn hơn sự ngu dốt hoàn toàn”.

            Dựa vào các nguyên tắc trên đây, ta mới có thể đón nhận được giá trị các mối “Phúc Thật” trong “Hiến Chương Nước Trời”, mà Đức Giê-su  là ông Môsê mới, Ngài lên núi ban Luật mới cho Hội Thánh Ngài (x Xh 34 = Mt 5). Nhưng Luật Đức Giêsu ban và Luật ông Môsê nhận có những điểm  khác nhau :

-   Khác nhau về hình thức :

·   Luật Chúa trao cho ông Môsê được ghi trên hai tấm bia đá (x Xh 34, 1); Luật của Đức Giêsu được ghi tạc trên tấm linh hồn và thân xác của những kẻ tin (x 2Cr 3,3).

·   Luật Chúa trao cho ông Môsê gồm ba điều về Chúa ghi bia thứ I, còn bảy điều về người ghi trên bia thứ II ; nhưng Hiến Chương Nước Trời Đức Giêsu công bố chỉ có tám điều về con người.

-    Khác nhau về bản chất.

·    Luật Chúa ban qua ông Môsê còn giam ta trong tội, có giá trị chăng nữa chỉ như quản giáo dẫn ta đến gặp Chúa Giêsu, Ngài mới là Đấng giải phóng ta thoát án phạt của Luật (x Gl 3,22-24).

·    Luật Chúa ban qua ông Môsê, nhưng ơn nghĩa và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Ki-tô mà có. Do sự sung mãn của Ngài tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (x Ga 1,16-17).

            Trong tám mối Phúc, mối Phúc tinh thần nghèo (1) và mối Phúc bị bách hại vì sống công chính (8), bản chất cũng là nghèo. Như thế mối Phúc “Nghèo”, đã mở đầu và kết thúc “Hiến Chương Nước Trời”, như hai cái ngoặc đóng khung sáu mối Phúc còn lại ! Vậy trước khi tìm hiểu ý nghĩa về mối Phúc “Nghèo” đóng khung, chúng ta hãy tìm hiểu sáu mối Phúc kia trước :

            * Mối Phúc thứ hai : “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.”  (Mt 5,4).

            Cụ thể những mẫu người sống hiền đã được đất của Chúa :

               * Ông Abraham không muốn tranh chấp đồng cỏ với cháu Lót, sợ mất danh thơm tiếng tốt của nòi giống Chúa chọn, nên ông tuy là chú nhưng đã nhường cho cháu Lót chọn phần đất nào cháu muốn, phần còn lại là của ông. Vì lòng nhân của Abraham, Thiên Chúa phán cùng ông : “Bắc Nam Đông Tây, toàn nơi ngươi thấy đó, Ta sẽ ban cho ngươi và dòng giống ngươi đến vạn đại !” (x St 13,14-15).

               * Ông Naaman bị phong cùi, ông ngoan ngoãn làm theo lời ngôn sứ Êlisê đi tắm sông Giođan, nhờ đó ông được khỏi bệnh ! Sau đó ông xin ít đất Israel đưa về lập bàn thờ kính Chúa, vì ông chỉ muốn thờ Thiên Chúa trên đất dân Chúa mà thôi ! (x  2V 5 ; Tv 136).

            Vậy ta phải hiểu đất Chúa ban trong mối Phúc này là nơi Chúa chọn cho ta được dung thân, sống đẹp lòng Ngài. Đó chính là Hội Thánh Công Giáo, tiền trưng Nước Trời ngày cánh chung.

            * Mối Phúc thứ ba : “Phúc thay ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” (Mt 5,5)

            Cụ thể như người phụ nữ tội lỗi, khóc than tội mình đã gây nên cái chết cho Đức Giêsu,nên chị tỏ lòng biết ơn bằng việc xức dầu thơm lên chân Ngài, rồi hôn lấy hôn để. Dù bị người đời chê trách, nhưng Đức Giêsu an ủi chị : “Tội lỗi chị tuy nhiều, nhưng yêu mến nhiều, thì được tha, hãy về bình an !” (x Lc 7,36t)

            * Mối Phúc thứ tư : “Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.” (Mt 5,6)

            Như ông Simêon và bà Anna suốt đời trông đợi Đấng Cứu Độ, nên ông cũng như bà đã được phúc Chúa mở mắt Đức Tin nhận ra Hài Nhi là Đấng Cứu Độ muôn dân trông đợi, giữa rừng người đến chầu lễ ở Giêrusalem mà không nhận ra! Ông Simêon và bà Anna vô cùng sung sướng bồng ẵm Đấng Công Chính vào lòng, được no thỏa hạnh phúc đến nỗi không cần gì ở đời này nữa ! (x Lc 2,25t)

            * Mối Phúc thứ năm : “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa thương xót.” (Mt 5,7)

            Đan cử như người Samari giúp đỡ kẻ bị cướp đánh nửa sống, nửa chết, bỏ nằm giữa đường, hai ông Kinh sư và thầy tư tế thấy trước, nhưng bỏ đi, trái lại ông Samari đưa vào quán trọ để nhờ chủ quán cùng chăm sóc ! Sáng hôm sau ông Samari, trả chủ quán hai quan tiền và còn hứa khi trở lại sẽ thanh toán nốt. bởi đó người ta hỏi Đức Giêsu : Ai là người thân cận, tôi phải chăm sóc, thì Ngài trả lời : Hãy bắt chước lòng nhân hậu của ông Samari đã có lòng thương xót người, nhất là đưa họ vào Hội Thánh, đó mới thực Quán Trọ (x Lc 10,29t), hay như bà Linh Dương biết xót thương người nghèo, đã may áo trong áo ngoài tặng nhiều người, nên lúc bà chết, được ông Phê-rô đến cầu nguyện và bà được Chúa cho sống lại.

            Hay như bà Linh Dương thương giúp người nghèo, dù bà có chết, Chúa cũng cho sống lại ! (x Cv 9, 36t).

            * Mối Phúc thứ sáu : “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5,8)

            Đức Maria được ơn Vô Nhiễm, nên lúc nào Mẹ cũng nhìn thấy Chúa. Do đó, khi Đức Giêsu  sống lại, Thánh Kinh không cho ai thấy Ngài hiện ra với Mẹ.

            Các em bé vô tội, nên thiên thần của các em luôn luôn ở bên ngai Thiên Chúa ! (x Mt 18,10)

            Còn chúng ta đều là tội nhân, nhưng khi “đã được kết hợp với Chúa Giêsu, thì không còn bị lên án nữa, bởi lẽ ta đã được trở nên công chính, Thần Khí ban cho ta được sống trong Chúa Giêsu Phục Sinh” (Rm 8,1.10). Như thế ta đã được trực tiếp thấy Chúa Giêsu mỗi khi hiệp dâng Thánh Lễ (x Dt 1,1-2).

            * Mối Phúc thứ bảy : “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5,9)

            Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại cuộc Tử Đạo của Phó tế Stêphanô, ông không có ác tâm báo thù kẻ giết mình, trái lại ông còn cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho họ. Nhờ đó, ông biến “sói” Saolô đang bách hại Hội Thánh trở nên Tông Đồ xuất sắc đem Tin Mừng bình an cho nhân loại, không thua các Tông Đồ thượng đẳng ! (x Cv 7-9 ; 2 Cr 11,5). Như vậy Phó tế Stêphanô đã sống Lời Chúa Giê-su dạy : “Ai thương giúp kẻ hại mình, người ấy được đồng danh với Ngài là “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32=Lc 6,35). Mà “Con Đấng Tối Cao” đến trần gian để đem hòa bình cho loài người (x Lc 2,14).

            * Phúc nghèo và bị bách hại (thứ 1 và 8) : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, cũng như bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3.10-12).

            Nghèo vì Chúa” có nhiều cách :

            a- Biết sử dụng của cải theo ý Chúa, như lời thánh Phaolô nói : Phải giàu có như Đức Giê-su, nhưng vì làm giàu cho người khác, nên lại nghèo khó như Ngài (x 2Cr 8,9). Cụ thể phải biết dùng của cải vào bốn mục đích :

1- Làm phát triển Tin Mừng, xây dựng Hội Thánh hữu hình. (Điều răn mới của Hội Thánh – x Sách GLHT số 2041-2043).

2- Đủ nuôi sống bản thân, bảo đảm sức khỏe. (x St 2,16).

3- Làm phương tiện phục vụ.(x Lc 19,11t).

4- Chia sẻ biểu lộ đức ái với đồng loại. (x Mt 25,31-46).

            b- Không sử dụng quyền lực và sức mạnh của mình để diệt kẻ khác ! Chính Đức Giêsu kêu gọi : “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Chân lý này ta chỉ được thấy rõ nơi Đức Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Ngài là Đấng toàn năng, đầy quyền lực trong tay, thế mà Ngài không dùng quyền để làm cho người khác khiếp sợ, chứ chưa muốn nói đến Ngài có quyền diệt kẻ xúc phạm đến Ngài. Nếu ta có quyền phép như Đức Giêsu, chắc chắn ta sẽ tỏ thị oai : Đứa nhổ bọt vào mặt ta, ta sẽ miệng nó chu ra như mõm chuột!

            c- Đành mất cả danh thơm tiếng tốt, như Đức Giêsu bị kết án là khùng, là mát, là kẻ bị quỷ ám…! (x  Mc 3,21 ; Mt 9,34 ; Ga 10,20). Cuối cùng Ngài mất cả mạng sống để biểu lộ lòng yêu nhân loại. Đó là cái nghèo tuyệt đối nhất, chỉ vì yêu và chia sẻ sự sống, sự chiến thắng và hạnh phúc thật ! Bởi vậy, triết gia Kierkegaard nói : “Đón nhận Tin Mừng không làm đổn lộn cuộc sống như điên khùng, thì không phải là người Ki-tô hữu chính danh, vì Thiên Chúa chúc phúc cho con người ngay khi họ đi tìm Ngài, chứ không phải chỉ khi nào gặp được Ngài !”

            Đức Giêsu và những kẻ theo Ngài đều đã chọn con đường thế gian cho là điên khùng vì phục vụ, để Ngài bêu nhuốc hạng khôn ngoan, biểu lộ sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, ngõ hầu không có kẻ nào dám vênh vang trước mặt Chúa. Chính do bởi Ngài mà chúng ta nên khôn ngoan, công chính, thánh thiện và được cứu chuộc, để ai tự hào được “Phúc Thật”, thì hãy tự hào trong Chúa ! (1Cr 1,26-31 : Bài đọc II).

            Vậy “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12a : Tung Hô Tin Mừng).

THUỘC LÒNG.

            Làm sao anh em trở nên giàu có như Đức Kitô, mà vì chúng ta, Ngài đã trở nên nghèo khó, để chúng ta được giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài ! (2Cr 8,9)

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: