BÀI GIẢNG
NHIỀU THỦ LÃNH
TIẾP TAY GIẾT CHÚA GIÊSU !
Bất cứ ai muốn chu toàn
nhiệm vụ ngôn sứ đều gặp chống đối, có khi bị mất cả mạng sống. Trong Bài đọc,
ông Giê-rê-mi-a là chứng từ nói lên số phận của tất cả các ngôn sứ phải khổ vì
sứ mệnh Chúa trao. Thực vậy, ông Giê-rê-mi-a đã rên lên vì bị mọi người chống đối
ông. Chúng nói: “Ta hãy dùng chính lưỡi
hắn mà trị hắn và hãy để ý đến các lời lẽ của hắn”. Quá đau khổ ông thưa
cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin để ý đến con,
và nghe những kẻ tố cáo con nói đó. Nào có ai lấy oán đền ơn ? Thế mà chúng đã
đào hố nhằm làm con mất mạng” (Gr 18,18-20).
Đức Giê-su thi hành sứ
mệnh ngôn sứ cũng chung một số phận của các ngôn sứ như ông Giê-rê-mi-a. Nhưng các ngôn sứ chỉ bị
những kẻ xa lạ tấn công, không đau xót bằng Đức Giê-su bị chính “người nhà” làm
hại Ngài (x Mt 10,36) :
- Người nhà Đức Giê-su hiểu theo nghĩa rộng là những người đồng
chủng, cùng tôn thờ Thiên Chúa, cùng gọi Thiên Chúa là Cha, cùng có chung một
sứ mệnh dạy mọi người nghe và thực hành Lời Chúa qua các ngôn sứ. Thế mà kẻ chủ
mưu giết Đức Giê-su lại là loại “người nhà” này !
- Người nhà Đức Giê-su hiểu theo nghĩa hẹp là các môn đệ Ngài
chọn, và cả đến nhiều chủ chăn trong Hội Thánh qua mọi thời đại tiếp tay vào
việc giết Đức Giê-su. Thực vậy ba lần Đức Giê-su loan báo cuộc Khổ Nạn, Ngài bị
giết bởi tay hàng niên trưởng, các thượng tế và ký lục (x Mt 16,21: lần I) ; bởi người đời (x Mt 17,22: lần II) ; bởi dân ngoại (x Mt 20,19: Tin Mừng - lần III),
thì chỉ trong ba ngày sau Ngài sống lại toàn thắng sự dữ, tiến vào vinh quang vĩnh
cửu! Nhưng không đau xót bằng nhiều chủ chăn trong Hội Thánh tiếp tục cộng tác
giết Chúa Giê-su Phục Sinh, vì :
1- CHÚA GIÊ-SU PHỤC
SINH CÒN ĐAU KHỔ BỞI CÁC CHỦ CHĂN ĐỂ CHO GIÁO DÂN NGU DỐT VỀ GIÁO LÝ.
Thực vậy, sau khi Đức
Giê-su loan báo Khổ Nạn lần I, Ngài mắng vị Giáo hoàng tiên khởi là satan. Vì ông
ngu dốt giáo lý nên cản Thầy đừng liều mạng cho kẻ ác, không hợp với tình yêu
của Chúa Cha dành cho Thầy (x Mt 16,21t). Như thế bệnh ngu dốt của ông Phê-rô đã
di căn đến nhiều thủ lãnh trong Hội Thánh cho tới ngày nay, làm cho cả giáo dân
cũng mù về giáo lý, thì không cần đến sức mạnh satan phá Hội Thánh. Như Đức
Giáo hoàng Pio XII nói với các chủng sinh tại trường Truyền Giáo Roma: “Kẻ thù số một của Hội Thánh không phải là
bọn xì-ke, ma túy, cũng không phải là kẻ trộm cắp, đĩ điếm, và càng không phải
những người vô thần, mà kẻ thù số một của Hội Thánh, phá Hội Thánh
mạnh nhất chính là người Công Giáo ngu dốt về giáo lý”.
Ta cứ nhìn vào người
Công Giáo liệu được bao nhiêu người tin và say mê Lời Chúa như anh em Tin Lành
? Lỗi ấy bởi ai ? Và cho đến bao giờ người Công Giáo vượt xa các anh em ly giáo
về lòng yêu mến Lời Chúa ? Để hy vọng Hội Thánh sớm có ngày hiệp nhất, như Đức
Giê-su hằng tha thiết cầu nguyện: “Vì họ,
Con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ Sự Thật (Lời Chúa), họ cũng được
thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những
ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở
trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai
Con” (x Ga 17,19-21).
2- CHÚA GIÊSU PHỤC
SINH VẪN CÒN ĐAU KHỔ BỞI CÁC CHỦ CHĂN KHÔNG LÀM GƯƠNG SÁNG, KHÔNG BIẾT ĐẦU TƯ TIỀN
CỦA VÀO VIỆC PHÁT TRIỂN TIN MỪNG VÀ XÂY DỰNG HỘI THÁNH.
Thực vậy sau lần Đức
Giê-su loan báo Khổ Nạn lần II, người ta thắc mắc hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế Đền Thờ hay sao?”
(Mt 17,24). Vì mục đích tác giả Matthêu viết Tin Mừng là nhắm diễn tả đời sống
Hội Thánh, mà Hội Thánh được xây dựng trên hai yếu tố vật chất và tinh thần,
hai thực thể này không tách lìa nhau như xác hồn con người (x Hiến Chế Hội
Thánh số 8). Như vậy, việc xây dựng Hội Thánh không chỉ dựa trên nguyên yếu tố
tinh thần, mà mỗi Ki-tô hữu còn phải đóng góp tiền của để phát triển Tin Mừng
và xây dựng Hội Thánh (x Điều răn V của Hội Thánh trong Sách Giáo Lý Roma số
2041-2043). Bổn phận này không loại trừ ai, kể cả Con Thiên Chúa khi làm người,
dù Ngài đã nói với ông Phê-rô: “Không ai
thu thuế vua và con cái của vua”, Ngài là Vua, các môn đệ là con cái. Thế
mà Đức Giê-su vẫn bảo ông Phê-rô: “Để khỏi gây cớ vấp phạm cho người khác,con
hãy thả câu bắt con cá đầu tiên lấy hai lạng bạc, nộp vào Đền Thờ phần Thầy
trước, phần con sau” (Mt 17,24-27).
Trong khi đó nhiều chủ
chăn nhờ chức vụ có nhiều bổng lộc, mà không biết bắt chước Chúa Giê-su trong
việc này để làm gương sáng cho giáo dân !
Thật là gương mù gương xấu, có không ít các chủ chăn nhà ở như một đền
vua, không thiếu gì tiện nghi cao cấp, ít ai có, trong khi lại cứ động viên
giáo dân phải hết lòng quảng đại đóng góp cho nhà Chúa ?! Đó là lý do Hội Thánh
không phát triển, làm Chúa Giê-su đau lòng, không biết tình trạng này bao giờ
các chủ chăn mới ý thức sống giống Chúa Giê-su khi Ngài bảo ông Phê-rô “nộp
thuế Đền Thờ phần Thầy trước phần con sau”. Vì có nhiều chủ chăn dùng tiền
của chỉ dành cho mình trước nhất, còn phần dành cho Chúa thì tính sau, rồi quên
luôn !
3- CHÚA GIÊSU PHỤC
SINH TIẾP TỤC ĐAU KHỔ VÌ CÓ NHIỀU VỊ TRONG HỘI THÁNH CHẠY CHỌT QUYỀN BÍNH ĐỂ THỐNG
TRỊ DÂN VÀ CÓ CƠ HỘI LÀM GIÀU.
Thực vậy, sau khi Đức
Giê-su loan báo Khổ Nạn lần III, các môn đệ tranh nhau địa vị nhất nhì khi Thầy
Giê-su chiếm được vương quyền theo họ mơ tưởng (x Mt 20,17-28: Tin Mừng). Thực
ra ai cũng mơ ước mình được thành đạt trong cuộc sống, để có địa vị trong xã
hội, bản chất nó là tốt. Bởi đó thánh Phao-lô nói: “Ai cầu mong được chức giám sự,
người ấy mong ước việc lành” (1Tm 3,1).
Đức Giê-su muốn cho các
môn đệ cũng được quyền cao chức cả như Ngài, khi họ thực hành hai điểm giáo lý
Ngài dạy:
* Người
ta phải kết hợp với Chúa Giê-su Phục Sinh, như Chúa Giê-su kết hợp với Cha Ngài.Ngài nói: “Cha Ta dạy sao Ta nói vậy” (Ga 12,50) ; “Cha Ta truyền dạy Ta sao Ta làm như vậy”
(Ga 14,31) ; “Con không thể làm gì tự ý
mình, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Cha làm, điều gì Người làm thì Con cũng
làm như thế” (Ga 5,19). Do đó “ai
thấy Ta là thấy Cha Ta” (Ga 14,9). “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30).
Bởi đó trước nhất Đức
Giê-su dạy các môn đệ: Phải kết hợp với Ngài qua Bí tích Thánh Thể, như Ngài đã
hỏi các ông: “Chúng con có uống được chén
của Thầy không ?”, các ông đáp: “Thưa
được” (x Mt 20,22: Tin Mừng).
Các ông quả quyết như
thế vì nghĩ rằng khi Thầy thành công trong sự nghiệp, chắc chắn là có tiệc
mừng, ngày ấy các ông tha hồ “cụng ly”. Nhưng Đức Giê-su thì lại muốn các ông
uống chén của Ngài nghĩa là: Hiệp thông với Ngài qua mầu nhiệm Thánh Thể. Như
Ngài đã nói với các ông trong lúc Ngài lập Bí tích này: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ
ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng
nhớ đến Thầy.” (1Cr 11,25). Nhờ đó các ông được nên một với Thầy đến nỗi
được đồng hóa (x Gl 2,20),các ông mới có khả năng phục vụ đồng loại nhờ, với,
trong Thầy của các ông mà tôn vinh Thiên Chúa (x Rm 11,36). Đó mới là việc bác
ái, việc của Thiên Chúa, có giá trị tồn tại vĩnh cửu, tích trữ vào kho Quê
Trời, để được hưởng sự sống đời đời trong thế giới Phục Sinh ; Nếu ta phục vụ
mà không nhờ, với, trong Chúa Giê-su, thì việc ấy chỉ là nhân bản, không phải là đức ái, nên chắc chắn
sẽ tan biến thành tro bụi (x Cv 5,38-39).
* Ngoài
ra muốn làm lớn, người ta còn phải phục vụ đồng loại với tinh thần như Đức
Giê-su, Ngài dạy: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà
thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em
thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ
anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con
Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng
mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,25-28).
Vậy ta muốn làm lớn trước nhất phải kết hợp với
Chúa Giê-su để phục vụ đồng loại với
tinh thần khiêm hạ như Thầy Giêsu, vì Ngài đã nói: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo tôi, sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự
sống” (Ga 8,12: Tung Hô Tin Mừng).
Nếu ta gặp chống đối,
ta hãy cầu nguyện cùng Chúa: “Lạy Chúa,
xin lấy tình thương mà cứu độ con, lưới kẻ thù giăng xin Ngài gỡ con ra khỏi,
nơi con trú ẩn chính là Ngài. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn, Ngài đã cứu
chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31/30,5-6.17b: Đáp ca).
Truyện kể:
Hai ông Phê-rô và
Gio-an theo Chúa lên núi, Chúa bảo các ông: Mỗi người chúng con lượm hai cục đá
mang theo. Nghe thế, ông Phê-rô cầm hai tay hai cục đá nhỏ bằng hòn bi ; còn
ông Gio-an lấy hai khối đá lớn vác trên hai vai. Đi được một lúc, ông Phê-rô trông
dáng bạn mình có vẻ nặng nề, vất vả quá, liền chế nhạo :
- Coi tớ này, cũng
mang đá mà có vất vả gì đâu, ai bảo cậu vác hai cục to thế mà chuốc khổ vào
thân? Thầy chỉ nói mỗi người lấy hai cục đá mang theo thôi mà!
Ông Gio-an trả lời :
- Ôi tình yêu Đức
Ki-tô thúc bách tôi ! (x 2Cr 5,14).
Đi một quãng xa, cả
hai môn đệ cùng thưa với Chúa Giê-su :
- Thưa Thầy, chúng
con đói và khát quá, chúng ta ngồi nghỉ
chân một lát rồi kiếm gì ăn cho đỡ dạ!
Chúa Giê-su bảo :
- Vậy chúng con đến
gốc cây kia ngồi nghỉ mệt!
Rồi Ngài nói tiếp :
- Bây giờ chúng con
đặt hai cục đá của mình trước mặt.
Hai ông mau mắn tuân
lệnh Thầy. Chúa giơ tay làm phép tức khắc đá của mỗi người: một cục biến thành
bánh và cục kia hóa ra nước! Phê-rô cầm mẩu bánh bỏ vào miệng nuốt chửng, và
uống miếng nước chỉ đủ ướt cổ họng. Lúc đó ông Phê-rô nói với ông Gio-an:
- Cho tớ ăn ké với
cậu, tớ còn đói qúa! Chắc không đủ sức theo Thầy được !
Ông Gio-an vui vẻ
đáp :
- Ủa, cậu đã quên là khi nãy cậu nhạo tớ là
thằng dại mang theo hai cục đá bự làm gì cho khổ thân? Thế tại sao bây giờ cậu
lại ngửa tay xin “thằng dại dột” này ?!
Chúa Giê-su nhìn ông
Phê-rô thương và bảo ông Gioan:
-
Thôi mà con, con chia cho bạn đi !
Lúc đó ông Phê-rô
mới hiểu Lời Thầy đã dạy: “Ai muốn đi sau
Ta thì hay chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta.vì
kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình, thì sẽ mất ; còn kẻ nào mất sự sống mình vì
Ta, và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu nó” (Mc 8,34-35).
THUỘC LÒNG
Muốn làm lớn phải kết hợp với Chúa Giê-su mà phục vụ đồng
loại như Ngài (x Mt 20,22.26)
LM. GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH