Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
19-3 THÁNH GIUSE-LỄ TRỌNG
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I: 2Sm 7,4-5a.12-14a.16
4 Hồi ấy, có lời Đức Chúa  phán với ông Na-than rằng: 5a "Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: Đức Chúa  phán thế này: 12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi.14a Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. 16 Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi."
ĐÁP CA: Tv 88
Đ.        Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ. (c 37)
2 Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.3 Vâng con nói: "Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời."
4 Xưa Chúa phán: "Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta, 5 rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ."
27 Người sẽ thưa với Ta: "Ngài chính là Thân Phụ, là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ! "29 Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở và thành tín giữ giao ước với Người.
BÀI ĐỌC II: Rm 4,13.16-18.22
13 Thưa anh em, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin. 16 Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy,17 như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.
18 Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. 22 Bởi thế, ông được kể là người công chính.
 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: Tv 83,5
Lạy Chúa, phúc thay người ở trong thánh điện, họ luôn luôn được hát mừng Ngài.
TIN MỪNG: Mt 1,16.18-21.24a
16 Ông Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." 24a Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
 
BÀI GIẢNG
THÁNH GIUSE,
NGƯỜI CÔNG CHÍNH SỐNG BỞI TIN
Chỉ riêng Tin Mừng Matthêu dùng từ “công chính” gắn liền với tên của hai vị: ông Giuse (x Mt 1,19) và ông Abel (x Mt 23,35), là người đầu tiên trong nhân loại giết chiên làm lễ vật dâng lên Chúa, được Ngài chấp nhận, vì Ngài không nhận của lễ rau quả do ông Cain dâng  (x St 4).Như thế ông Giuse được đồng hóa với ông Abel, mà ông Abel là tiền trưng Đức Giê-su. Thế thì ông Giuse công chính cũng là tiền trưng Con Thiên Chúa cứu độ loài người. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể được Chúa Cha ra lệnh đặt tên cho Con Trẻ là Giêsu (x Mt 1,21: Tin Mừng), để trong thân phận làm người, Đức Giê-su diễn tả ba chức năng :Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế. Bởi đó đời sống của ông Giuse đã diễn tả trước ba chức năng này của Con Thiên Chúa làm người.
I- ÔNG GIUSE THI HÀNH CHỨC TƯ TẾ.
Của lễ ông Giuse dâng cho Chúa chính là Maria người ông rất yêu dấu mà ông đã kết hôn (x Mt 1,16: Tin Mừng), khác nào ông Abel dâng con chiên quý nhất trong ràn tế lễ cho Thiên Chúa (x St 4,4).
Thực vậy, ngôn sứ Nathan gọi người vợ là “con chiêncủa người nghèo, mà ông quan giàu có lại bắt làm thịt đãi khách chứ không bắt chiên của mình. Vua Đavid nghe ngôn sứ Nathan báo tin này, ông nổi nóng ra lệnh trừng phạt đích đáng tên quan gian ác ấy. Lúc đó, ngôn sứ Nathan mới chỉ vào vua Đavid mà nói: “Tên quan đó chính là Ngài”, vua tái mặt và giật bắn người lên vì chuyện vua cướp vợ của tướng Uria đã bị lộ, nên ông thật lòng ăn năn sám hối (x 2Sm 12).
Thế thì Abel dâng con chiên quý nhất của mình lên Thiên Chúa đã bị người anh là Cain đập chết ! Sự cố này đã trở nên hai dấu chỉ :
1- Báo trước về ông Giuse dâng người yêu là Maria để tùy Thiên Chúa thực hiện ý định cứu độ loài người, còn ông thì sống như người trong thế giới cánh chung: “Có vợ mà kể như không có” (x 1Cr 7,29).
2- Báo trước Hy Lễ của Đức Giê-su mà thánh Gioan đã chỉ về Ngài, và nói cho mọi người biết Ngài là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng khử trừ tội trần gian (x Ga 1,29). Thực vậy, khi Đức Giê-su bị lên án tử vào lúc 12 giờ trưa (Do-thái là giờ thứ 6), thì chính giờ đó ở đền thờ Giê-ru-sa-lem người ta giết chiên tế lễ cho Thiên Chúa (x Ga 19,14-16). Như thế, Đức Giê-su mới thực là Của Lễ được Chúa Cha ưng nhận để từ đó người Do-thái không còn lý do dâng của lễ vật chất lên Chúa nữa, một của lễ đã khơi nguồn từ lễ vật của ông Cain.
Vậy ta tôn kính thánh Giuse thì cũng phải bắt chước Ngài dâng lên Chúa những gì quý giá nhất trong đời của ta: Tình yêu, tiền của, thời giờ, tất cả phải dùng trong ý thức làm nên một của lễ nhờ, với, trong Chúa Giê-su. Sống như thế mà gặp đau khổ ta mới giống Chúa Giê-su, vì Ngài mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài để làm hoàn hảo công cuộc cứu độ loài người mà Ngài đã khởi sự từ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh cho tới ngày cánh chung Ngài trở lại (x Cl 1,24).
II- ÔNG GIUSE THI HÀNH CHỨC NGÔN SỨ.
Cả trong bốn Tin Mừng, không có tác giả nào ghi lại một lời thánh Giuse nói, chỉ riêng có ông Matthêu ghi ba lần ông Giuse giữa đêm khuya mau mắn chỗi dậy làm theo ý Chúa:
s         Lần I: Giữa đêm ông Giuse được Thiên thần báo mộng: “Hãy chỗi dậy đón Maria về, vì Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần”, nghe được ông Giuse thực hành tức khắc (x Mt 1,24: Tin Mừng).
s         Lần II: Giữa đêm ông Giuse được Thiên thần báo mộng: “Hãy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài  trốn sang Ai-cập, vì vua Hê-rô-đê sắp lùng bắt Hài Nhi để giết”, ông Giuse cũng mau mắn làm theo lời sứ thần thúc giục (x Mt 2,13-14).
s         Lần III: Giữa đêm ông Giuse lại được Thiên thần báo mộng: “Hãy chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về đất Israel vì những kẻ tìm hại tính mạng Hài Nhi đã chết rồi” (Mt 2,20). .Ông cũng mau mắn thi hành lệnh Chúa như những lần trước
Như vậy, ba lần ông Giuse chỗi dậy mau mắn làm theo ý Chúa để Con Thiên Chúa không rơi vào tay vào tay kẻ ác, quả là đã báo trước sau ba ngày Đức Giê-su cũng từ trong cõi chết cũng chỗi dậy làm cho tất cả những ai tin vào Ngài không rơi vào tay ác thần (động từ chỗi dậy hay phục sinh tiếng Hy Lạp là Egero). Và khi Đức Giê-su chỗi dậy, Ngài trao cho Hội Thánh tiếp tục sứ mệnh ngôn sứ của Ngài, mà Ngài đã được thánh Giuse cha Ngài giáo dục rất xuất sắc, đến nỗi mới 12 tuổi Ngài đã trở thành bậc thầy dạy giáo lý cho các bậc tấn sĩ ở Giê-ru-sa-lem (x Lc 2,41t).
Ta không biết thánh Giuse chết vào thời điểm nào, ta chỉ thấy thánh Giuse tới lúc ngài gặp Con mình tại Đền Thờ đang giảng dạy giáo lý cho các bậc tấn sĩ. Bởi đó, ta có quyền kết luận rằng: thánh Giuse đã khuất đi trong bình an khi ông đã hoàn tất sứ mệnh giáo dục Con thành một giáo lý viên xuất sắc. Không biết những người làm cha mẹ khi ra khỏi thế gian này, có được về với Chúa trong bình an như thánh Giuse hay không ? Nếu không chu toàn sứ mệnh giáo dục con cái về đức tin cách chu đáo ! (xem trệt cuối số 11 trong Hiến Chế Hội Thánh của CĐ.Vat.II).
Sách Huấn ca chương 30, câu 4 nói: “Người cha (mẹ) dù có tắt thở, họ cũng chưa chết, vì đã để lại đứa con giống hệt mình”.
Ta thấy ông Giuse không thi hành sứ mệnh ngôn sứ qua miệng lưỡi, nhưng ông thi hành qua bàn tay phục vụ tận tình và hết sức mau mắn, mà việc làm thì quan trọng hơn lời nói.
III- ÔNG GIUSE THI HÀNH SỨ MỆNH VƯƠNG ĐẾ.
Sở dĩ ông Giuse lúng túng khi biết bạn mình có thai: đón bạn về thì không được trao phó mà âm thầm trốn đi là cách kết án Maria ngoại tình ! Nhưng khi được sứ thần loan báo ý định của Thiên Chúa: “Ông phải đón Maria về, vì Hài Nhi được sinh ra là do quyền năng của Chúa Thánh Thần”. Điều này Chúa muốn ông làm ứng nghiệm lời ngôn sứ tiên báo: “Từ dòng dõi vua Đavid sẽ xuất hiện vị thủ lãnh, chính nó sẽ xây nhà cho danh Chúa, và Ta sẽ cho vương quyền của nó kiên vững muôn đời” (x 2Sm 7,4-16: Bài đọc I). Vì ông Giuse thuộc dòng vua Đavid (x Mt 1,20: Tin Mừng).
Ông Giuse  nghe Lời Chúa từ trong đêm tối vào mau mắn thực hành. Ta biết bóng tối là sự ác, là tội lỗi, Lời Chúa từ đó bung ra đẩy bóng tối để biến dữ ra lành. Thực vậy, nhờ ông Giuse mau mắn thi hành lệnh Chúa ngay trong đêm, nhờ đó mà Maria không bị ném đá ; Hài Nhi Giê-su không bị vua Hê-rô-đê giết ! Để rồi từ trong bóng tối đang bao phủ  miền Ai Cập, ông Giuse lại chỗi dậy đem “Ngôi Lời đã làm người” về quê hương để giải phóng loài người khỏi tay tử thần, mà chính các đầu mục Do Thái là thủ phạm!
Vậy khi ông Giuse thực hiện lệnh Chúa trong mộng báo, ông đã trở thành đấng bảo trợ Maria và Hài Nhi. Ông Giuse là hiện thân của ông Marđôkê đã nuôi Esther, là vợ của vua Assurius. Khi dân Do-thái bị nhà vua ra lệnh tiêu diệt, trong thân phận những người nô lệ vô phương chống lại lệnh vua, nhưng nhờ ông Marđôkê đã tiết lộ lệnh ác độc đó cho Esther, Esther đã cầu nguyện rồi khéo léo làm tiệc đãi vua, nhờ thế vua đã hứa với Esther “xin gì trẫm cũng cho, dù nửa nước”, Esther đã xin với vua: “xin vua đừng nuôi ong trong tay áo”, vua hỏi lại: “Ai?” Esther chỉ vào Aman, người đã bầy mưu để vua ra án tru diệt dân Israel. Thế là vua cho lệnh treo cổ Aman lên trụ cao, dân Do-thái được giải phóng ! (x sách Esther)
Thế thì cũng nhờ ông Giuse lao động có của nuôi Đức Ma-ri-a và Đức Giê-su, do đó Hội Thánh tôn kính thánh Giuse là đấng Bảo Trợ Hội Thánh, để những kẻ thuộc về Hội Thánh thoát khỏi án tru diệt vì tội lỗi gây nên.
Vậy nếu ta noi gương thánh Giuse sống ba chức năng tư tế, ngôn sứ, vương đế khởi đi từ lúc lãnh Bí tích Thánh Tẩy, là ta đã nối dài đức tin của tổ phụ Abraham, người đã được Chúa đặt làm cha nhiều dân tộc do bởi lòng tin, để nhờ Đức Tin của ông mà ta có Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không ra có (x Rm 4,13.16-18.22: Bài đọc II). Nhất là khi ta hiệp dâng Thánh Lễ với Chúa Giê-su, Con ông Giuse là ta được phúc sống trong nhà Chúa với ông Giuse, để cùng cất lời tạ ơn: “Lạy Chúa, phúc thay người ở trong Thánh Điện, họ luôn luôn được hát mừng Ngài” (Tv 84/83,5: Tung Hô Tin Mừng). Và như thế ta đã làm cho ơn Chúa được “THÊM LÊN” đúng với tên của ông Giuse bởi động từ “Yasaph” trong tiếng Hy Lạp. Để “dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ” (Tv 89/88, 37: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Người cha (mẹ) dù có tắt thở, họ cũng chưa chết, vì đã để lại đứa con giống hệt mình (Hc 30,4).
LM.Giuse ĐINH QUANG THỊNH
 

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: