BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Is 55,10-11
10 Đức Chúa phán thế này: “Cũng như
mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,chưa
làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,cho kẻ gieo có hạt giống, cho người
đói có bánh ăn, 11 thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng
Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa
chu toàn sứ mạng Ta giao phó.
ĐÁP CA: Tv 33
Đ. Người
công chính được Thiên Chúa giữ gìn,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn. (x c 18b)
4 Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa ,
ta đồng thanh tán tụng danh Người. 5 Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người
đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
6 Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn
hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi. 7 Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã
nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
17 Chúa đối đầu với quân gian ác,
xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời, 16 nhưng để mắt nhìn người chính
trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu.
18 Họ kêu xin, và Chúa đã nhận lời,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn. 19 Chúa gần gũi những tấm lòng
tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
BÀI GIẢNG
Ý THỨC VỀ VIỆC CẦU NGUYỆN
Đức
Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện đi nghịch với bản năng tự nhiên của mọi người.
Vì người ta thường đến với Chúa chỉ mong được Ngài giúp đỡ đáp ứng những nhu
cầu họ đang cần, chứ có mấy ai cầu nguyện mà quan tâm đến việc làm vinh danh
Chúa? Còn Đức Giê-su dạy ta cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, thì trước tiên: “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển“
phải đứng hàng đầu (x Mt 6,9-10: Tin Mừng). Sau đó Ngài mới dạy ta xin cho nhu
cầu của “chúng con” (x Mt 6,11-13: Tin Mừng). Để hiểu nội dung lời cầu nguyện
Đức Giê-su dạy ta trong Kinh Lạy Cha, ta hãy tìm hiểu từng điều Ngài dạy :
A. PHẦN THỨ NHẤT KINH LẠY CHA DẠY TA LO LÀM CHO MỌI
NGƯỜI NHẬN BIẾT VINH QUANG THIÊN CHÚA.
* “Lạy”: Động từ này được đặt ở đầu lời cầu nguyện, để muốn dạy mọi người chỉ thờ
lạy một Thiên Chúa mà thôi, vì Ngài là Cha, Đấng thấu suốt mọi sự.
* “Cha”: Là tiếng con nít bắt đầu trong đời nó bập bẹ với người nuôi dưỡng. Thời
gian đó, nó cứ bám chặt lấy người âu yếm nó. Thế thì Thiên Chúa là Cha, ta là
con thơ của Ngài. Thánh Phaolô cho biết: “Thánh Thần mở miệng ta gọi Thiên
Chúa là Abba” (Rm.8,14–17). Nghĩa là chính Thánh Thần làm cho ta bám chặt vào Thiên Chúa, khi ta biết cầu nguyện như Đức
Giê-su dạy!
* “Chúng
con”: Người Do Thái khẳng định rằng: Chúa chỉ là
Cha của họ mà thôi. Trong kinh Lạy Cha, Đức Giêsu mở rộng cũng như xác định rõ
và đầy đủ hơn: Thiên Chúa là Cha thật của mọi dân tộc được thâu nhận vào Hội
Thánh (x Lc 14,15t ; Mt 28,19-20). Bao lâu cả loài người trở thành người Công
Giáo chân chính, thì bấy giờ ai cũng nhìn nhận nhau là anh em con một Cha trên
trời, một Thầy dạy duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô (x Mt 23,8-10). Được như thế chắc
chắn có hòa bình thực sự trên trái đất, thế giới này là Thiên Đàng.
* “Đấng
ngự trên trời”: Thiên Chúa cao cả hơn mọi thần
minh, Ngài là Chủ vạn vật và thấu suốt lòng dạ mọi người.
* “Danh
thánh Cha”: Thánh là tách biệt, được dành
riêng cho Thiên Chúa, khác lối sống người đời không biết Chúa, như Đức Giê-su
thưa với Chúa Cha về các môn đệ: “Con đã
ban cho chúng Lời của Cha và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về
thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17,14).
Danh Cha
là Thánh còn có nghĩa là Danh Cha khác và hơn hết mọi loài, Danh Cha diễn tả
bản tính của Cha :
* “Hiển
vinh”: Hiển là lộ ra khi loài người
nhận biết phạm trù danh thánh Cha như trên. Càng có nhiều người nhận biết danh
thánh Cha, thì Cha càng vinh hiển hơn. Nhưng vì Chúa yêu thương loài người, nên
Ngài muốn lệ thuộc vào ta khi ta trở nên Tông Đồ của Đức Kitô (x Ga.15,8).
Thánh I-rê-nê nói: “Vinh quang Thiên Chúa
là cộng lại những người được Chúa Giê-su cứu độ”.
* “Triều
đại Cha mau đến”: Một cộng đoàn dân tộc đi lên
hay đi xuống, tùy thuộc vào triều đại (hay chính thể) của dân tộc ấy. Ví dụ dân
tộc Việt Nam,
dưới triều đại vua Quang Trung khác triều đại Hồ Chí Minh: người dân được vươn
lên tự do hạnh phúc hay sống cảnh sợ hãi, mất hết quyền mà không ai dám mở
miệng. Do đó dân tộc Việt Nam
có kinh nghiệm về sự khác biệt giữa các triều đại. Vậy “triều đại Cha mau đến”, Đức Giê-su có ý khẳng định rằng: Hội Thánh
đã được sinh ra từ cạnh sườn Ngài bị đâm trên thập giá, đó chính là Nước Thiên
Chúa khai diễn cho con người được cứu độ. Bởi đó Chúa muốn mọi người Công tGiáo
phải tích cực loan báo Tin Mừng trong tinh thần “tìm kiếm Chúa đều
mừng vui hoan hỷ trong Ngài! Và những ai cảm mến ơn Ngài tế độ luôn nói rằng:
"Thiên Chúa vĩ đại thay! " (Tv 70/69,5), để mọi dân tộc mau trở thành một đoàn chiên và một chủ chiên của Đức Ki-tô thiết lập, đó
chính là Hội Thánh (x Ga 10,16).
* “Ý
Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”: Tin vào
Nước Trời mai sau được hạnh phúc như thế nào, thì hãy thể hiện niềm tin ấy
trong cuộc sống hôm nay. Cụ thể Thánh Lễ là thực tại phúc lộc trên trời được
thể hiện trên trái đất. Do đó ta đi dự lễ là được tiên thường dự tiệc Nước
Thiên Chúa. Nói cách khác, Nước Trời khởi đi từ cuộc sống trần thế mỗi khi ta
hiệp dâng Thánh Lễ với Hội Thánh,và viên mãn trong ngày cánh chung.
B. PHẦN THỨ HAI KINH LẠY CHA XIN CHO NHU CẦU CỦA CON
NGƯỜI.
* “Lương thực hằng ngày”: Chúa muốn mọi người được sống đời đời, thì phải được nuôi bằng 5 nguồn:
1/
Sống nhờ Đức Tin (x Rm.1,17).
2/
Sống nhờ nghe và thi hành Lời Chúa
(x Mt.4,4 ; Ga 4,34).
3/
Sống nhờ Thánh Thể (x
Ga.6,35).
4/
Sống nhờ sám hối tội mình và xin
theo Chúa (x Lc 23,43).
5/
Sống nhờ của cải vật chất không
thừa, không thiếu (x Cn.30,8-9).
Năm
nguồn sống này đã được diễn tả qua năm chiếc bánh Đức Giê-su dùng để nuôi trên
năm ngàn người ăn no vẫn còn dư (x Mt 14,13-21). Đặc biệt nhất là sống Lời Chúa
cũng như giáo huấn của Hội Thánh trong các Chúa nhật và lễ Trọng. Bởi vì thuở
xưa dân Do Thái được Chúa mưa manna nuôi trong sáu ngày, ngày thứ bảy Ngài
không ban, do đó ngày thứ sáu họ phải lượm bù cho ngày thứ bảy. Lý do ngày thứ
bảy Chúa không mưa manna là vì “người ta
sống không chỉ nhờ cơm bánh,nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra”
(x Xh 16 ; Mt 4,4b: Tung Hô Tin Mừng).
* “Xin tha tội chúng con, như con tha
cho kẻ có lỗi với con”: Ta xúc
phạm đến Chúa là tội nặng nề hơn đồng loại xúc phạm đến ta. Đồng loại xúc phạm
đến ta chỉ là lỗi. Ta có tha thứ lỗi cho đồng loại cũng chẳng đáng giá gì so
với Chúa tha tội cho ta. Chân lý này đã diễn tả qua dụ ngôn người tôi tớ mắc nợ
vua một vạn nén vàng, đáng giá 100 triệu đồng, hắn xin khất nhưng vua đã tha
hết, vì vua biết hắn không có khả năng trả, thế mà khi ra về hắn gặp bạn chỉ nợ
hắn 100$, người này xin khất,hắn không cho, lại còn bóp cổ tống vào ngục! Trong
khi đó vua đã tha cho hắn gấp triệu lần
so với bạn chỉ xin khất chứ không xin tha! Thế nên, Chúa chỉ tha tội cho ta với
điều kiện ta phải tha lỗi cho đồng loại (x Mt.18,23t). Vì lý do này mà trước
khi hối nhân vào toà Giải Tội và trước lúc rước lễ, Hội Thánh đòi buộc phải đọc
Kinh Lạy Cha.
* “Đừng để chúng con sa chước cám dỗ”: Đừng để chúng con ở trong Hội Thánh được nghe Lời Chúa mà lại ra tồi tệ
hơn ; chính ma qủy đã dùng Lời Chúa mà cám dỗ Đức Giêsu phạm tội nghịch với ý
Chúa Cha. Nhưng Đức Giê-su đã được Thánh Thần hướng dẫn dùng Lời Chúa đánh gục
satan trong ba lần chúng cám dỗ Ngài, thì ta cũng xin Chúa ban Thánh Thần để
hướng dẫn ta biết sống Lời Chúa, như Lời Ngài dạy: “Chúa sẽ ban Thánh Thần cho những ai kêu xin Người” (x Mt.4,1–11 ;
Lc 11,13). Vì qua Bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã thuộc về dòng giống Thiên Chúa,
không còn là dòng giống của Adam, Eva, một dòng giống bị thần dữ hướng dẫn chống
lại lệnh Chúa cấm ăn trái biết lành biết dữ, họ đã sa chước cám dỗ của satan (x
St 3).
* “Cứu chúng con khỏi sự dữ”: Chỉ một mình Chúa biến dữ ra lành, biến tội ra ơn, biến chết ra sống cho
ai biết sám hối tội mình xin Chúa xót
thương và xin được theo Ngài (x Lc 23, 39- 43). Vì chỉ có Chúa là Đấng toàn
năng và giàu lòng thương xót (x Ep 2,4).
Để việc
cầu nguyện sinh hiệu quả, ta cần lưu ý về cách thức cầu nguyện, Hội Thánh dạy
ta: “Việc cầu nguyện phải đi đôi với
việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì chúng
ta ngỏ lời với Chúa khi cầu nguyện và chúng ta nghe Ngài lúc chúng ta đọc Thánh
Kinh” (Hiến Chế Mạc Khải số 25). Nhưng chúng ta phải đọc Thánh Kinh
trong Hội Thánh (x Hiến Chế Phụng Vụ số 7). Đọc Thánh Kinh trong Hội Thánh phải
hiểu cách cụ thể là: Chu toàn giờ Kinh Phụng
Vụ, nhất là Thánh Lễ. Bởi vì khi chúng ta cầu nguyện trong Phụng Vụ, là chúng
ta đã cùng Hội Thánh dùng Lời Chúa để cầu nguyện. Đó là những Lời mà thánh
Phao-lô nói: “Thánh Thần lựa ý Thiên Chúa
mà chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8,26).
Thánh
Phao-lô muốn nhấn mạnh cho chúng ta thêm lòng tin vào Lời Chúa khi ta đọc Thánh
Kinh: “Anh em chịu lấy Lời Thiên Chúa
nghe tự chúng tôi, anh em đã đón nhận lấy không phải như lời của những người
phàm - mà đích thực là thế - nhưng là Lời Thiên Chúa và Lời ấy đang thi thố
quyền năng nơi anh em là những kẻ tin” (1Tx 2,13). Thánh Tông Đồ xác tín
như thế vì ngài dựa vào lời ngôn sứ Isaia: “Lời
Chúa thấm vào lòng người phát sinh sự sống, khách quan và hiệu quả hơn nước mưa
thấm vào lòng đất nảy sinh cây cối và côn trùng” (x Is 55,10-11: Bài đọc).
Thậm chí tảng đá không thấm nước, nhưng nếu nước cứ đổ xuống dầm dìa nhiều
ngày, thì sự sống tối thiểu cũng xuất hiện, đó là rêu xanh ! Thế thì Lời Chúa
nếu thấm vào lòng người, dù chai đá đến đâu, chắc chắn cũng được biến đổi và sinh sự sống mới.
Nếu ta
sống những điểm giáo lý trong kinh Lạy Cha, là ta đã được cộng tác với Chúa
Giê-su trong chương trình cứu độ loài người, thì ta quả thật là “người công chính được Thiên Chúa giữ gìn,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn”
(Tv 34/33,18b: Đáp ca).
Truyện kể:
Một
chàng sinh viên Văn Khoa tò mò vào Nhà Thờ, tình cờ anh gặp thấy nhà bác học
Ăm-pe (Ampère) đang chăm chú cầu nguyện. Anh đợi nhà bác học cầu nguyện xong,
anh theo nhà bác học về tới nhà và hỏi :
-
Thưa ngài, con xin hỏi một điều, con học ngành Văn Khoa, nên không dám hỏi về
chuyện khoa học, con chỉ xin hỏi về vấn đề Đức Tin.
Nhà
bác học ngỡ ngàng nói lại :
-
Tôi là kẻ yếu kém về Đức Tin nhất, nhưng nếu có thể giúp gì cho anh, tôi sẵn
sàng.
Chàng
thanh niên mừng rỡ hỏi tiếp :
-
Thưa ngài, một người vừa là một nhà khoa học vĩ đại, vừa là người Ki-tô hữu
siêng năng cầu nguyện được không?
Ông
Ăm-pe ôn tồn đáp :
-
Chỉ thực sự là vĩ đại khi người ta biết cầu nguyện mà thôi ! Chính Chúa Giê-su
là bậc vĩ đại nhất, vì Ngài toàn năng, muốn gì được nấy, cho kẻ đói ăn, chữa
mọi bệnh hoạn tật nguyền, xua trừ ma quỷ… thế mà Ngài vẫn chu đáo việc cầu
nguyện trước những sinh hoạt trong ngày. Điều ấy Đức Giê-su đã khẳng định với
mọi người: muốn là người vĩ đại, phải ưu tiên việc cầu nguyện (x Mc 1,32-39).
Chính vì vậy mà Ngài dạy mọi người rằng: “Chúng
con hãy cầu nguyện luôn đừng nhàm chán !” (Lc 18,1).
THUỘC LÒNG
Lương thực cần dùng nuôi sống con
người là 5 tấm bánh :
1. Sống nhờ đức tin (x
Rm.1,17).
2. Sống nhờ nghe và thi
hành Lời Chúa (x Mt.4,4 ; Ga 4,34).
3. Sống nhờ Thánh Thể (x
Ga.6,35).
4. Sống nhờ sám hối tội
mình và xin theo Chúa (x Lc 23,43).
5. Sống nhờ của cải vật
chất không thừa, không thiếu (x Cn.30,8-9)
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH