Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN NĂM C
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

BÀI ĐỌC I :  Dcr 12,10-11 ; 13,1

         12   10 Đức Chúa phán thế này : “Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng.11 Ngày ấy, tiếng khóc than sẽ vang dội khắp Giê-ru-sa-lem, như người ta than khóc thần Ha-đát Rim-môn ở cánh đồng Mơ-ghít-đô.”

         13  1 Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế.

ĐÁP CA : Tv 62

Đ.  Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,

       linh hồn con đã khao khát Chúa. (x c.2)

2 Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.

3 Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện, để thấy uy lực và vinh quang của Ngài. 4 Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống, miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.

5 Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài. 6 Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.

8 Quả thật Ngài đã thương trợ giúp, nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.9 Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó, giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì.

BÀI ĐỌC II :  Gl 3,26-29

                26 Thưa anh em, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô.27 Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.28 Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.29 Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa.

BÀI TIN MỪNG
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

TUNG HÔ TIN MỪNG : Ga 10,27

Hall-Hall : Chúa nói : Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Hall.

TIN MỪNG : Lc 9, 18-24

           18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai? "19 Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại."20 Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa."21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

             22 Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

            23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy."

BÀI GIẢNG
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

ĐI DỰ LỄ LÀ VÁC THẬP GIÁ

SINH ƠN CỨU ĐỘ !

            Đức Giêsu nói với mọi người : “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi” (Lc 9,23).

            Muốn hiểu lệnh Chúa truyền trên đây, chúng ta phải tìm hiểu các Bài đọc trong Phụng vụ của Chúa nhật 12 năm C này, sẽ thấy một ý xuyên suốt qua các Bài đọc là đề cập đến Hy Tế của Chúa Giêsu :

-     Tin Mừng (Lc 9,18-22) báo trước lý do Đức Giêsu bị giết chết !

-     Phần đầu Bài đọc I (Dcr 12,10-11) nói đến tình trạng Đức Giêsu bị giết !

-     Phần hai Bài đọc I (Dcr 13,) và Bài đọc II (Gl 3,26-2) nói lên hiệu qủa Hy Tế của Đức Giêsu !

 

1- TIN MỪNG (Lc 9,18-22) BÁO TRƯỚC LÝ DO ĐỨC GIÊSU BỊ GIẾT :

* Đức Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, có môn đệ ở với Ngài (Lc 9,18). Hình ảnh này hiện lên trong tâm trí chúng ta : khung cảnh núi Cây Dầu, trước lúc Đức Giêsu bị bắt : “Đức Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, còn môn đệ ở với Ngài, thì mải mê ngủ ” (Lc 22,39-46).

* Các môn đệ báo cáo cho Đức Giêsu biết  dân chúng đều nói : “Thầy là ngôn sứ của Chúa” (x Lc 9,19), mà các ngôn sứ của Chúa sai đến giáo dục dân đều bị giết chết! (x Mt 23,29-32 ; Lc 20,9-19).

* Ông Phêrô đại diện cho Nhóm 12 nói : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa (Lc 9,20). Ông Phêrô vừa nói thế, Đức Giêsu liền cắt ngang lời ông, đồng thời cấm các ông không được nói điều đó cho ai (x  Lc 9,21). Lý do là vì chính danh hiệu Kitô (Vua) mà Ngài biết trước dân Do Thái đòi quan Philatô phải giết Ngài (x Ga 19,12-16). Nếu Đức Giêsu cứ để cho các môn đệ tuyên xưng Thầy của họ là Vua (Kitô), thì chắc chắn chính quyền Roma sẽ gây khó dễ cho việc phục vụ của Đức Giêsu, và còn giết Ngài sớm, vì họ sợ Ngài cướp chính quyền!

* Trong Phúc Âm của Luca, Chúa Giêsu không để cho ông Phêrô kịp nói : “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống” như tác gỉa Matthêu ghi (16,16b), vì “Con Thiên Chúa hằng sống” thì không thể bị giết chết được!

2- TÌNH TRẠNG ĐỨC GIÊSU BỊ GIẾT CHẾT THEO NGÔN SỨ DACARYA ĐÃ BÁO TRƯỚC Ở BÀI ĐỌC I :

      - “Chúa sẽ đổ xuống nhà Đavid và dân cư Giêrusalem một Thần khí ơn huệ và khẩn nguyện” (Dcr 12,10a).

Lời tiên báo này đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh :

             + Trên thập giá Đức Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, Ngài bỏ Con sao” (Mt 27,46) ; “Lạy Cha,xin chớ chấp tội họ,vì họ lầm” (Lc 23,34) ; đoạn gục đầu xuống,Ngài phó thác Thần Khí  (Ga 19, 30).

- “Chúng sẽ nhìn lên Ta, người chúng đã đâm thâu, chúng sẽ khóc than như người ta khóc than người con một” (Dcr 12,10b). Điều này đã được ứng nghiệm :

+ Tên lính Roma lấy đòng đâm cạnh sườn Đức Giêsu, dù Ngài đã chết! Vị sĩ quan Roma hô lên : “Đích thực ông này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Lời tuyên xưng này đã trở thành bản án cho những kẻ đã giết Con Thiên Chúa. Lúc đó Đức Maria đang đứng dưới chân thập giá nhìn thấy Con bị đâm, chắc chắn Mẹ cũng đau đớn như gươm đâm vào lòng, đã làm ứng nghiệm lời ông Simêon tiên báo trong ngày Mẹ dâng Con vào Đền thờ (x Ga 19,25 ; Lc 2,35).

- “Ngày ấy tiếng khóc than sẽ vang lên ở Giêrusalem” (Dcr 12, 11). Điều này đã nên ứng nghiệm :

+ Trên đường thương khó, có nhiều người theo Đức Giêsu đấm ngực và khóc thương Ngài, nhưng Đức Giêsu quay lại và nói : “Hỡi con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, xong hãy khóc thương lấy chính mình và con cái các bà   (Lc 23,27-28).

3- HIỆU QỦA HY TẾ CỦA ĐỨC GIÊSU :

            - “Ngày ấy sẽ có một suối mở ra cho nhà Đavid, và dân cư Giêrusalem, để tẩy rửa tội lụy và uế nhơ ” (Dcr 13,1), cụ thể :

+ Đó là dòng suối cứu độ, phát xuất tự sườn Đức Giêsu bị đâm, máu cùng nước đổ xuống, khơi nguồn các Bí tích tẩy rửa những kẻ tin vào Đức Giêsu, tái sinh họ làm con Chúa, và được sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa. Đúng như lời ngôn sứ Êzêkiel đã loan báo : “Tôi đã thấy nước từ Đền Thờ chảy ra, nước ấy chảy đến những ai, thì tất cả đều được cứu độ” (Ed 47). Nước từ bên phải Đền thờ chính là nước và máu Đức Giêsu đổ xuống khi bị đâm (x Ga 2,19 ; 19,34).

            Như vậy họ đã được “mặc lấy Đức Kitô, không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ. Vì hết thảy đã nên một trong Đức Giêsu Kitô, những kẻ được thừa tự theo lời Chúa đã hứa cho miêu duệ của Abraham” (Gl 3, 26-29 : Bài đọc II).

Vậy dựa vào nội dung của Lời Chúa qua ba Bài đọc trên đây, chúng ta phải xác tín rằng :Đức Giêsu kêu gọi mọi người hằng ngày vác thập giá theo sau Ngài để giữ được mạng sống mình. Chính là hằng ngày mọi người được Chúa mời gọi đến dự tiệc Thánh Thể do Ngài thiết lập, để ai đến tham dự thì được sống dồi dào (x Ga 10,10), đặc biệt nhất là :

3.1- Hằng ngày đi dự Thánh Lễ để có của ăn thật cho cả xác hồn, và có đủ sức tiến về Quê Trời. Đó là Manna mới từ trời ban xuống, hơn xưa dân Do Thái hằng ngày phải lượm man-na ăn mới sống mà tiến vào miền đất hứa. Thiên Chúa đã không chấp nhận cho ai lười biếng, tính gọn lượm man-na một lần ăn qua ngày hôm sau, hay cho cả tuần, nó sẽ nảy bọ ra! Trừ ngày thứ sáu được lượm gấp đôi cho ngày thứ bảy, vì thứ bảy Chúa không mưa manna (x Xh 16).

Hằng ngày ta phải bỏ mình vác thập giá theo Chúa chính là phải đấu tranh không ngơi nghỉ trước những công việc trần thế trói buộc, để có giờ đến dự Lễ. Nên trong thực tế, người ta thường tìm cớ thoái thác : “Không đến dự tiệc của vua được, vì mới mua đất, phải đi xem ; vì mới mua năm cặp bò phải đi thử ; vì mới cưới vợ nên mắc kẹt” (x Lc 14,15-24). Rõ ràng những cám dỗ trần thế thật là vô lý nhưng vẫn trói buộc ngăn cản không dễ ta gác bỏ để đến dự tiệc Thánh Thể còn hơn tiệc vua trần thế thiết đãi ! Nhất là vượt thắng cái tôi luôn tìm danh vọng lợi lộc trên đời. Đan cử các môn đệ Đức Giêsu lúc bắt đầu theo Thầy xem ra rất quảng đại, vì đã bỏ nhà cửa, nghề nghiệp, cha mẹ, vợ con, nhưng cuối cùng lộ ra các ông muốn thả “con tép bắt con tôm” : Ông nào cũng muốn tranh địa vị nhất nhì trong Nước Thầy (x Mc 9,33t ; 10, 35t). Mà khi đã có địa vị cao cả, thì lợi lộc trần thế tuôn đến như thác đổ. Mơ ước này hoàn toàn nghịch với bản chất của Hy Lễ phải nên một của lễ với Thầy Giêsu, như Ngài đã nói cho các ông : “Con Người phải chịu khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế, cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy”(Lc 9,22 : Tin Mừng).

            Nhìn vào thực tế, đến dự Lễ hầu hết là những người nghèo, người đau khổ. Vì loại người này có nhiều giờ rảnh rỗi, thân phận nghèo nên ít bạn bè, không có tiệc tùng ăn nhậu ! Trái lại, những kẻ giàu có bị công việc ràng buộc, hoặc lên chương trình kế hoạch kia… Thì làm sao có giờ đến dự Lễ được ! Bởi đó, càng chấp nhận đấu tranh để vượt thắng nhiều rào cản đến dự Lễ, thì càng nhiều ơn Chúa, đúng như Lời Đức Giêsu nói : “Kẻ có sẽ được cho thêm và nên dư dật” (Mt 25,29).

3.2- Trên đường thương khó, chỉ có ông Gioan cho ta thấy Đức Giêsu vác thập giá (x Ga 19,17), còn Tin Mừng của Nhất Lãm (Mt+Mc+Lc), không cho thấy Đức Giêsu vác thập gía, mà ông Simon thành Kyrênê, người ngoại giáo vác đi theo sau Đức Giêsu (x Mt 27,32 ; Mc 15,21 ; Lc 23,26). Sở dĩ tác giả Nhất lãm ghi như vậy để khẳng định rằng : Kitô vô tội, nên không có thập giá trên vai!

            Còn những ai không có Chúa, như ông Simon ngoại giáo, thì tội lỗi còn đè trên người họ! Ai không nhờ với trong Chúa Giêsu, đời  họ mãi mãi là khổ giá ; còn ai đã nên một Chúa Giêsu, khổ giá sẽ biến thành Thánh Giá cứu độ.

Vậy chúng ta không được hiểu Lời Chúa kêu gọi mọi người vác thập giá theo sau Ngài là cố gắng khắc phục gian khổ trong đời, như một ngừơi làm cách mạng phải chấp nhận mọi gian nan. Ngừơi như thế chỉ là ngừơi có ý chí, có bản lãnh, tự nó không sinh sự sống đời đời, không có ơn cứu độ. Khi còn gặp đau khổ đến với Chúa không phải là xin cho con “nhân đức chịu vậy”, vì Chúa chẳng muốn ai phải gánh vác nặng nề, chính Chúa đã vác thập giá thay cho ta (theo Ga 19,17). Nên “ai mặc lấy Chúa Kitô” (x Gl 3,27 : Bài đọc II), thì được Ngài bổ sức cho, dù họ còn phải mang gánh nặng nề, như Ngài đã kêu gọi : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (x Mt 11,28-30). Bởi thế, Thánh vịnh dạy ta cầu nguyện : “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63/62,2 : Đáp ca).

THUỘC LÒNG.

            Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng (Mt 11,28-30).


 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: