BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Cv 6, 1-7
1 Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu
Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong
việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.2
Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà
bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải.3
Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần
Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.4
Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên
Chúa."5 Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông
Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông
Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một
người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái.6 Họ đưa các ông
ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.
7 Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và
tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất
đông các tư tế đón nhận đức tin.
ĐÁP
CA: Tv 32
Đ. Xin
đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như
chúng con hằng trông cậy nơi Ngài. (c 22)
1 Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa,kẻ ngay lành, nào
cất tiếng ngợi khen.2 Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng
Người, gảy muôn cung đàn sắt.
4 Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm
đều đáng cậy tin. 5 Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình
thương Chúa chan hoà mặt đất.
18 Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy
vào lòng Chúa yêu thương, 19 hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi
sống trong buổi cơ hàn.
BÀI GIẢNG
SÓNG
GIÓ TRONG CUỘC ĐỜI
Như ta đã biết trình thuật Hóa Bánh trong
đầu chương 6 của Tin Mừng Gioan, nhằm diễn tả Bí tích Thánh Thể, thì ngay sau
đó ông Gioan ghi nhận thuyền các môn đệ gặp sóng gió trên biển vì vắng Chúa Giêsu,
có ý dạy chúng ta: Dù chúng ta có được hiệp dâng Thánh Lễ mỗi ngày, đời ta vẫn
còn gặp sóng gió. Nhưng sóng gió bởi tội không ưu tiên làm tròn bổn phận chính
mà làm việc phụ, thì dường như không ai sám hối, tệ hại nhất, nhiều người lại bắt
chước lối sống này. Lịch sử Hội Thánh thời sơ khai,các Tông Đồ đã vấp phải lỗi
lầm này, vì các ngài được giáo dân tín nhiệm, đến nỗi họ bán hết tài sản góp
cho các Tông Đồ để chia sẻ đồng đều cho mọi người. Quả thật, bản chất việc làm
này là tốt, nhưng đấy chỉ là diễn tả dân Chúa sống thời cánh chung trong Nước
Trời chẳng ai thiếu thốn gì. Vì các Tông Đồ mải mê nhận tiền của dân dâng cúng
để chia sẻ mà xao nhãng bổn phận chính
là cầu nguyện và giảng Lời, hậu quả gây sóng gió trong cộng đoàn, các tín
hữu bất hòa với nhau ! Đúng là “hình thức
của Đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ” (2Tm
3,5). Thánh Augustin nói: “Bạn chạy khỏe
lắm đó, nhưng trật đường mất rồi”. Nhưng nhờ Chúa soi sáng cho các Tông Đồ
nhận biết mình đã chạy trật đường, nên các ông
chọn bảy người có uy tín trong dân gọi là Phó tế, để trao việc quản lý
tài sản của Giáo Hội và chia sẻ của cải cho mọi người không ai dư, không ai
thiếu ; còn các Tông Đồ trở về với nhiệm vụ chính là cầu nguyện và giảng Lời,
từ bấy giờ Hội Thánh được bình an và phát triển (x Cv 6,1-7: Bài đọc).
Cũng thế ngày nay nhiều chủ chăn trong
Hội Thánh đã đảo lộn sứ mệnh Chúa trao trong ngày lãnh Bí tích Thánh Tẩy, đặc
biệt khi lãnh nhận Bí tích Truyền Chức, sứ mệnh được Chúa trao qua Hội Thánh
là:
I- Tư Tế
(cầu nguyện)
II- Ngôn sứ (giảng Lời)
III- Vương đế (điều hành, quản trị, và phục
vụ cộng đoàn)”.
Thế nhưng nhiều vị triệt để tỏ uy
quyền vương đế. Nói cách khác đã đặt quyền vương đế trên hết (hạng III đưa lên
hạng I). Như thế chẳng giống Chúa Giêsu, Ngài vốn dĩ là Vua, nhưng xem ra Ngài
không thể hiện quyền Vua, cụ thể có lần một người xin Ngài can thiệp vào việc
chia gia tài, thì Ngài đã khước từ (x Lc 12,13-14) ; dân muốn tôn Ngài làm Vua
để có bánh ăn, Ngài cũng trốn (x Ga 6,14-15), mặc dù Ngài dư khả năng cho kẻ đói ăn và chữa
lành mọi bệnh tật, nhưng nếu vì việc ấy làm ngăn trở cầu nguyện và giảng Lời,
thì Ngài phải trốn vào nơi vắng để cầu nguyện chuẩn bị đi giảng Lời (x Mc
1,21-39). Như thế Đức Giêsu đã chu toàn sứ mệnh Vương đế bằng cách hết lòng với
sứ mệnh Tư tế và Ngôn sứ.
Dân Chúa hôm nay đang tái diễn cảnh
thất bại thời con cháu Noe xây tháp Babel: Lúc còn chung một ngôn ngữ, thì việc
xây tháp hy vọng chạm Trời, nhưng sự cố xảy đến, mỗi người nói một ngôn ngữ
khác nhau, nên việc xây tháp bất thành, mỗi người đi mỗi ngả (x St 11,1-9).Ngày
nay nhiều người Công Giáo bỏ Đạo, hoặc sang tôn giáo khác,cũng chỉ vì họ đến
Nhà Thờ nghe nhiều vị giảng cách tự biên
tự diễn, rất hiếm có người giảng đúng Luật Hội Thánh trong Hiến Chế Phụng Vụ
của Công Đồng Vat.II:
- Trong
việc cử hành Phụng Vụ, Kinh Thánh giữ vai trò tối quan trọng.Thực
vậy, Hội Thánh đã trích từ Kinh Thánh những Bài đọc để diễn giải trong Bài giảng…để
xúc tiến việc canh tân, phát triển và thích ứng Phụng Vụ, cần phải phát huy
lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà và sống động (số 24).
- Bài giảng thuộc phần hoạt động của
Phụng Vụ, nên phải có thời giờ thích hợp để giảng giải…Phải
hết sức trung thành chu toàn thừa tác vụ giảng
giải đúng với Nghi lễ. Tiên vàn bài giảng phải múc lấy từ nguồn Kinh Thánh
và Phụng Vụ , vì như thế là rao truyền việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch
sử cứu độ (số 35).
- Bài giảng phải căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm Đức Tin và
các Qui Tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ. Bài giảng rất đáng được coi như một phần
của chính Phụng Vụ (số 52).
Ngày 23 tháng 03 năm 2010, Đài Chân Lý
Á Châu lại đưa tin: Tổng Giám mục Pháp tại Paris, mùa Chay năm 2010 đã mời một
giáo trưởng Do Thái đến giảng Tĩnh Tâm tại Nhà Thờ Notre-Dame (Nhà Thờ Đức Bà),
nhiều giáo dân phản đối bằng việc lần hạt Mân Côi, thì bị đuổi ra khỏi Nhà Thờ.
Ta biết Do Thái giáo chỉ tin Đức Giêsu là một Ngôn Sứ, thì ông giáo trưởng Do
Thái đến giảng làm sao dẫn mọi người tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất? Thế
mà vị Tổng Giám mục này đã dùng quyền đuổi những người chống đối ra khỏi Nhà
Thờ ! Đó có phải là lạm quyền bính hay không ? Lẽ ra người bị đuổi là ông Giám
mục này mới phải ?
Nhìn vào đời sống Hội Thánh sau hơn 20
thế kỷ, tỷ lệ người Công Giáo bên Âu Châu không gia tăng, nhưng lại đi xuống
cách trầm trọng! Ngày 5 tháng giêng năm 2010, Đài Chân Lý Á Châu loan tin: “Công Giáo Hòa Lan cách đây 50 năm là một
nước có sức truyền giáo mạnh, nhưng ngày nay 41% tuyên bố vô thần, 58% không
còn biết gì về lễ Giáng Sinh nữa. Nhiều Nhà Thờ thành ký túc xá, tiệm buôn hoặc
biến thành Nhà Thờ Hồi Giáo ! Giới trẻ hiếm có người dạy giáo lý cho, nên chúng
không biết hỏi ai về niềm tin. Một số Linh
mục Dòng Đaminh và Dòng Tên chủ trương Thánh Lễ không cần Linh mục, chỉ
một số giáo dân quy tụ lại cầu nguyện để cùng đồng tế với nhau ! Công Giáo Hòa
Lan có nguy cơ biến mất !”
Những sự cố đau lòng trên đây chỉ vì
nhiều giáo sĩ bỏ bổn phận chính là cầu nguyện và giảng Lời mà làm việc phụ. Kìa
ông Jean-Bertrand Aristide, khi còn trong chức Linh mục phục vụ mọi người, toàn
dân nước Haiti ai cũng ca tụng như vị Thánh sống. Vì quá tin tưởng vào khả năng
của mình, cha đã xin Tòa Thánh cho phép ra ứng cử Tổng Thống. Nhưng chỉ sau bốn
tháng đắc cử, toàn dân Haiti quay chống đối ngài kịch liệt, khiến ông A-rít-tít
phải sống lưu vong bên Mỹ. Bốn năm sau, Hoa Kỳ tạo điều kiện cho ông A-rít-tít
trở về nước để được tái ứng cử chức Tổng Thống. Dù lần bỏ phiếu này ông
A-rít-tít cũng đắc cử, nhưng toàn dân lại chống đối mãnh liệt hơn, người ta cho
là ông vì gian lận mà thắng cử! Thế là ông A-rít-rít lại một lần nữa phải chuồn
ra ngoại quốc trong tủi nhục! Sự cố này đã minh chứng: Chúa đã đặt để ông
A-rít-tít là Linh mục với bổn phận chính là cầu nguyện và giảng Lời, thì ông
lại bỏ mà tham gia vào chính quyền, cuối cùng gây sóng gió cho cả nước!
Thánh Gioan Maria Vianey nhận xét về bổn
phận của Linh mục đối với giáo dân: “Linh
mục thánh thiện, giáo dân đạo đức ; Linh mục đạo đức, giáo dân tầm thường ;
Linh mục tầm thường, giáo dân ra quỷ”. Nhận định này cho phép chúng ta suy
ra: “Giám
mục thánh thiện, Linh mục đạo đức ; Giám mục đạo đức, Linh mục tầm thường ;
Giám mục tầm thường, Linh mục ra quỷ ; Linh mục ra quỷ, giáo dân chia rẽ, nhiều
người bỏ Đạo!”
Tại sao khi sóng gió xảy đến, ta lại quy
trách nhiệm cho Thiên Chúa làm khổ con người,mà chính mình không biết đấm ngực
sám hối vì đã không chu toàn bổn phận chính mà làm việc phụ!
Vậy hãy sám hối và cầu nguyện, vì “Đức Kitô nay đã phục sinh, chính Người đã
tạo thành vạn vật, và xót thương cứu độ loài người” (Tung Hô Tin Mừng), “xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy
Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33/32,22: Đáp ca).
THUỘC
LÒNG
Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II nhắc
nhở cho hàng giáo sĩ: “Một mối nguy
thường xuyên nơi các chủ chăn trong Hội Thánh là năng nổ, đắm chìm trong công
việc của Chúa, mà quên mất Chúa (bỏ cầu nguyện) của công việc”.
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH