BÀI GIẢNG
TRẺ THƠ, MẪU NGƯỜI VÀO NƯỚC TRỜI
Trong một giấc mơ,
tôi thấy một đoàn người đông vô số kể, thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, ai
cũng chen nhau muốn đến trình diện Chúa để được vào Thiên Đàng trước. Ông
Phê-rô đã được Chúa trao chìa khóa Nước Trời, nên ông luôn túc trực tại Cổng,
để bất cứ ai muốn qua Cửa Trời vào gặp Chúa, thì ông phải xét duyệt lý lịch họ
trước, trừ phi là con nít.
Một vị mặc áo vua,
đội mũ cà cuống, cầm gậy vàng tiến đến, ông Phê-rô hỏi :
-
Ngươi là ai?
-
Thưa con là Tổng Giám mục ạ.
-
Tổng Giám mục à, đứng qua một bên, đợi đã.
Một vị khác tiến đến
mặc áo dòng, tay cầm cuốn Kinh Thánh, ông Phê-rô hỏi :
-
Ngươi là ai?
-
Dạ, con là cha Sở.
-
Cha Sở à, cũng đứng qua bên, hậu xét.
…..
Và còn biết bao
nhiêu đấng bậc khác, cứ chen nhau tiến vào, nhưng ai cũng bị ông Phê-rô bảo đứng
một bên chờ. Bất ngờ có một cụ già chống gậy bước tới. Ông Phê-rô hỏi :
-
Ngươi là ai?
-
Bẩm thưa ngài, con là con nít ạ!
-
Con nít à, vô lẹ đi con!
Ông Phê-rô cho “ông
cụ non” vào Thiên Đàng ngay mà không cần xét duyệt lý lịch, vì ông nhớ Lời Thầy
Giê-su đã nói trước: “Ai không đón nhận
lấy Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc
10,15: Tin Mừng).
Nghĩa là Chúa muốn mọi
người phải sống năm đặc tính của trẻ nhỏ mà Kinh Thánh đã lưu ý:
1. “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa, Israel ơi, từ nay đến mãi muôn đời
muôn năm” (Tv 131/130,2b-3). Thực vậy, trẻ thơ lớn lên nhờ lệ thuộc vào
tình thương của cha mẹ ấp ủ em, quan trọng hơn lương thực nuôi em. Bởi thế một
em bé nuôi trong nhà trẻ không thể phát triển đầy đủ bằng một em được chăm sóc
dưới bàn tay cha mẹ trong gia đình. Vì vậy Chúa phán: “Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy
nhớ lại xem bởi lý do nào mà ra sa đọa, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã
làm thuở ban đầu ” (Kh 2,4-5). Lòng mến thuở ban đầu phải là tình yêu của
trẻ con hoàn toàn gắn bó với cha mẹ nó ; tương tự thuở còn nhỏ, ta rất thích
theo cha mẹ đến Nhà Thờ để dự Lễ và học giáo lý, tiếc rằng khi lớn, ta đã bỏ
mất lòng mến ấy. Lòng mến đối với đồng loại cần nhất là quan tâm giúp đỡ các
bệnh nhân. Thánh Gia-cô-bê nói: “Ai trong
anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu
nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin
sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội,
thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để
được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực”
(Gc 5,14-16: Bài đọc năm chẵn). Lời cầu nguyện cho bệnh nhân như “hương trầm bay tỏa trước Thánh Nhan” (Tv
141/140,2a: ĐC năm chẵn).
2. Làm việc gì, sử dụng gì, ta phải cầu nguyện xin ý Chúa, như trẻ thơ muốn gì
phải hỏi ý kiến cha mẹ (x Gl 4,1-3). Tác giả sách Huấn ca nói về tình thương
Chúa ban muôn vàn ơn: “Người đã ban cho
nó một số ngày và một khoảng thời gian,cho nó quyền thống trị vạn vật trên mặt
đất. Người mặc cho nó sức mạnh tương xứng với mình, và theo hình ảnh mình mà
làm ra nó. Người phú bẩm cho mọi xác phàm lòng kính sợ Người,để chúng thống trị
muông chim cầm thú. Người ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và trái tim
để chúng suy nghĩ. Người làm cho chúng được đầy kiến thức thông minh, tỏ cho
chúng biết điều tốt điều xấu” (Hc 17,2-7: Bài đọc năm lẻ). Thực vậy, “ân tình Chúa thiên thu vạn đại, Chúa dành
cho ai kính sợ Người” (Tv 103/102,17: ĐC năm lẻ).
3. Không đòi phải được người khác quan tâm, như đàn bà trẻ con
thường không được quan tâm trong các bữa tiệc, vì người ta chỉ chú ý đến các ông (x Mt 14,21).
Thánh Gia-cô-bê nói: “Thiên Chúa chống
lại kẻ tự tôn, nhưng ban ơn cho kẻ tự hạ” (Gc 4,6.10). Ai tự hạ mình thì
cần phải quan tâm đến những người sống trong tội lỗi, như lời thánh Gia-cô-bê
nói: “Nếu có người nào trong anh em lạc
xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm
cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết
và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình”
(Gc 5,19-20: Bài đọc năm chẵn).
4. Có giận dữ bất hòa thì như con nít thôi(x 1Cr 14,20). Trẻ con chơi với nhau thế nào cũng có bất hòa, chúng tìm đến ông bà cha mẹ để
xin bênh đỡ. Nhưng chỉ một lát sau chúng lại vui vẻ chơi với nhau. Thánh
Gia-cô-bê nói: “Anh em hãy phục tùng phục
Thiên Chúa, hãy chống lại ma quỷ ; chúng sẽ chạy xa anh em. Hãy đến gần Thiên
Chúa, Người sẽ đến gần anh em ; hãy cảm cho thấu nỗi khốn cùng của anh em,hãy
khóc lóc than van.” (Gc 4, 7-8: Bài
đọc năm chẵn). Thánh Gia-cô-bê nói: “Ai
trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy
hát thánh ca” (Gc 5,13: Bài đọc năm chẵn).
5. Phải luôn lo thăng tiến tinh thần nhờ ham học hỏicũng như dễ dàng đón nhận như trẻ thơ, để thoát ra sự khờ dại của
mình. Thánh Phao-lô nói: “Khi tôi còn là
trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con;
nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con”
(1Cr 13,11). Nghĩa là trẻ con nói trước hiểu sau ; nhưng người lớn thì ngược
lại, suy nghĩ, hiểu biết rồi mới nói. Tác giả sách Huấn ca dạy: “Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng,để
chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người.Danh thánh Người, chúng sẽ ca
ngợi,những công trình vĩ đại của Người, chúng sẽ kể ra” (Hc 17,8.10: Bài
đọc năm lẻ). Vì thế Đức Giê-su tạ ơn Chúa Cha thay cho chúng ta: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi
khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn”
(Mt 11,25: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Anh em có giận dữ bất hòa thì như con nít thôi! (1Cr 14,20)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH