BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I : Xh 3,1-8a.13-15
1 Bấy giờ ông Mô-sê
đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên
kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp.2 Thiên sứ của
Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây.
Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi.3
Ông tự bảo: "Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao
bụi cây lại không cháy rụi? "4
Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên
Chúa gọi ông: "Mô-sê! Mô-sê! " Ông thưa: "Dạ, tôi đây! "5 Người phán: "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân
ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh."6 Người lại phán:
"Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của
I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp." Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải
Thiên Chúa.
7 Đức Chúa
phán: "Ta đã thấy rõ cảnh
khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành
hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng.8 Ta xuống giải thoát
chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi,
rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.”
13 Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: "Bây giờ,
con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai
tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với
họ làm sao?" 14 Thiên Chúa phán
với ông Mô-sê: "Ta là Đấng Hiện Hữu." Người phán: "Ngươi nói với
con cái Ít-ra-en thế này: "Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em."15
Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: "Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế
này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên
Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến
với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng
mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia."
ĐÁP CA
: Tv 102
Đ. 8a Chúa là
Đấng từ bi nhân hậu.
1 Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân
tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! 2
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
3 Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,thương
chữa lành các bệnh tật ngươi.4 Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,
6 Chúa phân xử công minh, bênh quyền lợi những
ai bị áp bức, 7 mạc khải cho Mô-sê
biết đường lối của Người,cho con cái nhà Ít-ra-en thấy những kỳ công Người thực
hiện.
8 Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,Người chậm giận
và giàu tình thương, 11 Như trời xanh
trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
BÀI ĐỌC II : 1Cr 10,1-6.10-12
1 Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng
hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây,
tất cả đều vượt qua Biển Đỏ.2 Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới
đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê.3 Tất cả cùng ăn một
thức ăn linh thiêng,4 tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì
họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy
chính là Đức Ki-tô.5 Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa,
bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc.
6 Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn
dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta. 10
Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách, như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách:
họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt.11 Những sự việc này xảy ra cho họ
để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang
sống trong thời sau hết này.12 Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng
vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.
BÀI GIẢNG
LÀM LÀNH VÀ SÁM HỐI
ĐỂ ĐƯỢC GIẢI PHÓNG !
Chúa nhật II mùa Chay vừa qua, Đức Giêsu
hé mở cho ba môn đệ thấy trước giá trị ơn cứu độ (qua Hiển Dung), và sau đó,
Chúa giục các ông cùng đi xuống núi với Ngài, để đưa cả nhân loại vào vinh
quang ấy. Nhưng ai muốn được vinh quang của ơn cứu độ, họ phải trải qua đau
khổ. Do đó, các Bài đọc trong Thánh lễ hôm nay :
I. NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY NÊN ĐAU KHỔ.
Đã
là người, ai ai cũng phải hứng chịu đau khổ ít nhất là một trong ba nguyên nhân,
và thường là cả ba nguyên nhân gây đau khổ như sau :
1/
Đau khổ do tội người khác gây nên.
Cụ
thể những người Galilê đang dâng lễ bị tổng trấn Philatô giết khiến máu đổ ra
hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng (x Lc 13,1 : Tin Mừng).
2/ Đau khổ
do tội mình gây nên.
Thánh
Phaolô trong Bài đọc II nhắc lại thái độ vô ơn của dân Do Thái trong sa mạc, họ
kêu trách Thiên Chúa vì nhàm chán của ăn nước uống Chúa ban hằng ngày cho họ
dùng! Bởi đó họ đòi ông Môsê dẫn họ trở lại làm nô lệ Ai Cập, miễn là được ngồi
bên niêu thịt (x Xh 17).Vì tội ấy, Chúa cho rắn trong rừng bò ra cắn chết
23.000 người nội trong một ngày ! (x I Cr 10,1-12 : Bài đọc II)
3/
Đau khổ do thiên nhiên gây nên.
Đan
cử 18 người đang tham quan tháp Silôam, thình lình ngọn tháp sụp đổ chôn sống
tất cả trong lòng đất ! (x Lc 13,4 : Tin Mừng)
II. Ý THỨC VỀ GIÁ TRỊ ĐAU KHỔ.
1/
Nếu đau khổ do tội người khác gây nên
: Ta biết ác tính của tội luôn mang chiều kích xã hội, nghĩa là nó không chỉ
gây tai họa cho người vi phạm mà thôi, mà nhiều khi người vô tội lại phải chuốc
lấy hậu qủa khó lường. Cụ thể như vua Pharaon vì ghen tỵ với người Do Thái,
thấy họ thành công, nên vua ra lệnh cho các bà đỡ, nếu gặp đàn bà Do Thái sinh
con trai thì phải bóp chết ngay, còn con gái thì tha (x Xh 1,15t) ; Hoặc vua Hêrôđê nghe tin hài
nhi nào đó mới sinh ra để làm vua, ông chắc ăn ra lệnh giết tất cả các trẻ từ 2
tuổi trở xuống ở vùng Bêlem (x Mt 2), nhưng nếu Chúa không cho phép kẻ ác làm
hại người của Chúa, thì “chúng có bầy mưu
tính kế thâm độc cũng thất bại! Chúa ngồi trên trời mà cười nhạo chúng” (Tv
2,4).
Khi
ta phải hứng chịu hậu quả do tội người khác gây ra, đó chính là dấu chỉ ta được
thông phần đau khổ với Đức Kitô, vì Ngài vốn dĩ là Đấng vô tội, nhưng đã gánh
lấy tội loài người (x Ga 1,29). Để ứng nghiệm Lời Thánh Kinh nói : “Lời
kẻ thóa mạ Ngài này chính con hứng chịu” (Tv 69/68,10b). Thánh Phaolô gọi
đây là cách ta được cộng tác với đau khổ của Đức Giêsu để làm hoàn tất chương
trình cứu độ loài người (x Cl 1,24).
2/
Nếu khổ vì tội mình.
*
Có giá trị như một cái thắng, như rào cản không cho phép ta lún sâu vào tội ác.
Đan cử : đứa con hoang đường đã phung phí hết tài sản người cha chia cho với
bọn đàng điếm, nó lâm vào cảnh đói khổ đến nỗi cám heo cũng không có mà ăn, lúc
đó nó mới thức tỉnh trở về với cha (x Lc 15,11t).
*
Đau khổ bởi tội mình gây ra còn có giá trị giúp ta sống khiêm tốn, như thánh
Phaolô nói : “Để mạc khải cao siêu khỏi
làm tôi quá tự tôn, thì tôi đã được một cái dằm đâm vào thân xác, một thần sứ
satan để nó vả mặt tôi” (2 Cr 12,7).
3/
Nếu gặp khổ do thiên nhiên, có giá
trị giúp ta nhận thức rằng :
Không bám víu vào tạo vật mà
tôn thờ nó như chúa tể để nương nhờ. Do đó hướng lòng ta chỉ tôn thờ duy một
Thiên Chúa, Ngài là Đấng toàn năng đưa ta vào cõi sống hạnh phúc vĩnh hằng. Đan
cử như tháp Siloam đè chết 18 người, tâm lý dân gian khi thấy thế, ai cũng nghĩ
kẻ bị tháp đè chết là do tội của họ bị Chúa
phạt ! Đức Giêsu giải thích ngay : “không
phải họ có tội hơn người khác mà bị phạt, nhưng nếu người ta không sám hối, thì
cũng sẽ bị tiêu diệt in như thế !” (x
Lc 13, 3-5: Tin Mừng). Thánh Augustin nói : “Bạn đừng sợ cách chết dữ, mà hãy
sợ cách sống dữ. Nếu sống lành ắt chết lành, dù cách chết dữ ; Nếu sống dữ ắt
chết dữ, dù cách chết lành”.
Một
vị Giáo sư Đại học hỏi thách sinh viên mình : "Mọi vật hiện hữu đều
do Chúa tạo thành?"
Một
sinh viên mạnh dạn đáp : "Đúng như ngài nói!" Giáo sư gặng:
"Nghĩa là Chúa tạo thành mọi sự?" Sinh viên nọ vẫn : "Vâng ạ
!" Giáo sư bèn :"Nếu Chúa tạo thành mọi sự hẳn Chúa
cũng đã tạo ra sự dữ, bởi sự dữ (đang) hiện hữu, và theo nguyên tắc muốn biết
một người ra sao, cứ nhìn vào việc họ làm - (bởi Chúa đã tạo nên sự dữ),
thì Chúa cũng là sự dữ vậy!" Sinh viên nọ nín thinh trước
lập luận ấy. Vị Giáo sư hả hê, "nổ " với đám sinh viên rằng lại một
lần nữa, ông ta đã chứng minh được đức tin Kitô giáo chỉ là chuyện hoang đường.
Một
sinh viên khác giơ tay : "Giáo sư có thể cho em hỏi một câu ?"
-
"Xin mời !", Giáo sư đáp. Sinh viên ấy đứng lên : "Thưa
Giáo sư, vậy (sự) lạnh có hiện hữu không ạ ?"
-
"Sao lại không, hỏi hay nhỉ, anh chưa bị lạnh lần nào chắc ?" Câu
hỏi của chàng sinh viên trẻ làm đám sinh viên còn lại khúc khích.
-
Chàng sinh viên ung dung : "Thưa
Giáo sư, thật ra lạnh không hiện hữu. Theo các quy luật vật lý, cái được gọi là
lạnh chẳng qua là sự thiếu nhiệt lượng (nóng). Ở nhiệt độ ấy mọi vật thể đều trơ và không có
phản ứng. Vậy (sự) lạnh không hiện hữu, chúng ta chỉ tạo ra khái niệm ấy để
mô tả cảm giác khi chúng ta thiếu nhiệt lượng."
Chàng
sinh viên tiếp : "Thưa Giáo sư, bóng tối có hiện hữu ?"
Giáo
sư trả lời : "Tất nhiên là có."Chàng sinh viên đáp lại : " E rằng Giáo sư lại lầm, cả bóng tối
cũng chẳng hiện hữu. Bóng tối thật ra chỉ là (sự) thiếu ánh sáng. Người ta
không thể đo lường bóng tối, nhưng một tia đơn sắc của ánh sáng có thể xuyên
vào và làm bóng tối ửng sáng. Điều đó cho biết làm sao người ta có thể xác định
độ tối của một không gian nào đó : bằng cách đo (ngược lại) lượng ánh sáng tại
chỗ. Đúng không ạ ? Vậy bóng tối chỉ là thuật ngữ được con người sử dụng để
mô tả trạng thái không có ánh sáng.
sau
cùng chàng sinh viên hỏi vị Giáo sư: "Vậy thưa Thầy, sự dữ hiện hữu
chứ ?"
Giờ
thì đã kém cả quyết, Giáo sư gượng : "Tất nhiên là có, như tôi đã nói.
Chúng ta thấy sự dữ hằng ngày, trong chứng cứ thường nhật về xử sự bất nhân
giữa người và người, trong vô vàn tội ác và bạo lực khắp thế giới. Những biểu
thị ấy là gì, nếu không là sự dữ ?"Đáp lại, chàng sinh viên nói : "Xin thưa : sự dữ không hiện hữu, hoặc chí ít
cũng chẳng hiện hữu cho chính nó (..or at least it does not exist unto itself).
- Như đã nói về lạnh và bóng tối, sự dữ chỉ
là việc thiếu sự hiện diện của Chúa, chỉ là từ ngữ con người tạo ra để diễn tả
việc Chúa không ngự đến. Chúa không tạo ra sự dữ. Sự dữ là hậu quả khi Tình
Yêu của Chúa không hiện diện trong tim chúng ta, hệt như cơn lạnh ùa đến khi ta
không còn hơi ấm, hệt như bóng tối bủa vây khi ta mất đi ánh sáng.
Thưa giáo sư, khi
giáo sư dạy học trò muốn tìm diện tích hình tròn, thì phải lấy bán kính nhân
với bán kính của hình tròn đó và nhân với 3,1416. Nhưng học trò lại nghĩ rằng
làm như thế phức tạp cứ lấy chu vi nhân với đường kính của vòng tròn là có đáp
số. Thưa giáo sư đáp số đúng hay sai ? Và người khác có quyền lên án giáo sư
dạy học trò ngu dốt không biết tính diện tích của vòng tròn không ? Thưa giáo
sư, sở dĩ có sự dữ, có sai lầm nơi con người cũng chỉ vì người ta không làm
đúng với Lời Chúa dạy, thế mà có người lại quy lỗi cho Thiên Chúa, giáo sư nghĩ
sao ?"
Vị
Giáo sư ngồi phịch.
Sau
giờ học, vị giáo sư gặp riêng mấy sinh viên hỏi : “Sinh viên lúc nãy đặt
câu hỏi với tôi, cậu ta là ai ?”
Một
sinh viên đáp : “Thưa giáo sư, đó là Albert Einstein” .
(Ông
là người gốc Do-thái, sinh năm 1879, mất
năm 1955, là một nhà Vật lý học Bác học lỗi lạc, lưu lạc bên Đức, rồi sau Đệ
nhị thế chiến về làm việc ở Mỹ. Einstein là cha đẻ của thuyết tương đối, ông đã
canh tân về tư tưởng về bản chất của không gian và thời gian, và đã hình thành
căn bản lý thuyết cho việc khai thác nguyên tử năng. Đo những lý giải về hiệu
ứng quang điện. Ông được trao tặng giải thưởng Nobel năm 1921).
Vậy có những tai họa Chúa cho phép
nó xảy ra để trở nên dấu chỉ răn dạy kẻ có tội, là cơ hội giúp con người xét
mình, mà sám hối tội mình phạm. Đó là cách Chúa huấn luyện con người.
III. CÁCH GIẢI
QUYẾT ĐAU KHỔ ĐỂ ĐẠT VINH QUANG.
1/ Cần có người thủ lãnh can thiệp.
- Xưa người Do Thái muốn thoát ách
nô lệ Ai Cập, cũng như không để rắn cắn, họ phải cần có ông Môsê đứng lãnh đạo
và bầu cử trước mặt Thiên Chúa (x Xh 3 ;
Ds 21,4t).
* Nay tội nhân muốn được yên lành,
họ cần phải nhờ Đức Giêsu, cùng Hội Thánh đứng ra cầu xin Thiên Chúa Cha khoan
dung và ban ơn cho tội nhân biết sám hối và làm việc lành như người canh tác
vườn xin ông chủ gia hạn thêm một năm để bón tưới cho cây vả đã ba năm không
sinh trái ! (x Lc 13,8 : Tin Mừng)
2/ Đừng cậy dựa vào vật chất, nhưng chỉ tin tưởng vào Thiên Chúa.
Sự thịnh vượng của dân Do Thái đã
làm cớ cho bọn Ai Cập ganh ghét, nên bắt người Do Thái làm nô lệ (x St 1,8t).
Thế mà khi họ được giải thoát khỏi nô lệ Ai Cập, họ không biết ơn Chúa đã dùng
ông Môsê dẫn dắt họ, lúc gặp khổ họ lại muốn ném đá cho ông chết để họ trở lại
Ai Cập làm nô lệ !
Kìa, ông Môsê, một tội nhân đang bị
Ai Cập truy nã, thế mà bỗng nhiên ông trở thành bậc vĩ nhân, đứng ra lãnh đạo
dân Chúa, chống lại cường quốc Ai Cập ! Ông Môsê nhờ đâu mà được như thế? Nếu
không phải là Chúa đòi ông sống nghèo, biết tin tưởng phó thác tuyệt đối nơi
Ngài, đến nỗi còn một đôi dép để bảo vệ đôi chân mà Chúa cũng bắt ông phải bỏ
ra ! Bởi vì ai đến với Chúa, họ chẳng thiếu thốn sự gì, đúng với Danh Thiên
Chúa đã mạc khải cho ông : “Ta là Đấng Có!”
Ông Môsê còn trở nên vị thủ lãnh vĩ
đại hơn nữa là nhờ ông được phúc đón nhận Lời Chúa ở trong rừng, Thiên Chúa nói
chuyện với ông trong ngọn lửa cháy giữa bụi gai, điều này báo trước Thiên Chúa
sẽ ban Lời cho ông để truyền lại dân ở trên núi Sinai, vì trong tiếng Do Thái,
chữ bụi gai cũng na ná từ Sinai (x Xh 3,1-15 : Bài đọc I).
Vậy Thiên Chúa kêu gọi chúng ta
sám hối và làm điều lành như cây vả lớn
sinh nhiều trái (x Lc 13,6-7 : Tin Mừng). Cụ thể và quan trọng nhất là :
a- Hãy nghe
lời các chủ chăn dẫn dắt ta vào Hội Thánh, như dân Do Thái được ông Môsê
dẫn về miền đất Hứa, và ông đã nói với dân : “Hãy kêu cầu danh Chúa, từ đời nọ đến đời kia. Thiên Chúa sai tôi đến
nói với anh em rằng : Danh Chúa là “Đấng Hiện Hữu”, anh em hãy dùng mà kêu cầu
Ngài từ đời nọ đến đời kia” (Xh
3,13-15 : Bài đọc I).
b- Ta hãy kết hợp
với Đức Giê-su Kitô, Ngài thương ta hơn ông Môsê. Cụ thể khi dân Do Thái
được ông Môsê dẫn họ ra khỏi kiếp nô lệ Ai Cập, thay vì tôn thờ Chúa họ đã đúc
bò vàng, Chúa nổi giận muốn tiêu diệt họ và ban cho ông Môsê lãnh đạo một dân
tộc khác lớn hơn, nhưng ông Môsê thưa với Chúa : “Làm sao Chúa lại bừng bừng nộ khí với dân như vậy, mà Người đã dẫn họ
ra khỏi đất Ai-cập với sức mạnh lớn lao và cánh tay hùng mạnh ? Bọn Ai-cập sẽ
rêu rao được rằng : chính bởi manh tâm mà Người đã dẫn chúng ra đi để giết
chúng nơi sa mạc và tận diệt chúng khỏi mặt đất ? Xin hãy thu hồi nộ khí nóng
nảy của Chúa mà hồi lại điều dữ ngăm đe dân Người. Xin hãy nhớ lại Lời Chúa đã
hứa với tổ phụ họ : Ta sẽ cho dòng giống ngươi đông như sao trời như cát biển. Bây
giờ ước gì Người miễn chấp tội chúng … bằng không xin Người hãy xóa tên tôi đi
khỏi Sách Người đã viết” (Xh 32,7-14.32).
Vào thời Thiên Chúa ra tay cứu dân, loài
người còn tồi tệ hơn dân Do-thái xưa đúc bò vàng tôn thờ, thế nhưng Chúa Cha đã
không diệt ai, mà lại “phó nộp Con Một
của Ngài vì chúng ta hết thảy, làm sao Người lại không gia ân vạn sự cho ta làm
một với Ngài” (Rm 8,32).
c- Ta cần
được nuôi sống bởi thực hành ý Chúa, như Đức Giêsu đang lúc đói khát, các
môn đệ mời Ngài ăn bánh, Ngài trả lời : “Thầy
có của ăn rồi, của ăn của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Chúng
ta cũng được Chúa ban của ăn đặc thù sau khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy là hằng
ngày được nuôi dưỡng bởi Lời và ơn Chúa trong các Bí tích, đặc biệt là Bí tích
Thánh Thể, để được sống sung mãn vì được thông hiệp cùng một sự sống với Thiên
Chúa, dù có chết cũng được sống lại vinh hiển như Ngài (x Ga 6,27-58). Để rồi
có khả năng đi phục vụ đồng loại dưới ánh sáng Tin Mừng, như Đức Giêsu thực thi
ý Cha trên trời là của ăn làm no thỏa lòng người hơn của ăn vật chất. Vì thế thánh
Phaolô nói : “Tất cả chúng ta cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một
thức uống linh thiêng, xuất phát từ tảng đá là chính Đức Kitô. Hơn dân Do Thái,
họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ, nhưng phần
đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc” (1Cr 10,2-5 : Bài đọc II).
Vậy đừng thấy mình còn được sống phây phây,
luôn gặp vận hên, còn người khác luôn xui xẻo, khốn khổ, thì tưởng là mình đạo
đức tốt lành hơn họ ! Thánh Phaolô cảnh báo : “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã !” (1Cr 10,12) Nhưng hãy nhìn điều dữ người khác phải chịu
là dấu tra vấn cách sống của mình, mà tiến thân trong lòng tin và đức mến !
Như
thế mới được “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,thương chữa lành các bệnh tật
ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân
nghĩa với lượng hải hà” (Tv 103/102,3-4 : Đáp ca)
THUỘC LÒNG.
Ai
tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã ! (1Cr 10,12)
LM GIUSE ĐINH QUANG THỊNH