Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
LỄ THÁNH GIA THẤT Năm C
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI ĐỌC I : 1Sm 1,20-22.24-28

            20 Ngày qua tháng lại, bà An-na thụ thai, sinh con trai và đặt tên cho nó là Sa-mu-en, vì bà nói: "Tôi đã xin Đức Chúa được nó."21 Người chồng là En-ca-na lên với cả gia đình để dâng hy lễ thường niên cho Đức Chúa và để giữ trọn lời khấn hứa của mình.22 Bà An-na không lên, vì bà nói với chồng: "Đợi cho đến khi đứa trẻ cai sữa đã. Khi đó em sẽ đưa nó đi, nó sẽ ra mắt Đức Chúa và sẽ ở lại đó mãi mãi."

            24 Sau khi cai sữa cho con, bà đưa nó lên với mình, mang theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu. Bà đưa con vào Nhà Đức Chúa tại Si-lô; đứa trẻ còn nhỏ lắm. 25 Họ sát tế con bò và đưa đứa trẻ đến với ông Ê-li.26 Bà nói: "Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề: tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với Đức Chúa.27 Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người.28 Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa." Và ở đó, họ thờ lạy Đức Chúa.

ĐÁP CA : Tv 83

Đ. 5a    Lạy Chúa, phúc thay người ở trong nhà Chúa.

2 Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái. 3 Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.

5 Phúc thay người ở trong thánh điện họ luôn luôn được hát mừng Ngài. 6 Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương.

9 Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, xin đoái nghe lời con cầu nguyện. Xin lắng tai, lạy Chúa nhà Gia-cóp. 10 Lạy Chúa là khiên mộc chở che, xin thương xem nhìn đến gương mặt đấng Ngài đã xức dầu.

BÀI ĐỌC II : 1Ga 3,1-2.21-24

            Anh em thân mến, 1 anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người. 2 Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

            21 Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. 22 Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người.23 Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta. 24 Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : Cv 16,14b

            Hall-Hall : Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe Lời của Con Chúa. Hall.

TIN MỪNG : Lc 2, 41-52

            41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy tấn sĩ, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! "49 Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

BÀI GIẢNG

HAI NGÔI NHÀ CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

            Ai là người Kitô hữu cũng biết mình được sinh ra bởi :

+     Cha mẹ trần thế.

+     Cha trên trời.

            Thực vậy, nếu không có Cha trên trời, cũng không thể có cha mẹ trần thế. Bài đọc I minh chứng điều này : Hai vợ chồng Encana và Anna đã cao niên, họ khao khát có con, nhưng tuyệt vọng, vì cả hai ông bà đã hết khả năng sinh con! Thế mà bà Anna vẫn tin tưởng vào Thiên Chúa toàn năng, bà không ngớt cầu nguyện đêm ngày, nhờ đó Chúa đã cho bà sinh cậu Samuel (x 1Sm 1,20t : Bài đọc I).

            Đối với người Kitô hữu còn phải ý thức rằng : nếu không nhờ Con Thiên Chúa làm người, thì họ không thể được tái sinh làm dưỡng tử của Thiên Chúa. Bởi vì, dù họ có được cha mẹ sinh ra, họ cũng chỉ là loài thụ tạo cao cấp (x Mc 16,15), chẳng hơn gì các loài thụ tạo khác (x 1Cr 15,45), hoặc có cảm giác sợ hãi, yêu thích, chạy tới, tháo lui, ăn uống ngủ nghỉ, thì cũng chỉ là loài thú : sự chết của con người giống cái chết của thú (x Gv 3,18-19).

            Ý thức làm người Kitô hữu đã được sinh ra bởi Thiên Chúa và cha mẹ, thì cũng phải ý thức mình có hai hộ khẩu trên trời và dưới thế : Nhà ở với cha mẹ trần thế và Ngôi Nhà được sống đời đời với Cha trên trời. Do đó, họ phải có bổn phận đối với cả hai nhà : nỗ lực xây nhà trần thế, nhưng đừng quên Ngôi Nhà trên trời còn quan trọng hơn nhiều. Vì thế, trong nghi thức di quan, vị chủ sự đọc : “Ngôi nhà trần thế là lều tạm này, nay đã bị phá hủy đi, thì lại được Ngôi Đền vĩnh cửu do Cha trên trời sắm sẵn…”.

I. BỔN PHẬN CON CÁI ĐỐI VỚI CHA MẸ TRẦN THẾ.

            Nhìn vào gương sống của Đức Giêsu, ta thấy dù Ngài ý thức việc giảng Lời Chúa là quan trọng đến nỗi phải trốn cha mẹ ở lại đền thờ giảng giải cho các bậc Tiến sĩ Luật đã ba ngày, thế mà Ngài vẫn phải vâng lời cha mẹ, trở về nhà ở Nazareth làm mọi việc trong gia đình đến năm 30 tuổi (x Lc 2,51 : Tin Mừng ; Lc 3,23). Nhìn về gia đình Nazareth, Đức Phaolô VI nói vào ngày 05/01/1964 rằng:

            Nazareth là trường học nơi đó chúng ta bắt đầu hiểu về cuộc đời Đức Giêsu ; đó là trường dạy Tin Mừng …Trước hết là bài học về thinh lặng, đặc biệt nơi thánh Giuse. Ước gì chúng ta biết quý chuộng sự thinh lặng, vì đó là bầu khí tuyệt vời và tối cần cho tâm hồn… Kế đến là bài học về đời sống gia đình. Ước gì Nazareth dạy chúng ta biết thế nào là gia đình hòa hợp yêu thương, là nét đẹp của đời sống đạm bạc và đơn sơ, cùng tính thánh thiêng và bền vững của gia đình… Tiếp theo là bài học về lao động. Ôi Nazareth, ngôi nhà của “con bác thợ mộc”, chính tại đây, chúng ta ước ao được thấu hiểu và đề cao bổn phận lao động của con người, tuy nhọc nhằn nhưng đem lại ơn cứu chuộc… Sau hết chúng tôi ước ao được chào mừng ở đây mọi người lao động trên toàn thế giới, và chỉ cho họ mẫu mực vĩ đại, người Anh Thần Linh của họ là Đức Giêsu : Ngài là Cha, là Mẹ, là Thầy, là Anh, là Bạn đang đồng hành với họ.”

II. BỔN PHẬN ĐỐI VỚI CHA TRÊN TRỜI QUAN TRỌNG HƠN CHA MẸ TRẦN THẾ.

            Người Kitô hữu có bổn phận lo lắng phục vụ gia đình trần thế, nhưng không được xao nhãng hay coi nhẹ bổn phận đối với Nhà Cha trên trời. Cụ thể lo việc Nhà Cha trên trời bắt đầu ngay từ đời này, bằng cách lo cho mọi người biết ý Chúa, giúp mọi người thực thi ý Ngài, để  họ trở thành con Chúa trong Hội Thánh, hầu mai sau được sống hạnh phúc vĩnh cửu trong nhà Cha trên trời. Ta hãy nhìn vào mẫu gương Chúa Giêsu, Ngài hết lòng chu toàn việc nhà Cha và đã phải trả giá cao biết chừng nào :

            Theo luật Do Thái, ai ở xa đền thờ Giêrusalem một ngày đàng, khi lên 12 tuổi, hằng năm họ phải đi dự ba lễ ở Đền Thờ : lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần, lễ Lều Trại. Còn ai ở xa như Nazareth thì không buộc phải đi lễ (x Xh 23,14-17), thế mà Đức Giêsu sống ở miền Nazareth, khi lên 12 tuổi, Ngài đã đi lên Giêrusalem dự lễ ! Bởi vì “phúc thay người ở trong Nhà Chúa” (Tv 84/83,5a : Đáp ca).

            Thánh Công Đồng Vat.II dạy : “Gia đình là môi trường hoạt động và là trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân.Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy ; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa, và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế, bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo làm cho thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang kiếm tìm chân lý.

            Vì giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Phúc Âm cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng những việc trần thế. Dù khi thiếu thừa tác viên có chức thánh hoặc khi các ngài bị ngăn trở vì bách hại, có những giáo dân thay thế các ngài thi hành một vài phận vụ thánh tùy khả năng của họ ; dù có một số giáo dân đã dốc toàn lực vào việc tông đồ, tất cả vẫn phải cộng tác vào mở mang và phát triển Nước Chúa Ki-tô trên trần gian. Vì vậy giáo dân phải khéo léo tìm hiểu sâu xa hơn chân lý Chúa mạc khải, và tha thiết nài xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan cho mình” (HCHT số 35).

            Căn nhà trần thế mọi người trong gia đình còn phải nỗ lực xây dựng, dù đẹp đến tầm cỡ nào, thì cũng có lúc nó bị phá đi hoặc sang tay người khác. Còn Nhà Cha trên trời thì vĩnh cửu, và ta được dung thân muôn đời.

            Chúng ta hãy cầu nguyện trong Thánh Lễ hôm nay cho mọi thành phần trong gia đình hãy noi gương gia đình Thánh Gia thất :

*     Người làm mẹ, hãy noi gương Mẹ Maria hằng suy đi nghĩ lại Lời Chúa, làm cho con tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dạng, và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta (x Lc 2,19.51-52). Cụ thể, người mẹ luôn đọc Thánh Kinh cho con nghe, dạy con thuộc và cách áp dụng Lời Chúa vào đời sống, để con được lớn lên trong ân sủng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô khen Giám mục Timôthê, môn đệ của mình : “Tôi còn nhớ kỹ đức tin của anh không bôi bác,vì anh được thấm nhuần nơi cụ Lô-I, bà của anh, và nơi bà Êunikê, thân mẫu của anh” (2Tm 1,5).

            Vào năm 1997, có một người phụ nữ nằm xuống làm rung động cả thế giới. Đó là mẹ Têrêsa Calcutta, người đã nhận được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979. Rất nhiều  người coi mẹ là một phụ nữ vĩ đại nhất trong thế kỷ 20. Bởi vì ai cũng đồng ý rằng : sở dĩ mẹ Têrêsa trở thành người vĩ đại nhất, chỉ vì mẹ đã dành hết cả cuộc đời để yêu thương và phục vụ những người đau khổ. Mẹ Têrêsa có được tinh thần phục vụ như thế, là nhờ được giáo dục bởi một người mẹ vĩ đại, vì ngay khi cô Têrêsa còn đi học, lần nào mẹ cũng cho con tiền để tiêu riêng và mẹ còn ân cần dặn con : “Mẹ cho con tiền để con ăn bánh, uống nước. Nhưng con chỉ được xài một nửa thôi, nửa kia còn lại con hãy chia sẻ cho các bạn nghèo con gặp”. Ngờ đâu lối giáo dục của người mẹ vĩ đại này, đã tạo nên một Têrêsa mà cả thế giới tôn phong là mẹ vĩ đại, và nhiều cường quốc đã xin mẹ làm công dân danh dự.

*   Người làm cha hãy học gương sống của thánh Giuse :

            Chúng ta không biết ông Giuse :

1- Chết vì lý do nào?

2- Chết vào thời điểm nào?

3- Chết ở đâu?

            Nhưng qua đoạn Tin Mừng Lc 2,41t cho chúng ta hay:

3’ Ở nhà thờ.

2’ Lúc Đức Giêsu  12 tuổi.

1’ Ông Giuse khuất bóng (vì ta chỉ nhìn thấy ông lần cuối cùng ở đền thờ) khi ông chứng kiến con mình xuất sắc dạy giáo lý cho các thầy tấn sĩ.

            Vậy :

-  Nếu con ngu dốt về giáo lý : Không chắc cha mẹ dễ dàng nhắm mắt lìa đời !

-  Nếu con xuất sắc về giáo lý : Chắc chắn cha mẹ được giống thánh Giuse, luôn bình an ra đi về với Chúa, vì họ đã làm tròn bổn phận đối với con  cái trước mặt Thiên Chúa.

Vậy cha mẹ được Chúa cho sinh con, không phải chỉ dạy con lo báo hiếu người đã sinh ra mình,để gia đình được trở nên giàu sang phú quý, danh vọng ở đời này, mà người cha mẹ còn phải dạy con biết lo việc Nhà Chúa, như ông bà Encana và Anna, được Chúa cho sinh con trong lúc tuổi già, ông bà đã vào Đền Thờ dâng con cho Thiên Chúa, để mọi ngày trong đời nó thuộc trọn về Chúa (x 1Sm 1,24-28 : Bài đọc I).

*  Người làm con hãy bắt chước Chúa Giêsu : Con cái phải tỏ lòng hiếu thảo để đền đáp một phần nào công ơn cha mẹ đã sinh, dưỡng, giáo dục. Người đời thường nói : Công cha nghĩa mẹ như trời như biển, con cái không thể nào đền đáp cho cân xứng được. Nhưng dựa vào cách sống đạo của Đức Giêsu cho chúng ta xác quyết rằng : Đức Giêsu lấy việc giảng Lời Chúa mà báo hiếu cha mẹ. Cụ thể Luca ghi lại hai chứng từ này:

                 a- Đức Giêsu đặt công việc loan báo Lời Chúa trên bổn phận đối với gia đình. Bởi đó, Ngài đã trốn cha mẹ ở lại đền thờ để dạy Giáo Lý cho các bậc tấn sĩ suốt ba ngày, cho đến khi cha mẹ tìm được Ngài, Ngài mới chịu về (x Lc 2,41t). Chắc chắn khi thánh Giuse và Đức Maria nhìn thấy Con giỏi đến thế, các ngài rất sung sướng và hãnh diện với mọi người.

                 b- Đức Giêsu  đang say sưa giảng rất hấp dẫn, thì từ trong đám người nghe, có một phụ nữ thèm thuồng, ước mong mình được người con như vậy, nên bà tấm tắc khen : “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang ông, và vú ông đã bú”(Lc 11,27). Đức Mẹ nghe lời này, chắc chắn sẽ sung sướng và hạnh phúc lắm !

            Cũng thế, một gia đình có con đi tu, người con giảng Lời Chúa xuất sắc, điều này sẽ làm cho ông bà cố vui mừng và sung sướng, hơn hẳn những người con đi làm ra tiền phụng dưỡng cha mẹ !

Vậy hết mọi người trong gia đình: Cha mẹ, con cái đều phải học nơi gia đình Nazareth, một gia đình lao động cần cù,sống đạm bạc,nhưng lại hết lòng lo cho mọi người được hạnh phúc cả hồn lẫn xác, để tất cả những ai mang kiếp người được sống xứng đáng là con Thiên Chúa, vinh quang sẽ được bày tỏ trọn vẹn trong ngày cánh chung (x 1Ga 3,1-2 : Bài đọc II), một khi họ biết yêu thương nhau, sống điều răn Chúa đã truyền dạy, là thực hành các giới răn của Thiên Chúa, ở lại trong Thiên Chúa (rước Lễ), và Thiên Chúa ở lại trong họ (x 1Ga 3,22-24 : Bài đọc II).

THUỘC LÒNG

            Tôi quyết chẳng về nhà, chẳng lên giường nằm nghỉ, chẳng bao giờ chợp mắt khép mi, khi chưa tìm được một nơi cho Chúa ngự, một ngôi đền cho Đấng Toàn Năng của Giacob (Tv 132/131,3-5).

            Ai không chăm sóc người thân tộc, nhất là người trong gia quyến mình, thì nó đã chối bỏ đức tin và còn tệ hơn người không có đức tin (1Tm 5,8).

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: