Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM LẺ
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Rm 9,1-5

            1 Thưa anh em, có Đức Ki-tô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng:2 lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi.3 Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng cam lòng.4 Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa;5 họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men.

ĐÁP CA : Tv 147

Đ.        Giêrusalem hỡi, nào tôn vinh Chúa !  (c 12a)

12 Giê-ru-sa-lem hỡi, nào tôn vinh Chúa! Này Xi-on, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi! 13 Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc, con cái trong thành, Người giáng phúc thi ân.

14 Cõi biên cương, Người thiết lập hoà bình, và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo. 15 Người tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra, hoả tốc chạy đi.

19 Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Gia-cóp, chiếu chỉ luật điều cho Ít-ra-en. 20 Chúa không đối xử với dân nào như vậy, không cho họ biết những điều luật của Người.

BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG : Ga 10,27

            Hall-Hall : Chúa nói : Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Hall.

TIN MỪNG : Lc 14,1-6

            1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.2 Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng.3 Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: "Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không? "4 Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về.5 Rồi Người nói với họ: "Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát? "6 Và họ không thể đáp lại những lời đó.

 

BÀI GIẢNG
CHIÊN THIÊN CHÚA XÓA TỘI TRẦN GIAN

Ta biết Phụng Vụ là đỉnh cao của Luật Chúa, là nguồn suối ơn cứu độ tuôn trào xuống loài người. Luật nghỉ việc ngày thứ bảy của người Do Thái thuộc Luật Phụng Vụ, người Do Thái tin rằng ơn cứu độ Chúa chỉ dành riêng cho dân tộc họ, nên phải bắt chước ông Abel sát tế con chiên dâng lên Chúa để tạ ơn. Vì xưa Chúa đã không nhận lễ vật, hoa trái đồng nội của ông Cain, mà Ngài chỉ nhận con chiên của ông Abel (x St 4,1-12).

Người Do Thái lại quan niệm bệnh là hậu quả của tội (x Ga 9,2), mà chỉ có Chúa mới có quyền tha tội (x Mc 2,7). Tin Mừng hôm nay ghi nhận người Do Thái đã chứng kiến Đức Giêsu chữa lành người bị bệnh phù thũng vào ngày thứ bảy, việc ấy làm cho người ta nhận ra Đức Giêsu đã tha tội, khiến họ bất mãn và kết án Ngài là kẻ phạm thượng!

Trong Luật Môsê, có ba lý do người Do Thái phải nghỉ việc vào ngày thứ bảy để dồn hết tâm lực vào việc tạ ơn Chúa:

* Lý do thứ nhất: Người Do Thái phải nghỉ việc vào ngày thứ bảy để tổ chức lễ mừng Chúa hoàn tất cuộc sáng tạo muôn loài muôn vật trong vũ trụ rất tốt đẹp và, Ngài lấy làm quà tặng trao ban hết cho loài người (x Xh 20,8-11).

Nhưng chỉ có Chúa Giêsu qua mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh của Ngài vào ngày thứ nhất trong tuần (ngày thứ tám), vạn vật mới được tái tạo hoàn hảo trong Ngài, như thánh Phaolô nói về Chúa Giêsu Phục Sinh : “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh ; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1,15-20)

* Lý do thứ hai: Người Do Thái phải nghỉ việc vào ngày thứ bảy để tổ chức hy lễ sát tế con chiên dâng lên Thiên Chúa vào dịp lễ Vượt Qua, mà tạ ơn Ngài đã cho dân vượt qua Biển Đỏ một cách an toàn không còn làm nô lệ cho đế quốc Ai Cập nữa. Hôm đó cũng xảy ra vào ngày thứ bảy (x Dnl 5,12-15).

Cuộc Vượt Qua ấy làm sao sánh bằng ngày thứ nhất trong tuần (ngày thứ tám), Chúa Giêsu Phục Sinh đã đánh gục tử thần do tội loài người gây nên và, Ngài đã trao quyền tha tội cho các môn đệ (các chủ chăn trong Hội Thánh). Thực vậy Chúa Giêsu Phục Sinh đứng giữa các môn đệ và nói: “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”(Ga 20,19-23).

Ai được ơn tha tội qua quyền Chúa Giêsu đã ban cho Hội Thánh Ngài thiết lập, thì mới thực là vượt qua sự chết mà vào cõi sống hạnh phúc trường sinh, khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy đưa người ấy vào Hội Thánh. Do đó ngày nay Hội Thánh không cử hành Phụng Vụ mừng cuộc Vượt Qua vào ngày thứ bảy theo Luật Môsê nữa, nhưng mừng vào ngày Chúa Nhật : Ngày thứ nhất cũng là ngày thứ tám trong tuần và,buộc mọi tín hữu phải nghỉ việc với tâm hồn hân hoan tham dự Thánh Lễ để tạ ơn Thiên Chúa, vì đã được cứu chuộc nhờ Chúa Giêsu Phục Sinh (x Hiến Chế Phụng Vụ số 106).

* Lý do thứ ba: Người Do Thái phải nghỉ việc vào ngày thứ bảy để tạ ơn Chúa, vì ngày thứ bảy Ngài đã ban cho dân bộ Luật tuyệt hảo qua ông Môsê,mà không dân tộc nào có được (x Xh 24,16-18).

            Nhưng thực ra Luật Chúa ban cho dân Do Thái chỉ giam người ta trong tội. Luật ấy chỉ có giá trị như quản giáo dẫn mọi người đến gặp Chúa Giêsu,mới được ơn giải phóng thoát án phạt của Luật (x Gl 3,22.24).

Thì làm sao sánh được nhờ Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu vào ngày thứ tám (ngày thứ nhất trong tuần), Chúa Thánh Thần đến ban Luật của Chúa Kitô đã làm hoàn hảo (x Mt 5,17) cho toàn thể loài người mà Hội Thánh được lệnh công bố (x Cv 2).

Vì thế mà tác giả thư Do Thái đã xác định Phụng Vụ Do Thái giáo : Họ sát tế chiên, cừu, bò, lừa dâng lên Chúa vào trưa ngày thứ sáu hoàn toàn không có giá trị tái tạo con người, cũng không tha tội cho ai, không giải phóng ai, chỉ duy những ai tham dự Phụng Vụ Hội Thánh cử hành nhờ Con Chiên Thiên Chúa (Chúa Giêsu), mới là Của Lễ dâng lên Chúa Cha để có ơn tha tội (x Ga 1,29), lại được nhận Di Chúc thừa hưởng gia nghiệp phong phú trong Nước Thiên Chúa (x Dt 9,16). Vì Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch,  thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.” (Dt 9,11-14).

Vì thế : “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.  Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” (Dt 10,5-7).

            Chính vì vậy mà Đức Giêsu chủ ý sáu lần làm việc cứu giúp người đau khổ vào ngày thứ bảy, dù Ngài đã biết có Luật cấm. Sáu lần ấy là:

-  Ngài chữa lành cho người có tay khô bại (x Mt 12,9t).

-  Ngài chữa lành cho bà bị còng lưng 18 năm (x Lc 13,10t).

-  Ngài chữa lành người bị bệnh phù thũng (x Lc 14,1t).

-  Ngài chữa lành cho người bất toại nằm bên bờ giếng có năm dãy hành lang (x Ga 5,1t).

-  Ngài hóa bánh và cá ra nhiều nuôi đoàn lũ dân chúng đông đảo (x Ga 6,4t).

-  Ngài chữa lành cho người bị mù từ thuở mới sinh (x Ga 9,1-14).

Cứ mỗi lần Đức Giêsu vi phạm Luật nghỉ việc ngày thứ bảy như thế, làm cho các đầu mục Do Thái kịch liệt phản đối, thế nhưng Đức Giêsu cứ tiếp tục “vi phạm” đến sáu lần,làm tăng thêm sự căng thẳng thù ghét của những kẻ chống đối Ngài, nên họ quyết tâm phải giết được Ngài,nhưng chính lúc Ngài bị giết, Ngài mới làm ứng nghiệm lời ông Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Ngài cho toàn dân: “Đây là Chiên Thiên Chúa,Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29),vì Ngài đã thay thế con chiên mà người Do Thái sát tế dâng lên Thiên Chúa vào dịp lễ Vượt Qua lúc 12 giờ trưa ngày thứ sáu đầu ngày thứ bảy,để làm hoàn hảo ý nghĩa và giá trị Phụng Vụ Do Thái giáo, rồi Ngài truyền cho Hội Thánh cử hành (x 1Cr 11,23t). Phụng Vụ này không chỉ có giá trị thanh tẩy tội những ai tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất (x Cv 4,12) đến tham dự, mà họ còn được tái sinh trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa, vì đã được nên công chính trong Chúa Giêsu Phục Sinh. Và như thế Chúa Giêsu  làm hoàn tất cuộc sáng tạo con người vào ngày thứ sáu thuở ban đầu Thiên Chúa đã khởi sự.

Ông Phaolô trước kia là mẫu người sống Đạo theo Luật Môsê, khi ông chưa được “Chiên Thiên Chúa” chiếm đoạt, ông tức cuồng khi thấy những người Do Thái đã bỏ Luật tế tự : không dâng Chúa chiên cừu bò lừa, lại dâng Lễ theo thể thức “Con Chiên Thiên Chúa” thiết lập, và truyền cho các môn đệ cử hành. Đó là lý do ông Phaolô dám lỗi Điều Răn thứ năm của Chúa là đi triệt hạ những người Công Giáo ở Đamas, ngờ đâu Chúa Giêsu hỏi ông : “Tại sao ngươi bắt bớ Ta ?”(x Cv 9). Từ đó ông nhận ra sự sai lầm của mình, nên ông không còn bám víu vào Luật Môsê, vì sau khi ông được học Giáo Lý Mới nơi các môn đệ Đức Giêsu dạy, và còn tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh, mắt ông như một cái vảy bong ra, chính là lúc ông được Chúa mở mắt Đức Tin (x Cv 9,18 ; 22,14-16), để ông nhận ra giá trị Hy Tế Mới Chúa Giêsu thiết lập, nhờ đó ông biết thương giống nòi của ông, những người luôn tự hào “là người Israel, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Ngài cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa, họ là con cháu các tổ phụ” (Rm 9,4-5a: Bài đọc năm lẻ).Thế mà họ lại chối từ Đấng tác thánh họ, để nên cùng một nguồn gốc, cùng một xương thịt với Ngài (x Dt 2,11.14). Bởi đó ông Phaolô rất đỗi ưu phiền và đau khổ khi thấy đồng bào của ông cứng tin. Ông đặt giả thiết với những người Do Thái khác đang ghét ông, vì ông không giữ Luật tế tự như Môsê truyền, thì họ cứ giết ông, để họ lôi ông ra khỏi Đức Giêsu Kitô – Nguồn Sống – làm ông phải chết, và như thế ông lại được trở nên cùng một của lễ với Chúa Giêsu. Hy vọng nhờ đó những người đồng chủng được tháp vào Chúa Giêsu, thì ông lấy làm vui mừng! (Rm 9, 2-3: Bài đọc năm lẻ).

Đấy mới thực là Tin Mừng ông Phaolô đã hết tình rao giảng, đến nỗi ông bị xiềng xích, ngồi trong tù ông viết thư khen và khuyến khích các tín hữu thuộc giáo đoàn Philip, đang cộng tác với ông về việc rao giảng Tin Mừng, để đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành, cho đến ngày Chúa Giêsu quang lâm. Ông nói : “Điều tôi khẩn khoản nài xin cho lòng mến của anh em, ngày càng thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin Chúa cho anh em được Đức Ki-tô thanh tẩy anh em nên tinh tuyền, không làm gì đáng trách trong khi chờ đợi ngày Đức Giêsu Kitô trở lại, có thế anh em mới xứng đáng là dân thánh, vì được kết hợp với Đức Giêsu Kitô” (x Pl 1,1-11: Bài đọc năm chẵn).

            Là một người Kitô hữu, nhờ được tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh cử hành, để được Chúa ở cùng, “ta tỏa ra hương thơm của Chúa Kitô giữa những người được cứu độ và những kẻ bị hư mất!” (2Cr 2,15). Có thế, dân ngoại mới muốn níu lấy áo ta mà nói : “Chúng tôi muốn đi theo anh, vì chúng tôi đã nghe biết Thiên Chúa ở với anh” (Dr 8,23), vì Đức Giêsu đã xác định “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27: Tung Hô Tin Mừng). Có sống được như thế, ta mới có thể xướng lên bài ca : “Giêrusalem hỡi, nào tôn vinh Chúa! Này Sion, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi! Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc, con cái trong thành, Người giáng phúc thi ân. Cõi biên cương, Người thiết lập hoà bình, và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo. Người tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra, hoả tốc chạy đi.Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Giacop, chiếu chỉ luật điều cho Israel. Chúa không đối xử với dân nào như vậy, không cho họ biết những điều luật của Người.” (Tv 148/147,12-20: ĐC năm lẻ). Vì “việc Chúa làm quả thật lớn lao” (Tv 111/110, 2a: ĐC năm chẵn).

THUỘC LÒNG

            Tôi phải sống đạo sao cho lương dân níu lấy áo tôi mà nói : “Chúng tôi muốn đi theo anh, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh” (Dr 8,23).

                            http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: