Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
Thứ Sáu sau CN 2 Thường Niên năm Lẻ
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Dt 8, 6-13
6 Thưa anh em, hiện nay, Đức Giê-su được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.7 Thật vậy, giả như giao ước thứ nhất đã hoàn hảo rồi, thì chẳng cần phải tìm giao ước thứ hai để thay thế.8 Quả thật, Thiên Chúa khiển trách Dân rằng: Đức Chúa phán: Này sắp đến những ngày Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa.9 Giao ước đó sẽ không như giao ước Ta đã thiết lập với cha ông của chúng, trong ngày Ta cầm tay dẫn chúng ra khỏi Ai-cập. Bởi vì chúng đã không trung thành với giao ước của Ta, nên Ta cũng đã bỏ mặc chúng, Đức Chúa phán:10 Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó, Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta.11 Không ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng: "Hãy học cho biết Đức Chúa", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta.12 Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.
13 Khi Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước cũ; và cái gì cũ kỹ, lỗi thời, thì sắp tan biến đi.
ĐÁP CA : Tv 84
Đ.        Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ.  (c 11a)
8 Lạy CHÚA, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con. 10 Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.
11 Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. 12 Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao.
13 Vâng, chính CHÚA sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. 14 Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân.
 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG : 2 Cr 5,19
Hall-Hall : Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố Lời hòa giải. Hall.
TIN MỪNG : Mc 3,13-19
13 Một hôm, Đức Giê-su lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người.14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng,15 với quyền trừ quỷ.16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô,17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-,18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích,19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.
 
BÀI GIẢNG
KẺ THÙ LÀ NGƯỜI NHÀ
Danh sách các môn đệ của Đức Giê-su chỉ có ba tác giả Tin Mừng Mattheu, Marco và Luca ghi lại, còn Tin Mừng Gioan không ghi, lý do là kinh nghiệm của Gioan sống trong cộng đoàn môn đệ Đức Giê-su chọn chẳng ai gương mẫu gì. Họ đã từng tranh cãi nhau vì danh vọng, lợi nhuận (x Mt 20,20t). Do đó, dưới cái nhìn của thánh sử Gioan chỉ duy Đức Giê-su mới xứng danh là Tông Đồ, là Mục Tử nhân lành chăm sóc đoàn chiên.
Thực vậy, trước khi Đức Giê-su chọn Nhóm Mười Hai, Ngài đã phải thức suốt đêm cầu nguyện với Chúa Cha giúp Ngài tuyển chọn người cộng tác (x Lc 6,12-16 ; Mc 3,13-19 : Tin Mừng). Trong Số Mười Hai môn đệ Đức Giê-su chọn để lập Giao Ước mới với họ, thay thế cho Giao Ước cũ Thiên Chúa đã lập với nhà Israel (Giacob gồm 12 người con) : “Nếu các ngươi nghe tiếng Ta và giữ Giao Ước của Ta, các ngươi sẽ là dân tộc Ta biệt đãi giữa mọi dân tộc. Vì cả trái đất thuộc về Ta, nhưng đối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế và một quốc gia đã được thánh hiến” (Xh 19,5t). Những lời này nhấn mạnh việc tuyển chọn là ơn nhưng không của Thiên Chúa : “Ngài đã chọn Israel, dù họ chẳng có công nghiệp gì” (x Dnl 9,4t), bởi vì “Ngài yêu thương họ và  muốn giữ lời hứa với cha ông họ” (x Dnl 7,6t). Nhưng Giao Ước thứ nhất với nhà Israel chưa hoàn hảo, vì Thiên Chúa đã khiển trách dân Ngài : “Này sắp đến những ngày Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa.Giao ước đó sẽ không như giao ước Ta đã thiết lập với cha ông của chúng, trong ngày Ta cầm tay dẫn chúng ra khỏi Ai-cập. Bởi vì chúng đã không trung thành với giao ước của Ta, nên Ta cũng đã bỏ mặc chúng, Đức Chúa phán : Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó, Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta. Không ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng: "Hãy học cho biết Đức Chúa", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta.Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Dt 8, 8-12 : Bài đọc năm lẻ). Đúng là “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ” (Tv 85/84,11a : ĐC năm lẻ).
Giao Ước cũ, ai phản bội thì bị phân thây như con vật. Chúa phán : “Những kẻ đã vi phạm Giao Ước của Ta, đã không giữ những điều khoản cam kết trước mặt Ta,  những kẻ đó, Ta sẽ biến thành một con bò tơ cho người ta xẻ làm đôi và băng qua giữa hai phần” (Gr 34,18). Nhưng Giao Ước mới của Đức Giê-su lập với Mười Hai người tuyển chọn, trong đó lại có Giu-đa phản Thầy, thì Chúa Cha lại để cho Con của Ngài bị phân thây (x Rm 8,32). Để “trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được giao hòa với Người và giao cho các Tông Đồ công bố lời hòa giải” (2Cr 5,19 : Tung Hô Tin Mừng).
Hình ảnh Giu-đa phản Thầy, phản bạn, khác nào vua Sao-lê cũng được Chúa tuyển chọn, Ngài sai ngôn sứ Samuel xức dầu tấn phong ông làm vua, để chăm sóc dân Ngài, thế mà ông lại vô ơn và phản bội Đavid (người tiếp tay với sứ mệnh của ông là đã diệt quân Philitinh bảo vệ dân tộc và ngôi vua Sao-lê). Vua Sao-lê đã đem 3.000 quân truy nã Đavid. Chính trong lúc ấy, Đavid vẫn cư xử tốt với Sao-lê, cụ thể như lúc vua Sao-lê đi việc “cần” trong hang, Đavid đã lén cắt đuôi áo của vua, mà vua không hay, khi cả hai cùng ra khỏi hang, lúc đó Đavid gọi vua Sao-lê và nói : xin vua hãy nhìn phía sau đuôi áo của vua đã bị cắt, minh chứng cho lòng dạ Đavid không có ác ý hại vua (x 1Sm 24,3-21 : Bài đọc năm chẵn). Lòng trung thành và sự kính trọng của Đavid đối với vua như thế, nhưng chẳng bao lâu sau, vua lại đưa 3.000 quân tìm giết Đavid cho bằng được (x 1Sm 26,2t).
Lòng độc ác của vua Sao-lê đối với Đavid chẳng khác nào ông Vác-lam trong phim “Sám Hối” : Ngày ông Vác-lam đăng quang nhận chức thị trưởng của thành phố, ông đã vểnh râu hét lên trong bài diễn văn đọc trước nhân dân : “Tôi có khả năng bắt được con mèo đen trong phòng tối, cho dù trong phòng tối không có mèo đen !” Hoặc ông Mao Trạch Đông dùng đủ mọi thủ đoạn dã man để chiếm đoạt của người khác mà lấy làm hãnh diện, như lời ông nói : “Đầu tôi không có một mảnh ngói để che, chân tôi không có một cọng rơm để đạp, tôi không có gì để mất, nhưng tôi có tất cả để chiếm !”
Đời là thế, nên những người làm việc cho Chúa luôn luôn phải xác tín rằng : “Càng thiết tha với chân lý, càng hết lòng xây dựng Hội Thánh, thì càng có nhiều kẻ thù, cuối cùng cô đơn!” Ta cứ nhìn Đức Giê-su, suốt cuộc đời chỉ chăm sóc mọi người, hơn mục tử tốt lành chăn dắt đoàn chiên, thế mà càng ngày càng gia tăng kẻ ghét Ngài, cuối cùng chúng treo Ngài trên thập giá. Trên thập giá, Đức Giê-su nhìn xuống thấy cả những kẻ thụ ơn Ngài cũng bỏ đi giữa bao nhiêu lời chế giễu, khiến Ngài phải thưa với Chúa Cha : “Lạy Chúa Trời, Ngài bỏ con sao?” (Mt 27,46). Do đó thánh Phê-rô khuyên các tín hữu : “Nếu anh em làm lành mà phải khổ và anh em đành chịu, điều ấy là một ân sủng trước mặt Thiên Chúa. Bởi chưng Đức Ki-tô cũng đã chịu nạn chịu chết vì anh em, trối lại cho anh em một gương mẫu, ngõ hầu anh em dõi vết chân Ngài” (1Pr 2,20-21).
Nhưng kẻ thù hành hạ ta không đau xót nhục nhã bằng chính những người cùng một sứ mệnh với ta làm vinh danh Thiên Chúa, lại làm khổ ta. Lời Thánh Kinh ghi lại cho chúng ta những kinh nghiệm đau thương :
-          Giả như tên địch thù phỉ báng, tôi cũng cam lòng, hay kẻ ghét ghen lên mày lên mặt, tôi có thể lánh đi, nhưng đây lại là bạn, người đồng vai đồng vế, chỗ thân tình tâm phúc với tôi” (Tv 55/54,13-14).
-          Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con” (Tv 41/40,10).
Ngày tôi mới bắt đầu vào Chủng Viện, một cha già nói tiên tri cho tôi biết : “Đừng tưởng đi tu là nhập đoàn với các thánh đâu, mà rồi anh sẽ được gặp “Lupus cipus” (sống với nhau như chó sói). Bây giờ sau 33 năm Linh mục, tôi mới hiểu câu đó thật thấm thía ! Như thế sống trên đời không ai có thể tìm được một cộng đoàn lý tưởng để dung thân. Đến như Giáo Hội tuy được gọi là thánh mà Đức Giê-su còn ví như một thuở ruộng có lúa và cỏ mọc chung, đầy tớ tình nguyện đi nhổ cỏ, nhưng chủ bảo cứ để như thế đến mùa gặt hãy tính (x Mt 13,24-30). Mà nếu mảnh đất nào cỏ không mọc được, thì chẳng ai có thể trồng trọt gì. Nói cách khác, đất mà có cỏ mọc um tùm thì đó lại là đất tốt !
Gia đình Nazareth tuy là một gia đình thánh mà có lúc phải chịu đựng nhau. Cụ thể, Đức Giê-su đến tuổi 12 đã khôn lớn, mà Ngài trốn cha mẹ ở lại Đền Thờ dạy giáo lý, làm cha mẹ rất đỗi ưu phiền suốt ba ngày đi tìm Con (x Lc 2,41t).
Cả đến cộng đoàn môn đệ Đức Giê-su, nếu họ không chịu đựng tha thứ cho nhau, cộng đoàn đó đã tan rã và Đức Giê-su không có người cộng tác.
Bởi vậy thánh Phao-lô nói : “Những sự chia rẽ giữa anh em thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn” (1Cr 11,19).
Do đó, mỗi khi ta gặp cơn sóng gió do chính những “người nhà” gây ra, thì ta hãy nhớ đến đời sống của Giuse, con trai trưởng của ông Giacob bị anh em ruột trù dập : Chỉ vì họ muốn cướp quyền trưởng nam của Giuse, mà họ đã bàn mưu tính kế định giết Giuse,  nhưng sau thấy không có lợi, nên họ đã bán Giuse cho người Ai-Cập. Trong cảnh nô lệ, Giuse bị vu vạ cáo gian ngoại tình với bà chủ, nên bị ông chủ tống vào ngục ! May thay, nhờ ông đã giải mộng cho nhà vua, mà ông được thoát cảnh tù đày, lại được thăng quan tiến chức làm tể tướng Ai-Cập, nắm toàn quyền sinh tử của loài người, khi ông được quyền quản lý kho lương thực của nhà vua, lúc ấy anh em ông đến sụp lạy xin tha mạng để được sống. Nhưng Giuse chỉ khóc và tạ ơn Chúa, ông ôn tồn nói với anh em : “Chúa đã sắp đặt cho tôi như vậy để hôm nay gia đình còn được sống và gặp lại nhau” (x St chương 37-47).
Vậy “ai yêu mến Thiên Chúa, thì Ngài đồng công cộng tác biến mọi sự, kể cả sự dữ xảy đến cũng trở nên tốt đẹp” (Rm 8,28). Thế nên ta cầu nguyện : “Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa” (Tv 57/56,2b : ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
+ Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con (Tv 41/40,10).
+ Ai yêu mến Thiên Chúa, thì Ngài đồng công cộng tác biến mọi sự, kể cả sự dữ xảy đến cũng trở nên tốt đẹp (Rm 8,28).

 

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: