BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Dt 6, 10-20
10 Thưa anh em, Thiên Chúa
không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra
đối với danh Người, khi trước đấy anh em phục vụ các người trong dân thánh, và
hiện nay vẫn còn đang phục vụ.11 Nhưng chúng tôi ao ước cho mỗi
người trong anh em cũng tỏ ra nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của anh em
được thực hiện đầy đủ cho đến cùng.12 Anh em đừng trở nên uể oải,
nhưng hãy bắt chước những người nhờ có đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa
hưởng các lời hứa.
13 Quả thế, khi Thiên Chúa hứa với
ông Áp-ra-ham, Người đã không thể lấy danh ai cao trọng hơn mình mà thề, nên đã
lấy chính danh mình mà thề14 rằng: Ta sẽ ban phúc dư dật cho ngươi
và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông vô số.15 Như thế, vì nhẫn nại
đợi chờ, ông Áp-ra-ham đã nhận được lời hứa.16 Người ta thường lấy
danh một người cao trọng hơn mình mà thề, và lời thề là một bảo đảm chấm dứt
mọi tranh chấp giữa người ta với nhau.17 Do đó, vì Thiên Chúa muốn
chứng minh rõ hơn cho những người thừa hưởng lời hứa được biết về ý định bất di
bất dịch của Người, nên Người đã dùng lời thề mà bảo đảm điều Người đã hứa.18
Như vậy, cả lời hứa lẫn lời thề đều bất di bất dịch, và khi thề hứa, Thiên Chúa
không thể nói dối được. Do đó, chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa,
chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta.19
Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm
hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh.20 Đó là nơi Đức
Giê-su đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta, sau khi trở thành vị
Thượng Tế đời đời theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
ĐÁP CA: Tv 110
Đ. Giao Ước
đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi. (c
5b)
1 Tôi xin
hết lòng cảm tạ CHÚA, trong cộng đoàn chính nhân, giữa lòng đại hội. 2
Việc CHÚA làm quả thật lớn lao, người mộ mến ra công tìm hiểu.
4 Chúa đã
truyền tưởng niệm những kỳ công của Người. CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu.
5 Ai kính sợ Người, Người ban phát của ăn; giao ước đã lập ra, muôn
đời Người nhớ mãi.
9 Người
đem lại cho dân ơn giải thoát, thiết lập giao ước đến muôn đời. Tôn danh Người
thánh thiêng khả uý. 10c Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen
Người.
BÀI GIẢNG
ĐỨC GIÊ-SU LÀ VUA PHỤC VỤ
Mở đầu trong Thánh Lễ
hôm nay, thánh sử Marco ghi nhận chi tiết: “Vào
ngày sabat Đức Giê-su đi ngang qua đồng lúa, thì các môn đệ tra tay mở đường
bằng bứt gié lúa” (Mc 2,23). Đó là dấu chỉ vì Đức Giê-su lỗi Luật ngày
sabat mà những người Do Thái đang lùng kiếm để giết Ngài. Và khi họ giết Ngài
chính là lúc Ngài thiết lập Phụng Vụ mới, đáp ứng nhu cầu sự sống của con người
thay thế cho Phụng Vụ Do Thái giáo, bản chất không sinh sự sống. Bởi thế, Đức
Giê-su nói: “Con Người (Giê-su) là Chúa
của ngày Hưu lễ” (Mc 2,28).
Nhưng Đức Giê-su chỉ
thực sự làm Chúa của ngày Hưu Lễ, tức là làm Chúa của Phụng Vụ khi Ngài đã trải
qua một cuộc đời phục vụ mà bị trù dập đến chết. Chân lý này đã được diễn tả
qua đời sống của vua Đavid.
Vì vua Sao-lê đã chiếm
đoạt của cải quân A-ma-lếch, dù ông biết Chúa đã cấm không được lấy gì của
chúng, sau khi đánh bại chúng. Đó là lý do Chúa đã rút Thần Khí nơi ông,
không muốn ông làm vua nữa ; rồi Chúa
sai ông Samuel chọn Đavid thay cho Sao-lê, khi Samuel đến nhà ông Gie-sê, ông tưởng
là sẽ chọn những đứa con khôn lớn của ông Gie-se, nhưng Chúa lại bảo ông: "Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn
của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người
phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng." Cuối
cùng ông Gie-sê dẫn Đavid, con út của ông đến trình diện ông Samuel, lúc đó
Chúa mới chỉ cho Samuel xức dầu cho Đavid để thay thế Sao-lê (x 1Sm 16,1-13: Bài
đọc năm chẵn). Rõ ràng Đavid chỉ là một cậu bé chăn chiên, nhưng nhờ Thần Khí
xuống trên cậu mà cậu dùng một cái nỏ với 5 viên sỏi ra nghênh chiến với tướng
Golyat, đang dẫn quân Philitinh đến diệt dân Do Thái. Đavid giương nỏ, với viên
sỏi đầu tiên đã bắn xuyên thủng đầu Golyat, để giải phóng cho dân tộc, bảo vệ
vương quyền của Sao-lê (x 1Sm 17).
Từ bấy giờ vua Sao-lê
thấy dân chúng tung hô Đavid, làm vua phẫn ghen, ông cho triệu mời Đavid đến
gảy đờn giải sầu, lợi dụng cơ hội, Sao-lê đã phóng gươm về hướng Đavid, có ý ghim xác cậu vào tường, nhưng cả
hai lần Đavid đều né thoát được ! (x 1Sm 18,11 ; 19,9-10).
Sau đó vua lại lập mưu
tổ chức tiệc gọi là mừng chiến thắng của Đavid. Nhưng Gionathan biết ý thâm độc
của vua cha, liền báo cho Đavid trốn thoát (x 1Sm 20), thế là Đavid phải đi
lang thang khắp nơi để lánh mặt Sao-lê (x 1Sm 22,1-5).
Vua Sao-lê lại đem
3.000 quân truy nã Đavid, lúc ấy Đavid đang lẩn trốn trong một cái hang, vua
Sao-lê bị “tào tháo đuổi”, ông lẩn vào hang tìm chỗ “giải quyết”, không ngờ
trong hang có Đavid đang ẩn náu, Đavid lén bước ra cắt tà áo sau của Sao-lê mà
ông không hay biết. Lúc Sao-lê đi khỏi, Đavid mới gọi giật lại và giơ tà áo lên
cho vua xem, minh chứng rằng Đavid không hề muốn ám hại vua (x 1Sm 24,3).
Chẳng bao lâu sau,
Sao-lê lại đem 3.000 quân truy nã Đavid, trên đường săn đuổi Đavid, ông mệt nằm
ngủ bên chóe nước và cây giáo cắm cạnh đầu, có các cận vệ nằm bên canh gác
nhưng đều ngủ ! Đavid rón rén đến rút chiếc giáo và lấy chóe nước đi khỏi, vua
vẫn không biết gì, đi một quãng xa, Đavid gọi lính của Sao-lê đến Đavid lấy
gươm về cho vua ! (x 1Sm 26,2t) Thế mà vua Sao-lê vẫn chưa nhận ra Đavid không
hề có ý làm hại vua, chứ chưa cần nói là muốn cướp quyền vua, nhưng Sao-lê vẫn
nuôi lòng căm thù, làm Đavid phải trốn sang nước ngoài (x 1Sm 27,1t).
Vì Đavid đã trốn khỏi
nước, nên kẻ thù lại dấy lên, vua Sao-lê xuất quân chống cự, nhưng biết rằng kẻ thù quá mạnh không đủ sức
chống đỡ, ông đã rút gươm tự vẫn ! (x 1Sm 31,1-7)
Sau khi Sao-lê qua đời,
toàn dân mới tôn vinh Đavid lên làm vua, để cứu dân thoát khỏi tay kẻ thù (x
2Sm 2,1t).
Đavid được lên ngôi vua
để bảo vệ dân tộc, sau khi ông đã trải qua bao nhiêu sóng gió thử thách, lắm
lúc tưởng chừng mất mạng ! Nhưng Chúa thương gìn giữ thì thần chết chưa chộp
được Đavid.
Tin Mừng hôm nay (Mc
2,23-28) chứng minh Đức Giê-su còn trải qua nhiều gian khổ hơn Đavid, vì Ngài
phục vụ con người đến mất mạng, sau đó Ngài mới nhận vương quyền nơi Cha Ngài.
Thực vậy, những người Pha-ri-sêu chống đối Đức Giê-su về việc Ngài làm lơ để
cho các môn đệ mở đường bằng việc tra tay bứt lúa ruộng của người ta vào ngày
sabat, lại còn lên tiếng bênh vực (x Mc 2,23-24: Tin Mừng). Vì hoàn cảnh lúc
bấy giờ Ngài đang bị nhiều đối thủ tìm cách hại, làm cho Thầy trò vội vàng phải
trốn tránh. Nên tìm đường đi tắt ngang thửa ruộng, bằng cách bứt lúa người ta
để mở đường, giống như thuở xưa Đavid, vì bị vua Sao-lê săn đuổi mà ông và các
tùy tùng vội vã chạy trốn, không kịp mang theo lương thực, bị đói lả dọc đường,
nên ông đã liều vào Đền Thờ lấy bánh, và đưa cho các tùy tùng cùng ăn. Bánh ấy
chỉ dành cho các tư tế, người khác không được phép dùng (x 1Sm 21,1-7). Việc ấy
xem ra lỗi Luật mà lại được ghi vào Sách Thánh, chứng tỏ trong hoàn cảnh lâm
bĩ, thì được phép làm việc xấu nhỏ để ngăn cản sự dữ lớn xảy đến. Giống như ăn
cắp bản chất là xấu, nhưng một người chạy loạn không mang gì theo, bụng đói,
nếu không ăn cắp của người khác ăn là chết, thì họ vẫn có quyền được lấy dùng cho đủ sống mà không có tội !
Ta lại biết, những kẻ chống
đối Đức Giê-su về việc bứt lúa trong ngày sabat được đặt nằm trong chiến dịch
tấn công, sớm diệt được Ngài.
Thực vậy, đọc Tin Mừng
Marco, cuộc đời của Đức Giê-su phải đối đầu 10 lần với các đối thủ, rất gay
cấn, và đã được chúng giàn ra hai chiến dịch
* CHIẾN DỊCH KHIÊU KHÍCH: Chúng tấn công Đức Giê-su 5 đợt :
1-Ông lấy quyền đâu mà
tha tội (Mc 2,1-12).
2-Tại sao ông bạn bè
với quân thu thuế và tội lỗi (Mc 2,15-17).
3-Tại sao ông không
biết dạy môn đệ ông ăn chay (Mc 2,18-22).
4-Tại sao ông để cho
môn đệ ông dập ruộng lúa người ta để mở đường đi (Mc 2,23: Tin Mừng).
5-Tại sao ông có quyền
chữa bệnh vào ngày thứ bảy (Mc 3,1-6).
Trong những đợt tấn
công trên, chúng tung chưởng nào, Ngài bẻ gảy chưởng đó! Từ bấy giờ chúng im
bặt không xuất hiện, vì lúc ấy chúng âm thầm tìm mưu tính kế tấn công tiếp.
Đúng thế, vào cuối đời của Ngài, chúng lại mở:
* CHIẾN DỊCH QUYẾT THẮNG: Phải diệt được Đức
Giê-su, chúng lại xông đến tấn công 5
lần tới tấp :
6-Ông lấy quyền nào mà
đuổi người buôn bán ra khỏi Đền Thờ (Mc 11,27-33).
7-Có nên nộp thuế cho
Roma hay không? (Mc 12,13-17).
8-Ông giải thích thế
nào về người chết sống lại cho hữu lý (Mc 12,18-27).
9-Điều răn nào quan
trọng nhất ? (Mc 12,28-34)
10-Tại sao Đấng Ki-tô
là con Đavid mà Đavid lại gọi Đấng Ki-tô là Chúa của mình? (Mc 12,35-37).
Chiến dịch quyết thắng
này chúng đã thảm bại trước sự khôn ngoan của Đức Giê-su.Cuối cùng Ngài cho
phép chúng giết được Ngài, khi chúng dựng cớ cáo gian với chính quyền Roma: “Ông này tự xưng là vua” (x Mc 15,1-15).
Nhưng chỉ ba ngày sau khi bị chúng giết, Ngài sống lại, chính lúc đó Ngài mới
làm hoàn hảo giá trị Phụng Vụ, Ngài làm Vua Phụng Vụ, để nuôi sống cả loài
người đối với những ai tin vào Ngài là Vua trên các vua, hơn xưa dân Do Thái
tín nhiệm vua Đavid, sau khi Đavid đã trải qua những gian khổ.
Đó cũng là lý do theo
Tin Mừng Nhất Lãm, đã ba lần Đức Giê-su chữa lành bệnh nhân vào ngày sabat
(chữa cho người có tay bại – Mt 12,9 ; chữa lành người phụ nữ còng lưng được
đứng thẳng – Lc 13,10 ; chữa lành người thủy thũng – Lc 14,1) là dấu chỉ sau ba
ngày Ngài sống lại, Ngài mới làm hoàn hảo giá trị Phụng Vụ ngày sabat của người
Do Thái. Vì thế Phụng Vụ của Ki-tô giáo được chuyển đổi từ ngày sabat (thứ bảy)
sang ngày thứ nhất trong tuần – ngày Chúa nhật – ngày Đức Giê-su toàn thắng sự
dữ, đánh gục thần chết, đem lại sự sống cho những kẻ tin theo Ngài đến dự Phụng
Vụ Hội Thánh cử hành hằng ngày theo lệnh Chúa Giê-su đã truyền (x 1Cr 11,17t).
Như thế cuộc đời Đức
Giê-su đã làm ứng nghiệm Lời Kinh Thánh: “Ta
đã tìm ra nghĩa bộc Đavid”(Tv 89/88, 21a: ĐC năm chẵn ).
Tác giả thư Do Thái
khuyến khích ta tích cực tham dự Phụng Vụ Chúa Giê-su thiết lập, đó là dấu của
lòng tin,cậy, mến, hầu xứng đáng được hưởng Lời Chúa chúc phúc cho dòng giống
Abraham được sinh ra bởi Đức Tin, vì : “Thiên
Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và trong lòng mến anh em đã
tỏ ra đối với Người. Anh em đừng trở nên uể oải, nhưng hãy bắt chước những
người nhờ có Đức Tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa: Ta sẽ
ban phúc dư dật cho ngươi và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông vô số. Do đó
chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích
nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa
như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn
cung thánh. Đó là nơi Đức Giê-su đã vào,
như người tiền phong mở đường cho chúng ta, sau khi trở thành Vị Thượng
Tế đời đời theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Dt 6, 10-20: Bài đọc năm lẻ).
Vì thế Hội Thánh muốn
chúng ta cất lời cầu: “Xin Thân Phụ Đức
Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, soi lòng mở trí cho chúng ta thấy rõ,đâu là niềm
hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta” (Ep 1,17-18: Tung Hô Tin
Mừng). Và đó là “Giao Ước đã lập ra, muôn
đời Chúa nhớ mãi” (Tv 111/110.5b: ĐC năm lẻ).
THUỘC LÒNG
Chúa Ki-tô, vị Tư Tế vào cung thánh tựa neo thần chắc chắn
và bền vững của tâm hồn ta, cắm vào tận bên trong bức màn cung thánh (Dt 6,19).