Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
Thứ Hai sau CN 1 Thường Niên năm Lẻ
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Dt 1, 1-6
1 Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.3 Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời.4 Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.
 5 Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con hoặc là: Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta.6 Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.
ĐÁP CA : Tv 96
Đ.        Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi. (x c 7c)
1 CHÚA là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên, vui đi nào, ngàn muôn hải đảo! 2b Bệ ngai rồng là công minh chính trực.
Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực, hết mọi dân được thấy vinh quang Người. 7c Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi!
9 Chính bởi vì Ngài, muôn lạy CHÚA, là Đấng Cao Cả trên khắp địa cầu, Ngài trổi vượt chư thần hết thảy.
 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG : Mc 1,15
Hall-Hall : Chúa nói : Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Hall.
TIN MỪNG : Mc 1,14-20
 14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."
 16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.17 Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những ngư phủ bắt người" (Bản dịch của NTThuấn). 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
 19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê- đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
 
BÀI GIẢNG
HIỀN THÊ CỦA ĐỨC KI-TÔ PHẢI “ĐẺ”
(x Mk 1,2)
Khát vọng sinh con của một phụ nữ có chồng là bản  năng của họ, cụ thể như bà Anna, dù được chồng là ông Encana yêu bà hơn người vợ thứ của ông là bà Pơ-nin-na, dù bà này được Chúa cho sinh con, còn bà Anna thì vẫn son sẻ. Thế nên lúc nào bà Anna cũng khóc, không chịu ăn uống, đến nỗi ông chồng phải dỗ ngọt : “Anna, sao em khóc ? Sao em không chịu ăn ? Sao lòng em rầu rĩ vậy ? Vì đối với em, anh lại không hơn mười đứa con trai hay sao ?” (1Sm 1,8 : Bài đọc năm chẵn).
Ngày hôm qua, chúng ta mới mừng lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa, nhắc cho ta trong Bí tích Thánh Tẩy ta đã được trở nên Hiền Thê của Chúa Ki-tô (x 2Cr 11,2).  Thì khát vọng sự sống của người Ki-tô hữu cũng phải sinh con cho Thiên Chúa hơn nhu cầu của bà Anna.
Để xứng đáng là Hiền Thê của Chúa Ki-tô “đẻ” con cho Ngài, ta phải ý thức sống ba điều sau :
-          Vượt qua mọi rào cản loan báo Lời Chúa để diễn tả sức bật của Tin Mừng.
-          Đón nhận Tin Mừng do Hội Thánh rao giảng, là được trực tiếp gặp Chúa Giê-su.
-          Ai thuộc về Chúa Ki-tô, phải quy tụ muôn dân về cho Chúa để họ được giải phóng.
1/ VƯỢT QUA MỌI RÀO CẢN LOAN BÁO LỜI CHÚA ĐỂ DIỄN TẢ SỨC BẬT CỦA TIN MỪNG.
Thánh sử Marco ghi : “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” (Mc 1,14 : Tin Mừng).
Động từ nộp được dùng ở đây nhằm nói về cái chết của ông Gioan Tẩy Giả can đảm cảnh cáo vua Hê-rô-đê đã cướp vợ anh mình, nên ông bị vua cắt đầu ! (x Mc 6,17t). Cái chết của Gioan Tẩy Giả đã trở thành biến cố tiên tri cho mọi người biết Đức Giê-su cũng như các môn đệ của Ngài đều phải chết vì chân lý.
Thực vậy, khi Đức Giê-su báo trước cái chết của Ngài cho các môn đệ, Ngài cũng dùng động từ nộp :
-          Con Người sẽ bị nộp cho người đời (x Mc 8,31).
-          Con Người bị nộp cho các thượng tế và ký lục (x Mc 10,33).
-          Giu-đa, môn đệ phản Thầy, cũng nộp Thầy cho dân ngoại với giá 30$ mua tên nô   lệ (x Mc 14,21).
Vậy mà khi Đức Giê-su vừa nghe tin ông Gioan bị vua Hê-rô-đê Antipa cắt đầu, sự cố kinh hoàng ấy đã không làm cho Ngài run sợ chạy trốn ; trái lại Ngài đến miền Ga-li-lê bắt đầu giảng Tin Mừng. Hành động đó như một người nhảy vào “đống kiến lửa”, bởi vì miền Ga-li-lê đang bị đặt dưới quyền cai trị của Hê-rô-đê Antipa, một kẻ rất độc ác, ông này là em của vua Hê-rô-đê An-kê-laus. Ông An-kê-laus được đế quốc Roma đặt cai trị miền trung Samari và miền nam Giu-đê-a nước Do-Thái vào năm  thứ 4 trước công nguyên, đến năm thứ 6 sau công nguyên, ông bị Roma truất chức và trao quyền cho Phi-la-tô làm tổng trấn. Mà ta biết ông Phi-la-tô không phải là kẻ ác như Hê-rô-đê Antipa, bằng chứng là trong cuộc xử án Đức Giê-su, ông chỉ muốn tha, ông biết những đầu mục Do-Thái chỉ vì ghen tức mà nộp Ngài cho ông (x Ga 19). Thế mà khi Đức Giê-su nghe tin ông Gioan mới bị Hê-rô-đê Antipa cắt đầu, Ngài không lui về miền Nam dưới quyền Phi-la-tô để giảng dạy, mà Ngài lại can đảm lên miền Bắc Ga-li-lê. Điều này tác giả Tin Mừng xác quyết cho chúng ta rằng : Ông Gioan chỉ là “cây đèn cháy sáng” (x Ga 5,35), cây đèn đã bị người ta thổi tắt, thì Đức Giê-su là “Mặt Trời Công Chính” tất yếu ló rạng chiếu sáng (x Lc 1,78). Đức Giê-su dù là Thiên Chúa toàn năng, thế mà Ngài mới thi hành sứ mệnh ba năm đã bị giết ! Sau cái chết của Đức Giê-su, các Tông Đồ lại nhiệt tình rao giảng, dù phải ra tù vào khám như cơm bữa, mà họ vẫn không sợ ! (x Cv 4,1-22) Cả đến những kẻ không tin theo Đức Giê-su, như ông Sau-lô ôm áo động viên nhiều người ném đá Stê-pha-nô đến chết, rồi sau đó ông xông vào các tư gia bắt được ai theo đạo Chúa, là ông xiềng xích đưa về Giê-ru-sa-lem (x Cv 7.8.9), nhưng nhờ lời cầu nguyện của Stê-pha-nô, ông Sau-lô đã trở nên Tông Đồ Phao-lô xuất sắc của Chúa Giê-su, mà hơn 20 thế kỷ nay chưa ai sánh bằng (x 2Cr 11,5).
Những chứng từ trên đây đã nói lên sức bật của Tin Mừng như một lò xo càng bị nén, sức bật càng mạnh. Bởi vì nhờ Tin Mừng của Chúa mà làm cho con người thực sự được giải phóng, và được chan chứa niềm vui, đến nỗi tử thần không cướp mất sự sống hạnh phúc của họ, vì “kẻ nào sợ chết, suốt đời làm nô lệ” (Dt 2,15), và “lòng mến trọn hảo thì xua đuổi sợ hãi ra ngoài, vì sợ hãi có liên quan đến hình phạt” (1Ga 4,18).
Vậy sức bật của Tin Mừng làm cho những Hiền Thê trung tín của Đức Ki-tô, họ giống như thác nước đổ xuống (người Ki-tô hữu bị bách hại), nó vẫn tiếp tục chảy, nếu gặp khối đá chặn, nước tụ lại dâng lên vượt chướng ngại chảy tiếp ; hoặc người Ki-tô hữu nhiệt tình sống Tin Mừng cũng giống như cây lúa xạ, nước lũ càng dâng lên, lúa càng trồi cao, nước lũ dù mạnh cũng không vùi dập được cây lúa xạ yếu ớt ! Đúng như Lời Kinh Thánh nói : “Dân Chúa càng bị hành hạ, họ càng thêm đông đúc và lan tràn khắp nơi, khiến những kẻ đã gây ra tai họa, phải khiếp sợ” (Xh 1,12).
2/ ĐÓN NHẬN TIN MỪNG DO HỘI THÁNH RAO GIẢNG, LÀ ĐƯỢC TRỰC TIẾP GẶP CHÚA GIÊ-SU.
Trong thư Do Thái (1, 1-6), Bài đọc năm lẻ đã xác tín cho chúng ta : Mỗi khi ta tham dự Phụng Vụ, đặc biệt là dự Lễ, ta được “trực tiếp nghe Chúa Giê-su lên tiếng giảng dạy, người giảng chỉ là cái loa Chúa dùng. Chúa Giê-su là Đấng dùng Lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Bởi vì chính Ngài đã dựng nên vũ trụ”. Thì chắc chắn các phép lạ Đức Giê-su làm mà tác giả Marco ghi lại chỉ là hình bóng ơn cứu độ vô cùng phong phú, Chúa ban cho những ai có tấm lòng biết nghe và đem ra thực hành rồi loan báo cho đồng loại.
Đó là lý do khi Đức Giê-su bắt đầu thi hành sứ mệnh ngôn sứ, Ngài lên tiếng kêu gọi mọi người : “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15 : Tung Hô Tin Mừng). Đúng lý ra Ngài phải kêu gọi mọi người : “Hãy tin vào tôi là Đấng Cứu Độ như các ngôn sứ đã loan báo trước”. Nhưng Tin Mừng còn là cơ thể thứ hai của Chúa Ki-tô, âm thầm và dễ dàng len lỏi vào hết mọi tâm hồn con người ; còn nếu Ngài nói : “Tin vào tôi”, thì lúc ấy chỉ có một số người đồng thời với Ngài được biết ; ngày nay, chỉ có những người Công Giáo được rước Lễ mới có quyền gặp Chúa Giê-su Phục Sinh trong Bí tích Thánh Thể mà thôi. Nhưng “tin vào Tin Mừng” thì bất cứ loại người nào cũng đón nhận được.
Vì Tin Mừng là cơ thể thứ hai của Chúa Giê-su, nên giáo huấn của Hội Thánh trong Hiến Chế Mạc Khải số 21 dạy : “Phải tôn kính Thánh Kinh như chính thân thể Chúa Ki-tô, đặc biệt là Lời Chúa trong Phụng Vụ”, vì “Chúa Giê-su hiện diện cách thiết thực khi chúng ta đọc Thánh Kinh trong Hội Thánh, nhất là trong Phụng Vụ” (Hiến Chế Phụng Vụ số 7).
3/ AI THUỘC VỀ CHÚA KI-TÔ, PHẢI QUY TỤ MUÔN DÂN VỀ CHO CHÚA ĐỂ HỌ ĐƯỢC GIẢIPHÓNG.
Nhìn vào cơ cấu của Tin Mừng Marco trong chương 1 : Sau khi Đức Giê-su thắng satan : “Ngài ở giữa các dã thú, chúng không làm hại được Ngài, và các Thiên thần đến hầu hạ Ngài” (x Mc 1,12-13 : Tin Mừng). Tin Mừng chiến thắng đó, Đức Giê-su muốn chia sẻ cho cả loài người, vì loài người đang bị quyền lực sự ác thống trị, cụ thể sau khi vua Hê-rô-đê cắt đầu ông Gioan, thì Đức Giê-su lớn tiếng kêu gọi mọi người : “Thời buổi đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã gần bên, hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15 : Tin Mừng).
Để làm cho Tin Mừng giải phóng sớm bao trùm tâm hồn mọi người, Đức Giê-su muốn mọi người phải tiếp tay với Ngài là làm Tông Đồ cho Ngài, khởi đi từ  Bí tích Thánh Tẩy (x Mt 28, 18-19), nên Ngài chọn một số người, Ngài không chọn những người nhàn rỗi, nhưng là những người đang vất vả làm việc chính đáng để nuôi sống gia đình, phục vụ xã hội, cụ thể như ông Simon và ông An-rê, đang quăng chài bắt cá ; cả hai anh em Gia-cô-bê và Gioan đang vá lưới, tất cả phải bỏ nghề, bỏ việc đi theo Ngài để “bắt” muôn người về cho Ngài (x Mc 1,16-20 : Tin Mừng).
Chính vì vậy mà giáo huấn của Công Đồng Vat.II dạy chúng ta : “Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới, cả những lúc họ bận tâm  lo lắng việc trần thế” (Hiến Chế Hội Thánh số 35).
Việc loan báo Tin Mừng đem lại hiệu quả tuyệt vời. Cụ thể :
-  Chỉ cần Lời Chúa được công bố là thần ô uế bị xua trừ (x Mc 1,23t).
-  Đức Giê-su có mặt tại nhà mẹ vợ ông Phê-rô, Ngài động đến bà, tức khắc cơn sốt nặng biến mất, bà trỗi dậy phục vụ các Ngài (x Mc 1,29).
-  Thế rồi đủ các bệnh nhân đến với Ngài, tất cả đều được lành mạnh (x Mc 1,32t).
Đức Giê-su nói với những người Ngài tuyển chọn : “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành ngư phủ đi bắt người” (Mc 1,17 : Tin Mừng).
Đức Giê-su hữu ý sử dụng động từ “bắt”, tiếng Hy-Lạp là “zogreo”. Bởi vì ai có quyền bắt, thì người ấy cũng có quyền tha. Như vậy, các  môn đệ của Đức Giê-su dùng Lời để quy tụ, để “bắt”người ta quay về với Chúa. Ai tin vào Chúa Giê-su mà biết sám hối và xin theo Ngài, thì các môn đệ có quyền mở cửa Thiên Đàng cho họ vào, như lời Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ : “Dưới đất, anh em cầm buộc những gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy ;dưới đất, anh em tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 18,18).
Vậy khi ta đã ý thức mình là Hiền Thê của Chúa Ki-tô, thì ta phải làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Mikha 1,2 : “Đến thời “Đẻ” phải sinh con” (Bản dịch Linh mục NTT), không phải là những người sống bậc gia đình mới đẻ con Thiên Chúa, vì “Người làm cho đàn bà son sẻ thành mẹ đông con vui cửa vui nhà”(Tv 113/112,9). Cũng vì lý do đó mà  Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia nói : “Nếu ngươi chỉ làm tôi trung của Ta, để tái lập các chi họ Gia-cóp, để dẫn đưa những người Israel sống sót (sau lưu đày) trở về, thì vẫn còn quá ít, vậy Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng trái đất” (Is 49,6). Có như thế ta mới “làm người phục vụ Đức Giê-su Ki-tô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hóa, mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 15,16). Bởi vì ta đã cất lời kêu gọi : “Chư thần chư thánh phục bái Chúa đi” (Tv 97/96, 7c : Đáp ca năm lẻ), và thưa cùng Chúa rằng : “Lạy Chúa, con sẽ dâng lễ tế tạ ơn Ngài” (Tv 116/115,17a : Đáp ca năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Đức Giê-su nói : “Mẹ và anh em Ta là những người nghe và làm theo Lời Thiên Chúa” (Lc 8,21)



Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: