BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: 1Ga 5,14-21
14 Anh em thân mến, lý do khiến
chúng ta được mạnh dạn trước mặt Thiên Chúa, đó là: Người nhậm lời chúng ta,
khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người. 15 Nếu chúng ta biết rằng
Người nhậm mọi lời chúng ta xin, thì chúng ta cũng biết rằng chúng ta sẽ được
những gì chúng ta đã xin Người.
16 Nếu ai biết anh em mình phạm thứ
tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho
người anh em ấy; đó là nói về những ai phạm thứ tội không đưa đến cái chết. Có
một thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy. 17
Mọi điều bất chính đều là tội, nhưng có một thứ tội không đưa đến cái chết.
18 Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra,
người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy,
và Ác thần không đụng đến người ấy được. 19 Chúng ta biết rằng chúng
ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác
thần. 20 Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và ban cho chúng
ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật. Chúng ta ở trong Thiên Chúa thật, ở trong
Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là sự
sống đời đời. 21 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, hãy tránh xa
các tà thần!
ĐÁP CA: Tv 149
Đ. Chúa mến
chuộng dân Người. (c 4a)
1 Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
ngợi khen Người trong cộng đoàn những kẻ hiếu trung! 2 Hỡi Ít-ra-en,
nào hoan hỷ, vì có Chúa là Đấng tạo thành ngươi. Con cái Xi-on, hãy nhảy mừng,
vì được Chúa làm Vua hiển trị.
3 Mừng Thánh Danh, nào dâng điệu
vũ, nhịp trống hoạ đàn theo khúc hoan ca. 4 Bởi vì Chúa mến chuộng
dân Người, ban cho kẻ nghèo hèn được vẻ vang chiến thắng.
5 Kẻ hiếu trung hãy vui mừng rạng
rỡ, nào phủ phục mà cất tiếng reo hò, 6a miệng vang lời tán dương
Thiên Chúa, 9b Đó là niềm vinh dự cho mọi kẻ trung hiếu với Người.
BÀI GIẢNG
THÁNH TẨY,
BÍ TÍCH CỬA NGÕ
Bí tích Thánh Tẩy là Bí tích cửa
ngõ, qua đó Chúa tuôn muôn ơn cứu độ xuống tâm hồn người tin theo Chúa Giê-su.
Nói cách khác, Bí tích Thánh Tẩy còn là “Bí
tích thủ tục đầu tiên”, ta phải được lãnh nhận, nếu ta muốn được Chúa ban
những ơn khác cho linh hồn. Nói tắt, người không lãnh Bí tích Thánh Tẩy thì
không thể lãnh Bí tích nào khác !
Để làm nổi bật giá trị Bí tích
Thánh Tẩy Chúa Giê-su thiết lập, thánh sử Gioan đã so sánh phép rửa ông Gioan
Bt với Phép Rửa của Chúa Giê-su. Trong những người đồng thời với ông Gioan Bt,
họ đã dồn tính thiên sai cho ông Gioan, chỉ vì ông này đã làm phép rửa kiểu “tự
biên tự diễn”, vì ông không theo truyền thống nào của người Do Thái, thế mà ông
thu hút được hết mọi loại người đến với ông, càng làm cho dân chúng tin rằng: Phép
rửa của Gioan là bởi Trời (x Mt 21, 25-26).
Ta biết phép rửa của ông Gioan làm
khác hẳn với hai truyền thống trong Do Thái
giáo :
PHÉP RỬA BIỆT PHÁI
1- Cho người ngoại giáo.
2- Tự rửa cho
mình hằng ngày, sau khi đã được cắt bì.
3- Nhằm bổ túc
cho nghi thức cắt bì khi đã gia nhập Do Thái giáo.
|
PHÉP RỬA ESSENI
1- Cho người ngoại giáo.
2- Tự rửa cho
mình trước và sau khi được cắt bì.
3- Nhằm chuẩn
bị và làm hoàn hảo nghi thức cắt bì để gia nhập Do Thái giáo.
|
PHÉP RỬA GIOAN BT.
1- Cho cả người
Do Thái lẫn người ngoại giáo.
2- Gioan rửa
cho tất cả mọi loại người đến với ông.
3- Nhằm biểu lộ
lòng sám hối, chờ đón Đấng Cứu Thế đến thanh tẩy bằng nước và Thánh Thần, để gia nhập Hội Thánh Chúa
Ki-tô.
|
Rõ ràng phép rửa của Gioan Bt làm
chỉ nhằm khơi dậy lòng sám hối của mỗi
người. Mà lòng sám hối trước mặt Chúa lại là việc làm tiên quyết và quan
trọng nhất của mọi người, nếu muốn được Chúa thương xót và ban ơn. Đúng thế, để
minh chứng việc sám hối đứng hàng đầu trong các việc tốt ta phải làm, thánh sử
Luca đã ghi lại hai chứng từ :
-
Dụ
ngôn ông Biệt phái và người thu thuế cùng đến Đền Thờ cầu nguyện: Ông Biệt phái
đến khoe công đức với Chúa, bị Chúa đuổi về tay không ; trái lại, ông thu thuế
chỉ thấy mình có tội, đến xin Chúa thương xót, ông lại được Chúa xác nhận là
người công chính (x Lc 18,9-14).
-
Hai
tên trộm đều bị lãnh án tử thập giá, nhưng một trong hai tên biết sám hối, xin
Chúa thương xót, Ngài cho hắn vào Thiên Đàng ngay (x Lc 23,43).
Vậy để gia tăng lòng sám hối hầu
được Chúa thương xót ban nhiều ơn, cách tốt nhất là thuộc nhiều Lời Chúa là
gương soi mặt của linh hồn (x Gc 1,23), vì chỉ ngang qua Lề Luật, ta mới nhận
biết mình có tội (x Rm 7,7).
Phép rửa của ông Gioan chỉ giống
Phép Rửa của Chúa Giê-su có một điểm: Cả hai vị đều phải đổ máu vì chân lý,
Chúa Giê-su bồn chồn chờ Phép Rửa bằng máu đó đến lúc hoàn tất (x Lc 12,50). Trong Phép Rửa bằng máu của Chúa
Giê-su, ông Gioan Tẩy Giả so sánh phép rửa của ông với Phép Rửa của Chúa Giê-su:
“Ngài
phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại” (Ga 3,30: Tin Mừng):
-
“Ngài phải lớn lên”: Đức Giê-su bị treo
cao trên thập giá.
-
“Gioan nhỏ lại”: Ông bị vua Hê-rô-đê cắt
đầu (nhỏ lại).
Dầu vậy ông Gioan Tẩy Giả chỉ được
kể là chú phù rể của Tân Lang Giê-su, còn ai lãnh Phép Rửa của Chúa Giê-su
lập, người ấy trở thành Hiền Thê của
Ngài (x 2Cr 11,2).
Theo văn hóa của người Do Thái, chú
phù rể làm ba việc :
-
Làm
mai mối cô nàng cho chàng.
-
Chịu
trách nhiệm tổ chức tiệc cưới.
-
Khi
tiệc cưới bắt đầu, chú phù rể ra lệnh
cho mọi người đến dự tiệc phải im lặng để nghe tiếng tân lang tuyên bố lý do
khai tiệc.
Chính vì thế mà ông Gioan Tẩy Giả
nói với mọi người: “Ai có tân nương mới
là tân lang, còn bạn của tân lang, kẻ đứng
kề bên mà nghe, thì khấp khởi mừng vui vì tân lang lên tiếng. Vậy đó là
sự vui mừng của tôi: thực nó đã được sung mãn” (Ga 3,29: Tin Mừng).
Ngôn sứ Isaia đã diễn tả ngày
Chàng Rể Giê-su cưới cô dâu đã được Ngài tái sinh: “Như chú rể chỉnh tề khăn áo, và cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is
61,10).
Thánh Gioan trong một thị kiến: Chúa
cho ông thấy tiệc cưới mừng Tân Lang Giê-su với hiền thê Hội Thánh Ngài: “Tới ngày cử hành Hôn lễ Chiên Con, và Hiền
Thê của Người đã điểm trang sẵn sàng, nàng đã được mặc áo vải gai, sáng chói và
tinh tuyền. Vải gai đây chỉ những việc lành của dân thánh” (Kh 19,8). Như
thế áo cô dâu mặc chính là “ơn nhưng không”, tức là ơn không do
công đức của mình, mà được hưởng bởi Tín Điều Các Thánh Cùng Thông Công :
-
Trước
nhất bởi công nghiệp của Chúa Giê-su. Vì không ai có thể lãnh nhận ơn gì mà
không do từ Trên ban cho (Ga 3,27: Tin Mừng). Đặc biệt là khi đã được tái sinh
nhờ Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Tẩy, thì được trở nên con Thiên Chúa, được
“lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Vì
Luật được ban qua ông Mô-sê, còn ơn nghĩa và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô
mà có” (Ga 1,12-13.16-17).
-
Thứ
đến mới do công đức của các thánh, là
chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Đức Ki-tô. Vì thế mà giáo huấn của CĐ Vat.II,
trong Hiến Chế Hội Thánh số 9 nói: “Chúa
không cứu con người cách riêng rẽ thiếu liên kết”.
Ơn Chúa ban đặc biệt nhất là Ngài
biến dữ ra lành, biến tội ra ơn, biến chết ra sống, như Tin Mừng Mattheu ghi
nhận: “đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối
tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của
tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4,16: Tung Hô Tin Mừng).
Ơn tái sinh trong Bí tích Thánh
Tẩy quan trọng đến thế, kẻ nào đã biết mà không tin nhận, thì vô phương được
cứu độ. Chúa Giê-su liệt kê kẻ đó là kẻ “đã
phạm đến Chúa Thánh Thần, tội ấy không bao giờ được tha, đời này lẫn đời sau”
(Mt 12,31-32). Bởi vì chỉ có Thiên Chúa Ba Ngôi sinh, dưỡng, cứu độ ta:
-
Chúa
Cha tạo dựng vạn vật làm quà tặng trao hết cho ta, thế mà ta vẫn không tùng
phục làm theo, thần chết đến chịt cổ ta (x St 3).
-
Chúa
Con đến cứu chuộc ta, mà ta lại loại trừ!
-
Chúa
Thánh Thần đến tiếp tục công việc của Chúa Con khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy, mà
ta lại không tin, không nhận, đó là tội chống lại Chúa Thánh Thần, thì không
còn Ngôi Thiên Chúa nào khác cứu ta nữa!
Thế nên nếu có ai cầu nguyện cho
ta, thì cũng vô ích!
Cũng vì thế mà thánh Gioan nói: “Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội không
đưa đến cái chết,thì hãy cầu xin và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em
ấy ; đó là nói về những ai phạm thứ tội
không đưa đến cái chết. Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra,
người đó không phạm tội ; nhưng có Đấng Thiên Chúa (Chúa Giê-su) đã sinh ra gìn giữ người ấy, và ác thần
không đụng đến người ấy được. Chúng ta ở trong Thiên Chúa thật, ở trong Con của
Người là Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là sự sống
đời đời. Nhưng có một thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho
thứ tội ấy. Tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của ác thần”(1 Ga 5,14-21: Bài đọc).
Vậy ai được tái sinh trong Bí tích
Thánh Tẩy, họ trở nên con Thiên Chúa và là Hiền Thê của Tân Lang Giê-su, để minh
chứng rằng: “Chúa mến chuộng dân Người”
(Tv 149,4a: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
+ Ai có Chúa Giê-su thì sống, kẻ không có Chúa Giê-su là chết (1Ga
5,12).
+ Nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì
tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên
công chính (Rm 8,10).