BÀI GIẢNG
Lễ Giáng Sinh được xem như ơn cứu độ của Thiên Chúa chỉ ban
riêng cho dân Do Thái, nhưng qua biến cố Hiển Linh, mới thấy Thiên Chúa không
chỉ thương riêng dân Ngài chọn, mà còn hướng dẫn muôn dân đến với Ngài, nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ. Vì thế
Hội Thánh Đông Phương mừng lễ Hiển Linh lớn hơn lễ Giáng Sinh.
Tuy ngày lễ này nói lên ý nghĩa Thiên Chúa kêu gọi cả loài
người: “Các
dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một
thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa’’ (x Bài đọc II: Ep 3,6), vì ba đạo sĩ, có người hiểu là
đó là tượng trưng cho ba người con của ông Noe: Sem, Kham, Giaphet, thủy tổ của
loài người sau trận lụt Hồng thủy (x St 5,32), nhưng không phải ai cũng đi tìm
Chúa như ba đạo sĩ. Do đó muốn có Đức Tin sống động như ba vị ấy, ta phải thực
hiện cuộc hành trình Đức Tin mà Tin Mừng gợi ý :
1/ PHẢI TỪ BỎ.
Hình ảnh ba người: Họ là vua ? (Tv 72/71,10) ; hay họ là
đạo sĩ ? (Mt 2,1) đã lên đường đi tìm Vua người Do Thái. Điều ấy khó ai xác
định, nhưng chúng ta biết chắc chắn họ thuộc giai cấp qúy tộc, giàu sang, vì họ
dâng cho Hài Nhi những báu vật: vàng, mộc dược, nhũ hương (x Mt 2,11: Tin Mừng),
khác với các chú mục đồng nghèo nàn, chúng đến gặp Chúa với hai bàn tay trắng
(x Lc 2,16). Ba vị này đã ra đi khỏi xứ sở là chấp nhận gác bỏ công việc thường
ngày, bỏ nhà cửa, bỏ cha mẹ, vợ con. Nói tắt là bung ra khỏi pháo đài tiện nghi
ấm cúng của cuộc sống, để băng mình theo tiếng gọi lương tri của lòng khao khát
chân lý. Đúng với giáo lý Đức Giê-su đòi hỏi: "Ai muốn theo Thầy, không được yêu cha mẹ, vợ con, cả mạng
sống mình hơn Thầy, và phải từ bỏ của cải, vác thập gía hằng ngày mà theo Thầy!" (Lc 14,25t).
Vậy mỗi ngày ta nhớ từ bỏ một vài việc xem ra không cần
thiết. Ví dụ: Đừng sống kiểu “no bụng đói con mắt’’ ; dồn tâm lực vào công việc
chính, nên phải bỏ bớt những việc phụ v.v...
2/ TIẾN VỀ GIÊRUSALEM.
Tiến
về Giê-ru-sa-lem đồng nghĩa là tiến về Nhà Thờ (Hội Thánh). Đó là một chủ đích thần học của Tin Mừng Nhất Lãm, đến
nỗi ba tác gỉa này cho thấy cả Vị sùng đạo như Đức Giê-su, suốt ba năm hoạt
động cũng chỉ có một lộ trình tiến thẳng về Giê-ru-sa-lem, và hiến tế đời mình
ở đó, để rồi từ Giê-ru-sa-lem ánh sáng cứu độ lan tỏa, bao trùm khắp địa cầu,
làm cho muôn dân tộc nhìn thấy ơn cứu độ. Cụ thể như ba đạo sĩ dõi theo ánh sao
của Ngôi Lời, đã tìm đến nguồn sự sống và bình an phát xuất từ Giê-ru-sa-lem,
từ Hội Thánh, như lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh sáng
bình minh của ngươi mà tiến bước’’ (x Bài đọc I: Is 60,3).
Người Ki-tô hữu hôm nay, dù đã được đưa vào Hội Thánh, họ
vẫn còn trên đường tiến tới Giê-ru-sa-lem tuyệt hảo ở trên trời, là Nhà đích
thực của Thiên Chúa, của những người công chính, được Chiên Con tập họp về (x
Kh 21). Thánh Luca ghi nhận: “Chúa Giê-su Phục Sinh chỉ hiện ra cho những người đã từ Galilê lên
Giêrusalem với Ngài, đây là những người trở nên chứng nhân của Ngài trước mặt
toàn dân’’ (Cv 13,31).
Vậy tôi muốn gặp Chúa Giê-su Phục Sinh ban sự sống dồi dào,
tôi phải đi chung tuyến đường truyền giáo với Hội Thánh, khởi sự mỗi ngày tiến
vào Nhà Thờ hiệp dâng Thánh Lễ, để được Chúa ở cùng, thì Ngài giúp cho làm được
những việc hơn lòng mơ ước (x Ga 14,12).
3/ ĐI THEO SAO CỦA NGÀI.
"Sao
của Ngài" theo truyền thống của Kinh Thánh, của văn hóa Hy-La, ám chỉ đến
bậc vĩ nhân, như ngôi sao sinh nhật của ông Ab-ra-ham, ngôi sao hộ mệnh của
hoàng đế Alexandre, của hoàng đế Augusto. Nhưng ngôi sao của Hài Nhi còn trổi vượt hơn
nữa, vì là dấu của Đấng Mê-si-a (x Ds 24,17), dấu chỉ Thiên
Chúa (x Is 14,13). Ngôi sao của Ngài xuất hiện bên trời Đông. Ngôi sao ấy lại
chẳng phải là Mặt Trời Công Chính sao ? Thật đầy ý nghĩa khi người Ki-tô hữu
mỗi sáng bắt đầu đi vào ngày mới, trong gìơ Kinh Sáng, họ cất lời cầu: "Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel,
đã viếng thăm cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Đavid, Người đã cho
xuất hiện, Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta. Ngài sẽ cứu ta thoát khỏi địch
thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống
thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.Thiên
Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm. "
(Lc 1, 68-69.71.74-75.78).
4/ KIÊN NHẪN TRONG THỬ THÁCH.
Đi trong Đức Tin là
hành trình thử thách! Ba vị đạo sĩ đang hứng khởi tiến về
Giê-ru-sa-lem theo ánh sao, thình lình ngôi sao vụt tắt, họ bối rối…, nhưng
không chùn bước quay về, họ kiên nhẫn đi dò hỏi, họ không dò la ngoài đường,
giữa chợ, trong quán, mà họ đi thẳng vào đền vua, là vị đại diện cho mẫu người
khôn ngoan (x Tb 4,18), cho dù khôn ngoan như vua, thì lãnh vực Đức Tin, lãnh
vực tôn giáo phải tìm đến hỏi người chuyên môn về tôn giáo. Đó là lý do vua
triệu tập các thượng tế và ký lục, để có câu trả lời: “Vua người Do-Thái mới sinh ở đâu ?” Nhưng các vị này cũng bó tay,
trừ khi họ mở Sách Thánh cho biết rằng: “Tại
Bê-lem, miền Giu-đê, vì có lời chép: phần ngươi hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa,
ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi Vị Lãnh Tụ chăn
dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” ! (Mk 5,1 = Mt 2,5-6: Tin Mừng)
Đời
người Ki-tô hữu nào mà chẳng có lúc gặp thử thách về Đức Tin ! Hãy bắt chước
các đạo sĩ, tìm đến người khôn ngoan mà bàn hỏi. Nhưng chẳng ai cho ta lời
khôn ngoan, chẳng ai soi sáng hướng dẫn ta đi đúng đường, nếu lời ấy không bắt
nguồn từ Kinh Thánh.
5/ MUỐN GẶP CHÚA, HÃY TIẾP ĐÓN KẺ BÉ MỌN.
Ba
đạo sĩ hỏi: "Vua Do-Thái mới sinh ở
đâu ?" (x Mt 2,2: Tin Mừng) Nhưng họ đâu có đi tìm vua Do-Thái như
nhiều người lầm tưởng, bằng chứng là Hê-rô-đê, vua Do-Thái đang hiện diện trước
mặt họ, mà họ không tỏ một cử chỉ thần phục và chẳng dâng gì cho vua. Thế
nhưng, khi gặp Hài Nhi khó nghèo, họ đã phục mình triều bái Ngài và dâng cho
Ngài những báu vật (x Mt 2,11: Tin Mừng).
Vậy
đi tìm vua Do-Thái chính là tìm Chúa của muôn dân (cử chỉ bái phục chỉ dành
riêng cho Thiên Chúa), nhưng Chúa lại cho ta gặp người bé mọn nghèo hèn!
Vì
thế, trong ngày cánh chung, Chúa xét xử nghiêm khắc kẻ khước từ nhu cầu của kẻ
bé mọn là chối từ chính Chúa Giê-su (x Mt 25,31-46).
Vậy
ta phải dốc hết khả năng mình có: Thời giờ, của cải, và cả mạng sống, để giúp
đồng loại thuộc về Chúa trong Hội Thánh, mới thực là giúp kẻ bé nhỏ, vì thuật
ngữ "Kẻ bé nhỏ" ám chỉ người Công Giáo (x 1 Ga 2,1.12.14.18.28).
6/ THIÊN CHÚA CẦN GÌ NƠI TA ?
Xưa
người ngoại không biết ý Chúa, nên họ dâng cho Ngài vàng, nhũ hương và mộc dược
; còn ta đã hiểu ý Chúa nói: "Dương gian muôn vật hết
thảy đều là của Ta " (Tv 51/50,8). Vậy, Ngài cần gì nơi ta ? Vì
"Chúa Giê-su vừa là Tư Tế, vưà là
Ngôn Sứ, vừa là Vương Đế", nên thánh Giám mục Chrysologo nói:
a-Tư tế cầu nguyện cần có
hương: Ngài muốn ta lòng cậy vững vàng được thể hiện bằng việc
cầu nguyện không ngừng (x Lc 18,1). Đó mới chính là hương thơm dâng lên trước
nhan Chúa: Tư tế nào mà lại không cần có hương để dâng ; còn Tư Tế Giê-su lại
cần ta có hương lòng tin yêu, cậy trông nơi Ngài.
b- Ngôn sứ nào cũng bị
giết, cần mộc dược để ướp xác: Ngài thèm ta lòng mến phục vụ tha nhân,
như Ngài đã hiến cả mạng sống vì yêu ta (x Ga 15,13). Đó mới chính là mộc dược
" ướp " tha nhân khỏi hư thối, cũng chính là ướp thân xác Đức Giê-su
khi bị trù dập: Vì ngôn sứ Giê-su đâu có an toàn hơn số mệnh các ngôn sứ khác
đã bị sát hại ! Đúng như lời Đức Giê-su đã nói trong dụ ngôn vườn nho: Chủ vườn
nho sai các đầy tớ đến, nhưng các tá điền đánh người này, giết người kia, cuối
cùng chủ vườn nho sai con một đến, chúng cũng giết và lôi ra khỏi thành ! (x Mt
21,34-39)
c- Vua nào cũng muốn
được giàu có, cần vàng bạc châu báu: Ngài cần ta tấm lòng vàng thể
hiện qua việc lành (x Gc 2,14), vì nó cao qúy hơn vàng: vua trần gian cần vàng
bạc châu báu ; còn Vua Giê-su cần tấm lòng vàng.
7/ CHỨNG NHÂN CỦA THIÊN CHÚA.
a- Mỗi năm dự Lễ Hiển
Linh, đời sống ta phải được canh tân vươn lên thiện hảo.
Ba
đạo sĩ khi đã được gặp Chúa, họ được mộng báo: “Đừng trở
lại với Hê-rô-đê, nhưng hãy qua đường khác mà về quê mình” (x
Mt 2,12).
·
“Đừng trở lại với Hê-rô-đê”: Vua
Hê-rô-đê rất qủy quyệt, gian ác, đời ông luôn luôn bị ám ảnh mất vương quyền do
đế quốc Ro-ma trao. Vì nghi ngờ cả những người trong gia đình âm mưu tiếm ngôi
vua, nên ông đã không ngần ngại giết luôn ba người con trai, mẹ vợ và cả vợ ông
!? Vậy đừng trở lại với Hê-rô-đê, nghĩa là khi ta đã được biết Chúa, thì đừng
trở lại con đường gian ác, mưu mô, quỷ quyệt để tìm danh lợi cho mình. Nhưng
·
“Đi đường khác mà về quê”: Quê
thật của người Ki-tô hữu là Nước Trời. Do đó, kẻ sau khi đã được gặp Chúa, hãy
đi đường khác, là đường tìm ý Thiên Chúa để thông hiệp với Ngài, đường công
bình, bác ái để hiệp thông với tha nhân, như vậy ta mới về tới Quê thật là Nước
Trời, và ta còn trở nên dấu chỉ cho lương dân đi tìm chân lý, như lời thánh
Phao-lô nhắc nhở: "Anh em sẽ trở nên trong
sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn
của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, ANH EM PHẢI CHIẾU
SÁNG NHƯ NHỮNG VÌ SAO TRÊN VÒM TRỜI,LÀ LÀM SÁNG TỎ LỜI BAN SỰ SỐNG ! " (Pl 2, 15-16a)
.
Thế
thì mỗi năm dự lễ Hiển Linh, ta phải xin Chúa giúp ta tấn công chừa một thói
xấu làm ray rức lòng ta nhất.
b-Ta không được thua ba
đạo sĩ ngoại giáo
Qua biến cố Hiển Linh, ta thấy một thảm kịch: Trong số
những kẻ tự hào là dân Chúa chọn, tự hào là người thông suốt Lời Chúa, như tư
tế và ký lục, lại tỏ ra thờ ơ lãnh đạm trước lời dân ngoại (ba đạo sĩ) đến loan
báo Tin Mừng: "Vua Do-Thái mới sinh
hiện ở đâu?" (Mt 2,2: Tin Mừng). Người Do-Thái có đạo mở Thánh Kinh lại
chỉ cho cáo già Hê-rô-đê tìm giết Hài
Nhi ! Còn dân ngoại (ba đạo sĩ) đến "Bê-lem" thờ lạy Hài Nhi.
Chính những kẻ ôm Sách Thánh lại không ai tung cửa chạy đến cùng Ngài ! Điều quan trọng không phải biết Thánh Kinh để chỉ cho người khác, mà còn phải
liều mạng lên đường theo điều đã biết,
đã tin, để
tìm đến nguồn sống, vượt qua kiến thức bên ngoài, ngõ hầu nhìn thấy gía trị bên
trong. Nếu không ta làm thầy dạy cho người khác, mà cuối cùng chính ta lại bị
Chúa thải loại (x 1 Cr 9,27). Dĩ nhiên, đi tìm Chúa vẫn chỉ là tìm thấy Ngài
qua dấu chỉ ! Thực vậy, ba đạo sĩ đi tìm vua lại gặp Hài Nhi nghèo khó nằm
trong máng cỏ (x Lc 2,7), đó là dấu chỉ Vua trời đất vốn dĩ là Đấng giàu sang,
nhưng vì chúng ta Ngài đã trở nên nghèo, cho chúng ta được giàu có
(2Cr 8,9). Bởi đó "con người được Thiên Chúa chúc phúc, không
phải chỉ khi nào họ gặp thấy Ngài, mà được phúc ngay khi họ đi tìm Ngài"
(Kierkegaad).
Con đường Đức Tin bao gìơ cũng nhiều trắc trở, nên ta
phải nắm chắc ba điều sau đây :
-
Tìm
dấu chỉ ngay trong sinh hoạt cuộc sống: mục đồng qua tiếng hát, đạo sĩ qua dấu
ánh sao, tư tế qua Kinh Thánh.
-
Xem
dấu chỉ ấy liên hệ với Thánh Kinh như thế nào ? Ví dụ: Ta là học sinh, học văn hóa vất vả, thì phải học Lời Chúa cũng
không kém vất vả ; ta là tài xế, qua việc đón
đưa khách, ta còn nhiệm vụ đưa họ gặp Thiên Chúa qua cách sống của ta ;
ta là công nhân vệ sinh, ta còn phải thanh tẩy tâm hồn ta nhờ Bí tích lãnh
nhận.
-
Và
thể hiện lời Thánh Kinh trong cách sống là ta phục vụ tha nhân, tiến tới liên
kết mọi người nhờ, với, trong Đức Giê-su mới làm vinh hiển Thiên Chúa (x Rm
11,36).
Truyện kể
Vị đạo sĩ thứ tư rất giàu có, thấy ba vị đạo sĩ lên đường đi tìm Chúa, ông cũng bỏ vào túi
hành trang của mình nhiều báu vật. Khi ông đang đi chung đường với ba đạo sĩ
kia, ông gặp một bệnh nhân nghèo, ông đưa người ấy vào nhà thương chăm sóc, ông
trả tiền cho người chăm sóc người bệnh, rồi ông lại tiếp tục lên đường. Nhưng
ông đã bị lạc mất ba đạo sĩ bạn, có lẽ vì họ không thể chờ ông lâu như thế. Vậy
là vị đạo sĩ này phải đi lang thang một mình, trên đường đi, ông đến một cộng
đoàn, không ai dạy giáo lý, nên dừng lại ở đó lâu ngày để dạy đạo, cả lương dân
cũng tuốn đến học.
Cứ bận rộn như thế, mãi 33 năm sau ông mới tới được
Giê-ru-sa-lem, nhưng chẳng biết Vua Do-Thái, Vua vũ trụ ở đâu, ông chỉ thấy đám
đông đang nghe một người đang thuyết giảng ở quảng trường Giê-ru-sa-lem. Người
ta động viên ông đến gặp người giảng (ông Phê-rô). Thế là vị đạo sĩ được ông
Phê-rô dẫn vào Nhà Thờ, ông nhận biết tấm bánh tuy nhỏ bé tầm thường, nhưng đó
chính là Vị Vua mà ông đang tìm kiếm suốt mấy chục năm qua, ông liền quỳ xuống
sụp lạy tin nhận Ngài.
Đang lúc ấy, những người đã thụ ơn ông trong 33 năm qua, họ
tìm gặp ông để tỏ lòng biết ơn. Nhưng ông bảo họ: “Hãy quỳ xuống tạ ơn Chúa của các bạn, qua tấm bánh tầm thường này,
chính Ngài đã đưa tôi đến để giúp các bạn !” Và mọi người đều quỳ thờ lạy
Chúa. Đó là 3.000 người được ông Phê-rô ban Bí tích Thánh Tẩy cho (x Cv 2,41).
Vậy :
-
Ông Phê-rô nhờ Lời Chúa đã trở thành ngôi sao
dẫn đường cho đạo sĩ thứ tư.
-
Còn ông đạo sĩ thứ tư tận tình giúp đỡ đồng loại,
ông đã trở thành ánh sáng dẫn đường cho “muôn
dân nước sẽ thờ lạy Ngài” (Tv 72/71,11: Đáp ca). Vì chính ông đã nói: “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất
hiện ở phương Đông, nên chúng tôi đến triều bái Ngài” (Mt 2,2: Tung Hô Tin
Mừng).
Đức
Cố Giáo Hoàng Gioan 23 nói: “Chẳng cần lý
thuyết nhiều, nếu đời sống các Ki-tô hữu đủ sắc nét cư xử như người Công Giáo
chính danh, thì sẽ không còn dân ngoại
nữa”.
THUỘC LÒNG
Khi đã gặp được Chúa, đừng
trở lại với Hê-rô-đê (lối sống gian ác) nhưng hãy qua đường khác mà về Quê
(Nước Trời) [x Mt 2,12]