BÀI GIẢNG
NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI
Để hiểu được Ngôi Lời là Thiên
Chúa, thánh Gioan giới thiệu về Con Thiên Chúa làm người, ta phải đặt mình vào
nền văn hóa Hy Lạp thời thánh Gioan. Nhiều triết gia Hy Lạp lý giải sự hiện hữu
của vũ trụ này là do một Logos, nhưng người ta hiểu không đồng nhất về Logos:
-
Theo triết gia Hê-ra-cơ-lít (-500), thì Logos là một thực thể
vĩnh hằng ở khắp mọi nơi, nhập vào lửa, là nhân tố nguyên thủy, người ta chỉ
sống hạnh phúc là nhờ sự khôn ngoan của riêng mỗi người.
-
Theo phái Khắc Kỷ, thì Logos là nguyên lý thần linh
nằm trong vũ trụ, thực hiện sự duy nhất của vũ trụ. Logos như linh hồn của vũ
trụ, thấm nhập vào mọi sự. Logos ở trong con người dưới hình thức lý trí.
-
Những người Do-Thái ở Alexandria, cụ thể như ông Phi-lôn thì lại cho Logos là trung gian giữa Thiên Chúa
siêu việt và vũ trụ, là dụng cụ của Đấng Tạo Hóa, là phương thế Chúa dùng để
mạc khải. Logos còn là thượng tế, là trạng sư của thế giới bên cạnh Thiên Chúa.
Phi-lôn cho Logos là Thiên Chúa hạng thứ, là hình ảnh của Thiên Chúa Tối Cao.
Những luồng tư tưởng của nhân loại
tìm hiểu nguyên lý của vũ trụ như trên, nói lên sự khao khát của loài người đi
tìm Đấng toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ, vượt xa loài người. Nhưng những cố
gắng đó không làm cho ai được toại nguyện.
Thánh Gioan khi viết Tin Mừng để
giới thiệu Con Thiên Chúa làm người: Ngài là một Ngôi vị. Ông Gioan đã “rửa
tội” cho các quan niệm về Logos của nền triết học Hy Lạp. Ý ông muốn nói: ai
đang đi tìm nguyên lý của sự sống, của chân lý, tìm nguyên nhân sự hiện hữu của
muôn loài trong vũ trụ, qua các ý niệm về Logos của nền triết học Hy Lạp, thì
đều mang tính đa thần khác hẳn với niềm tin Ki-tô giáo là độc thần. Thánh Gioan
cho biết Logos chính là Ngôi Lời làm người, Ngài là Đức Khôn Ngoan, là một Ngôi
Vị trong Thiên Chúa, có trước vạn vật tác thành vũ trụ, điều khiển và hướng dẫn
muôn loài (x Cn 8,22-26). Con Thiên Chúa làm người, Ngài đáp ứng mọi khát vọng thiện
hảo của loài người, Ngài không phải là một thụ tạo như Hê-ra-cơ-lít hiểu, Ngài
không phải là hồn của vũ trụ như phái Khắc Kỷ hiểu, Ngài cũng không phải là
Thiên Chúa hạng thứ như Phi-lon hiểu, mà Ngài là Lời Thiên Chúa từ nguyên thủy
đã tạo dựng vũ trụ (x St 1). Vào thời Ngài thực hiện ơn cứu độ để làm hoàn hảo
công trình tạo dựng thuở ban đầu, Lời nguyên thủy ấy nay đã trở thành xương
thịt của loài người, thành một hữu thể, một Ngôi vị, Ngài vừa có bản tính loài
người, vừa có bản tính Thiên Chúa, Ngài từ Chúa Cha đến thế gian, nên ai thấy
Ngài là Chúa Cha, Ngài nói như Cha, Ngài làm như Cha, Ngài đồng bản thể với Cha
là Thiên Chúa (x Ga 10,30 ; 14,5-11). Ngài đến để làm hoàn hảo cuộc sáng tạo
thuở ban đầu, không có Ngài không có gì thành sự và được tồn tại (x Ga 1,1-3).
Do đó thánh Gioan lên án: Ai không
tin vào Con Thiên Chúa làm người, là Đức Giê-su Ki-tô như Hội Thánh tin, thì nó
là phản Ki-tô, sự thật, sự sống không có nơi kẻ ấy, nó không thuộc về đoàn
chiên của Chúa chăm sóc, nên nó cũng không thông hiệp với các Ki-tô hữu (x 1Ga
2,18-21: Bài đọc).
Ai thuộc về đoàn chiên của Mục Tử
Giê-su chăm sóc, thì phải tin Ngôi Lời đã làm người:
§ “Lúc
khởi đầu đã có Lời” (Ga 1,1a): Lời từ thuở ban đầu sáng tạo vũ trụ, nay xuất hiện để hoàn tất công trình đã được
sáng tạo thuở ban đầu.
§ “Ngôi
Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu Người vẫn
hướng về Thiên Chúa” (Ga 1,1b-2): Ngôi Lời là Thiên Chúa nên ta đón nhận được Ngôi Lời,
chính Ngôi Lời lôi kéo ta về với Thiên Chúa, bởi vì loài người đã lạc xa Thiên
Chúa, được sinh ra từ dòng giống A-đam,
E-và, sau khi phạm tội, họ luôn tìm đường lẩn trốn Thiên Chúa (x St 3,8).
§ “Nhờ
Ngôi Lời vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo
thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng
cho nhân loại”
(Ga 1,3-4): Ngôi Lời sáng tạo vạn vật, vì vạn vật được hiện hữu là do bởi Ngôi
Lời, không có Ngài thì chẳng có gì thành sự, dù nhờ Ngài mà sự sống đã xuất
hiện nơi thụ tạo. Nhưng sự sống nơi thụ tạo do Thiên Chúa tạo dựng thông ban
cho nó, sự sống ấy bị mất đi khi thần chết đến. Nhưng nhờ Ngôi Lời là ánh sáng
dẫn đưa nhân loại vào hiệp thông với sự sống của chính Thiên Chúa trong Chúa
Giê-su Ki-tô, là sự sống viên mãn, vinh quang, vĩnh cửu, đó mới là sự sống
Thiên Chúa muốn tặng ban riêng cho loài người, nhờ, trong Chúa Giê-su Ki-tô.
§ “Ánh
sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5): Ngôi Lời là ánh sáng
diệt bóng tối (tội, sự chết). Vì Ngài là ánh sáng rọi thấu tâm hồn mọi người, ai
cũng nhận biết mình có tội (x Rm 7,7), và nhờ biết mình có tội nên sinh lòng
sám hối chạy đến cùng ánh sáng, để bóng tối tội lỗi bị diệt trừ, và nhờ thông
hiệp với Ngôi Lời thì được chia phần sự sống phục sinh vinh hiển, sự sống thật
nơi Thiên Chúa hằng sống (x Ga 11,25-26).
§ “Có
một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng và làm
chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,6-8): Ông Gioan Bt cũng
được coi là ánh sáng, nhưng ánh sáng của ông chỉ là ngọn đèn leo loét (x Ga
5,35), không thể sánh với ánh sáng Mặt
Trời Công Chính là Đức Giê-su Ki-tô, vì Ngài là ánh sáng soi đường ta đến với
Ngôi Lời, là ánh sáng viên mãn phát sinh sự sống, như ánh sáng mặt trời soi cho
nhân loại đang ngồi trong bóng tối sự chết hướng chân họ đi thẳng tới bình an
(x Lc 1,78-79).
§ “Ngôi
Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9): Chỉ có Ngôi Lời là ánh
sáng dẫn ta vào chân lý, để ta thoát ra khỏi thế gian tràn ngập gian dối, bởi
thế ai trong thế gian là sống trong gian dối, không có sự thật.
§ “Người
ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người” (Ga 1,10): Ngôi Lời đã trở nên
xác phàm, để cho ta cùng một xương thịt với Ngài (x Dt 2,11), nhờ vậy mà Ngài
nâng đỡ ta đang chới với giữa thế gian, Ngài còn dẫn dắt bảo tồn những gì Ngài
đã tạo dựng. Nhưng tạo vật lại không nhận biết bởi đâu mà mình hiện hữu và tồn
tại, trừ khi nó được hiệp thông nên xương thịt với Ngôi Lời làm người.
§ “Người
đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11): Ngôi Lời nhập thể sống
kiếp người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi, để cảm thông được mọi nỗi đau khổ
của nhân loại, biết mọi khát vọng của loài người, nhất là đối với người nhà của
Ngài là dân Do-Thái, một dân tộc đã được Thiên Chúa tuyển chọn, để từ dân tộc
này ơn cứu độ được ban tặng cho thế gian (x Ga 4,22). Thế mà người nhà của Ngài
– dân Ngài tuyển chọn – lại không đón nhận Ngài.
§ “Còn
những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền
trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra không phải do khí huyết, cũng chẳng do
ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên
Chúa” (Ga
1,12-13): Ai đón nhận được Ngôi Lời làm người là Đức Giê-su Ki-tô, thì họ được
Ngài tái sinh không do xác thịt của loài người, nhưng do chính Chúa Giê-su, để
họ biết yêu thương và phục vụ cả kẻ đối nghịch, hầu được trở nên con Thiên
Chúa, đồng danh, đồng vị với “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32 = Lc 6,35).
§ “Ngôi
Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ (cắm lều) giữa chúng ta. Chúng tôi đã được
nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con
Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14): Lời Thiên Chúa không còn là một ý tưởng, không
còn là một lý tưởng, không còn là ngôn từ, nhưng Lời đã trở nên một Ngôi vị như
mọi người, Ngài đã “cắm lều” giữa
chúng ta. Thánh Gioan nhắc đến chiếc lều ở đây cho chúng ta nhớ lại dân Do Thái
trong thời gian bỏ Ai Cập tiến về Đất Hứa, họ làm Lều Hội Ngộ để đặt hai Bia Đá
Lời Chúa, có mây bao phủ, khi cột mây bốc lên di chuyển, thì dân Do Thái nhổ
lều đi theo áng mây như chiếc dù che chở dẫn họ đi, giúp họ thoát tay kẻ thù
gặp trên đường (x Xh 33,7-11; 40,34-36). Ngài “cắm lều” giữa chúng ta cũng là nhắc lại ba môn đệ Phê-rô,
Gia-cô-bê, Gioan được Chúa dẫn vào vinh quang trên núi Hiển Dung, họ muốn cắm
lều ở lại hưởng vinh quang Thiên Chúa, không muốn trở xuống núi với thế gian (x
Mt 17). Đức Giê-su chỉ thực sự dẫn đưa chúng ta vào sự sống vinh quang sung mãn
của Ngài trong Chúa Cha, khi Ngài tự hiến mình làm Hy Tế trên thập giá, chính
lúc đó Ngài tự hạ trở nên kẻ thấp hèn nhất trong loài người, để chuộc lại nơi
Cha Ngài những ơn loài người vì phạm tội, mà ma quỷ đã tước đoạt, và Ngài còn
ban cho họ những ơn phong phú hơn thuở ban đầu, hầu mọi miệng lưỡi tôn vinh
danh Ngài là Đức Chúa, mọi đầu gối phải bái thờ Ngài (x Pl 2,6-11). Xưa kia dân
Do-Thái, ai mà thấy Thiên Chúa thì không sống nổi (x Xh 33,20), trái lại, trong
Chúa Giê-su, người ta được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, và còn được hiệp
thông với sự sống sung mãn của Ngài. Đó là mục đích Ngôi Lời đã làm người để
cứu nhân loại.
§ “Ông
Gioan là chứng về Người, ông tuyên bố: đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau
tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,15): Ông Gioan Tẩy Giả được mọi người tôn
vinh, cả đến Đức Giê-su cũng khen ông là người cao cả nhất sinh ra bởi
người nữ (x Mt 11,11), nên nhiều người
tưởng ông là Đấng Mê-si-a (x Lc 3,16), vì thế ông Gioan vội vàng cải chính: Đấng
mà tôi nói đến – Đức Giê-su – Người đến sau tôi – thua tôi 6 tháng tuổi – nhưng
Ngài trổi vượt hơn tôi vì Ngài là Thiên Chúa, Ngài có trước tôi.
§ “Từ
nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật,
thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (Ga 1,16-17): Thuở xưa, Luật Chúa ban cho dân qua ông
Mô-sê vẫn còn giam người ta trong tội lỗi (x Gl 3,22), vì ai cũng bất lực chu
toàn Lề Luật: điều xấu Luật cấm, ít nhiều đã vi phạm ; điều tốt Luật dạy, không
ai làm hoàn hảo. Do đó, Luật chỉ có giá trị dẫn ta đến gặp Đức Giê-su, Đấng
giải phóng mọi người khỏi án phạt của Luật (x Gl 3,24), tức là khi ta được hiệp
thông với Ngài, nhờ Lời Ngài ta nhận biết tội mình (x Rm 7,7), ta khiêm tốn sám
hối trông cậy vào lòng thương xót của Ngài, ít là giống anh trộm lành (x Lc
23,40-43), và nhờ thông hiệp với Ngài trong Bí tích Thánh Thể, ta được nhờ
Ngài, với Ngài, trong Ngài (x Rm 11,36) ra đi phục vụ đồng loại, ta mới xứng
đáng được Ngài ban cho hết ơn này đến ơn khác, vì “ngoài danh Đức Giê-su, dưới gầm trời này không có danh nào khác để
người ta kêu cầu hòng được cứu độ” (x
Cv 4,12).
§ “Thiên
Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả, nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng
hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”
(Ga 1,18): Hết thảy những ai đón nhận được Đức Giê-su Ki-tô, thì
được Thánh Thần ghi tạc Lời vào tấm linh
hồn và thân xác họ (x 2Cr 3,3). Họ được hơn xưa Chúa ghi Lời trên tấm đá trao
cho ông Mô-sê, đến thời Thiên Chúa cứu độ, thì Lời trên tấm đá đó không cần nữa
(x Gr 31,33). Bởi vì Lời ghi trên tấm linh hồn và thân xác ta, mới làm cho trái
tim ta được nên giống trái tim Chúa Giê-su (x Ed 36,26), đến nỗi ta được nên đồng hình đồng dạng với Con
Thiên Chúa (x Gl 2,20). Như thế, ta là kẻ thấp hèn được nâng cao tuyệt đỉnh nhờ
Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã trực tiếp tỏ cho ta biết về
Thiên Chúa, đặc biệt khi ta hiệp dâng Thánh Lễ.
Nói tắt, nếu Lời Thiên Chúa chỉ
nằm trên môi miệng của ta, hoặc ta đón nhận Lời trong trí não, qua thính giác,
thì Lời ấy chưa sinh ích cho ta. Ta còn phải đón nhận Lời, sống Lời, để trở
thành xương thịt trong Chúa Giê-su Phục Sinh, hầu ta đi con đường như Ngài đã
đi (x 1Ga 2,6), và chỉ khi nào ta nói được với mọi người rằng: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước
Chúa Giê-su” (1Cr 11,1), lúc ấy “trên
trời dưới đất rúng lên niềm vui mừng, làm cho muôn tạo vật được nhảy mừng trong
Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, vì Chúa đến xét xử địa cầu theo đường công chính, và
xét xử muôn dân theo chân lý của Người” (Tv 96/95,1-13: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Từ nguồn sung mãn của Đức Ki-tô Giê-su tất cả chúng ta đã
lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (Ga 1,16).
TÓM TẮT NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ TRONG BÀI
1/ Các triết gia đại diện cho giới
trí thức, cũng chỉ mò mẫm đi tìm chân lý. Nhưng chỉ ai có tâm khao khát chân lý
mới đón nhận được mạc khải của Thiên Chúa, để dẫn dắt tâm tư và hành động của
mình đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu.
2/ Sự sống nơi tạo vật là sự sống
được Chúa sáng tạo, nó không phải là sự sống tự tại, không phong phú, không bất
tận như Thiên Chúa là Sự Sống. Bởi thế, người ta muốn tham dự vào Sự Sống dồi
dào của Thiên Chúa, cần phải hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể, là Ngôi Lời
đã làm người.
3/ Nhìn vào cơ cấu Tin Mừng Gioan,
trong 18 câu đầu của chương 1, ông đã diễn tả chương trình cứu độ của Con Thiên
Chúa như một Parabol :
-
Ngôi
Lời ở nơi cao nhất, là Chúa Tể muôn loài (Ga 1,1).
-
Ngôi
Lời xuống thấp nhất trở nên người phàm cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14).
-
Ngôi
Lời về cùng Cha để lôi kéo vạn vật lên với Ngài (Ga 1,18).
Vậy Ngôi Lời biết rõ chúng ta nhất,
giống như một người muốn biết rõ một địa danh,người ấy phải ở nơi cao nhất để
quan sát tường tận, đồng thời người ấy phải xuống nơi thấp nhất khu vực mình
quan sát. Có thế mới triệt để quán xuyến được mọi vấn đề nơi địa danh mình quan
tâm. Rõ ràng thánh Gioan đã diễn tả Con Thiên Chúa ở trên trời nơi cao nhất (Ga
1,1) ; Ngài “nhảy dù” xuống thung lũng thế gian (Ga 1,14), rồi Ngài lôi kéo con
người lên cùng Thiên Chúa, đến nỗi được
đồng hóa với Ngài (Ga 1,18).
4/ Chúa cắm lều ở giữa chúng ta,
dẫn dắt ta, ủng hộ ta như gà mẹ ấp ủ đàn con dưới cánh (Lc 13,34), như lũ chiên
con được mục tử ấp ủ vào lòng (Is 40,11) ; Ngài che chở dẫn dắt ta dưới áng
mây, đậu hay di chuyển phủ trên Nhà Tạm (Xh 33,7-11 ; 40,34-36). Đó là lý do ba
môn đệ xin cắm lều ở trên núi Hiển Dung, nhưng Đức Giêsu không cho, Ngài giục
các ông xuống núi để Ngài còn muốn cắm lều ở giữa chúng ta,hầu che chở và đồng
hành với ta hướng đến nguồn vinh quang muôn thuở (x Mt 17).
5/ Khi Lời còn là ngôn ngữ, còn là
ý tưởng, thì Lời giam chúng ta trong tội, chỉ khi Lời là xương thịt của ta: nghe
Lời suy gẫm và thực hành, rồi đến hiệp thông Thánh Thể, lúc đó từ nguồn sung
mãn của Ngôi Lời, chúng ta mới đón nhận được hết ơn này đến ơn khác (Ga 1,16).