BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I:
Is 52,7-10
7 Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình
an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng:
"Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị." 8 Kìa nghe chăng quân
canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt Đức
Chúa đang trở về Xi-on.9 Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế, hãy
đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc
Giê-ru-sa-lem. 10 Trước mặt muôn dân, Đức Chúa đã vung cánh tay thần
thánh của Người:ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn
thấy.
ĐÁP CA :
Tv 97
Đ. Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. (c
3cd)
1 Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ
công.Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.
2 Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mạc khải đức công chính của Người
trước mặt chư dân;3ab Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho
nhà Ít-ra-en.
3cd Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. 4
Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.
5 Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc hạc cầm réo rắt
giọng ca. 6 Kèn thổi vang xen tiếng tù và, tung hô mừng Chúa, vị
Quân Vương!
BÀI ĐỌC II
: Dt 1,1-6
1 Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng
ta qua các ngôn sứ;2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán
dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt
Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.3 Người là phản ánh vẻ
huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng
lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người
lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời.4 Danh hiệu Người được thừa
hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ
bấy nhiêu. 5 Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên
thần nào: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con hoặc là: Ta sẽ là
Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta.6 Khi đưa Trưởng Tử vào thế
giới loài người, Thiên Chúa lại nói: Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ
lạy Người.
BÀI GIẢNG
LOÀI NGƯỜI
PHẢI ĐƯỢC TÁI SINH
TRONG CHÚA
GIÊSU
Niềm vui ơn cứu độ khai mào từ mầu nhiệm Giáng Sinh, phải
được nối dài và mở rộng nhờ :
- Sứ
giả Tin Mừng loan báo cho nhân loại đang sống trong cảnh lầm than, có Đấng Toàn
Năng từ trời đến cứu giúp họ.
- Ngài
là Ngôi Lời Thiên Chúa đến tạo dựng và tái tạo vũ trụ cho loài người được sự
sống của Thiên Chúa.
- Ngài
là ánh sáng thật đến biến dữ ra lành : Từ bóng tối bật lên ánh sáng ban sự
sống.
- Ai
đón nhận được Ngài, là được Ngài tái sinh làm con Thiên Chúa.
- Ngài
cho con người được đồng hóa với Ngài.
1/ SỨ GIẢ TIN MỪNG LOAN BÁO CHO NHÂN LOẠI
ĐANG SỐNG TRONG CẢNH LẦM THAN, CÓ ĐẤNG TOÀN NĂNG
TỪ TRỜI ĐẾN CỨU GIÚP HỌ.
Sứ giả Tin Mừng phải tự đặt mình
trong tâm trạng của ngôn sứ Isaia, được Chúa sai đến với dân Ngài trong hoàn
cảnh dân đang bị cảnh nô lệ dưới ách thống trị của đế quốc Babylon, đi loan báo
Tin Mừng cho dân Chúa biết : Hãy phấn khởi vui mừng, vì Chúa dùng bàn tay ông
Kyros, vua ngoại giáo giải phóng cho dân khỏi ách nô lệ, và cho dân trở về quê
hương. Đặc biệt vua lấy ngân quỹ quốc gia cung cấp cho dân Chúa tái thiết đền
thờ Giê-ru-sa-lem (x Is 52,7-10 : Bài đọc I). Nhưng biến cố trên chỉ là tiền
trưng cho ơn cứu độ Thiên Chúa thực hiện, khởi đi từ mầu nhiệm Giáng Sinh : Con
Một Vua Cả trên trời uy quyền mạnh sức hơn vua Kyros, thương loài người đang
chịu bao cảnh đau khổ bởi những quyền lực sự ác, nhất là các dục vọng đang
thống trị tâm hồn con người. Ngài mới đích thực là Đấng giải phóng toàn diện
hồn xác tất cả những ai tin theo Ngài, để tái thiết cuộc đời của họ, trở nên Đền
Thờ đích thực Thiên Chúa ưa chuộng (x 1Cr 3,16), hơn đền thờ Giê-ru-sa-lem thuở
xưa được tái thiết bằng những vật liệu quý giá.
Thánh Gioan nối tiếp sứ mệnh của
ngôn sứ Isaia loan báo Tin Mừng cho cả loài người biết đón nhận Đấng Giải Phóng
đích thực, đối với những tâm hồn đang khao khát sống đời hoàn thiện.
2/ NGÀI LÀ NGÔI LỜI THIÊN CHÚA ĐẾN TẠO DỰNG
VÀ TÁI TẠO VŨ TRỤ CHO LOÀI NGƯỜI ĐƯỢC SỰ SỐNG CỦA
THIÊN CHÚA.
Thuở ban đầu vũ trụ này được thành hình, muôn vật hiện hữu
đều tốt đẹp khi Lời Thiên Chúa phán ra (x St 1). Lời ấy hôm nay trở thành một
Ngôi vị, thánh Gioan gọi là “Ngôi Lời”, Ngài chính là Thiên Chúa, Ngài xuất
hiện trên trần gian để tái tạo những gì tốt đẹp do tội loài người đã làm hư
hỏng, Ngài bảo tồn nó trong quyền năng và danh dự của Ngài. Không có Ngài thì
không sự gì được tạo thành, điều đặc biệt đã được tạo thành nơi Ngài là sự sống
thật dồi dào, cho loài người được thông dự vào sự sống phong phú của Thiên Chúa
(x Ga 1,1-3 : Tin Mừng ; Ga 6,57).
3/ NGÀI LÀ ÁNH SÁNG THẬT ĐẾN BIẾN DỮ RA LÀNH
: TỪ BÓNG TỐI BẬT LÊN ÁNH SÁNG BAN SỰ SỐNG.
Trong trình thuật sáng tạo thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo
ra ánh sáng trước nhất (x St 1,3), để rồi từ ánh sáng đó, Chúa tiếp tục hoàn
tất sáng tạo vạn vật trong vũ trụ. Khi Ngôi Lời Thiên Chúa đến tái tạo vũ trụ, Ngài
không làm thêm ánh sáng vật chất, vì Ngài là ánh sáng ban sự sống, ánh sáng của
Ngài mạnh hơn ánh sáng mặt trời đến viếng thăm chúng ta (x Lc 1,78). Mà ánh
sáng thì không có đối thủ, ánh sáng đến tiêu diệt bóng tối : Ngôi Lời Thiên
Chúa là ánh sáng đến tiêu diệt sự ác, lại biến tội lỗi của con người thành ơn
huệ dồi dào hơn lòng họ mơ ước (x Rm 5,20 ; Ep 3,20). Trong khi đó, nhiều người
đã lầm tưởng Gioan là Đấng Cứu Thế (x Ga 1,20 ; 3,28). Thực ra, ông Gioan chỉ
đến làm chứng cho sự sáng, nếu ai gọi ông là ánh sáng, thì ánh sáng của ông chỉ
như chiếc đèn (x Ga 5,35), làm sao so sánh được với Đức Giê-su còn hơn ánh sáng
mặt trời (x Lc 1,78). Vì ánh sáng này làm cho những kẻ đang ngồi trong bóng tối
sự chết, hướng chân họ thẳng đường bình an (x Ga 1,4-9 : Tin Mừng ; Lc 1,79).
4/ AI ĐÓN NHẬN ĐƯỢC NGÀI, LÀ HỌ ĐƯỢC TÁI
SINH LÀM CON THIÊN CHÚA.
Hết những ai đón nhận được Ngôi Lời Thiên Chúa, thì họ
được Ngài tái sinh trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa, họ được sinh ra không do
khí huyết hay ước muốn của xác thịt loài
người, nhưng được sinh ra bởi Thiên Chúa (x Ga 1,10-13 : Tin Mừng).
Thuở xưa Chúa dùng bụi đất mà dựng nên con người, làm sao
sánh được với nghĩa tử của Thiên Chúa được sinh ra bởi xương thịt của Ngôi Lời
nhập thể (x Dt 2,11).
5/ NGÀI CHO CON NGƯỜI ĐƯỢC ĐỒNG HÓA VỚI
NGÀI.
Thiên Chúa vốn dĩ là Đấng toàn năng, nhưng khi Ngài cứu loài người, Ngài không
ngồi trên trời để tỏ lòng thương hại loài người đang lầm than khốn nạn nơi
dương thế, mà Con Một Thiên Chúa đã giáng trần, sống kiếp người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi, hầu
Ngài cảm thông được những đau khổ của nhân loại. Vì Ngài lại là Đấng toàn năng,
nên Ngài dư quyền để cứu độ nhân loại.
Ơn cứu độ Ngài ban cho loài người một cách cụ thể là dẫy
tràn ân sủng và sự thật, bởi vì “từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta
đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”. Xưa kia Chúa ban cho dân Ngài
Luật qua tay Mô-sê, đã là một ơn huệ lớn lao, không dân tộc nào có được, nhưng
Luật ấy vẫn còn giam người ta trong tội lỗi (x Gl 3,22). Luật ấy chỉ có giá trị
dẫn dắt người ta đến kết hợp với Ngôi Lời Thiên Chúa (x Gl 3,24), một Đấng mà
chưa ai thấy bao giờ, vì Ngài là Con Một Cha trên trời hằng ở nơi cung lòng Chúa
Cha, chính Ngài đã bày tỏ cho chúng ta được biết Cha Ngài (x Ga 1,14-18 : Tin
Mừng).
Như vậy, Lời thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng vạn vật,
nay Lời ấy trở thành thịt, thành Ngôi vị cư ngụ giữa chúng ta, Ngài kêu gọi hết
thảy những ai đang gánh vác nặng nề, hãy
đến cùng Ngài, sẽ được Ngài nâng đỡ bổ sức cho (x Mt 11,28), đối với những ai
làm cho Lời Thiên Chúa trở thành xương thịt của mình, cụ thể là :
C Đón nhận trọn vẹn Chúa Giê-su
Phục Sinh qua Bí tích Khai tâm.
C Thực hành Lời Ngài đã dạy, để đi
cùng con đường Đức Giê-su đã đi (x 1Ga 2,6).
Niềm vui ơn cứu độ trên đây, người ta chỉ cảm nghiệm được
khi đến tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh trong tin yêu, vì mỗi khi ta tham dự
Phụng Vụ, đức tin Công giáo dạy : Ta được trực tiếp nghe Lời Con Thiên Chúa,
Hội Thánh chỉ là cái loa Thiên Chúa dùng chuyển Lời đến tai ta (x Dt 1,1-6 :
Bài đọc II), để “toàn cõi đất này được
xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 98/97,3 : Đáp ca).
Nhưng làm sao ta an tâm, nắm chắc khi dự Phụng Vụ, ta được
nghe trực tiếp Lời Thiên Chúa phán ? Muốn thế, ta phải nghe Lời Thiên Chúa, dựa
trên ba tiêu chuẩn này :
a- Bài giảng phải dựa vào những nguyên tắc của
Hội Thánh đã dạy, đặc biệt trong Hiến Chế Phụng Vụ của Công Đồng Vatican II :
- Hiến Chế Phụng Vụ số 24 dạy : “Trong việc cử hành Phụng Vụ, Thánh Kinh giữ
vai trò tối quan trọng. Thực vậy, người ta trích từ Thánh Kinh những Bài đọc,
những bài này để dẫn giải trong bài giảng”.
- Hiến Chế Phụng Vụ số 52 dạy : “Bài giảng phải căn cứ vào Thánh Kinh, để
trình bày các mầu nhiệm đức tin và những quy tắc cho đời sống Ki-tô hữu trong
suốt chu kỳ năm Phụng Vụ. Bởi vậy, bài
giảng rất được coi như phần chính của Phụng Vụ”.
- Hiến Chế Phụng Vụ số 35 dạy : “bài giảng thuộc phần hoạt động của Phụng Vụ,
nên phải có thời gian thích hợp để giảng dạy, phải hết sức chu toàn thừa tác vụ
giảng dạy đúng với nghi lễ. Tiên vàn bài giảng phải múc lấy từ nguồn Kinh
Thánh và Phụng Vụ”.
b- Bài giảng không
chỉ dừng ở điểm dạy thương người, đó chỉ là nhân bản. Mà bài giảng phải tiến xa
lên cao hơn là làm cho người nghe nhận ra không có Chúa Giê-su đời mất hết giá
trị. Bởi vì sứ mạng chính của Hội Thánh là giới thiệu Chúa Giê-su cho thế giới.
Vì “ai có Chúa Giê-su thì sống, kẻ không
có Chúa Giê-su là chết !” (1Ga 5,12) ; Có kết hợp với Chúa Giê-su để làm
điều tốt cho đồng loại, việc ấy mới là việc của Thiên Chúa, có giá trị cứu độ, làm vinh hiển Chúa ; trái
lại, không kết hợp với Chúa Giê-su, chỉ lòng tốt của mình mà phục vụ đồng loại,
đó là việc của loài người, trước sau sẽ tan biến (x Cv 5,38-39)
c- Việc cắt nghĩa Lời Chúa không nghịch với
truyền thống đức tin Công giáo. Dù vị này giảng không giống vị kia, nhưng nếu
thu góp các bài giảng ấy, lại làm cho ta hiểu Lời Chúa phong phú hơn, chứ không
chống lại nhau. Ta biết rằng, ý nghĩa của một đối tượng rất phong phú, dường
như bất tận.
Ví dụ : Một người sống
trên cung trăng đáp xuống trái đất, người đó lượm được một cục phấn, mà không
biết nó là gì, liền đi hỏi một nhà giáo : “Đây là cục gì?” Nhà giáo nói : “Đây
là phấn dùng viết bảng dạy học trò” ; Người cung trăng lại cầm cục phấn đến hỏi
người nhà nông : “Đây là cục gì?” Người nhà nông trả lời : “Đây là loại thạch
cao, trồng cây không được ” ; Người cung trăng lại đến hỏi nhà làm tượng : “Đây
là cục gì?” người làm tượng trả lời : “Đây là loại thạch cao, nhưng loại này
tôi không dùng nắn tượng được” ; Người hành tinh lại đi hỏi nhà khoa học : “Đây
là cục gì?” Nhà khoa học trả lời : “Đây là kết tinh của nhiều phân tử can-xi,
mỗi phân tử có dương điện tử và âm điện tử, chạy quanh một trung hòa tử.”
Như thế, muốn tìm ý nghĩa của một
cục phấn, mà bốn người nói khác nhau, nhưng không nghịch nhau, mà chỉ làm phong
phú về ý nghĩa của cục phấn. Nếu người hành tinh lười biếng, không đi hỏi nhiều
người, chỉ hỏi một người nông dân về cục phấn, thì người hành tinh biết quá ít,
quá nông cạn về cục phấn! Nhưng nếu càng chịu khó đi hỏi nhiều người, thì càng giàu kiến thức về cục phấn.
Ấy một cục phấn ý nghĩa còn phong
phú đến thế, huống chi Lời Chúa còn phong phú ý nghĩa gấp bội. Chúng ta càng
chịu khó nghe nhiều vị giáo sĩ giảng Lời Chúa, chúng ta càng hiểu biết Lời Chúa
phong phú hơn!
THUỘC LÒNG
Từ sự sung mãn của Chúa Giê-su Phục Sinh, chúng ta
lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (Ga 1,16)