BÀI GIẢNG
ĐẤNG GIẢI PHÓNG ĐÍCH THỰC !
Chúa nhật cuối
cùng của Mùa Vọng này, tâm hồn người tín hữu nào cũng nao nức hướng về niềm vui
ơn cứu độ, mà Thiên Chúa bắt đầu thực hiện lời hứa từ ngày nguyên tổ loài người
phạm Luật, như lời Ngài đe phạt con rắn: “Miêu
duệ người phụ nữ sẽ đạp nát đầu mi, còn mi rình táp gót chân Ngài mà không nổi”
(St 3,15 – Bản văn của NTT). Phụng Vụ hôm nay khai triển cho chúng ta gía trị
Lời Chúa hứa được thực hiện, để chúng ta còn có sứ mệnh loan báo Tin Mừng cứu
độ đến với mọi người thành tâm.
1- CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI ĐỂ GIẢI PHÓNG TA KHỎI ÁCH LỀ
LUẬT.
Để nhận ra chân
lý này chúng ta phải tìm hiểu lý do: Tại sao chỉ có tác gỉa Mát-thêu ghi lại cuộc Truyền Tin cho
ông Giu-se ?
Có hai lý do
chính mà thánh sử Mat-thêu đã ghi lại cuộc Truyền Tin này :
a-
Để Đức Giê-su vừa là con loài người, vừa là
Con Thiên Chúa.
Vì 17 câu đầu
của Tin Mừng Mt viết về gia phả của Đức Giê-su: “Đức Ki-tô Giê-su là con vua Đa-vít, con Ab-ra-ham, Ab-ra-ham sinh
I-sa-ác, I-sa-ác sinh Gia-cóp, Gia-cóp sinh Giu-đa, … sinh Giu-se chồng của Đức
Ma-ri-a, bà là Mẹ Đức Giê-su, cũng gọi là Đấng Ki-tô” (x Mt 1,1-17).
Nếu ông
Mát-thêu chỉ viết như thế thì độc gỉa hiểu Đức Giê-su là con của ông Giu-se và
bà Ma-ri-a, người con theo nghĩa xác thịt ! Do đó trình thuật Truyền Tin cho
ông Giu-se có ý xác định: Đức Giê-su là con bởi xương thịt của Đức Ma-ri-a,
đồng thời là Con Thiên Chúa. Do ý muốn của Thiên Chúa qua tác động của Chúa
Thánh Thần, mà Đức Ma-ri-a sinh Đức Giê-su, chứ không phải do ý muốn của ông
Giu-se và bà Ma-ri-a. Ông Giu-se chỉ là cha nuôi, hoặc là cha theo pháp luật,
để Con Thiên Chúa sinh ra thuộc dòng tộc vua Đa-vít. Vì thế mà thánh Tông Đồ
xác quyết: “Chính từ dòng dõi Đa-vit,
Thiên Chúa chiếu theo lời hứa đã dẫn đến cho Israel Vị Cứu Tinh Giê-su” (x
Cv 12,23).
b-
Để Đấng Cứu Thế được sinh ra cho loài người.
Thực vậy, cuộc Truyền
Tin thứ nhất của sứ thần Gabriel, làm cho Con Thiên Chúa sinh trong lòng Đức
Ma-ri-a, nếu sứ thần Gabriel không Truyền Tin cho ông Giu-se, thì Con Thiên
Chúa không thể sinh vào đời cách tốt đẹp được !
Do đó ông
Giu-se được gọi là đấng công chính, có nghĩa là ông đã để cho Thiên Chúa đoạt
lấy Ma-ri-a, người yêu của ông, và như vậy Ma-ri-a không còn thuộc quyền của
ông nữa, vì ông đã hiến dâng vợ mình cho Thiên Chúa, còn hơn ông A-ben xưa đã
tiến dâng cho Chúa con chiên qúy nhất trong đàn, tiên báo Chúa Giê-su là Của Lễ
Con Chiên Thiên Chúa, mới được Cha trên trời ưng nhận. Ta lại biết ngôn sứ
Na-tan gọi người vợ là con chiên của chồng (x 2Sm 12). Đó là lý do mà tác gỉa
Tin Mừng Mat-thêu gọi ông Giu-se và ông A-ben
là đấng công chính ! (x Mt 1,19 = Mt 23,35). Bởi lẽ được liên hệ với Hy
Tế của Chúa Giê-su.
Vậy
thái độ lúng túng của ông Giu-se trước bào thai của Đức Ma-ri-a đã diễn tả sự bất
lực của Lề Luật.
§ Nếu ông Giu-se
không biết Thai Nhi do Chúa Thánh Thần, thì theo Luật ông phải tố cáo Ma-ri-a
đã ngoại tình nên phải ly hôn (x Dnl 22,13-27).
§ Nếu ông biết Thai
Nhi đó là do Chúa Thánh Thần, cứ theo Luật ông nhận Ma-ri-a, thì đương nhiên
ông là cha Đấng Cứu Thế, nhiệm vụ cao cả này, khi chưa được trao trách nhiệm,
làm sao ông dám nhận ?
§ Nếu ông âm thầm
trốn đi, thì đó là cách gián tiếp tố cáo Ma-ri-a ngoại tình !
Rõ ràng ông
Giu-se hành động cách nào cũng là có hại cho người vợ hiền và Thai Nhi vô tội!
Qủa thật, Luật bất lực giải quyết cho lương tâm của ông ! Bởi thế thánh Phao-lô
qủa quyết: “Luật giam chúng ta trong tội
!” (Gl 3,22). Trong lúc còn đang bối rối như thế thì chính tiếng Chúa nói qua
lương tâm ông (được mộng báo), soi sáng cho ông phải quyết định đón Ma-ri-a về,
để Con Thiên Chúa thuộc dòng Đa-vít theo pháp luật, vì “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống
dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn
làm nghĩa tử.” (Gl 4,4) Nghĩa là nhờ ông Giu-se theo lệnh Chúa truyền nhận
Ma-ri-a, Ma-ri-a không bị Luật lên án, để qua đó Đức Maria cũng theo lệnh Đức
Giê-su nhận ta, để ta khỏi bị án của Lề Luật ! (x Ga 19,27 ; Gl 3,24).
Nhờ lòng yêu
thương đặc biệt của Thiên Chúa, mà Người đã giải phóng cho Mẹ Maria và Hài Nhi thoát
án phạt của Lề Luật, trở thành lý do Thiên Chúa muốn giải phóng cho cả loài
người. Điều này đã được tiên báo qua ngôn sứ I-sai-a (x Is 7,10-14: Bài đọc I):
Tình thương của Thiên Chúa đã giải phóng cho dân Do-Thái đang trong hoàn cảnh
tuyệt vọng :
Vào năm -733,
Teglat Phalasar làm vua đế quốc Át-sua, muốn thôn tính các nước nhỏ xung quanh
làm chư hầu. Nghe tin này, hai nước Sy-ri-a và Is-ra-el rủ A-khát, vua Giu-đa
liên minh chống lại đế quốc Át-sua, nhưng vua A-khát không đồng ý với hai nước
láng giềng, lại đi cầu cứu với Át-sua, và tự nhận mình là con của Teglat
Phalasar, hòng Is-ra-en thoát ách nô lệ Át-sua. Do đó, Sy-ri-a và Is-ra-el kéo
quân chinh phạt A-khát, vua Át-sua biết thế cũng không bênh đỡ ! Thấy vậy, vua
A-khát liền lấy châu báu trong đền thờ Giê-ru-sa-lem dâng vua Át-sua để cầu
viện ! Vua A-khát lại còn thiêu sống con trai mình để tế cho thần Đa-ma, ông
còn lập tế đàn thờ thần ngoại ngay trong đền thờ Giê-ru-sa-lem! Cách sống của
vua A-khát như thế, qủa thật là đắc tội với Chúa! Do đó Thiên Chúa sai ngôn sứ
đến qủơ trách ông:
·
“Làm phiền lòng người ta còn cho là
qúa ít sao ?” (x Is 7,13a) Tức là ông không chịu liên minh với Syria và Israel để chống lại Át-sua.
·
“Lại còn làm phiền lòng Thiên Chúa”(x Is 7,13b).
Ông đã tế con cho thần ngoại giáo, xưng mình là con của vua Teglat, tự hạ thấp
dân tộc mình, vì dân Do-Thái vẫn tự hào là con Thiên Chúa ! (x Tv 2,7) Lấy đồ
phụng tự dâng cho vua ngoại giáo là ngạo nghễ với Thiên Chúa, trông cậy vào thế
lực trần gian, nghịch lại với niềm tin dân Do-Thái: chỉ cậy dựa vào danh Gia-vê
mà thôi ! (x Tv 20/19,8)
Dù tội lỗi của
ông nặng đến thế, Thiên Chúa vẫn sai ngôn sứ đến động viên ông cầu nguyện xin
Chúa cho ông một dấu, vì chỉ có Chúa mới là Đấng cứu độ triều đại của ông.
Nhưng ông nói không dám xin Chúa, hoặc là vì ông không đủ lòng trông cậy vào
Thiên Chúa, hoặc ông mặc cảm vì tội lỗi, hoặc là ông không hiểu được lòng khoan
dung của Thiên Chúa. Thế mà Chúa vẫn thương, ban cho một dấu: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ
con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-el.” (Is 7,14) Vì ai có Emmanuel – Thiên
Chúa ở cùng – thì họ:
+ Được Chúa trao
nhiệm vụ vượt khả năng và Ngài giúp họ thành đạt hơn lòng mơ ước, đan cử như
Thiên Chúa ở cùng ông Mô-sê, Ngài giúp ông làm nhiều phép lạ phi thường, để vua
Pharaon phải chấp nhận cho ông đưa dân Do Thái ra khỏi đất Ai Cập (x Xh 3,12).
+ Các Tông Đồ
được Chúa trao nhiệm vụ làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ngài, quả thật là
vượt quá khả năng của các ông. Nhưng khi được Chúa ở cùng, các ông lên đường
thi hành sứ mệnh, ngay bài giảng đầu tiên của thủ lãnh Phê-rô, ông đã tập họp
thêm 3.000 người về cho Chúa (x Mt 28, 19-20 ; Cv 2,41).
+ Không có sự dữ
nào thắng được các Tông Đồ, dù uống nhằm thuốc độc, dù bị rắn cắn cũng không hề
hấn chi ! (x Mc 16,14-20)
+ Được Chúa ban
tràn đầy ơn phúc như lời thiên thần chào
mừng Đức Ma-ri-a (x Lc 1,28).
Như vậy, Thiên
Chúa cứu độ chúng ta không phải vì ta xứng đáng, mà vì danh dự của Chúa (x Tv
143/142,11). Ngôn sứ I-sai-a nói: “Chúa
mà để con trong âm phủ, thì lấy ai ca tụng Chúa ?” (Is 38,18). Và khi Thiên
Chúa chính thức ban ơn cứu độ cho muôn dân, Ngài còn ban ơn cho ta vì Đức Tin của
Đức Ma-ri-a: “Xin Chúa làm cho con theo
lời sứ thần nói.” (Lc 1,38). Rõ ràng Đức Tin của Bà hoàng Ma-ri-a hơn hẳn
ông hoàng A-khát xưa ! Vì Đức Maria tuyệt đối tin vào quyền năng, tình thương
của Chúa, nên Chúa để cho Mẹ làm ứng nghiệm Lời Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ: “Thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt
tên là Emmanuel” (Is 7,14b: Bài đọc I).
Thực ra, lời
ngôn sứ I-sai-a (7,14) theo bản văn Hipri, người nữ ấy là “Ălmah” chỉ có nghĩa
là cô vợ trẻ hay một thiếu nữ (không xác định còn trinh) ; nhưng Bản 70, bằng
tiếng Hy Lạp và bản Vulgata (bản Phổ Thông) bằng tiếng La Tinh, thì lại xác
định người nữ ấy là “Parthenos” (trinh nữ).
Truyền thống
Do-Thái thời ấy không mong Đấng Cứu Thế sinh ra bởi một trinh nữ. Đối với họ,
“trinh” là một sự tủi nhục, như con gái ông Giép-tê than khóc suốt hai tháng vì
cô còn là trinh nữ, không xứng đáng để làm hiến vật tạ ơn Thiên Chúa đã giúp
cha cô thắng quân thù ! (x Tp 11, 29-40)
Sự trinh khiết
của Đức Maria vừa để xác định Mẹ sinh Con bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, vì
Con Mẹ là Con Một Chúa Cha ; vừa trở nên dấu chỉ Hội Thánh Chúa Ki-tô như những
cô trinh nữ khôn ngoan (x Mt 25,1-13), diễn tả Hội Thánh không liên hệ xác thịt
với ai mà vẫn sinh các Ki-tô hữu là chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa
Ki-tô.
2- CHÚA MUỐN TA CỘNG TÁC.
Chúng ta cũng
phải ngoan ngoãn tùng phục và thực hành ý Chúa để cộng tác với Thiên Chúa như
ông Giuse. Ngôn sứ I-sai-a nói về tên Đấng Cứu Thế là Emmanuel (x Is 7,14), nhưng
tại sao thiên thần lại bảo ông Giu-se đặt tên cho con trẻ là Giê-su ?
Thực ra, danh
hiệu “Emmanuel” (viết tắt là No-en), nghĩa là “Chúa ở cùng loài
người” báo trước về sự phục sinh của Đấng Cứu Thế. Vì chỉ khi Đức Giê-su
sống lại, Ngài mới nói với các Tông Đồ: “Thầy ở cùng các con
mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b). Như vậy, tác gỉa Mát-thêu có ý nói: Con
Thiên Chúa sinh ra được an toàn là nhờ ông Giu-se đã tùng phục ý Chúa, nên ông
mau mắn đón Ma-ri-a về, ông đã làm cho Con Thiên Chúa ở cùng loài người, để cứu chuộc
con người, đúng như ý nghĩa tên Giê-su mà thiên thần báo cho Đức Maria và ông
Giu-se đặt cho Con Trẻ (x Lc 1, 31 ; Mt 1,21) [Giê-su phiên âm bởi tiếng Hy-Bá
là Yehôshua, hoặc Yéshua có nghĩa Gia-vê là sự cứu độ], và Ngài chỉ thực sự cứu
độ khi Ngài từ cõi chết sống lại, để mọi ngày ở cùng những ai sống trong Hội
Thánh. Bởi thế, thánh sử Mát-thêu viết câu mở đầu Tin Mừng: “Nữ trinh sẽ thụ thai và sinh Con, và người
ta sẽ gọi tên Ngài là Emmanuel, được dịch là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23: Tung Hô Tin Mừng). Để rồi
cuối Tin Mừng, ông ghi Lời Chúa hứa với các môn đệ: “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (x Mt 28,20b).
Dù Thiên Chúa
thương loài người đến thế, và dù Ngài tỏ quyền năng cứu độ, vì danh dự Ngài, vì
Đức Ma-ri-a, Mẹ Ngài, nhưng Chúa vẫn muốn mời gọi ta cộng tác theo mẫu gương
thánh Giu-se: ba lần ông mau mắn chỗi dậy làm theo Lời Chúa để thoát tay thần
chết, đem ơn cứu độ đến cho mọi người :
a. Mt 1,24: Được mộng
báo, ông Giu-se đã mau mắn chỗi dậy rước Ma-ri-a về nhà, để mẹ con khỏi bị ném đá, khỏi chết
nhục vì Luật !
b. Mt 2,13: Được mộng
báo, ban đêm ông Giu-se chỗi
dậy
đưa Hài Nhi và mẹ Ngài trốn qua Ai-Cập, thoát khỏi bàn tay độc ác của vua
Hê-rô-đê.
c. Mt 2,20: Được mộng
báo, ông Giu-se lại chỗi
dậy
đưa mẹ con Ma-ri-a trở về quê nhà, để thực hiện sứ mệnh cứu dân như ông Mô-sê.
Tông Đồ Phao-lô
nhận thức được nguồn ơn cứu độ Chúa đã thực hiện qua Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con
Một Ngài, và đã nhận ra ơn gọi của mình được Chúa tách riêng để chuyên lo việc
loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Nhưng Chúa không chỉ trao trách nhiệm riêng cho
ông Phao-lô, mà Ngài còn cho cả chúng ta nữa, những kẻ đã được hiệu triệu theo Chúa
Ki-tô để giảng truyền sự vâng phục Đức Tin cho mọi dân tộc (x Rm 1,1-7: Bài đọc
II). Vì Emmanuel không chỉ ứng nghiệm nơi Thánh Gia Thất, mà còn ứng nghiệm nơi
tâm hồn mọi người. Ơn này đã được tiên báo qua hình ảnh tấm lông chiên của ông
Ghê-đê-ôn :
Ông Ghê-đê-ôn
khi làm thủ lãnh dân Do-Thái, đang bị áp lực do quân Mê-đi-an. Ông lo lắng
không biết có nên xuất chinh đánh Mê-đi-an hay xin hàng ? Ông đã cầu nguyện xin
Chúa cho ông một dấu: Nếu tấm lông chiên đặt ngoài sân, qua một đêm mà tấm lông
chiên đẫm sương, còn chung quanh đất khô ráo, thì đó là dấu Chúa ủng hộ ông
xuất quân. Qủa nhiên, sáng hôm sau, ông vắt được cả tô nước từ tấm lông chiên,
đất xung quanh vẫn khô ráo ! Đó là dấu chỉ lần thứ nhất Thiên Chúa chiếm đoạt
Ma-ri-a – trong cuộc truyền tin – để Ma-ri-a trở nên nguồn ơn cứu độ cho muôn
dân.
Hôm sau, ông
lại đặt tấm lông chiên ngoài sân, và cầu xin: Nếu Chúa ủng hộ ông xuất binh,
thì cho tấm lông chiên khô ráo, còn đất chung quanh thì ướt đẫm. Qủa đúng như
lời ông xin. Thế là ông hạ lệnh xuất quân chinh phạt Mê-đi-an trong chiến thắng
lẫy lừng ! (x Tp 6,36-40) Đó là dấu chỉ lần thứ hai, Thiên Chúa chiếm đoạt ông
Giu-se – trong cuộc truyền tin cho ông – để ông Giu-se làm cho mọi người nhận
biết Lời Đức Giê-su cứu độ muôn dân. Thực vậy, từ khi Đức Giê-su bắt đầu giảng
ở đền thờ Giê-ru-sa-lem (Hội Thánh) lúc lên 12 tuổi, thì không còn ai biết đến
ông Giu-se nữa, vì ông đã hoàn tất nhiệm vụ của mình ! (x Lc 2,41t)
Vì thế mùa Vọng
nào trong các Giáo Đường cũng vang lên tiếng ca: “Trời cao hãy đổ sương xuống, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính” (x
Is 45,8) trong niềm xác tín:
-
Sương trời là Ngôi Hai.
-
Tấm lông chiên là Đức Ma-ri-a, thánh Giu-se.
-
Đất là mọi người trong Hội Thánh.
Vậy Đấng
Emmanuel đã ở cùng Đức Ma-ri-a, ở cùng thánh Giu-se (sương đẫm lông chiên) chưa
đủ bảo đảm chắc chắn ơn cứu độ cho ta, mà Đấng Emmanuel còn phải ở với tâm hồn
mỗi người (đất đẫm sương trời), đặc biệt lúc ta rước Lễ mới bảo đảm ơn cứu độ
cho người được Chúa thương ! Để “Chúa sẽ
ngự vào, chính Người là Đức Vua vinh hiển” (Tv 24/23,7c.10b: Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Trời cao hãy đổ sương
xuống, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính! (Is 45,8)