Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
Thứ 4 sau CN 22 TN, năm chẵn
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: 1 Cr 3, 1-9
1 Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Ki-tô.2 Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi,3 vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao?4 Khi người này nói: "Tôi, tôi thuộc về ông Phao-lô", và người khác: "Tôi, tôi thuộc về ông A-pô-lô", thì anh em chẳng là người phàm tục sao?
 5 Vậy A-pô-lô là gì? Phao-lô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban.6 Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.7 Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể.8 Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình.9 Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên.
ĐÁP CA: Tv 32
Đ.        Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp. (c 12b).
12 Hạnh phúc thay quốc gia được CHÚA làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp.13 Từ trời cao nhìn xuống, CHÚA thấy hết mọi người.
14 Từ thiên cung Chúa ngự, Chúa dõi theo người thế. 15 Lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên, việc họ làm, Chúa thông suốt cả.
20 Tâm hồn chúng tôi đợi trông CHÚA, bởi Người luôn che chở phù trì. 21 Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh.
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: Lc 4,18
Hall-Hall:  Chúa sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Hall
TIN MỪNG: Lc 4, 38-44
38 Khi ấy, Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà.39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.
 40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ.41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: "Ông là Con Thiên Chúa! " Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.
 42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.43 Nhưng Người nói với họ: "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó."44 Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.

BÀI GIẢNG
A. GIẢI THÍCH
1/ Tại sao Đức Giê-su cấm quỷ không được nói về Ngài?
Bốn lý do Đức Giê-su cấm :
a-     Người nào biết Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, người ấy được Chúa cứu độ  (x Ga 17,3). Quỷ không được Chúa cứu, nên nó không được phép nói Ngài là Con Thiên Chúa.
b-     Quỷ không được phúc rao giảng về Con Thiên Chúa.
c-      Nếu nhờ quỷ nói Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, làm cho người Do Thái hiểu lầm Ngài là Đấng Mêsia (Ki-tô) đến để giành độc lập cho dân tộc thoát đế quốc Roma thống trị. Chính các Tông Đồ của Đức Giê-su cũng luôn mơ ước như thế (x Cv 1,6). Điều ấy không đúng với sứ mệnh của Ngài và sẽ gây cớ cho người Roma hiểu lầm về Ngài, chắc chắn họ không dễ dàng để Ngài hoạt động. Như thế quỷ nói Đức Giê-su là Con Thiên Chúa không có ý tuyên xưng Ngài để cứu nhân loại mà hậu ý để gây khó dễ cho Ngài.
d-     Chỉ vào giờ Tử Nạn của Đức Giê-su, khi Ngài hoàn tất sứ mệnh Chúa Cha trao cứu độ loài người, lúc đó Ngài mới cho mọi người kể cả dân ngoại tuyên xưng “Giêsu là Con Thiên Chúa” (x Mc 15,39). Do đó muốn nói chính xác về một người nào, thì phải nhìn người ấy sau giờ chết của họ.
2/ Tại sao Đức Giê-su lại quát bảo cơn sốt và nó đã biến mất?
Vì người Do Thái quan niệm bệnh là hậu quả tội lỗi (x Ga 9,2). Ai phạm tội là thuộc quyền quản lý của ma quỷ. Bởi đó Đức Giê-su quát bảo cơn sốt cũng có nghĩa là Ngài đuổi quỷ để cứu con người!

B. GIÁO HUẤN
NGÀY LÀM VIỆC CỦA ĐỨC GIÊSU
Tin Mừng hôm nay (Lc 4,38-44) ghi lại cho chúng ta những sinh hoạt của Đức Giê-su trong một ngày :
-          Theo luật Phụng Vụ Do Thái, Đức Giê-su phải chấm dứt giảng dạy ở hội đường vào 9 giờ sáng. Do đó sau khi giảng Đức Giê-su đã ra khỏi hội đường (x Lc 4,38a).
-          Ngài về nhà mẹ vợ ông Phê-rô, thấy bà này lâm cơn sốt nặng, Ngài đứng cúi mình trên bà và quát bảo cơn sốt, tức khắc bà được lành mạnh, sau đó bà chỗi dậy phục Đức Giê-su và các Tông Đồ. Nghĩa là những ai được Chúa cứu phải tham gia vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa (x Lc 4,39)
-          Sau khi đã chữa lành cho bà gia ông Phê-rô, từ lúc đó biết bao người mắc đủ các chứng bệnh tuốn đến với Ngài, đều được Ngài chữa lành, tức là quỷ xuất khỏi nhiều người (x Lc 4,40).
-          Đức Giê-su trốn những người đang tìm đến với Ngài để xin ơn, vì Ngài cần phải đi cầu nguyện làm cho các Tông Đồ và nhiều người phải đi tìm kiếm, mãi sáng sớm họ mới gặp được Ngài, và họ cố cầm giữ Ngài lại, không để Ngài rời khỏi họ. Nhưng Ngài bảo họ: “Ta còn phải đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, chính vì thế mà Ta đã được sai đến” (x Lc 4,42-43).
-          Ngài vào các hội đường nước Giu-đê để giảng dạy (x Lc 4,44). Nhìn vào các sinh hoạt trên của Đức Giê-su trong một ngày, ta thấy Ngài xếp đặt công việc theo thứ tự: Sáng sớm Ngài đi cầu nguyện, rồi đi giảng Lời Chúa, sau đó mới phục vụ nhu cầu thân xác mọi người, rồi lại trốn đi cầu nguyện. Như vậy, cầu nguyện trở thành khoen móc nối kết mọi ngày trong đời phục vụ ; Ngài ra khỏi hội đường (x Lc 4,38: mở đầu Tin Mừng hôm nay) đi phục vụ rồi trốn đi cầu nguyện, sau đó vào hội đường giảng Lời (x Lc 4,44: kết thúc Tin Mừng hôm nay). Rõ ràng Đức Giê-su cứ ra, vào  hội đường làm nổi bật việc giảng Lời trong cộng đoàn Phụng Vụ. Ngài là Ngôn Sứ Tin Mừng lưu động, vì mở đầu Tin Mừng, ông Luca mới nói: “Ngài ra khỏi hội đường ở Capharnaum (miền Bắc nước Do Thái) ; cuối Tin Mừng thì thấy Ngài vào hội đường ở miền Giude (miền Nam nước Do Thái) giảng Lời. Thực ra, vào thời ấy khi nói miền Giude người ta hiểu theo nghĩa rộng: đó là toàn diện nước Israel (x Lc 1,5 ; 6,17 ; 23,5). Như thế trong một ngày Đức Giê-su đi khắp nước Do Thái rao giảng thì quả là vất vả, nhưng đây là dấu chỉ về việc cử hành Phụng Vụ Hội Thánh trên toàn cầu là do chính Chúa Giêsu giảng (x Dt 1,1-2).
Vậy Đức Giê-su tuy có ba quyền Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế, nhưng xem ra Ngài không chú trọng thi hành quyền Vương Đế để trục xuất quỷ, chữa lành nhiều bệnh nhân, mà Ngài chỉ thiết tha và ưu tiên thi hành hai quyền Tư Tế (cầu nguyện) và Ngôn Sứ (giảng Lời), thì đương nhiên Ngài đã thi hành quyền Vương Đế để xua trừ ác thần, đẩy xa tội lỗi ra khỏi người ta làm cho họ được lành mạnh.
Sau khi Chúa Giê-su Phục Sinh, các Tông Đồ đã ý thức nối dài và mở rộng ba quyền Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế mà Ngài đã trao cho các ông, để các ông tiếp tục chương trình “Ngày Làm Việc” giống Thầy Giêsu. Để nhấn mạnh các Tông Đồ tiếp nối ba quyền trên, các tác giả Tin Mừng đã ghi lại :
§    Về sứ mệnh Ngôn Sứ: Ông Mattheu và ông Marco thì nhấn mạnh phải đi khắp thế giảng Tin Mừng (x Mt 28,19-20 ; Mc 16,15-20).
§    Về sứ mệnh Tư Tế: Ông Luca ghi nhận các Tông Đồ hằng ngày trong Đền Thờ chúc tụng Thiên Chúa, chứ không phải đi khắp thế gian như hai ông Mt và Mc ghi. Ông Luca có ý viết như thế, để nhấn mạnh rằng: trước khi lên đường rao giảng Lời cho muôn dân thì phải cầu nguyện. Nói cách khác, nếu không cầu nguyện thì đi giảng Lời không đạt hiệu quả.
§    Về sứ mệnh Vương Đế: Ông Gioan ghi  Chúa Giê-su Phục Sinh trao quyền tha tội cho các Tông Đồ (x Ga 20,22-23), các ông phải phục vụ bằng sức mạnh của Đức Ái thúc đẩy, đến nỗi đành mất mạng như Thầy Giêsu (x Ga 21,18t).
Như thế, các Tông Đồ sống rập khuôn “Ngày Làm Việc” giống Thầy Giêsu: Ưu tiên cho việc cầu nguyện, sau đó đi giảng Lời và phục vụ đến mất mạng!
Thời gian sau, các Tông Đồ gây nhiều uy tín nơi giáo dân, khiến nhiều người bán hết tài sản dâng cho các ông để chia sẻ. Thế là các ông dùng quyền quản lý tiền bạc của mình để thi hành sứ mệnh Vương Đế, mà xao nhãng việc cầu nguyện và giảng Lời, đã gây ra bất hòa trong cộng đoàn. Nhờ ơn Chúa soi sáng, các ông đã nhận ra lỗi lầm của mình nên trao tiền của cho các Phó Tế quản lý để chia sẻ, còn các Tông Đồ trở về nhiệm vụ chính là cầu nguyện và giảng Lời, từ bấy giờ cộng đoàn được bình an và phát triển (x Cv 6,1-7).
Ngày nay, nhìn vào các chủ chăn trong Hội Thánh, sứ mệnh Vương Đế đứng hàng thứ ba, thì nhiều vị lại đưa lên hàng thứ nhất, có ý tỏ uy quyền thống trị dân, chứ không bằng lòng chết vì sứ mệnh này giống Chúa Giêsu. Do đó, không còn thiết tha giảng dạy, sống như thế đáng bị thánh Phao-lô khiển trách: “Anh em còn là những người sống theo tính xác thịt, theo người phàm! Đó là mầm mống sinh ra phe phái: có người thuộc “phe cha” để bảo vệ cha, ai dám động đến cha là “phạm đến con mắt Đức Chúa Trời” ! là thiếu “đức vâng lời”! Kẻ khác thuộc “phe dân” chống lại cha là bị kết án “tay sai satan” dám chống lại giáo sĩ như xưa dân Do Thái chống Đức Giê-su ! Như thế còn tệ hơn giáo đoàn Corintho đã chia phe cãi cọ nhau: “Người này nói: “tôi thuộc phe ông Phao-lô” ; kẻ khác nói: “tôi thuộc phe ông Apolo”. Sinh ra phe phái như thế chỉ là người phàm tục, và thánh Tông Đồ nói: “Apolo là gì? Phao-lô là gì? Đó là những người tôi tớ giúp anh em có Đức Tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apolo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể”.
Để giải quyết vấn đề phe phái, ông Phao-lô cho ý kiến: Các chủ chăn chỉ là cộng sự viên của Thiên Chúa, còn giáo dân là cánh đồng của Thiên Chúa, thế nên các chủ chăn phải gieo hạt giống Lời vào cánh đồng, để họ trở nên ngôi nhà đích thực của Thiên Chúa (x 1Cr 3,1-9: Bài đọc).
Ai sống “Ngày Làm Việc” giống Chúa Giê-su, người ấy thật hạnh phúc vì đã “chọn Chúa làm gia nghiệp” (Tv 33/32,12b: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Ai muốn làm việc giống Chúa Giê-su, phải ưu tiên theo thứ tự:
 
          Đặt việc cầu nguyện quan trọng nhất.
            Sau cầu nguyện là giảng Lời để nuôi linh hồn người ta.
            Cuối cùng phục vụ nhu cầu thân xác mọi người. (Theo Lc 4,38-44)


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: