BÀI GIẢNG
GIOAN TẨY GIẢ
NGƯỜI MẪU CỦA
NIỀM HY VỌNG
Tin Mừng hôm nay nối tiếp chuyện
ông Gioan Bt đang trong tù, ông sai môn đệ đến hỏi Đức Giê-su: “Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi
còn phải đợi Đấng khác?” (Lc 7,19) [xem lại bài chia sẻ Thứ Tư sau
Chúa nhật 3, mùa Vọng]. Sau khi các môn
đệ Gioan Bt đã gặp Đức Giê-su, họ trở về tin lại cho thầy Gioan về những phép
lạ mà họ đã được mắt thấy tai nghe, Đức Giê-su đã chứng minh cho họ hiểu biết
về sứ mệnh của Ngài, sau đó, Ngài mới khen ông Gioan Bt, bởi lẽ nếu Ngài khen
Gioan trước mặt các môn đệ của ông, để các ông về báo lại cho thầy, thì không
có lợi về đàng thiêng liêng cho thầy trò Gioan. Vì nếu ai chỉ tìm phần thưởng
đời này thì sẽ mất phần thưởng đời sau (x Mt 6). Ngài khen ông Gioan Bt về bốn
điểm sau đây :
-
Tinh
thần cương nghị của ông Gioan Bt.
-
Ông
Gioan Bt sống nghèo là dấu ông dạy mọi người biết chia sẻ.
-
Sứ
mệnh của ông Gioan Bt là trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.
-
Danh
dự của ông Gioan Bt trong thân phận phàm nhân thì không ai sánh bằng.
I/ TINH THẦN CƯƠNG
NGHỊ CỦA ÔNG GIOAN BT.
Đức Giê-su nói về ông Gioan Bt :“Anh em đi xem gì trong hoang địa ? Một cây
sậy phất phơ trước gió ư? ” (Lc 7,24b: Tin Mừng).
Ông Gioan không giống cây sậy
trước luồng gió mạnh: “Gió chiều nào ngả
chiều đó”. Vì:
1. Ông không thỏa hiệp, không khoan
nhượng trước sự ác, ông không sống xu thời, bợ đỡ, nịnh hót, luồn cúi bất cứ
ai, kể cả người có quyền thế, để lân la kiếm chác lợi nhuận cho bản thân. Nhưng
ông đã mạnh miệng cảnh cáo vua Hê-rô-đê không được cướp vợ của người anh làm vợ
của mình, vì thế ông chấp nhận ngồi tù và cuối cùng bị mất đầu ! (x Mt 14,3t).
2. Ông cũng không run sợ trước bạo
lực, khác hẳn vua Akhaz nghe tin các nước chung quanh liên kết tấn công nước
Giu-đa, làm cho ông run sợ, hai đầu gối “hôn nhau”, rồi ông đi luồn cúi các
thầy tướng số, để được chỉ đạo cách đương đầu với đối phương (x Is 7,2t).
II/ ÔNG GIOAN BT SỐNG
NGHÈO LÀ DẤU ÔNG DẠY MỌI NGƯỜI BIẾT CHIA SẺ.
Đức Giê-su nói về ông Gioan Bt: “Anh em đi xem gì ? Một người mặc gấm vóc lụa
là ư ? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung điện” (Lc
7,25: Tin Mừng).
Mặc dầu ông là con một của một gia
đình tư tế giàu có, nhưng nhu cầu thân xác của ông Gioan rất đơn giản: “Ông mặc áo lông lạc đà, xiêm thắt lưng bằng
da thú, thức ăn là châu chấu và mật ong dại: Nước nho khô” (Mt 3,4).
Ông Gioan Bt dùng của cải đơn giản
như thế là dấu ông muốn kêu gọi mọi người phải chia sẻ: “Ai có hai áo hãy chia cho người không có một cái, và kẻ có của ăn cũng
hãy làm như vậy” (Lc
3,11), đó mới là mặt nổi của tình yêu, như lời thánh Gioan Tông Đồ nói: “Đừng ai yêu bằng đầu lưỡi, nhưng yêu bằng
việc làm thực sự” (1Ga 3,18).
Nói kiểu như thánh Phao-lô :“Làm sao anh em phải giàu có như Đức Ki-tô,
nhưng vì chúng ta, Ngài đã trở nên nghèo khó, để chúng ta được giàu có nhờ sự
nghèo khó của Ngài” (2Cr 8,9).
Như thế bản chất cái nghèo là một
sự dữ, nhưng vì phục vụ người khác ta trở nên nghèo, thì đó là “tinh thần nghèo
khó”, một nhân đức mở đầu và kết thúc trong Hiến Chương Nước Trời, đáng được
Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp (x Mt 5,3.11).
III/ SỨ MỆNH CỦA ÔNG GIOAN BT LÀ TRỰC TIẾP DỌN
ĐƯỜNG CHO ĐẤNG CỨU THẾ ĐẾN
Đức Giê-su nói: “Anh em đi xem gì ? Một vị ngôn sứ chăng ?
Đúng thế đó ; mà tôi nói cho anh em: Đây còn hơn cả ngôn sứ nữa ! Chính ông là
người Thiên Chúa đã nói trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, Người sẽ dọn đường cho
Con đến” (Lc 7,26-27: Tin Mừng).
Như thế, Đức Giê-su xác nhận ông
Gioan Bt có hai sứ mệnh :
1- Sứ mệnh ngôn sứ: Ông Gioan là ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước, Chúa đã
dùng ông phát ngôn. Như thế lời cuối cùng của Thiên Chúa nói với loài người phải
hiểu rất nghiêm trọng.
2- Sứ mệnh dọn đường cho Đấng Cứu Thế: Ông Gioan Bt hơn hẳn các ngôn sứ
thời xưa, vì các ngôn sứ xưa chỉ vái chào Đấng Cứu Thế từ đằng xa (x Dt 11,13), chẳng vị nào được nhìn
thấy Đấng Cứu Thế một cách nhãn tiền ; trái lại ông Gioan Bt sống đồng thời với
Đấng Cứu Thế, chính mắt ông được nhìn thấy Đấng mà các tổ phụ cũng như các ngôn
sứ ước ao được nhìn thấy mà không được ! (x Mt 13,16-17) Ông Gioan Bt lại mang
một sứ mệnh dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, qua việc ông làm phép rửa ở sông
Gio-đan, để tập họp hết mọi loại người trên mặt đất đến xưng thú tội mình, xin
ông Gioan làm phép rửa, qua phép rửa của ông Gioan, họ tưởng ông là Đấng Cứu
Thế, nhưng thực ra, ông Gioan có dịp giới thiệu cho loài người phải tin theo
Đức Giê-su, Ngài là Đấng Cứu Thế. Ông nói: “Tôi
chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, Đấng đến sau tôi lại có trước tôi, tôi không đáng
cởi quai dép cho Ngài, chính Đấng ấy đang ở giữa anh em, Ngài sẽ thanh tẩy anh
em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (x Lc 3, 1-18).
IV/ DANH DỰ CỦA ÔNG
GIOAN BT TRONG THÂN PHẬN PHÀM NHÂN THÌ KHÔNG AI SÁNH
BẰNG
Chính Đức Giê-su nói về ông Gioan
Tẩy Giả: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng
mẹ,không ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời
còn cao trọng hơn ông“ (Lc 7,28: Tin Mừng).
A. GIOAN TẨY GIẢ CAO TRỌNG NHẤT TRONG NHỮNG NGƯỜI DO
NGƯỜI NỮ SINH RA
là vì từ thời Adam, Eva và chắc chắn cho đến ngày cánh chung, không một người
nào có mặt trên trái đất này giống Đức Giê-su về cuộc sống trên dương thế như
ông Gioan. Thực vậy, giữa Đức Giê-su và ông Gioan từ lúc sinh vào đời cho đến
lúc chết, có nhiều điểm tương đồng rất sít sao, mà trong nhân loại không ai có
được.
1- Cả Gioan, cả Đức Giê-su trước khi
được thụ thai trong lòng mẹ đều do Thiên
thần Gabriel báo tin (x Lc 1,19 = Lc 1,26).
2- Cả Gioan, cả Đức Giê-su đều sinh ra từ đôi vợ chồng khác thường:
Cha mẹ của Gioan đã gần 100 tuổi mà chưa có con, thế mà ông Dacarya lại được
thiên thần báo tin cho biết: Vợ chồng ông sẽ sinh con ; cũng thế, Đức Giê-su
được sinh ra trong một gia đình mà vợ chồng không ăn ở với nhau (x Lc 1,7 = Lc
1,34) , vì chỉ có ông Giuse sống hướng về cánh chung: “Có vợ mà kể như không có” (1 Cr 7,29).
3- Tên Gioan và tên Đức Giê-su đều
được thiên thần bảo cha mẹ phải đặt cho con mình như thế (x Lc 1,13 = Lc
1,31 và Mt 1,21).
4- Thân thế ông Gioan và Đức Giê-su đều thuộc dòng tộc giàu có: Gioan là
con vị tư tế ở thành Giê-ru-sa-lem ; Đức Giê-su là Con của Cha trên trời, thế
mà cả hai Vị sinh ra trong cảnh nghèo: Gioan được nuôi dưỡng trong sa mạc (x Lc
1,80) ; Đức Giê-su thì được mẹ Ngài lấy tã bọc đặt nằm trong máng cỏ (x Lc
2,7).
5- Ông Gioan và Đức Giê-su đều thống nhất chương trình hành động.
Do đó cả hai Vị đều mở đầu sứ mệnh bằng công thức: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (x Mt 3,2 = Mt 4,17).
6-
Sứ điệp Tin Mừng của ông Gioan và của Đức Giê-su đều nóng bỏng và dứt khoát, không khoan nhượng cho những kẻ bất
lương, nhất là những kẻ không tin Đức Giê-su là Đấng cứu độ duy nhất (x Cv 4,12). Cụ thể :
-
Ông
Gioan nói với mọi người: “Cái rìu đã để
sẵn gốc cây, cây nào không sinh trái thì bị chặt quăng vào lò lửa” (Mt
3,10). Có nghĩa là ngay hôm nay ai không tin vào Chúa Giê-su để làm việc tốt,
thì phải diệt ngay.
-
Còn
Đức Giê-su nhìn cây vả lớn, lá xum suê, Ngài đến tìm quả mà không có, dù lúc ấy
không phải là mùa trái vả, mà ngài lại lên tiếng trách nó: “Không bao giờ Ta ăn trái mày nữa !” Sáng
hôm sau, các môn đệ đi ngang qua thấy cây vả đã chết khô từ ngọn đến rễ (x Mt
21,18-19): Cây vả lớn là dấu chỉ những người được Thiên Chúa nuôi dưỡng và giáo
dục mà hôm nay không trở nên người công chính, nhờ tin vào Chúa Giê-su (x Gl
2,16), thì kẻ đó không thể được cứu độ.
7- Ông Gioan và Đức Giê-su đều động viên người ta chia sẻ :
- Ông Gioan nói: “Ai có hai áo hãy chia cho người không có một
cái, và ai có của ăn thì cũng hãy làm như vậy” (Lc 3,11).
- Chúa Giê-su dạy: “Cho thì có phúc hơn là lấy” (Cv 20,35)
8-
Ông Gioan và Đức Giê-su đều chết
vì chân lý :
-
Ông
Gioan dám lên tiếng trách vua Hê-rô-đê không được cướp vợ anh mình, do đó ông
bị cắt đầu (x Mt 14,3t).
-
Đức
Giê-su lên tiếng khiển trách những đầu mục Do-Thái sống đạo hình thức: Giả bộ đọc kinh dài để nuốt chửng
tài sản bà góa, làm cho người tân tòng thành con cái hỏa ngục gấp đôi mình, lại
còn ngăn cản những ai muốn vào Nước Trời (x Mt 23). Do đó Ngài bị treo trên
thập giá (x Mt 27,23t).
B. KẺ NHỎ TRONG NƯỚC TRỜI CÒN CAO TRỌNG HƠN ÔNG GIOAN
TẨY GIẢ.
o
Thuật
ngữ “kẻ nhỏ” trong Tân Ước luôn luôn chỉ về những người thuộc về Hội Thánh,
những người được Chúa Giê-su cứu độ. Thực vậy, các Tông Đồ là những người lớn
tuổi, mà Đức Giê-su đòi hỏi họ phải trở nên trẻ nhỏ mới được vào Nước Thiên
Chúa (x Mt 18,3) ; Ngài nói với các môn đệ: “Hỡi các con thơ bé, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi” (Ga
13,33a) ; cũng như Ngài nói: “Đừng sợ,
hỡi đoàn chiên nhỏ bé, vì Cha chúng con đã khấng ban Nước Trời cho chúng con”
(Lc 12,32).
o
Các
thư của thánh Gioan viết cho các giáo đoàn có nhiều người lớn tuổi, thế mà ông
luôn luôn gọi họ là: “Hỡi các con thơ bé”
(x 1Ga 2,1.12.14.18.28).
Vậy “kẻ nhỏ trong Nước Trời lớn hơn ông Gioan Tẩy Giả”, chính là người
Công Giáo sau khi đã lãnh Bí tích Khai Tâm, họ hơn ông Gioan những điểm sau :
1. Ông Gioan chỉ là chú phù rể của Tân Lang Giê-su (x Ga 3,29) ; trong
khi đó người Công Giáo được gọi là Hiền Thê của Chúa Giê-su, khởi đi từ Bí tích
Thánh Tẩy (x 2Cr 11,2).
2. Ông Gioan sinh ra bởi dòng giống Adam, Eva, thua xa người Công Giáo
được tái sinh bởi Adam cuối cùng là Chúa Giê-su (x Cv 2,38). Mà ai liên kết với
Adam thứ nhất, thì chết ; trái lại, ai liên kết với Adam cuối cùng (Chúa
Giê-su), thì được sống đời đời x Rm 5,12-21). Bởi thế Kinh Thánh nói về vinh dự của người Công Giáo: “Đấng tác thánh và những người được thánh hóa
cùng một nguồn gốc, cùng một xương thịt,
cùng một sự sống với Chúa Ba Ngôi, đến nỗi được đồng hóa với Chúa Giê-su ”
(Dt 2,11 ; Ga 6,57 ; Gl 2,20).
3. Ông Gioan so với Đức Giê-su không đáng giá gì, nên ba lần ông nói
KHÔNG: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô, tôi
không phải là Ê-ly-a, tôi không phải là một ngôn sứ”, mà người ta đã tưởng
lầm ông như thế, ông Gioan chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, và ông tuyên bố: “Đấng đến sau tôi (Đức Giê-su), trổi vượt hơn tôi, tôi không xứng đáng cởi
quai dép cho Ngài” (Ga 1,20-27). Như vậy, Đức Giê-su là Số Một, ba lần
không của ông Gioan đứng sau Số Một trở
thành số ngàn. Rõ ràng nếu không có số một, thì cả tỷ zero cũng là zero, nhưng
nhờ số một, zero trở nên giá trị gấp mười! Mà người Công Giáo lại được đồng hóa
với Chúa Giê-su về nguồn gốc, về xương thịt, về sự sống (x Gl 2,20 ; Dt 2,11 ;
Ga 6,57). Bởi thế người Công Giáo còn hơn ông Gioan gấp mười lần, đến nỗi Chúa
Giê-su về Trời làm cho ai tin vào Ngài, thì chẳng những làm được như Ngài mà
còn hơn nữa (x Ga 14,12). Cụ thể cả cuộc đời Đức Giê-su phục vụ đến chết, mới
đưa một anh trộm lành vào Thiên Đàng ; còn người Công Giáo mỗi khi đi dự Lễ,
hiệp thông với Hội Thánh cầu nguyện cho những người đã qua đời, thì biết bao
linh hồn được về Thiên Đàng ; hoặc Chúa Giê-su không lập một giáo đoàn nào, trong
khi đó ông Phao-lô khai sinh được rất nhiều giáo đoàn…
Bởi vậy ông Luca ghi nhận những
người Pha-ri-sêu và các kinh sư thua xa người thu thuế và gái điếm: “Nghe ông Gioan giảng, toàn dân, kể cả những
người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa
của ông. Còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định
của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông” (Lc 7, 29-30: Tin
Mừng).
Vậy Đức Giê-su khen những kẻ bé
nhỏ trong Nước Thiên Chúa, tức là những người được Chúa Giê-su cứu độ, giống
như những người thu thuế đã tin vào lời giảng của ông Gioan mà đến với Đức
Giê-su, thì họ được dẫn vào môi trường sự sống là Hội Thánh. Ngôn sứ Isaia
trong Bài đọc (54,1-10) đã diễn tả về đời sống của Hội Thánh như sau :
a- Hội Thánh không liên hệ với người phàm mà vẫn sinh con cho Thiên Chúa
qua Bí tích Thánh Tẩy.
Ngôn sứ Isaia nói: “Phụ nữ son sẻ chưa
một lần chuyển dạ đông con hơn phụ nữ có chồng” (Is 54,1).
b- Hội Thánh có mặt trên khắp thế giới, chứ không dừng lại ở đất Chúa
hứa cho dân Do Thái. Ngôn sứ Isaia nói: “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, đừng hẹp lòng
hẹp dạ, nối dây thừng dài thêm, vì ngươi sẽ tràn ra hai bên tả hữu, dòng dõi
ngươi sẽ thừa kế các dân tộc và đến ở trong các thành bỏ hoang” (Is
54,2-3).
c- Hội Thánh có quyền tha tội cho ai đến xưng thú. Ngôn
sứ Isaia nói: “Ngươi sẽ không phải xấu
hổ, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân. Như người đàn bà bị ruồng
bỏ, tâm hồn sầu muộn. “Người vợ cưới lúc thanh xuân ai mà rẫy cho đành”. Trong
một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ
đón ngươi về tái hợp. Một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa
ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót chuộc ngươi về” (Is 54, 4.6-8).
d- Hội Thánh là Hiền Thê của Chúa Ki-tô. Ngôn sứ Isaia nói: “Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắc, chính là
Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh ngươi là Đức Chúa, Đấng đã chuộc ngươi về”
(Is 54, 5).
e- Chỉ những ai trong Hội Thánh mới thoát nạn và được sống đời đời. Chúa
nói: “Như thời ông Noe lúc đó Ta đã thề
rằng hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa, cũng vậy, nay Ta thề sẽ không
còn nổi giận và hăm dọa ngươi đâu, vì tình thương của Ta đời đời không lay
chuyển” (Is 54,9-10).
Như thế chỉ những người được Chúa
Giê-su cứu độ trong Hội Thánh của Ngài mới biết mở miệng ca tụng: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì Ngài đã
thương cứu vớt” (Tv 30/29,2a: Đáp
ca).
Vậy mặc dù ta được cao cả hơn ông
Gioan Bt, nhưng chỉ được thấy rõ trong ngày cánh chung. Thánh Gio-an nói: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa;nhưng
chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.Chúng ta biết rằng khi Đức
Ki-tô xuất hiện,chúng ta sẽ nên giống như Người,vì Người thế nào, chúng ta sẽ
thấy Người như vậy.” (1Ga 3,2). Bởi đó thánh Phao-lô nói: “Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải
trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong
nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi?Nhưng nếu chúng ta trông mong
điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ” (Rm 8,24-25).
Còn bây giờ ta hãy dọn tâm hồn để
đón Chúa vào lòng qua việc tham dự Thánh Lễ, để Ngài giúp ta “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho
thẳng để Người đi. Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc
3,4.6: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước
cùng xứ sở ngươi, như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ
cưới ngươi về, như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi
thờ
(Is 62,4-5).