BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Is
45,6b-8.18.21b-25
6b Ta
là Đức Chúa, không còn chúa nào khác.7 Ta
tạo ra ánh sáng và dựng nên tối tăm, làm ra bình an và dựng nên tai hoạ. Ta là
Đức Chúa , Ta làm nên tất cả. 8
Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra
đi cho nẩy mầm ơn cứu độ, đồng thời chính trực sẽ vươn lên.Ta là Đức Chúa, Ta
đã làm điều ấy.
18 Đây là lời của Đức Chúa ,
Đấng tạo dựng trời cao - chính Người là Thiên Chúa nặn quả đất thành hình, củng
cố cho bền vững; Người dựng nên quả đất mà không để hoang vu, nặn ra nó cho
muôn loài cư ngụ -,Người phán thế này: Ta là Đức Chúa, chẳng còn chúa nào khác.
21b Hãy phát biểu và đưa ra lý
lẽ, bàn luận với nhau xem: Điều ấy, ai đã nói cho nghe từ thuở trước, ai đã
tiên báo tự ngàn xưa? Há chẳng phải Ta, chẳng phải Đức Chúa? Ngoài Ta ra, không
có thần nào nữa,chẳng có thần công minh cứu độ, ngoại trừ Ta. 22 Nào
muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ, vì Ta
là Thiên Chúa, chẳng còn chúa nào khác. 23 Ta
lấy chính danh Ta mà thề, lời chân thật này thốt ra khỏi miệng Ta, Ta quyết
chẳng bao giờ rút lại: Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối, và mở miệng thề
rằng: 24 Chỉ mình Đức Chúa mới cứu độ và làm cho
mạnh sức. Hết thảy những ai giận ghét Người sẽ phải đến với Người và thẹn thùng
xấu hổ.25 Còn tất cả giống nòi
Ít-ra-en sẽ nhờ Đức Chúa mà vẻ vang toàn thắng.
ĐÁP CA : Tv 84
Đ. Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương
mây
hãy đổ mưa, mưa đức công chính. (x Is 45,8)
9ab Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán,điều
Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu 10 Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính
sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.
11 Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình
công lý đã giao duyên. 12 Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
công lý nhìn xuống tự trời cao.
13 Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc
và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.14
Công lý đi tiền phong trước mặt Người,mở lối cho Người đặt bước chân.
BÀI GIẢNG
THIÊN CHÚA LÀM CHỦ LỊCH SỬ
Đời người Công
Giáo tin theo Chúa không ai thoát được sóng gió, nhiều khi làm lung lạc Đức Tin.
Sách Tu Đức gọi đó là “đêm tăm tối”. Thực vậy, cả đến ông Gio-an, người đã được
nhìn biết Đức Giê-su là Đấng Chúa Cha sai đến, để thực hiện Lời Chúa hứa cứu độ
loài người ngay từ khi A-đam, E-và phạm tội : “Miêu duệ người nữ đạp nát đầu rắn” (St 3,15), và ông đã giới thiệu cho
rất nhiều người tin theo Đức Giê-su, thậm chí hai môn đệ của ông đã bỏ thầy mà
theo Đức Giê-su (x Ga 1,35t). Nhưng khi ông Gio-an bị tiểu vương Hê-rô-đê tống
ngục làm Đức Tin của ông bị dao động, ông sai môn đệ đến hỏi Đức Giê-su : “Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi
phải đợi Đấng khác” (Lc 7,19 : Tin Mừng). Sở dĩ ông Gio-an muốn Đức Giê-su
trả lời thắc mắc này cho ông vì trước đó ông đã từng giới thiệu Ngài là Vị Cứu
Tinh quyết liệt không khoan nhượng cho những kẻ gian ác, như lời ông nói : “Cái rìu đã để sẵn gốc cây, bất cứ cây nào
không sinh quả tốt sẽ bị chặt quăng vào lò lửa. Tay
cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân : Thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn
thóc lép thì bỏ lò lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,10.12).
Sỡ dĩ ông
Gio-an giới thiệu về Đức Giê-su như thế là vì ông rất đắc tâm lời ngôn sứ Ma-la-ki
đã báo trước về ngày Đấng Cứu Thế đến : “Ai
chịu nổi ngày Người đến ? Ai đứng vững được khi Người xuất hiện ? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện
kim, như thuốc tẩy
của thợ giặt. Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc ; Người sẽ thanh tẩy con cái
Lê-vi, và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ đối với Đức Chúa, chúng
sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật theo lẽ công chính” (Ml 3,2-3). Vua
Hê-rô-đê đã cướp vợ anh mình, ông còn tệ hơn cây không trái, hay thóc lép, Đức
Giê-su lại là Đấng mạnh như lửa, như thuốc tẩy, như ngôn sứ Ma-la-ki đã tiên
báo, thế mà tại sao Đức Giê-su không đặt cái rìu vào cổ hắn, mà Ngài lại để cho
tên bạo chúa đặt rìu vào cổ ông Gioan?!
Đức Tin của ông
Gio-an bị dao động như thế là vì ông đã không đọc hết các lời ngôn sứ đã nói về
Đấng Mê-si-a, hay ông chỉ dựa vào đoạn Sách Thánh nào hợp với tính nóng nảy của
ông. Dù Ngài là Đấng phán xét như ngôn
sứ Ma-la-ki đã loan báo, thì không được hiểu theo nghĩa đen. Ngài chỉ phán xét
satan, và thanh tẩy tội lỗi đối với những ai sám hối xin Ngài thương xót. Đan
cử như ông thu thuế đến Nhà Thờ xưng thú tội mình không dám ngước mắt nhìn
Chúa, chỉ cúi đầu xin Chúa dủ lòng thương, nhờ vậy ông được Chúa xác nhận là
người công chính (x Lc 18,13-14). Vì Ngài là Đấng nhân từ : “Ngài không xử với ta theo lỗi lầm ta phạm,
Ngài không trả báo theo điều oan trái của ta” (Tv 103/102,10). Do đó “Chúa nhắm mắt trước tội lỗi ta, khi ta sám
hối, Chúa tha thứ cho ngay” (Kn 11,27), đến nỗi “dầu tội con có đỏ son, cũng ra trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều,
cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18). Lòng nhân từ này được Đức Giê-su thể
hiện qua việc Ngài chữa lành các bệnh nhân : “Ngài làm cho người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch,
kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại” (Lc 7,21). Đức Giê-su làm cho nhiều
người được lành mạnh như thế là dấu Ngài tha tội, Ngài lấy chứng từ này mà bảo
các môn đệ của ông Gio-an : “Các anh hãy
về thuật lại cho ông Gio-an những điều
mắt thấy tai nghe… phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” (x Lc 7, 22 :
Tin Mừng). Vì Ngài làm Chủ lịch sử, như ngôn sứ Isaia đã nói : “Không có Chúa nào khác đã tạo ra ánh sáng và
tối tăm, làm ra bình an và dựng nên tai họa, chính Ngài gieo sương trời, mưa
đức công chính, đất mở ra cho nảy mầm ơn cứu độ,đồng thời chính trực sẽ vươn
lên. Chính Người là Thiên Chúa nặn quả đất thành hình,củng cố cho bền vững,
không để hoang vu, Ngài nặn ra nó cho muôn loài cư ngụ. Ngoài Ngài không có
thần nào công minh cứu độ loài người. Ngài đã kêu gọi : Hãy hướng về Ta, thì
các ngươi sẽ được cứu độ. Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối và mở miệng thề
rằng : Chỉ mình Chúa mới cứu độ và làm cho mạnh sức” (x Is 45, 6b-25 : Bài
đọc).
Rõ ràng ông
Gio-an chưa biết trọn vẹn về Đấng Cứu Thế ! Bởi đó ông đã khiêm tốn hai lần thốt
lên lời : “Phần tôi, tôi chưa biết Ngài”
(x Ga 1,31.33). Nghĩa là không ai diễn tả trọn vẹn về Đức Giê-su được, ai có
nói về Ngài thì cũng chỉ như đám người mù tả về con voi : Anh rờ tai voi thì
nói voi như cái quạt, kẻ rờ chân, thì tả voi như cây cột, rờ vào vòi nói voi
giống con đỉa, rờ bụng tả voi như cái trống!
Tuy nhiên, giáo
lý Công Giáo dạy chúng ta phải xác tín rằng : “Cựu Ước là nụ, Tân
Ước là bông, cánh chung mới đậu trái” (x Hiến Chế Mạc Khải số 16 ; 1Ga
3,2).
Do đó, dù chúng
ta ở đời này có sống hết lòng với chân lý, với Thiên Chúa, mà còn bị ngược đãi
như ông Gio-an Tẩy Giả, thì chúng ta vẫn phải kiên vững tin tưởng : “Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ
Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu tỏa trên đất nước chúng ta” (Tv 85/84, 10 : Đáp ca).
Chính các Tông
Đồ được Đức Giê-su huấn luyện suốt ba năm, vậy mà khi Ngài từ cõi chết sống lại,
Ngài sai các ông đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng, thì “trong số đó có kẻ còn hoài nghi” (x Mt 28,17).
Có nghĩa là chứng nhân của Đức Ki-tô, không ai có Đức Tin trọn hảo, nhưng nhờ
phục vụ Tin Mừng, chính công việc ấy lại làm tăng trưởng Đức Tin cho họ. Cụ thể
thánh Phao-lô đã lên tiếng cám ơn giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca : “Vì Đức Tin của anh em, làm tôi được an vui
giữa mọi cơn quẫn bách và gian truân tôi phải chịu. Phải, chúng tôi sống nhờ anh em đứng vững trong Chúa” (1Tx 3,7-8).
Vậy nhờ ông
Gio-an bị chao đảo về niềm tin, cho ta năm điểm giáo lý :
1.
Chính đau khổ thúc bách ta đi tìm Chúa để
được bồi dưỡng Đức Tin.
2.
Muốn Đức Tin vững mạnh, bớt chao đảo thì đừng
chỉ chọn câu Kinh Thánh nào vừa ý. Trái
lại càng thuộc nhiều Lời Chúa, Đức Tin càng kiên vững.
3.
Không ai được tự mãn mình giỏi giáo lý nhất,
không cần học hỏi thêm! Trái lại, phải bắt chước ông Gio-an khiêm tốn nói về
Thiên Chúa : “Tôi chưa biết Ngài” (Ga
1,31.33).
4.
Đừng hiểu Lời Chúa theo nghĩa đen. Những hình
ảnh trong Kinh Thánh đều là dấu chỉ dẫn
ta đến những điểm giáo lý.
5.
Ơn cứu độ Chúa ban phải đặt niềm hy vọng đến
ngày cánh chung mới thấy rõ. Bởi vì : “Cựu
Ước là nụ, Tân Ước là bông, cánh chung mới đậu trái” (theo Hiến Chế Mạc
Khải số 16).Chính vì thế mà thánh Phao-lô nói : “Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều
mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong
điều mình đã thấy rồi ? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì
đó là chúng ta bền chí đợi chờ” (Rm 8,24-25).
Sống được năm
điểm giáo lý trên, mới phát sinh sự sống dồi dào hơn năm chiếc bánh Chúa dùng
để nuôi dân ăn còn dư (x Mt 14,13-21). Có thế ta mới thực sự trở nên ngôn sứ
của Chúa làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia : “Hỡi kẻ loan Tin Mừng, hãy cất tiếng hô to ; kìa Đức Chúa quang lâm hùng
dũng” (Is 49,9-10 : Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG.
+ Ơn cứu độ đến với ta
như một hy vọng, hy vọng mà thấy được ai còn hy vọng nữa, nhưng nếu ta hy vọng
điều ta không thấy thì ta cứ kiên vững đợi trông ! (Rm 8,24-25)
+ Chúa ban sức mạnh cho
người mệt mỏi, vì trẻ trung còn nghiêng ngửa bổ nhào, nhưng ai trông cậy nơi
Chúa, họ có sức mạnh luôn luôn đổi mới, để tung cánh như phượng hoàng, họ đi mà
không biết mỏi, chạy mà không biết mệt ! (Is 40,29-31)