BÀI GIẢNG
ĐỨC KI-TÔ LÀ ĐẤNG THANH
TẨY
VÀ NÂNG PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Trong Chúa nhật
trước (2/Vọng/A), ông Gio-an Tẩy Gỉa kêu gọi mọi người hãy tin vào Đức Ki-tô Giê-su,
để được Ngài dùng Thánh Thần và lửa thanh tẩy cho. Cuộc thanh tẩy ấy không phải
chỉ là thanh tẩy tội lỗi, mà nhất là thanh tẩy niềm tin của con người mang danh
“đạo gốc”, thuộc gốc tổ Adam, Eva, chứ không thuộc về gốc Giêsu-Maria. Ai khao
khát được thanh tẩy, cần phải được Thánh
Thần dẫn đi bốn bước:
o
Tin vào gía trị ơn cứu độ.
o
Sống niềm tin.
o
Sóng gío của niềm tin.
o
Tin rằng người Ki-tô hữu cao cả hơn ông Gioan Bt.
I- TIN VÀO GIÁ TRỊ
ƠN CỨU ĐỘ.
Ngôn sứ I-sai-a
trong Bài đọc I đã loan báo hiệu quả về ngày Thiên Chúa ra tay cứu độ nhờ Đức Ki-tô
Giê-su thực hiện – làm ứng nghiệm –trong Hội Thánh Ngài.
1. Đức Giê-su biến dữ ra
lành, chết ra sống. Ngài làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia:
“Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ
cháy, vùng đất hoang (sào huyệt của ác thần, chỉ có sự chết), hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa
như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò” (Is 35,1).
Thực vậy, chính
Đức Giê-su đã làm cho con gái ông Giai-rô lên 12 tuổi vừa mới chết được sống
lại (x Mc 5,21t) ; hoặc con trai bà góa thành Na-im, mới chết trong ngày, người
ta đang khiêng đi chôn, Đức Giê-su cũng cho anh chỗi dậy (x Lc 7,11t) ; đặc
biệt anh La-da-rô, dù chết thối bốn ngày cũng được Ngài cho phục sinh. Do đó Ngài
đã nói với Mát-ta – chị của ông La-da-rô : “Bất
cứ ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy,
sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Thực ra ba lần Đức Giê-su cho người
chết sống lại như thế, đó mới là dấu chỉ sự Phục Sinh vào ngày cánh chung mà Chúa sẽ thực hiện nơi mọi kẻ tin vào Ngài.
2. Đức Giê-su là sức mạnh
của ta: “Người ban sức mạnh cho ai mệt
mỏi,kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc
nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.Nhưng những người cậy trông Đức Chúa
thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không
mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân” (Is 40,29-31).
Thực vậy, chính
Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu gọi: “Hỡi tất
cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ
ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Ai được Đức Giê-su trợ giúp đều nói được như
thánh Phao-lô: “Tôi có sức chịu đựng mọi
sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13). Và có quyền động viên mọi
người: “Mọi âu lo, anh em hãy trút cả cho
Chúa, vì Ngài chăm sóc anh em” (1Pr 5,7).
3- Chỉ có Đức Giê-su mới
làm cho ta hết mọi sợ hãi. Đúng như lời ngôn sứ Isaia thúc bách kẻ bạc nhược: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em
đây rồi ; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.Chính
Người sẽ đến cứu anh em” (Is 35,4: Bài đọc I).
Thực vậy, chỉ
có Đức Giê-su Phục Sinh mới có quyền nói với các môn đệ: “Nơi thế gian, anh em sẽ phải khốn quẫn, nhưng hãy vững tâm, đừng sợ, Ta
đã thắng thế gian !” (Ga 16,33).
Đọc lại lịch sử
của Hội Thánh thời sơ khai trong sách Tông Đồ Công Vụ, các Tông Đồ bị ra tù vào
khám, bị đánh đòn, bị ném đá như cơm bữa, có lần ông Phao-lô bị ném đá, người
ta tưởng đã chết, nên lôi xác ông vất bỏ ngoài thành! Thế mà khi hồi tỉnh, ông càng
hân hoan tiếp tục lên đường giảng Tin Mừng (x Cv 14).
4.
Đặc biệt nhất là chỉ nhờ Đức Giê-su mà mọi hối nhân được ơn tha tội
Ông Gioan Bt
sai môn đệ đến hỏi Đức Giê-su: “Ngài có phải là Đấng giải phóng người công
chính thoát ách thống trị của bạo lực không?” (Mt 11, 2-3: Tin Mừng). Đức
Giê-su cho họ thấy trước mắt việc Ngài làm: “Mù được thấy, què bước đi, cùi được thanh sạch, điếc được nghe, chết
sống lại, kẻ nghèo được đón nhận Tin Mừng”, tức là Ngài đã làm ứng nghiệm
lời ngôn sứ Isaia (Is 35,5-6.10: Bài đọc I). Đối với quan niệm của người Do
Thái: người được chữa lành bệnh phải hiểu là được Chúa tha tội (x Mc 2, 1-12 ;
Ga 9). Đức Giê-su bảo các môn đệ ông Gioan sai đến: “Hãy về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe như thế.
Và phúc cho ai không vấp ngã vì tôi !” (x Mt 11,4-6: Tin Mừng). Để mọi
người xác tín rằng: Đức Giê-su chính là Đấng Mêsia mà các ngôn sứ đã loan báo,
Ngài không đến diệt kẻ ác, mà Ngài muốn cứu nó, nếu chúng biết sám hối tội, xin
Ngài thương xót. Vậy “lạy Chúa, xin đến
cứu chúng con” (Is 35,4: Đáp ca).
II- SỐNG NIỀM TIN
NHƯ ÔNG GIOAN TẨY GIẢ.
Hội Thánh muốn
ta noi gương đời sống Đức Tin của ông Gioan Bt:
1. Sống khiêm nhường.
Vì ông không tìm
vinh quang cho mình mà chỉ lo làm vinh danh Chúa Giê-su, như lời ông nói: “Ngài phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại”
(Ga 3,30).
2. Sống cương trực.
Dù ông Gio-an
biết vua Hê-rô-đê là kẻ gian ác, đến nỗi ông giết cả vợ con chỉ vì nghe tin đồn
rằng họ đang bày mưu tính kế tiếm quyền ông! Thế mà ông Gio-an lại dám vào
thẳng cung điện vua để ngăn cản ông ta không được cướp vợ của anh mình, dù ông
Gio-an biết rằng vua Hê-rô-đê sẽ không tha mạng cho ! (x Mt 14,3-12)
Như thế ông
Gio-an rất xứng đáng được Đức Giê-su khen: “Ông
không như cây sậy rung trước gío” (Mt 11,7b: Tin Mừng), tức là ông không khoan
nhượng cho ai phạm tội, không thỏa hiệp với bạo chúa để được sống, cũng không sống
kiểu: gío chiều nào ngả theo chiều đó, để ton hót nịnh bợ, luồn cúi, kiếm chác
danh vọng đời này !
3. Sống đơn giản.
Ông Gio-an Tẩy
Gỉa tuy là con một gia đình tư tế giàu có ở Giê-ru-sa-lem, nhưng ông sống rất
đơn giản:
- “Mặc áo lông da thú”: Ông muốn minh chứng
mình là người được Chúa thương, đúng với tên Gioan, tên mà thiên thần đã ra
lệnh cho cha mẹ ông đặt cho (x Lc 1,13). Như thuở xưa Chúa thương Adam, Eva,
Ngài may áo da thú mặc cho họ (x St 3,21).
- “Ăn
châu chấu và mật ong rừng” (Mt 3,4). Mật ong rừng đó là nước nho khô hay
nhựa cây tây hà liễu (tamaris). Ông sống nghèo như thế để biểu lộ Chúa thương
ông hơn ngôn sứ Ê-ly-a, vì lòng nhiệt thành đối với sứ mệnh Chúa trao, để bảo vệ danh Gia-vê, ngôn sứ Ê-ly-a đã sát hại
các tư tế của nhà vua đang tế lễ thần Baal trên núi Carmel, nên bị vua rượt bắt,
ông vội chạy trốn, Chúa sai thiên thần đưa chiếc bánh lùi và chóe nước cho ông
dùng, lương thực đơn giản thế thôi, để có sức tiếp tục lên đường (x 1 V 19, 1-8).
Mặt khác, những
nhu cầu đời sống ông rất đơn giản như vậy, là để nêu gương chia sẻ như lời ông
kêu gọi mọi người: “Ai có hai áo hãy chia
cho người không có, và ai có của ăn cũng hãy làm như vậy” (Lc 3,10-11).
Bởi thế ông
Gio-an đáng được Đức Giê-su khen trước mặt mọi người: “Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh
em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết,
đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép
rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con
đến. "Tôi nói thật với anh em: trong
số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.”
(Mt 11,8b-11a: Tin Mừng).
Vậy có sống
khiêm nhường, cương trực, nhu cầu đơn giản như ông Gioan Bt mới xứng danh là
ngôn sứ của Chúa, để được: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan
báo Tin Mừng cho người nghèo” (Is 61,1: Tung Hô Tin Mừng).
III- SÓNG GIÓ CỦA
NIỀM TIN.
Khai mào thời
Tân Ước, chỉ có ông Gio-an là người được biết về Đức Giê-su hơn ai hết, nhưng
sự hiểu biết của ông vẫn còn bị giới hạn theo cái nhìn theo cá tính, vì ông thích
dựa vào lời ngôn sứ Ma-la-ki tiên báo về sứ mệnh Đấng Cứu Thế: “Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi
Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của
thợ giặt. Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi
và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ, đối với Đức Chúa, chúng sẽ là
những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính” (Ml 3, 2-3).
Do đó, khi ông
Gio-an giới thiệu Đức Giê-su cho người khác, ông dựa vào lời ngôn sứ Ma-la-ki đã
loan báo mà đe dọa dân: “Cái rìu đã đặt
sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.
Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong
sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà
đốt đi.” (Mt 3,10.12)
Nhưng khi ông
Gio-an đụng chạm vào thực tế: bị vua Hê-rô-đê nhốt trong tù. Rõ ràng Hê-rô-đê
mới chính là cây không trái, lại không bị diệt, mà hắn lại sắp chém đầu ông,
làm ông hốt hoảng, nên sai các môn đệ đến hỏi Đức Giê-su: “Ngài có phải là Đấng phải đến (như lời tôi loan báo), hay tôi phải đợi
Đấng khác ?” (Mt 11,3: Tin Mừng). Hỏi như thế với hàm ý: Tôi đã giới thiệu
Ngài như ngôn sứ Malaki báo trước: Ngài không khoan nhượng kẻ ác, tại sao Ngài
không diệt kẻ ác để cứu tôi là người bị áp bức ?!
Như vậy là ông
Gio-an đã không đọc hết các lời ngôn sứ đã nói về Đấng Mê-si-a, hay ông chỉ thích
dựa Lời Sách Thánh nào hợp với tính tình nóng bỏng của ông! Nhưng Đức Giê-su
muốn mọi
người phải biết rằng: Dù Ngài có là Đấng phán xét như ngôn sứ Ma-la-ki
đã loan báo, thì Ngài chỉ phán xét satan, khai trừ tội lỗi khỏi lòng người.
Nhưng Ngài còn là Đấng nhân từ: “Tha cho
ngươi muôn ngàn tội lỗi,cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng
ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, khiến tuổi
xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,Người chậm giận và giàu
tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi.Người không cứ tội
ta mà xét xử,không trả báo ta xứng với lỗi lầm.Như trời xanh trổi cao hơn mặt
đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.Như đông đoài cách xa nhau
ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 103/102,
3a-5.8-12)
Bởi thế “dầu tội con có đỏ son, cũng ra trắng như
tuyết, có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18). Lòng nhân
từ này được Đức Giê-su thể hiện nơi các bệnh nhân: Ngài làm cho họ lành mạnh là
dấu Ngài tha tội, Ngài lấy chứng từ này mà bảo các môn đệ của ông Gio-an: “Các anh hãy về thuật lại cho ông Gio-an
những điều mắt thấy tai nghe… phúc
thay người nào không vấp ngã vì tôi.” (x Mt 11,2-6: Tin Mừng).
Rõ ràng ông
Gio-an chưa biết trọn vẹn về Đấng Cứu Thế ! Bởi đó ông đã khiêm tốn, hai lần
thốt lên lời: “Phần tôi, tôi chưa biết
Ngài” (Ga 1,31.33). Nghĩa là không ai diễn tả trọn vẹn về Đức Giê-su được,
ai có nói về Ngài thì cũng chỉ như những người mù tả về con voi: Anh rờ tai thì
nói voi như cái quạt, kẻ rờ chân, thì tả voi như cây cột… Nhưng dầu sao, ông
Gioan Bt khi gặp đau khổ, ông mới đi tìm hiểu thêm về Đấng Mêsia, đó cũng là
điều chúng ta phải bắt chước ông.
Vậy để Đức Tin
ta không bị chao đảo, nhất là khi bị sự dữ tấn công, thì ta đừng chọn một đoạn
Kinh Thánh thích hợp với mình, một hãy dựa vào toàn bộ Kinh Thánh, và đến gặp
Chúa Giê-su Thánh Thể, hơn môn đệ của ông Gioan đến gặp Đức Giê-su để được tăng
niềm tin.
IV- NGƯỜI KI-TÔ HỮU
CAO CẢ HƠN ÔNG GIOAN TẨY GIẢ.
Đức Giê-su nói:
“Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa
từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Bt. Tuy nhiên kẻ nhỏ hơn trong Nước Trời còn
cao trọng hơn ông” (Mt 11,11).
Lời xác định
trên Đức Giê-su có ý so sánh ông Gioan Bt với người Công Giáo :
A. GIOAN TẨY GIẢ CAO TRỌNG NHẤT TRONG NHỮNG NGƯỜI DO
NGƯỜI NỮ SINH RA, là vì từ thời Adam, Eva và chắc chắn cho đến ngày cánh
chung, không một người nào có mặt trên trái đất này giống Đức Giê-su về cuộc
sống trên dương thế như ông Gioan. Thực vậy, giữa Đức Giê-su và ông Gioan từ
lúc sinh vào đời cho đến lúc chết, có nhiều điểm tương đồng rất sít sao, mà
trong nhân loại không ai có được.
1- Cả Gioan, cả Đức
Giê-su trước khi được thụ thai trong lòng mẹ đều do Thiên thần Gabriel báo tin (x Lc 1,19 =
Lc 1,26).
2- Cả Gioan, cả
Đức Giê-su đều
sinh ra từ đôi vợ chồng khác thường: Cha mẹ của Gioan đã gần 100 tuổi mà
chưa có con, thế mà ông Dacarya lại được thiên thần báo tin cho biết: Vợ chồng
ông sẽ sinh con ; cũng thế, Đức Giê-su được sinh ra trong một gia đình mà vợ
chồng không ăn ở với nhau (x Lc 1,7 = Lc 1,34) , vì chỉ có ông Giuse sống hướng
về cánh chung: “Có vợ mà kể như không có”
(1 Cr 7,29).
3- Tên Gioan và tên Đức
Giê-su đều được thiên thần bảo cha mẹ
phải đặtconmình như thế (x Lc 1,13 = Lc
1,31).
4- Thân thế ông
Gioan và Đức Giê-su đều thuộc dòng tộc giàu có: Gioan là con vị tư tế ở thành
Giê-ru-sa-lem ; Đức Giê-su là Con của Cha trên trời, thế mà cả hai Vị sinh ra
trong cảnh nghèo: Gioan sinh ra được nuôi dưỡng trong sa mạc (x Lc 1,80) ; Đức
Giê-su sinh ra thì mẹ Ngài lấy tã bọc đặt nằm trong máng cỏ (x Lc 2,7).
5- Ông Gioan và
Đức Giê-su đều
thống nhất chương trình hành động. Do đó cả hai Vị đều mở đầu sứ mệnh bằng
công thức: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã
gần đến” (x Mt 3,2 = Mt 4,17).
6- Sứ điệp Tin Mừng của ông Gioan
và của Đức Giê-su đều nóng bỏng và dứt khoát, không khoan nhượng cho những kẻ bất
lương, nhất là những kẻ không tin Đức Giê-su là Đấng cứu độ duy nhất (x Cv 4,12). Cụ thể :
-
Ông Gioan nói với mọi người: “Cái rìu đã để sẵn gốc cây, cây nào không sinh trái thì bị chặt quăng
vào lò lửa” (Mt 3,10). Có nghĩa là ngay hôm nay ai không tin vào Chúa
Giê-su để làm việc tốt, thì phải diệt ngay.
-
Còn Đức Giê-su nhìn cây vả lớn, lá xum suê, Ngài đến tìm
quả mà không có, dù lúc ấy không phải là mùa trái vả, mà ngài lại lên tiếng
trách nó: “Không bao giờ Ta ăn trái mày
nữa !” Sáng hôm sau, các môn đệ đi ngang qua thấy cây vả đã chết khô từ
ngọn đến rễ (x Mt 21,18-19): Cây vả lớn là dấu chỉ những người được Thiên Chúa
nuôi dưỡng và giáo dục mà hôm nay không trở nên người công chính, nhờ tin vào
Chúa Giê-su (x Gl 2,16), thì kẻ đó không thể được cứu độ.
7- Ông Gioan và
Đức Giê-su đều
động viên người ta chia sẻ :
- Ông Gioan nói:
“Ai có hai áo hãy chia cho người không có
một cái, và ai có của ăn thì cũng hãy làm như vậy” (Lc 3,11).
- Chúa Giê-su
dạy: “Cho thì có phúc hơn là lấy” (Cv
20,35)
8- Ông Gioan và Đức Giê-su đều chết vì chân lý :
-
Ông Gioan dám lên tiếng trách vua Hê-rô-đê không được cướp
vợ anh mình, do đó ông bị cắt đầu (x Mt 14,3t).
-
Đức Giê-su lên tiếng khiển trách những đầu mục Do-Thái sống
đạo hình thức: Giả bộ đọc kinh dài để
nuốt chửng tài sản bà góa, làm cho người tân tòng thành con cái hỏa ngục gấp
đôi mình, lại còn ngăn cản những ai muốn vào Nước Trời (x Mt 23). Do đó Ngài bị
treo trên thập giá (x Mt 27,23t).
B. KẺ NHỎ TRONG NƯỚC TRỜI CÒN CAO TRỌNG HƠN ÔNG GIOAN
TẨY GIẢ
§ Thuật ngữ “kẻ
nhỏ” trong Tân Ước luôn luôn chỉ về những người thuộc về Hội Thánh, những người
được Chúa Giê-su cứu độ. Thực vậy, các Tông Đồ là những người lớn tuổi, mà Đức
Giê-su đòi hỏi họ phải trở nên trẻ nhỏ mới được vào Nước Thiên Chúa (x Mt 18,3)
; Ngài nói với các môn đệ: “Hỡi các con
thơ bé, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi” (Ga 13,33a) ; cũng như
Ngài nói: “Đừng sợ, hỡi đoàn chiên nhỏ
bé, vì Cha chúng con đã khấng ban Nước Trời cho chúng con” (Lc 12,32).
§ Các thư của
thánh Gioan viết cho các giáo đoàn có nhiều người lớn tuổi, thế mà ông luôn
luôn gọi họ là: “Hỡi các con thơ bé”
(x 1Ga 2,1.12.14.18.28).
Vậy “kẻ nhỏ trong Nước Trời lớn hơn ông Gioan Tẩy
Giả”, chính là người Công Giáo sau khi đã lãnh Bí tích Khai Tâm, họ hơn ông
Gioan những điểm sau :
1. Ông Gioan chỉ là
chú phù rể đối với Đức Giê-su (x Ga 3,29) ; trong khi đó người Công Giáo được gọi là Hiền Thê của
Chúa Giê-su, khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy (x 2Cr 11,2).
2. Ông Gioan sinh ra
bởi dòng giống Adam, Eva,
thua
xangười Công Giáo
được tái sinh bởi Adam cuối cùng là Chúa Giê-su (x Cv 2,38). Bởi thế Kinh
Thánh nói: “Đấng tác thánh và những người được thánh hóa cùng một nguồn gốc, cùng
một xương thịt, cùng một sự sống với
Chúa Ba Ngôi, đến nỗi được đồng hóa với Chúa Giê-su ” (Dt 2,11 ; Ga 6,57 ;
Gl 2,20).
3. Sứ mệnh của ông
Gioan chỉ như tiếng kêu trong sa mạc (x Ga 1,23) ; thua xa người Công Giáo
được Chúa hứa: “Ai tin vào Ta thì các
việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa,
vì Ta đi đến cùng Cha” (Ga 14,12). Cụ thể cả cuộc đời Đức Giê-su phục vụ
đến chết, mới đưa một anh trộm lành vào Thiên Đàng ; còn người Công Giáo mỗi
khi đi dự Lễ, hiệp thông với Hội Thánh cầu nguyện cho những người đã qua đời,
thì biết bao linh hồn được về Thiên Đàng ; hoặc Chúa Giê-su không lập một giáo
đoàn nào, trong khi đó ông Phao-lô khai sinh được rất nhiều giáo đoàn…
Mặc dù ta được cao
cả hơn ông Gioan Bt, nhưng chỉ được thấy rõ trong ngày cánh chung. Thánh Gio-an
nói: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên
Chúa;nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.Chúng ta biết rằng
khi Đức Ki-tô xuất hiện,chúng ta sẽ nên giống như Người,vì Người thế nào, chúng
ta sẽ thấy Người như vậy.” (1Ga 3,2). Bởi đó thánh Phao-lô nói: “Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải
trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong
nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi?Nhưng nếu chúng ta trông mong
điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ” (Rm 8,24-25).
Vì những lý do
trên tưởng rằng người Công Giáo phải mừng ngày lãnh Bí tích Thánh Tẩy mới chính
là ngày sinh nhật của mình được sinh ra trong Chúa Giê-su, và đã được thanh tẩy
tinh tuyền. Còn ngày sinh nhật bởi cha mẹ trần thế, chỉ thuộc dòng giống Adam
bị chúc dữ, vì “từ trong lòng mẹ tôi đã
là kẻ bất lương” (Tv 51/50,7). Bởi thế, lời kinh “tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng” (Tv 139/138, 14a), chỉ
thích hợp cho người Công Giáo.
THUỘC LÒNG
Chúa ban sức mạnh cho người mệt mỏi, vì trẻ trung còn
nghiêng ngửa bổ nhào, nhưng ai trông cậy nơi Chúa, họ có sức mạnh luôn luôn đổi
mới, để tung cánh như phượng hoàng, họ đi mà không biết mỏi, chạy mà không biết
mệt ! (Is 40,29-31)