BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I : Gr 38,4-6.8-10
4
Hồi ấy, các thủ lãnh thưa với vua Xít-ki-gia-hu : "Xin ngài cho giết con
người ấy đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại
trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình
cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ."5 Vua Xít-ki-gia-hu nói:
"Đây ông ta đang ở trong tay các ngươi; nhà vua cũng chẳng có thể làm gì
trái ý các ngươi được."6 Họ liền điệu ông Giê-rê-mi-a đi, và bỏ
xuống một cái hầm nước của hoàng tử Man-ki-gia-hu, trong sân vệ binh. Họ lấy
dây thừng thả ông Giê-rê-mi-a xuống. Vì trong hầm không có nước, mà chỉ có bùn,
nên ông bị lún sâu."
8 Ông E-vét Me-léc đi ra khỏi đền
vua và thưa với vua rằng:9 "Thưa đức vua, chúa thượng tôi,
những người này làm toàn những chuyện tai ác cho ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Họ đã thả
ông xuống hầm, và ông đang chết đói ở dưới ấy, vì trong thành không còn bánh
nữa.10 Vua liền truyền cho ông E-vét Me-léc, người Cút rằng:
"Ngươi hãy đem theo ba mươi người ở đây, đi kéo ngôn sứ Giê-rê-mi-a lên
khỏi hầm, kẻo ông chết mất."
ĐÁP CA : Tv 39
Đ. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ ! (c.
14b)
2 Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.
3 Người kéo tôi ra khỏi hố diệt
vong, khỏi vũng lầy nhơ nhớp, đặt chân tôi đứng trên tảng đá, làm cho tôi bước
đi vững vàng.
4 Chúa cho miệng tôi hát bài ca
mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta. Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ và tin
tưởng vào Chúa.
18 Thân phận con khốn khổ nghèo hèn,
nhưng Chúa hằng nghĩ tới. Ngài là Đấng
phù trợ, là Đấng giải thoát con,lạy Thiên Chúa con thờ, xin đừng trì hoãn!
BÀI ĐỌC II : Dt 12, 1-4
1 Thưa anh em, phần chúng ta, được
ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh
nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành
cho ta,2 mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng
tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập
giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.3
Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình
như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí.4 Quả thật, trong cuộc
chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.
BÀI GIẢNG
MUỐN BÌNH AN PHẢI CHIẾN ĐẤU!
Để
có bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh ban, Ngài dạy : “Phải chiến đấu với
người nhà của mình” (Lc 12, 51-53 : Tin Mừng).
Lời
Chúa trong Phụng Vụ Chúa nhật 20/Qn.C
này giúp chúng ta : Nhận diện hai bộ mặt kẻ thù nơi “người nhà” của mình ; đồng
thời Chúa giúp ta cách chiến thắng kẻ thù ấy.
I. HAI BỘ MẶT KẺ THÙ NGƯỜI NHÀ
MÌNH.
Đó là kẻ thù Đức Tin và kẻ thù lòng đạo :
1- Kẻ
thù giữa những người cùng một Đức Tin.
Bài Đọc I cho biết : Chúa sai ngôn
sứ Giêrêmia đến cảnh cáo đồng bào của ông : Phải canh tân đời sống Đạo, nếu
không Chúa sẽ nộp Giêrusalem vào tay quân vô đạo là vua Babel (x Gr 3,1). Lời thật thì mất lòng, do
đó các tướng lãnh đến tâu vua : “Phải xử
tử con người ấy đi, vì nó nói những lời làm bủn rủn chân tay các chiến sĩ cũng
như toàn dân trong thành”. Thế là ngôn sứ Giêrêmia bị quăng xuống giếng cạn
đầy bùn sình, nhưng rồi người ta lại phải vội vàng lôi ông lên, vì thiếu lời
giảng của Giêrêmia là dân thiếu bánh ăn ! (x Gr 38, 4-10 : Bài đọc I).
Sứ mệnh của ông Giêrêmia mới chỉ
là hình bóng làm nổi bật sứ mệnh của các ngôn sứ thời Tân Ước, dẫn đầu là Đức
Kitô Giêsu : chính Ngài mới thực là Đấng đến để canh tân và làm hoàn hảo Đức
Tin của dân Do Thái, người nhà của Ngài, nhưng họ cứng lòng không chịu nghe,
thì Ngài tiên báo hình phạt sẽ giáng xuống trên Giêrusalem : “Không còn hòn
đá nào chồng trên hòn đá nào !” (x Lc 19,41-44), nhất là Ngài còn nói : “Cứ
phá Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (x Ga 2,19). Đấy
chính là nguyên cớ người ta đưa Ngài ra pháp đình đòi lấy mạng (x Mt 26,61).
Thế nhưng, sau khi Đức Giêsu bị “người
nhà” hại, Ngài lại trở nên nguyên nhân cứu độ duy nhất cho cả loài người (x Cv 4,12),
hầu để mọi miệng lưỡi phải tung hô Ngài là “Đức Chúa” (x Pl 2, 6-11). Đặc biệt
hơn là sau khi Ngài được tôn vinh bên hữu Chúa Cha trên trời, Ngài gởi Thần Khí
đến làm cho các kẻ tin có thể làm được các việc lớn lao hơn Đức Giêsu khi còn ở dưới thế (x Ga 14,12). Cụ thể như
Biệt phái Saulô, động viên kẻ ác ném đá Phó tế Stêphanô, ông là người đã gây cớ
chia rẽ vì đem gươm giáo là Lời Chúa đến (x Dt 4,12). Nhưng nhờ Stêphanô cầu
nguyện cho kẻ hại mình (x Cv 7,54-60), mà “sói Saulô” đã trở thành “Tông Đồ
Phaolô” quy tụ muôn dân vào Hội Thánh để được hưởng sự bình an đích thực của
Chúa Phục Sinh, không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng ! (x 2 Cr 11,5) Thành
quả này của Phó tế Stêphanô là nhờ ơn Chúa Giêsu về Trời xin Chúa Cha ban cho.
Rõ ràng Phó tế Stêphanô chẳng những làm việc như Chúa Giêsu mà còn làm được
những việc lớn lao hơn thế nữa!
2- Kẻ thù “người nhà” của lòng
đạo.
Chiến đấu đem bình an cho đồng loại chưa đủ, còn phải chiến
đấu đem bình an cho bản thân mình mới cam go ! Chính Tông Đồ Phaolô đã can đảm
và khiêm tốn thú nhận sự yếu đuối của bản thân khi ông phải chiến đấu với “kẻ
thù người nhà” không cho ông ngơi nghỉ : “Điều tôi muốn, tôi không thi hành,
chính tôi lại làm điều tôi ghét ! Tôi biết rằng : trong xác thịt tôi chẳng có
sự lành cư ngụ : muốn thì vừa tầm cho tôi, mà làm ra sự thiện thì không” (x
Rm 7,15.18-19). Vì thế, ông nói : “Xác
thịt có những đam mê chống lại Thần Khí, và Thần Khí có những đam mê chống lại
xác thịt, đôi đàng cự lại nhau, khiến ta không thể hễ muốn gì làm được” (Gl
5,17). Nên “đã ba lần tôi xin Chúa đừng để Satan vả mặt tôi, nhưng Chúa chỉ
hứa : Ơn Ta đủ cho ngươi!” (x 2Cr 12, 8).
Để chiến đấu với “kẻ nội thù”
trong xác thịt mình, thánh Phaolô nói : “Tôi nhắm con ngươi đồng tử mà thụi
vào chính thân tôi, và bắt nó qụy lụy phục tùng, kẻo lỡ ra làm thày dạy người
khác, mà chính tôi lại bị thải loại !”
(I Cr 9, 27).
II. CHÚA GIÚP TA CÁCH CHIẾN THẮNG
KẺ THÙ “NGƯỜI NHÀ” .
Chúa
nói : “Ta đã đem lửa xuống trái đất, và Ta ước mong lửa ấy cháy lên, có một
thứ thanh tẩy Ta phải chịu, và Ta những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,49-50 : Tin Mừng).
Tính
chất của lửa thì bùng ra khắp thế gian, thẩm thấu và len lỏi vào mọi môi
trường, làm cho vật tiếp xúc với nó bị đồng hóa, như lửa thấm vào thanh sắt làm
cho sắt trở thành thanh lửa. Lửa còn thanh tẩy mọi xu uế, tiêu diệt vi trùng,
duy trì và phát huy sự sống, soi dẫn đường lối chỉ cho con người biết việc phải
làm ; lửa (ánh sáng) còn làm cho ta phân biệt được tốt, xấu, để ta thưởng thức
được muôn vẻ đẹp của vạn vật. Dầu tính chất của lửa đa hệ như thế, nhưng nó chỉ
là dấu chỉ của Lửa do Chúa Giêsu đưa đến mà thôi. Vì Lửa Ngài đem xuống trần
gian, lòng Ngài những ước mong bùng cháy lên, Lửa đó chính là LỜI CHÚA
(x Gr 23,29 ; Cv 2,3-4),
và Lửa thiêu đốt cũng chính là Ngài (x Dt 12, 29), đã từ trời xuống trần gian soi sáng
tâm hồn những ai có trái tim đón nhận “Lửa” của Ngài đưa đến, khiến họ năng
động hơn ba chú bé nhảy mừng trong lò lửa (x
Dn 3,24t).
“Lửa
Lời Chúa” và “Lửa Giêsu” đó là hiệu quả của hai bàn tiệc trong Thánh Lễ do Chúa
Giêsu thiết lập để cứu độ loài người, rồi Ngài truyền cho Hội Thánh cử hành và
mời gọi dân Ngài đến tham dự, để được Ngài thanh tẩy tâm hồn cho. Vì thế mà Đức
Giêsu nói : “Thầy còn phải chịu một Phép
Rửa (bằng máu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh lúc Ngài dâng Lễ), và làm Thầy khắc
khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12,50 : Tin Mừng).
Vì
nhờ Lửa từ bàn tiệc Thánh Thể làm cho ta
trở nên con người hữu dụng, chuẩn bị làm các việc lành (x 2Tm 3,16-17), đến nỗi
họ làm gì cũng thành công (x Tv 1,2-3), đáng được lãnh phần gia nghiệp Nước
Trời, đó là Chúc Thư mà Chúa đã ký kết.
Ta biết thưở xưa Chúa lập Giao Ước
với dân Do Thái, thì Giao Ước đó đòi hỏi người nhận phải có điều kiện. Nhưng
Giao Ước vào thời Tân Ước (Thời Ân Sủng) còn là Chúc Thư, người lập Chúc Thư
thì không đòi người nhận phải có điều kiện. Người nhận Chúc Thư sẽ được thừa
hưởng lời hứa đã ghi trong Chúc Thư khi người viết Chúc Thư qua đời. Chính vì vậy mà tác giả thư Do Thái nói : “Ở đâu có chúc thư, thì cần phải chứng minh
rằng người làm chúc thư đã chết. Thật vậy, chúc thư chỉ có giá trị khi người
làm chúc thư đã chết, bởi vì chúc thư không bao giờ có hiệu lực bao lâu người
làm chúc thư còn sống” (Dt 9,16-17). Mà thực, Chúa Giêsu chỉ ban phần gia
nghiệp Nước Trời khi Ngài chịu Phép Rửa bằng máu trên thập giá,để thanh tẩy tội
lỗi ta (Lc 12,50 : Tin Mừng), vì Ngài đã
hết lòng thực thi Lời Cha (x Ga 17,8 ; Dt 10,5-7), lúc ấy Ngài mới chuộc nơi
Chúa Cha những ơn ta đã làm mất khi phạm tội, để Cha Ngài ban lại cho ta những
ơn dồi dào hơn trước. Đúng như Lời Kinh Thánh nói : “Tình
thương của Chúa chan hòa mặt đất” (Tv 33/32,5b).
Nhìn xuyên suốt cuộc đời của Đức
Giêsu, Ngài đã dùng Lời Cha ban để chiến đấu không ngơi nghỉ với tất cả những
đam mê xác thịt của loài người, nên chính Ngài đã gây chia rẽ ngay với những
người cùng huyết thống với Ngài. Đan cử :
- Ngài
chủ ý trốn cha mẹ ở lại Đền Thờ giảng dạy làm cho cha mẹ phải đau lòng đi tìm
(x Lc 2,41-52).
- Ngài
say sửa giảng Lời thì bị những người thân tộc đến bắt lôi đi và nói với mọi
người : “Ông này điên khùng, mất trí rồi!”
(Mc 3,21)
Thánh Phaolô cũng dùng Lời Chúa
gây chia rẽ giữa nhóm Biệt phái và phe Sađốc để họ ẩu đả nhau, hòng ông được
thoát mạng (x Cv 23,6-10).
Đó là lý do Đức Giêsu nói với các
môn đệ : “Anh em tưởng rằng Thầy đến đã
ban bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết không phải thế đâu,
nhưng là sự chia rẽ. Vì từ nay năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba
chống lại hai, hai chống lại ba, cha chống lại con, con chống lại cha, mẹ chống
lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống
lại mẹ chồng” (Lc 12,51-53 : Tin Mừng).
Để hiểu rõ về lý do chống đối này, nếu ta quyết liệt sống Chân Lý Chúa dạy,
ta phải trả giá đắt, chấp nhận mất hết tình cảm, mất cả chữ hiếu, có khi mất cả
mạng sống mình. Đan cử :
- Vì sống theo Lời Chúa, các Tông
Đồ phải từ bỏ tất cả mọi người trong gia đình, thậm chí cha chết, cũng mặc, cứ
đi loan báo Tin Mừng (x Mt 10,37-39 ; Lc 9,59-60).
- Vua Saolê ghen tức với Đavid, chỉ
vì Đavid đã đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ dân tộc và giữ vững ngai vua. Hoàng
tử Gionathan, mà vua Saolê đang muốn truyền ngôi cho, lại ra sức bảo vệ Đavid
chống lại ý định hiểm độc của vua cha. Gionathan hành động như thế là ông chấp
nhận mất quyền nối ngôi cũng như mang tội bất hiếu với cha, vì Gionathan tôn
trọng công lý hơn mọi giá trị trần thế (x 1Sm 20).
Rõ ràng muốn sống theo Lời Chúa
phải có chọn lựa quyết liệt. Chính vì thế có nhiều người Dự Tòng sau khóa học Giáo
Lý, không dám làm đơn xin lãnh Bí tích Thánh Tẩy, bởi lẽ cha mẹ họ đã “quy y”
theo Phật và đã khẳng định với con cái : Đứa nào theo Công Giáo sẽ bị khai trừ
khỏi dòng họ, vì bất hiếu ! Chỉ có đứa con “bất hiếu” nào dám mang bản án ấy,
mới xin theo đạo Công Giáo mà thôi !
Đối với những ai tin tưởng vào Lời
Chúa, càng say mê đọc và suy gẫm càng cảm thấy mình có nhiều tội (x Rm 3, 20 ; 7,7b).
Một khi ta cảm nghiệm được như thế, muốn theo Chúa thì phải thực hành lời thánh
Phaolô dạy :
“Trước đây anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự
vô luân, nên anh em đã trở thành kẻ vô luân ; thì nay anh em hãy dùng chi thể
của mình làm nô lệ cho sự công chính, để anh em trở nên người thánh thiện. Khi
làm nô lệ cho tội lỗi, anh em đã chuốc lấy tủi nhục và để cho thần chết ập vào
nhà! Nhưng khi đã thoát nô lệ tội lỗi mà trở thành nô lệ cho Thiên Chúa, anh em
được sống thánh thiện. Vì lương bổng của tội là sự chết còn ơn huệ của Thiên
Chúa là sự sống đời đời” (x Rm 6,19-23).
Chính
vì vậy mà thánh Phaolô còn nói : “Có cả
một đám mây nhân chứng – đám mây chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa che chở dân
Ngài (x Xh.34, 5) – lớn lao dường ấy bao quanh ta, để giúp ta
quăng đi gánh nặng tội lỗi đang trói buộc mình ... Hãy hướng về Đức Ki-tô
Giê-su, Đấng đã khai mở và kiện toàn lòng tin... Hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu
cho những kẻ tội lỗi chống đối mình, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật,
trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em có chống trả cũng chưa đến nỗi phải đổ
máu đâu” (Dt.12,1-4 : Bài đọc II).
Vậy
“muôn lạy Chúa xin mau phù trợ” (Tv
40/39, 14b : Đáp ca).
THUỘC
LÒNG.
Thiên Chúa là cờ trận của tôi ! (Xh 17,15)
http://phaolomoi.net
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh