BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Kh 14, 14-19
14Tôi là Gio-an, tôi thấy: kìa một
đám mây trắng, và có Đấng ngự trên mây, giống như một Con Người, đầu đội triều
thiên vàng và tay cầm liềm sắc bén.15 Một thiên thần khác từ Đền Thờ
đi ra, lớn tiếng thưa với Đấng ngự trên mây: "Xin tra liềm của Ngài mà
gặt, vì đã đến giờ gặt: mùa màng trên đất đã chín rồi! "16 Đấng
ngự trên mây quăng liềm của mình xuống đất và đất bị gặt.
17 Rồi một thiên thần khác từ Đền
Thờ ở trên trời đi ra, cũng cầm liềm sắc bén.18 Một thiên thần khác
từ bàn thờ đi ra, vị này có quyền trên lửa, lớn tiếng nói với vị cầm liềm sắc:
"Xin tra liềm sắc bén của ngài mà hái các chùm nho trong vườn nho dưới
đất, vì các trái nho của đất đã chín rồi! "19 Thiên thần kia
quăng liềm của mình xuống đất mà hái nho trong vườn nho dưới đất, rồi đổ cả vào
bồn đạp nho lớn, tức là cơn lôi đình của Thiên Chúa.
ĐÁP CA : Tv 95
Đ. Chúa ngự
đến xét xử trần gian. (c 13b)
10 Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua
hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay, Người xét xử muôn
nước theo đường ngay thẳng.
11 Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,
biển gầm vang cùng muôn hải vật, 12a ruộng đồng cùng hoa trái, nào
hoan hỷ.
12a Hỡi cây cối rừng xanh,13
Hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần
gian.Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý
của Người.
BÀI GIẢNG
TRỜI ĐẤT
SẼ QUA ĐI, CHỈ LỜI CHÚA VĨNH CỬU
Đức Giê-su nói : “Trời đất sẽ qua đi, nhưng Lời Ta nói sẽ không
bao giờ qua” (Mt 24,35). Tức là mọi
điều Đức Giê-su nói chắc chắn phải xảy đến và có giá trị tồn tại muôn đời, nhất
là chỉ có những ai tin vào Lời Đức Giê-su và đem ra thực hành, thì họ sẽ được
sống vĩnh cửu trong vương quốc của Ngài. Nói cách khác, tất cả những gì trong
vũ trụ nếu không bởi Lời Chúa, thì dù nó có giá trị cũng trở thành tro bụi (x
Cv 5,38), bởi vì “mọi sự đã nhờ Ngôi Lời
mà thành sự, và không có Ngài thì không có gì thành sự. Điều đã thành sự nơi
Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,3-4). Vì chưng
“Thiên Chúa đã quyết ý cho tất cả được
viên mãn tồn tại trong Ngài” (Cl 1,19), và “Ngài cầm giữ vạn vật bằng Lời quyền năng của Ngài” (Dt 1,3).
Chân lý này, Thiên Chúa đã mạc
khải cho Đa-ni-en, khi cậu cắt nghĩa về các pho tượng vua thấy trong giấc chiêm
bao :
-
Đế quốc Babylon : Pho tượng có đầu bằng vàng, ngực và cánh tay
bằng bạc, bụng bằng sắt, bằng đồng, chân nửa sắt nửa sành.
-
Đế quốc Mê-đi : Pho tượng bằng bạc.
-
Đế quốc Ba-tư : Pho tượng bằng đồng.
-
Đế quốc Hy-lạp : Pho tượng nửa sắt nửa sành (x
Đn 2,32-40 : BĐ năm lẻ).
Vì những chất liệu làm nên pho
tượng không thể hòa hợp với nhau, đó là dấu chia rẽ giữa các nước chư hầu thuộc
đế quốc Babylon,
trở thành nguyên nhân làm cho đế quốc sụp đổ !
-
Tảng đá tách ra từ đỉnh núi rớt trúng pho tượng kỳ dị đó, làm nó vỡ tan tành,
còn Tảng Đá trở thành núi lớn choán cả địa cầu (Đn 2,34-35 : Bài đọc). TẢNG ĐÁ ĐÓ CHÍNH LÀ CHÚA KI-TÔ (x Mt 21,42) ; Tảng Đá trở thành
núi lớn choán cả địa cầu chính là mọi người trên khắp hoàn cầu được mời gọi vào
Hội Thánh Chúa Ki-tô (x Mt 28,19-20). Hội Thánh bền vững đến muôn đời, thậm chí
dù “quyền
lực satan trong hỏa ngục có dấy lên cũng không phá hủy được!”
(x Mt 16,18) Còn các vương quốc được nhà vua nhìn thấy là pho tượng khổng lồ
làm bằng các vật liệu không dính với nhau,
ám chỉ các đế quốc Babylon,
Mê-đi, Ba-tư, Hy-lạp sẽ tan tành ! Sự tan rã của các đế quốc đó lại trở thành
biến cố tiên báo dân Do-Thái sẽ bị lưu lạc khắp thế giới vào năm 70, tức là sau
40 năm dân Do-Thái loại trừ Đức Giê-su trên thập giá, hậu quả là quân Roma đến
vây thành Giê-ru-sa-lem, chúng phá tan Thánh Điện của dân Chúa, dù đó là một kỳ
công tuyệt vời nhất trong nhân loại, đến nỗi sử gia Giuse Flavius khen ngợi : “Giê-ru-sa-lem chiếm 90% vẻ đẹp của cả vũ trụ
cộng lại”. Vậy mà Đền Thờ đó “sẽ
không để đá còn trên đá, bất cứ gì cũng sẽ bị tàn phá” (x Lc 21,6 : Tin
Mừng), và Đức Giê-su còn cho biết : “Sẽ
có loạn lạc, nước này chống nước kia, sẽ có động đất lớn” (Lc 21,9-11 : Tin
Mừng). Đó là dấu mọi sự trên đời này sẽ bị hủy diệt vào ngày cánh chung. Ngày
ấy được ví như mùa gặt, mà ông Gioan được thị kiến : “Đấng ngự trên mây giống như một Con Người (Chúa Giê-su), đầu đội triều
thiên vàng và tay cầm liềm sắc bén, một thiên thần thưa với Ngài : “Xin tra liềm của Ngài mà gặt, vì đã đến giờ
gặt : mùa màng trên đất đã chín rồi!” Đấng ngự trên mây quăng liềm của mình
xuống đất và đất bị gặt.
Rồi một thiên thần khác từ Đền Thờ
ở trên trời đi ra, cũng cầm liềm sắc bén (giờ chết của mỗi người). Một thiên
thần khác từ bàn thờ đi ra, vị này có quyền trên lửa, lớn tiếng nói với vị cầm
liềm sắc : “Xin tra liềm sắc bén của ngài
mà hái các chùm nho trong vườn, nho dưới đất, vì các trái nho của đất đã chín
rồi!” Thiên thần kia quăng liềm của mình xuống đất mà hái nho trong vườn
nho dưới đất, rồi đổ cả vào bồn đạp nho lớn, tức là cơn lôi đình của Thiên Chúa
: Ngày cánh chung, sự ác bị loại trừ ; còn người công chính thì sáng chói trong
Nước Thiên Chúa (x Kh 14,14-19 : BĐ năm chẵn). Đó là ngày “Chúa ngự đến xét xử trần gian” (Tv 96/95,13 : ĐC năm chẵn).Vì
thế mà Chúa đã phán : “Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban
cho ngươi triều thiên sự sống” (Kh 2,10c : Tung Hô Tin Mừng).
Để giữ vững Đức Tin, Đức Giê-su
muốn chúng ta lưu ý :
-
“Anh
em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói
rằng : “Chính Ta đây”, và “thời kỳ đã đến gần”, anh em chớ có theo họ”
(Lc 21, 8 ; Tin Mừng). Điều này Đức Giê-su muốn khẳng định : “Chúng con chỉ có một Vị Chỉ Đạo, một Thầy
dạy là Đức Ki-tô” (Mt 23,10). Và Ngài đã trao quyền công bố chân lý cho Hội
Thánh. Ai nhân danh chân lý mà nói bất cứ điều gì không hợp với giáo lý Hội
Thánh thì đó là tiên tri giả, Chúa không muốn cho ai theo.
-
“Khi
nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra
trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. Và Đức Giê-su nói tiếp:
“Dân
này nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ” (Lc 21,9-10 : Tin
Mừng). Sở dĩ người ta đấu đá nhau, gây chiến tranh, vì người ta không muốn đón
nhận chân lý qua Hội Thánh để thực hành, ai cũng cố thủ điều phải của riêng
mình, trong khi đó chân lý chỉ có một.
-
“Sẽ có
những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch, mất mùa đói kém, những
hiện tượng kinh khủng, điềm lạ lớn lao trên trời xuất hiện” (Lc 21,11 :
Tin Mừng). Đức Giê-su cho phép những sự dữ này xảy ra để nhắc cho mọi người
biết rằng trái đất này không phải là nơi cư ngụ muôn đời của con người. Từ đó
hướng lòng mọi người đi tìm một quê hương vĩnh cửu. Đó là khát vọng chung của
mọi người. Riêng đối với người Công Giáo phải xác tín như thánh Phao-lô : “Điều quan trọng không phải tôi là người hoàn
hảo, mà quan trọng vì Chúa Ki-tô chộp lấy tôi !” (Pl 3,12).
Tất cả những đau khổ trên đây xảy
đến cho con người không sánh được với những đau khổ của Giáo Hội Mẹ Roma thời
sơ khai. Vì suốt 300 năm những người Công Giáo bị quyền lực của Roma đè bẹp :
Có hàng trăm thứ khổ hình trút xuống đầu các Ki-tô hữu, chỉ vì vua Nê-rô ngẫu
hứng làm thơ “Con Cóc”, hòng được tiếng hoan hô của bọn nịnh thần, thế rồi vua
cao hứng cho đốt thành Roma, dân nổi loại muốn chống lại ông, thì ông đổ lỗi
cho người Công Giáo gây ra tai họa đó,
và từ đó ông kiếm cớ triệt hạ các Ki-tô hữu, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ, đàn
ông cũng như đàn bà, bắt được là ông cho treo lên trụ cao, rồi châm lửa đốt
dưới chân, hoặc quăng vào hang sư tử đã bỏ đói nhiều ngày… !
Suốt ba thế kỷ kinh hoàng đó,
người Công Giáo phải chui xuống hang toại đạo (nghĩa trang chôn theo đường hầm
dưới đất) để sinh hoạt tôn giáo. Nhưng ông Phê-rô vẫn bị bắt và chịu đóng đinh ngược !
Chính lúc ấy ông mới cảm thấy mình đã hoàn thành sứ mệnh Chúa trao, và
biết rằng chân lý mà suốt đời ông truyền bá đã trở thành như một làn sóng bao
trùm cả thành Roma, và không có quyền lực nào kìm hãm nổi. Phê-rô nghĩ thế, nên
ông ngước mắt lên trời tạ ơn : “Chúa ơi,
Ngài bảo con phải chiếm lĩnh cái thành phố Roma đang bá chủ thế giới này, con
đã chiếm được nó. Người bảo con phải đặt nơi đó làm thủ đô của Người, vậy con
đã đặt. Chúa ơi, giờ đây nó là thành phố của Người, còn con đang đến cùng Người
đây. Con đã làm việc quá mệt rồi”.
Lúc ấy ông Phê-rô đang bị lính bao
vây, mà ông nhìn thành phố như một vị chúa tể, một vương quốc là di sản của
mình, nên ông nói : “Đó là thành phố của
tôi, và đã được chuộc tội”.
Vậy không riêng những người trong
đám lính đang đào hố để dựng cây thập giá treo ông Phê-rô, mà ngay cả những
Ki-tô hữu cũng đoán được rằng : “Quả
thực vị chúa tể của thành phố kia đang đứng ở giữa bọn họ, trong khi đó bao
nhiêu hoàng đế đã qua đi, bao nhiêu làn sóng những kẻ dã man sẽ tràn qua, nhiều
thế kỷ cũng qua, nhưng cụ già Phê-rô vẫn không ngừng trị vì ở chốn này”(x Quo Vadis – Tập 2, trang 373-375).
Cả đến học thuyết vô thần của
Mác-Lê cũng tự hào là bách chiến bách thắng, nhưng cũng không diệt được niềm
tin Ki-tô giáo. Trái lại, vào năm 1989-1991, cả khối cộng sản vô thần Đông Âu
hùng mạnh nhất đã sụp đổ tan tành, dù không ai đánh đấm ! Ông Voltaire, người
say mê học thuyết vô thần tiên báo về số phận của Hội Thánh Chúa Ki-tô : “Chỉ 20 năm là tổ chức Công Giáo tan tành”.
Thế mà xác của ông Voltaire đã tan rã từ lâu, mà Hội Thánh Chúa Ki-tô vẫn tồn
tại. Bởi vì : “Việc của loài người tất yếu sẽ bị hủy ; còn việc của Thiên Chúa thì
vĩnh cửu. Kẻ nào chống đối sẽ vô ích lại còn lâm họa” (Cv 5,38-39).
Vậy chúng ta hãy hợp với ba chú bé
chiến thắng trong lò lửa mà cất lời ca tụng Chúa : “Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn”. (Tc Đn 3,59b : ĐC năm lẻ).
THUỘC LÒNG.
Việc của loài người tất yếu sẽ bị hủy ; còn việc của
Thiên Chúa thì vĩnh cửu. Kẻ nào chống đối sẽ chỉ vô ích lại còn lâm họa (Cv 5,38-39).