Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN NĂM C-LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I : 2 Sm 5, 1-3        
 1 Hồi đó, toàn thể các chi tộc Ít-ra-en đến gặp vua Đa-vít tại Khép-rôn và thưa: "Chúng tôi đây là cốt nhục của ngài.2 Ngay cả trước kia, khi ông Sa-un làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Ít-ra-en. Đức Chúa đã phán với ngài: "Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en."3 Toàn thể kỳ mục Ít-ra-en đến gặp vua tại Khép-rôn. Vua Đa-vít lập giao ước với họ tại Khép-rôn, trước nhan Đức Chúa. Rồi họ xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en.
ĐÁP CA : Tv 121
Đ.     Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa. (x c 1)
1 Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: "Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa! " Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi, 2 cửa nội thành, ta đã dừng chân.
4 Từng chi tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây, để danh Chúa, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en. 5 Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương triều Đa-vít
BÀI ĐỌC II : Cl 1,12-20
12 Thưa anh em, anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng.13 Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái;14 trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.
 15 Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,16 vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất,hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.
 17 Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. 18 Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh ; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.
19 Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, 20 cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG : Mc 11,9-10
Hall-Hall : Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít tổ phụ chúng ta. Hall.
TIN MỪNG  : Lc 23, 35-43
35 Khi Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập gía, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn! "36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống37 và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi! "38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Đây là vua người Do-thái."
 39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! "40 Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! "42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! "43 Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."
 
BÀI GIẢNG
ĐỨC KI-TÔ GIÊ-SU, VUA TÌNH YÊU !
Chúa nhật 34 kết thúc năm Phụng Vụ, Hội Thánh tôn kính vương quyền của Đức Giê-su nhằm nói lên cùng đích của Phụng Vụ, là làm cho loài người được tôn vinh một khi họ được thông dự vào vương quyền của Đức Ki-tô Giê-su Tình Yêu.
Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa vương quyền của Đức Ki-tô Giê-su, Ngài nắm vương quyền bằng cách nào, để rồi Ngài chia cho chúng ta  vương quyền của Ngài ?
Dựa vào mạc khải, cho ta xác tín về vương quyền của Chúa Giê-su :
          - Vương quyền của Chúa Ki-tô Giê-su độc lập và khác đời.
          - Vương quyền của Chúa Ki-tô Giê-su để tập họp và phục vụ đến quên mình.
          - Chúa Ki-tô Giê-su  trực tiếp chăm sóc ta.
I. VƯƠNG QUYỀN CỦA CHÚA KI-TÔ GIÊ-SU ĐỘC LẬP VÀ KHÁC ĐỜI.
Chúa Giê-su trả lời cho quan Phi-la-tô về vương quyền của Ngài: “Chính ông nói: Tôi là Vua, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga.18, 36-37). Thế mà vào đầu thế kỷ 20, xã hội loài người lại chối bỏ vương quyền của Đức Ki-tô. Thông điệp QUAS PRIMAS ngày 11/12/1925 của Đức Giáo hoàng Piô XI đã lên án hai quan điểm sai lạc sau :
o        Đồng hoá Kitô giáo với các tôn giáo khác.
o        Phủ nhận quyền của Hội Thánh trong việc giáo dục nhân loại, bởi vì Hội Thánh còn phải đặt dưới quyền bính chính phủ dân sự.
Từ lý do trên, Đức Giáo hoàng long trọng thiết lập lễ Chúa Ki-tô Vua, được cử hành vào Chúa nhật cuối tháng 10 trước lễ Các Thánh để mọi người phải lập lại xác tín:
o           Chỉ có người Công Giáo xác tín vào Lời Đức Giê-su nói: “Ta là đường, và là sự thật, sự sống” (Ga.14, 6). Bởi thế ngoài Đức Ki-tô Giê-su không có con đường là đường sự thật dẫn đến sự sống, hòng nhân loại được ơn cứu độ (x Cv.4,12).
o           Quyền bính Đức Ki-tô Giê-su trao cho Hội Thánh khác với quyền bính nhân dân trao cho Chính phủ. Do đó quyền của Hội Thánh là thần quyền, phải độc lập với quyền bính đời.
Ngày nay sau Công Đồng Vat.II, Hội Thánh lại đặt lễ Chúa Ki-tô Vua vào Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ, nhằm nêu rõ vương quyền của Chúa không chỉ nhằm bao trùm loài người mà còn trên vạn vật hữu hình và vô hình, như lời thánh Phao-lô nói: Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.  Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình,dẫu là hàng dũng lực thần thiêng, hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người. Người là khởi nguyên, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả viên mãn hiện diện ở nơi Người. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl.1, 12-20: Bài đọc II).
II. VƯƠNG QUYỀN CỦA CHÚA KI-TÔ GIÊ-SU ĐỂ TẬP HỌP VÀ PHỤC VỤ ĐẾN QUÊN MÌNH.
Ngày đăng quang của các vua chúa trần gian là cao điểm vinh quang của một triều đại: Người ta dâng cho vua nào là vàng bạc, châu báu, nào danh hiệu mỹ từ chúc vinh không ngớt …
Ngày đăng quang của Vua Giê-su trên đồi Sọ thì ngược hẳn lại: Ngài bị mọi giới bóc lột tán tận :
s         Tài sản mất: thân hình trần trụi.
s         Người thân thiết mất: Cha thì im lặng, môn đệ bỏ trốn.
s         Danh dự mất: nhất là người ta dựa vào Sách Thánh để thách thức Chúa xuống khỏi thập giá, hầu minh chứng mình vô tội ? Vì theo sách Luật có viết: “Kẻ nào  bị treo trên cây gỗ là đứa bị Thiên Chúa chúc dữ” (Dnl.21, 23).
s         Quyền bính mất: nơi Đức Giê-su cả ba chức quyền: Tư Tế, Vương Đế, Ngôn Sứ đều được Thánh Thần tấn phong cho Ngài. Nhưng trên thập giá, nhất loạt ba loại người thách thức Đức Giê-su xuống khỏi thập giá, tiêu biểu cho ba cách chối từ thiên chức của Đức Giê-su :
§             Chối từ vương quyền Chúa: Vua Hê-rô-đê và lính tráng chế nhạo vương quyền Ngài (x Lc.23,11).
§             Chối từ chức Tư Tế của Chúa: Các tư tế và ký lục ra sức cáo gian tội Ngài (x Lc.23, 10).
§             Chối từ chức Ngôn Sứ của Ngài: Dân chúng gào thét đòi giết Đức Giêsu mà tha cho họ tên sát nhân (x  Lc.23, 18).
s          Khả năng phục vụ của Ngài bị cướp đi :
§             Với cái đầu để suy nghĩ, thì  người ta đã kết một triều thiên gai cắm sâu vào óc, liệu còn nghĩ được gì ?
§             Với đôi bàn tay để thi ơn, thì  đinh ghim chặt vào cây.
§             Với đôi chân bước đi giảng dạy, thì bị đinh đóng chặt vào khúc gỗ.
§             Với trái tim để yêu, đã bị lưỡi đòng ngoáy nát.
Đấy là vinh quang của Vua Ki-tô Giê-su được biểu lộ trên ngai thập giá. Phàm nhân coi Ngài là một ông vua hề, nên khi xét xử Ngài, họ mặc cho Ngài chiếc áo đỏ, và là vua cỏ nên vương trượng trao cho Ngài là cây sậy !
Dầu Vua Giê-su bi đát đến thế, Ngài vẫn mở miệng van xin Cha tha tội cho kẻ hại Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm !” (Lc 23,34) Vì Ngài muốn hết thảy mọi người được vào Vương Quốc của Ngài, vì thế đến như ten trộm biết sám  hối và trông cậy vào lòng Ngài thương xót, thì Ngài đáp ngay: “Hôm nay Ta cho ngươi vào Thiên Đàng với Ta” (Lc.23, 43).
III. CHÚA KI-TÔ GIÊ-SU  TRỰC TIẾP CHĂM SÓC TA.
Trong Bài đọc I, Phụng Vụ Hội Thánh đã mượn tâm tình dân Do-Thái tôn vinh vua Đa-vit để ám chỉ người Ki-tô hữu qua Bí tích Khai Tâm đã được chia sẻ vương quyền của Vua Ki-tô Giê-su.
Dân Do-Thái rất hãnh diện thưa với vua Đa-vit trong ngày ông được phong vương:
  +Chúng tôi là cốt nhục của Ngài” (x 2 Sm 5,1).
Nhưng điều ấy còn thua xa: Người Ki-tô hữu nhờ Bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể, họ cùng một nguồn gốc, cùng một xương thịt, cùng một sự sống với Đức Ki-tô Giê-su – Vua Cả trời đất – (x Ga.15, 1 ; Ga.6, 35.57 ; Dt.2, 11.14 ; Gl.2,20).
Cũng trong ngày ông Đa-vit được phong vương, chính Đức Chúa đã trao quyền cho ông:
          +Chính ngươi sẽ chăn dắt dân của Ta là Israel, ngươi sẽ làm vua trên Israel” (2 Sm.5, 2)
Nhưng điều này cũng còn thua xa: Chính Thần Khí của Vua Giê-su – qua Bí tích Thêm Sức – Ngài trực tiếp chăn dắt ta qua bàn tay yêu thương của Hội Thánh là Mẹ của ta  (x Ga.20, 22 ; Ga.21, 15t). Bởi đó “ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa” (Tv 122/121,1: Đáp ca).
Như thế, tuy vương quyền của Đức Giê-su được Chúa Cha phong làm Trưởng Tử muôn loài thụ tạo, nhưng sự vinh hiển của vương quyền Ngài còn lệ thuộc vào tình yêu của người Ki-tô hữu đáp trả bằng sự nỗ lực tập họp mọi giá trị để đặt dưới một đầu một mối là vương quyền Vua Giê-su (x  Bài đọc II: Cl 1,12-20).
Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, ta lại được chia sẻ chiến thắng của Đức Giê-su: Từ sự dữ biến ra sự lành, một khi ta được nên đồng hình đồng dạng trong sự chết của Ngài, thì ta cũng được cùng chia sẻ vinh quang Phục Sinh với Ngài (x Rm.8, 17).
Truyện kể :
Sáng ngày 1-5-1990, tại quảng trường Đỏ Mác-cơ-va, có hai Linh mục cùng với đám đông kiệu cây Thánh Giá cao 6 mét đi qua con đường mà trước đó xe tăng, đại pháo, hỏa tiễn, mọi binh chủng vừa mới diễu hành mừng ngày Quốc Tế Lao Động.
Đoàn người đi sau Thánh Giá, họ hô lớn cho chủ tịch Gióp-ba-chóp nghe rõ khẩu hiệu: “Sự thật, tự do và cơm bánh.” Khi đoàn người đến trước mặt vị lãnh tụ Xô-viết đang đứng đài danh dự, hai Linh mục dựng cây Thánh Giá lên cao làm che khuất các bức chân dung của Các-mác, Lê-nin, Ăng-ghen đang đặt đằng sau ông Gióp-ba-chóp.
Một trong hai Linh mục hô lớn: “Thưa ngài chủ tịch vĩ đại, Đức Ki-tô đã sống lại!” Thế là cả rừng người lập lại: “Đức Ki-tô đã sống lại!”  làm vang dội cả quảng trường Đỏ.
Bốn tháng sau, tức là vào tháng 9-1990, trong một bữa tiệc thân mật, nhân ngày Quốc Tế Giới Trẻ được tổ chức tại Pháp, ông Anrê Frossurd thuộc Hàn Lâm Viện Pháp đặt câu hỏi với Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II :
- Nếu Đức Thánh Cha chọn một câu trong Thánh Kinh để nói với thế giới hôm nay, thì ngài chọn câu nào?
Nghe câu hỏi ấy, mọi người dự tiệc đều nghĩ trong lòng là thế nào Đức Thánh Cha cũng sẽ chọn câu: “Chúng con hãy yêu nhau như Thầy yêu chúng con” (Ga 15,12).
Nhưng Đức Thánh Cha lại trả lời :
- Tôi muốn nói với thế giới hôm nay là: “Chân lý sẽ giải phóng con người” (Ga 8,32).
Quả nhiên ít tháng sau:
§    Vì Chúa Ki-tô đã sống lại.
§    Vì Chân Lý đã giải phóng con người.
Chế độ cộng sản đã sụp đổ tại chính cái nôi của các ông tổ: Các-mác, Lê-nin, Ăng-ghen và kèm theo các nước Đông Âu khác!
Bởi vậy, Đức Giê-su đã nói: “Đừng sợ, Ta đã thắng thế gian !” (Ga 16,33).
THUỘC LÒNG
Phúc thay quốc gia nào được Chúa làm Chúa Tể!  (Tv 144/143, 15)



Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: