BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Tt 3, 1-7
1 Anh thân mến, anh hãy nhắc nhở
cho ai nấy phải phục tùng và tuân lệnh các nhà chức trách, các người cầm quyền,
phải sẵn sàng làm mọi việc tốt,2 và đừng chửi bới ai, đừng hiếu
chiến, nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người.3
Thật vậy, cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm
lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ganh tị,
đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau.
4 Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ
chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân
loại.5 Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công
chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn
Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới.6 Thiên Chúa đã
tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng
cứu độ chúng ta.7 Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của
Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng.
ĐÁP CA: Tv 22
Đ. Chúa là
Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. (c 1)
1 CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi
chẳng thiếu thốn gì. 2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm
nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành 3a và bổ sức cho tôi.
3b Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. 4
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an
tâm.
5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc
ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn
chan chứa.
6 Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm
dài triền miên.
BÀI GIẢNG
CHỈ CÓ LỜI TẠ ƠN
NHỜ VỚI
TRONG CHÚA GIÊ-SU
Trong Kinh Tiền Tụng Tạ Ơn, Hội Thánh dạy ta cầu nguyện: “Lời
tạ ơn của chúng con không thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại cho chúng con ơn cứu
độ”.
Qua các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay dạy chúng ta biết
phải tạ ơn Chúa thế nào để được ơn cứu độ.
Có mười người cùi đều cất tiếng van xin: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng
tôi” (Lc 17,13: Tin Mừng).Đức Giê-su ra lệnh cho mười người cùi, phải đi
trình diện với các tư tế (x Lc
17,14), để rồi tạ ơn Thiên Chúa đã cho khỏi bệnh cùi (sạch tội), vì theo Luật
Môsê trong sách Lêvi 14,1-20, bệnh cùi là hậu quả bởi tội gây ra, nên họ không
được gần gũi với người khỏe mạnh, nhất là không đựơc tham dự Phụng Vụ. Ai được
khỏi cùi phải được các tư tế kiểm nhận, và họ phải dâng lễ vật vào Đền Thờ, khi
các tư tế tuyên bố người cùi đã được “sạch”, họ mới đựơc trở lại cộng đoàn sinh
hoạt bình thường như mọi ngừơi khoẻ mạnh khác. Đó là cách gián tiếp Chúa cho
các tư tế nhận biết Đấng Mêsia đã đến cứu dân đang mong đợi, vì chỉ có Chúa mới
có quyền tha tội qua dấu chỉ Ngài cho bệnh nhân lành mạnh (x Is 53,4).
Khi mười cùi được Đức Giê-su chữa
lành bệnh, thì chỉ có một người Samari bị mang tiếng là lạc đạo, không đến với
các tư tế Do-Thái giáo ở Giê-ru-sa-lem để được xác nhận hết cùi rồi dâng lễ Tạ
Ơn Chúa, mà người này quay trở lại quỳ dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Đức Giêsu
khen người Samari và Ngài hỏi: “9 người
kia đâu ?” Chắc chắn là Ngài không nhằm trách 9 người Do Thái kia cũng được
khỏi cùi mà không biết cám ơn Ngài, mà Ngài tiếc cho 9 người đó chỉ được ơn
lành mạnh về thân xác, còn linh hồn họ không được sự sống đời đời, vì họ không
đến bái lạy Đức Giê-su là Vị Tư Tế thời Tân Ước để tạ ơn Chúa. Đối với người Do
Thái, hành động quỳ lạy trước ai là cách tuyên xưng Đức Tin của mình chỉ dành
riêng cho Thiên Chúa mà thôi. Như thế trong mười người cùi, chỉ có người Samari
nhận biết Đức Giê-su là Thiên Chúa, Đấng Cha sai đến, thì anh đã đạt sự sống
đời đời (x Ga 17,3), còn 9 người kia thì không. Ai nhận được ơn Chúa ban cho
thân xác mà không đón nhận được ơn Chúa ban cho linh hồn, thì dù người đó có
đến Giê-ru-sa-lem dâng lễ Tạ Ơn cũng không được Chúa chấp nhận, vì chỉ “nhờ Chúa Giê-su, với Chúa Giê-su, trong Chúa
Giê-su, mọi chúc tụng và vinh quang mới quy về Thiên Chúa” (Rm 11,36).
Ai nhận biết Đức Giêsu là Thiên
Chúa chẳng những được sự sống đời đời, mà còn biết phục vụ đồng loại theo ý
Chúa. Nhất là các bậc vua chúa, những người đang nắm quyền bính, họ phải biết
rằng:
1- Mọi
quyền bính của các bậc vua chúa trên khắp thế gian đều do bởi Chúa ban cho.
Do đó ai không dựa vào ý Chúa để phục vụ, mà lạm quyền thống trị đồng
loại, đều bị Chúa trị tội (x BĐ năm lẻ: Kn 6, 1-11). Người nắm quyền bính có ý
thức sống như thế mới đáng được dân phục tùng, không bị dân chửi (x Tt 3,1-2: BĐ
năm chẵn). Bởi thế người nắm quyền phải tuyên xưng Đức Tin: “Tâu Thượng Đế, xin đứng dậy mà xét xử địa cầu,
xin hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn ; minh oan cho người khốn khổ,
kẻ bần cùng, giải phóng ai hèn mọn, cũng như nghèo túng được cứu khỏi nanh vuốt
bọn ác nhân.” (Tv 82/81,3-4.8a: Đáp ca năm lẻ). Vì “chỉ có Chúa là Mục Tử, Ngài chẳng để ai thiếu thốn gì” (Tv 23/22,1:
ĐC năm chẵn).
2- Thiên
Chúa là Cha yêu thương hết mọi loài, Ngài ban ơn cho mọi người cách
đồng đều (x Kn 6,7: BĐ năm lẻ), Ngài làm mưa làm nắng trên người công chính và
kẻ bất lương (x Mt 5,45). Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, đó
chính là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1Tx 5,18 :THTM). Cụ
thể như ông Gióp, lúc Chúa để cho satan đến cướp hết tài sản và con cái của
ông, ông Gióp vẫn tạ ơn: “Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi, xin tạ ơn Ngài
!” (G 1, 21), và ông nói với vợ: “Chúng
ta biết đón nhận điều tốt lành từ tay Chúa, làm sao chúng ta lại không chấp
nhận điều bất hạnh!?” (G 2,10). Đặc biệt ta phải tạ ơn Chúa vì “xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng
lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và
ganh tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau.
Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và
lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta
đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu
chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới.
Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức
Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta
được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3,3-7: BĐ năm chẵn).
3- Cách thờ phượng tạ ơn
Chúa trọn vẹn nhất chính là tham dự Thánh Lễ. Đức Giê-su nói với phụ
nữ Samari: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến
giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại
Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng
chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và
chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Chúa Cha tìm
kiếm những ai thờ phượng Người như thế.” (Ga 4, 21-23). Đức Giê-su đã nhấn
mạnh: Phải “thờ phượng Chúa Cha trong
Thần Khí và Sự Thật”.
-
Thần Khí chính là Lời
Chúa
(x Ga 6,63).
-
Sự Thật chính là Chúa
Giê-su
(x Ga 14,6).
Vậy Lời Chúa và
Chúa Giê-su Phục Sinh là hai phần
chính của hai bàn tiệc trong Thánh Lễ. Chính vì vậy mà Hy Tế Chúa Giêsu lập
được gọi là “Lễ Tạ Ơn”, và đến phần hiệp lễ (chuẩn bị rước lễ), Linh mục chủ tế
luôn luôn phải lập lại chân lý: “Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và
trong Đức Kitô, mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng
đến muôn thủơ muôn đời” (Rm 11, 36).
Chúng ta đã xác tín được thể thức thờ phượng và tạ ơn Chúa
như trên, thì khi nhìn vào cách sống đạo của đa số giáo dân lại rất buồn, vì
hầu hết cách sống đạo của họ chỉ bắt chước người chung quanh, có khi bắt chước
cả lương dân, chứ không sống đạo theo xác tín dựa vào Lời Chúa và giáo lý của
Hội Thánh. Cụ thể :
- Người lớn
cho trẻ cái gì chỉ tập cho em biết “ạ” người cho, mà không biết dạy bé “cám ơn
Chúa” trước!
- Tiếc hơn
nữa, có nhiều người đề bảng Tạ Ơn Đức Mẹ, Tạ Ơn ông thánh nọ bà thánh kia,
nhưng không muốn đi dâng Lễ, và nhiều lương dân khi được ơn Chúa, cũng để bảng
Tạ Ơn Mẹ, Tạ Ơn Thánh, rồi trở về cúng Phật ,thì việc Tạ Ơn đó ích lợi gì ?
Trong khi đó mục đích Chúa ban ơn thể xác là để người ta nhận biết Ngài là
Thiên Chúa và chỉ tôn thờ Ngài mà thôi.
Rối đạo hơn nữa, tại nhiều nơi có Đền khấn, như Đền Công
Chính tôn kính thánh Giuse, Thánh Địa Lavang kính Đức Mẹ, Đền thánh Martin …
chỉ thấy để bảng Tạ Ơn Đức Mẹ, Tạ Ơn thánh Cả Giuse, Tạ Ơn thánh Martin… mà lẽ
ra phải viết: “Con tạ ơn Chúa đã ban cho con qua Đức Mẹ …” ; thì
lương dân đến đó họ mới nhận ra Chúa đã ban ơn qua lời bầu cử của Đức Mẹ hay vị
thánh, để rồi ai cũng phải tạ ơn Chúa vì xác tín rằng: Không có Chúa, chẳng có
Mẹ hay thánh nào cứu giúp ai.
Nhiều lương dân đến Linh Địa , họ đếm số bảng Tạ Ơn, vị
nào được nhiều bảng, người ta cho vị đó thương loài người nhất, vị đó mới đáng
được tôn thờ ! Và nhiều khi người Công Giáo còn làm cho lương dân rối trí thêm,
khi họ đến “Bà Lavang” thấy nhiều bảng Tạ Ơn hơn “Bà Tà-pao” ; khi tới nước
Pháp người ta lại thấy “Bà Lộ Đức” ít bảng Tạ Ơn hơn “Bà Fatima”
ở Bồ Đào Nha, không biết bà nào cao tay hơn bà nào ?! Vì người Công GIáo đã bỏ
tên Maria, tên này do tiếng Hipri là “Miriam”, lấy từ gốc ngôn ngữ Ai-Cập là
“Mri”, có nghĩa là “Được Yêu Mến” ;
thời Tân Ước, tiếng bình dân dựa trên tiếng Aram là “Ma-ra”, có nghĩa là “Bà Chủ, Bà Chúa”.
Tên Mẹ Thiên Chúa đẹp như vậy, mà người ta lại loại bỏ,
lấy tên nơi Đức Mẹ hiện ra mà gọi Mẹ mình ! Lạy Mẹ, chớ khi nào Mẹ vô ý hiện ra
những nơi có tên: Lạc Đạo, Lạc Quần, Lác Môn, Tử Đình, Tắc Rỗi, thì người ta sẽ
gọi Mẹ bằng tên đó, làm sao chúng con hân hoan dám kêu danh Mẹ được !
Truyện kể:
Có lần người ta thỉnh
tượng Đức Mẹ Lộ Đức rước lên máy bay qua
Roma xin Đức Giáo hoàng làm phép, khi máy bay chở tượng Đức Mẹ Lộ Đức qua vùng
trời Bồ Đào Nha, thì sự cố hãi hùng xảy đến: Máy bay nhào lộn trên không như
muốn đâm phập xuống đất, rất may lúc ấy một Giám mục có mặt trên máy bay ngộ ra
rằng: Mẹ Lộ Đức qua địa danh Fatima mà không xin Passport, chưa có visa, thế là
Đức Giám mục bảo mọi người cùng cầu nguyện: “Lạy Mẹ Fatima, xin cứu chữa Mẹ
Lộ Đức, kẻo chúng con chết hết !” Thế là Mẹ Fatima ban bình an cho Mẹ Lộ
Đức và cả mọi người trên chuyến bay !
THUỘC LÒNG
Gióp 1, 21: Chúa đã ban cho Chúa lại lấy đi, xin tạ ơn
Ngài !