BÀI GIẢNG
CĂN CƯỚC NGƯỜI KITÔ
Khi dân Do Thái được vua Cyros giải phóng thoát nô lệ
Babylon và được
hồi hương tái thiết đền thờ Giêrusalem. Chúa phán qua trung gian ngôn sứ
Khaggai rằng : “Ngươi hãy nói với tổng đốc xứ Giuđa là Zơrubbabel: “Ai trong các ngươi, trong số người còn sót
lại đã từng được chứng kiến cảnh rực rỡ vinh quang của Đền Thờ ban sơ? Và bây
giờ các ngươi thấy Đền Thờ như thế nào? Hỡi Zơrubbabel, hãy mạnh bạo lên! Này
thượng tế Giê-su-a mạnh bạo lên nào! Toàn dân trong xứ hãy mạnh bạo lên, hãy
bắt tay vào việc, vì chính Ta ở với các ngươi, các ngươi đừng sợ, chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi, Ta sẽ làm rung
chuyển trời đất, biển khơi và đất liền, các kho tàng của các dân tộc sẽ đổ về,
rồi Ta sẽ làm cho Đền Thờ này rực rỡ vinh quang, vinh quang của Đền Thờ lúc này
sẽ rạng ngời hơn khi trước, tại nơi này Ta sẽ tặng bình an” (Kg 1,15b - 2,9
: Bài đọc năm lẻ). Bởi thế dân Thiên Chúa cùng hô : “Hãy trông cậy Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người, Người là Đấng Cứu Độ
là Thiên Chúa của tôi” (Tv 43/42,5bc : ĐC năm lẻ).
Tuy
đền thờ Giêrusalem được tái thiết sau đày lộng lẫy hơn đền thờ trước, nhưng đó
chỉ là dấu nói về đền thờ con người do Chúa Giêsu xây dựng bằng Máu Thịt Ngài.
Còn “ở dưới bầu trời này mọi sự đều có
lúc, mọi việc đều có thời : một thời để chào đời, một thời để lìa thế ; một
thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ; một thời để giết chết, một thời để
chữa lành ; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ; một thời để khóc lóc,
một thời để vui cười …” (x Gv 3,1-8 : Bài đọc năm chẵn).
Nhìn thế giới và cuộc đời đổi thay như thế, thì “lợi ích gì cho những người làm lụng vất vả?”
Nhưng mọi vất vả của con người chỉ gọi
là việc lành, được tồn tại muôn đời, có giá trị góp phần vào ơn cứu độ để tôn
vinh Thiên Chúa, nhờ Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu (x Rm
11,36 ; Cv 5,39). “Đây là công việc của Thiên Chúa giao cho con
người phải gắng sức tiếp tục làm. Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc.
Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người
không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch
sử” (Gv 3,9-11 : Bài đọc năm chẵn). Bởi vì ta tin rằng “chỉ có Chúa là Núi
Đá cho con trú ẩn” (Tv 144/143,1a : ĐC năm chẵn).
Vậy để biết rõ về căn tính của mình, mỗi người phải
tự phản tỉnh về mình, như triết gia Socrate suốt đời chỉ rao truyền một chân lý
: “Hãy
tự biết mình”.
Thực vậy cả đến Đức Giêsu sau khi đã cầu nguyện, Ngài
hỏi các môn đệ : “Theo như dân chúng nói,
thì Thầy là ai?” Đáp lại, họ thưa :
“Gioan Bt ; nhóm khác là Ê-ly-a, nhóm
khác nữa là một tiên tri thời xưa đã sống lại” (Lc 9, 18-19 : Tin Mừng).
I- Người ta
bảo Đức Giêsu là ông Gioan Bt : Vì
đời sống của ông Gioan Bt đã diễn tả đời sống của Đức Giêsu :
1- Thống
nhất chương trình hành động : Ông Gioan và Đức Giêsu đều mở đầu lời
giảng : “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2 = Mt
4,17).
2- Cùng
kêu gọi sám hối và sống có nhân bản:
-
Ông Gioan nói với những người đến với ông : “Đừng bóc lột ai, đừng xách nhiễu, đừng vu khống cho ai” (Lc
3,12-14).
+
Đức Giêsu kêu gọi mọi người : “Hãy kíp thỏa
thuận với đối phương…” (Mt 5,25-26).
3- Cùng
kêu gọi làm lành :
-
Ông Gioan nói : “Hãy sinh quả phúc đức
xứng với lòng hối cải!” (Mt ,38)
+
Đức Giêsu đòi hỏi những người đã ý thức mình thuộc về Thiên Chúa : “Phải luôn làm lành bất cứ thời điểm nào”,
như cây vả lớn chưa đến mùa trái mà Đức Giêsu đến đòi hái trái, nó không có
trái, Ngài liền nguyền rủa nó chết khô !” (Lc 13,6-7).
4- Cùng
kêu gọi chia sẻ :
-
Ông Gioan nói : “Ai có hai áo hãy chia
cho người không có một cái” (Lc 3,11)
+
Đức Giêsu dạy người giàu có : “Muốn được
sự sống đời đời thì hãy đem của chia sẻ rồi theo tôi” (Lc 18,32).
5- Cùng sống nghèo để thực hành sứ mệnh Chúa
trao :
-
Ông Gioan vốn dĩ là con của tư tế giàu có, nhưng ông lại mặc áo lông lạc đà,
ngang lưng thắt xiêm bằng da thú, ăn chấu chấu và mật ong rừng (Mt 3,4).
+
Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa giàu có, thế mà lại nói với kẻ muốn theo Ngài :
“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng
Con Người (Đức Giêsu) không có nơi ngả đầu” (Lc 9,57-58).
6- Cùng tìm vinh quang cho Thiên Chúa nên sống
khiêm tốn:
-
Ông Gioan nói : “Ngài phải lớn lên còn
tôi thì nhỏ lại” (Ga 3,30).
+
Đức Giêsu trả lời cho những người Do Thái muốn giết Ngài : “Ta không tìm vinh quang cho Ta” (Ga
8,50) ; “Ta chỉ lo làm vinh danh Cha Ta”
(Ga 12,28).
7- Cùng răn đe cảnh cáo :
-
Ông Gioan nói : “Cái rìu đã để sẵn gốc
cây, cây nào không sinh quả hãy chặt phăng quăng vào lửa” (Mt 3,10-12).
+
Đức Giêsu báo trước về cảnh ngày phán xét loài người trong ngày cánh chung : “Ai không biết chia sẻ cho kẻ bé mọn thì phải
vào lửa đời dành cho ma quỷ và những kẻ theo nó” (Mt 25,31-46).
8- Cùng chết vì chân lý :
- Ông Gioan cản vua Hêrôđê không được cướp vợ của anh làm vợ mình, nên
ông bị cắt đầu (Mt 14,12-13).
+
Đức Giêsu chỉ dạy mọi người hãy tránh tội và làm lành, thế mà Ngài bị đóng đinh
treo trên thập giá (Ga 18-19).
II- Người
ta bảo Đức Giêsu là ông Êlya : Vì
chính Đức Giêsu tự nhận Ngài là hiện thân ông Êlya cũng như ông Êlyse (Lc
4,25-27). Bởi lẽ tinh thần của Đức Giêsu và ông Êlya đều dứt khoát và nóng bỏng
như lửa. Do đó người môn đệ Chúa yêu (Gioan) muốn Đức Giê-su tung lửa đốt thành
Samari như ông Êlya xin lửa trời thiêu rụi những kẻ đến bắt ông (2 V 1,10-12 =
Lc 9, 51t).
Như
thế người ta nói Đức Giêsu là ông Gioan Tẩy Giả, hay là ông Êlya, hoặc một ngôn
sứ nào tái xuất hiện (Lc 9,19 : Tin Mừng), thì đều chung một ý : Đức Giêsu là
sứ giả của Thiên Chúa đến công bố Lời, và Ngài có sứ mệnh giải phóng dân khỏi quyền lực sự ác thống trị, quan
trọng hơn sứ mệnh ông Môsê giải phóng dân tộc Do Thái thoát nô lệ Ai Cập, vì
Đức Giêsu đến làm ứng nghiệm Lời Chúa nói với ông Môsê : “Từ giữa anh em của chúng, Ta
sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của
Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền
cho người ấy” (Dnl 18,18).
Những nhận định nơi quần chúng về Đức Giêsu như thế, chỉ
mới diễn tả Ngài là sứ giả của Thiên Chúa sai đến loan báo Lời, họ chưa biết rõ
về căn tính của Ngài, nên Ngài hỏi các môn đệ : “Còn chúng con, chúng con nói Thầy là ai ?” Ông Phêrô đại diện cho
Nhóm Mười Hai thưa : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”
(Lc 9,20 : Tin Mừng). Lời tuyên xưng Đức Tin của ông Phêrô đại diện Nhóm Mười
Hai nhằm minh chứng : Chúa Giêsu đáp ứng
khát vọng những người trông đợi Đấng đến ban Lời giải phóng khỏi cảnh nô lệ,
sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. Đó là lý do Ngài báo trước về cuộc Tử Nạn : “Con
Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ,
bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy.” (Lc 9,22 : Tin Mừng). Ngài chết
để diễn tả tình yêu tuyệt vời nhằm giải
phóng loài người thoát ản tử vì tội đã phạm. Nhưng Đức Giêsu lại cấm các môn đệ đừng nói cho ai
biết Ngài là Đấng Kitô của Thiên Chúa, vì ba lý do :
1- Nếu để người Do Thái tung
hô Ngài là Đức Kitô : là Đấng được Thiên Chúa xức dầu sai đến lãnh đạo dân,
đánh đuổi đế quốc Roma giành độc lập (x Cv 1,6), thì tạo cớ cho Roma gây khó dễ
trong sứ mệnh của Ngài, hoặc tìm cách tiêu diệt Ngài, vì dân trông cậy Ngài đến
giải phóng họ khỏi ách thống trị Roma, thì không đúng với sứ mệnh của Ngài.
2-
Lời tuyên xưng Đức Tin của ông Phêrô : “Thầy
là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, theo ông Luca ghi chưa trọn hảo, vì ông muốn
nói rằng : chỉ qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, Ngài mới lãnh
nhận vương quyền nơi Chúa Cha “Danh Ngài trổi
vượt trên muôn ngàn danh hiệu, để khi vừa nghe danh thánh Giêsu cả trên trời
dưới đất và trong nơi Âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa
Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô là Chúa”
(x Pl 2,6-11).
3- Kinh Thánh nói : “Đừng khen ai có phúc trước khi họ lìa đời, vì nhìn vào con cái người ta
sẽ biết họ” (Hc 11,28). Bởi vậy, chính những người Công Giáo phải nói được
như thánh Tông Đồ : “Anh em hãy bắt chước
tôi, như tôi đối với Chúa Kitô” (1Cr 11,1), thì mới làm cho nhân loại biết
chính xác về Chúa Giêsu được, để trong Chúa Giêsu Phục Sinh ta mới được cấp căn
cước chính thức về mình, chứ đừng để khi nào ta hỏi bạn : “Người ta nói gì về tôi?” Thì lại nghe câu trả lời :
-
Người đang phê bình bạn
ăn nói chua như dấm, vì miệng bạn mở ra chỉ là “cay chua, gắt gỏng, la lối, chửi rủa,thóa mạ!”.
-
Có người bảo bạn là tên
xì-ke!
-
Người khác bảo bạn là
tên ăn tục nói phét!
Mùa Chay năm 2009, tôi được mời đến giảng Tĩnh Tâm
tại Nhà Thờ ở tiểu bang Lousiana (Hoa Kỳ). Trong bữa cơm dùng với cha Sở, ngài
kể cho tôi nghe :
Có lần tôi về thăm quê VN, vào gặp một giáo sĩ có địa
vị trong địa phận Saigon. Giáo sĩ ấy hỏi tôi :
“Bên Mỹ người ta nói tôi thế nào?” Tôi đáp : “Họ nói anh ba điều : anh đẹp
trai, anh học giỏi, vì anh rất thông minh, đúng với tên của anh, cuối cùng
người ta nói anh là đảng viên cộng sản thứ thiệt!” Như thế giáo sĩ ấy đã đánh
mất căn cước của mình, đáng lẽ mọi người phải nói : Anh là giáo sĩ giống cha
Gioan Vianey, để dẫn mọi người đến với Đức Giêsu Mục Tử, vì Ngài nói : “Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống
làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,45b: Tung Hô Tin Mừng), thì mới đúng là
căn cước một giáo sĩ Công Giáo.
THUỘC LÒNG
Ngoài Chúa Kitô Giêsu chịu đóng đinh, tôi không muốn biết điều gì khác ! (1Cr 2,2).
http://phaolomoi.net
Linh mục
GIUSE ĐINH QUANG THỊNH