Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
Thu 4 sau CN 31 TN nam chan
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Pl 2, 12-18
12 Anh em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ.13 Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người.14 Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng.15 Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời,16 là làm sáng tỏ Lời ban sự sống, để tôi được hiên ngang hãnh diện trong ngày Đức Ki-tô quang lâm, vì tôi đã không chạy uổng công và đã không lao nhọc vô ích.17 Nhưng nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh em.18 Anh em cũng vậy, anh em hãy vui lên và cùng chia sẻ niềm vui với tôi.
ĐÁP CA : Tv 26
Đ.        Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi (c 1a)
1 CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,tôi còn sợ người nào? CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?
4 Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền CHÚA tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng.
13 Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. 14 Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào CHÚA.
 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: 1Pr 4,14
Hall-Hall: Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Hall.
TIN MỪNG : Lc 14,25-33
 25 Hôm ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ: 26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
 28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo:30 "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
 
BÀI GIẢNG
NHỜ ĐỨC ÁI MỚI XÂY DỰNG
Đạo Công Giáo được gọi là đạo YÊU, yêu là “chu toàn Lề Luật Chúa dạy”. Đó là món nợ duy nhất ta mắc với mọi người để không làm hại ai (x Rm 13,8-10).
Muốn không làm hại ai, phải kể là không hại chính mình trước, ta thực hiện bốn điều Luật trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su dạy :
o                    Phải yêu Chúa hơn yêu mọi người.
o                    Phải nên một với Chúa Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
o                    Phải đầu tư mọi khả năng để xây dựng lý tưởng đời người Kitô hữu.
o                    Phải khắc phục bản thân.
1- PHẢI YÊU CHÚA HƠN YÊU MỌI NGỪƠI .
Chúa Giêsu dạy : “Kẻ nào đến với Ta, mà không ghét cha mẹ, vợ, con cái, anh chị em mình và cả mạng sống mình nữa, ắt không thể làm môn đệ của Ta” (Lc 14, 25-26 : Tin Mừng – Bản dịch NTT).
Tâm tình “ghét” ở đây chỉ có nghĩa là “không được yêu bằng”. Vì đây là kiểu so sánh của ngôn ngữ Hy-Bá, còn trong ngôn ngữ Sê-Mít, chữ “ghét” đồng nghĩa với “hững hờ, coi nhẹ hơn”.
Như thế, Chúa không đồng ý cho ta trọng tình cảm, dù tình cảm ấy chính đáng như tình cảm gia đình, nhiều người coi đó là “đạo” (đạo ông bà), giống như đạo của một tôn giáo, để rồi đặt ý cha mẹ trên ý Chúa! Chính Gionathan con vua Saolê đã minh hoạ sống động chân lý này : Gionathan không vì quyền lợi được nối ngôi vua, mà lờ đi mưu đồ của vua cha  muốn giết Đavít, chỉ vì vua Saolê ghen tỵ với Đavít, bởi lẽ Đavít được dân ca tụng chiến thắng giết giặc mạnh gấp 10 lần hơn vua Saolê! Trái lại Gionathan tìm cách cứu Đavít, khiến vua Saolê tức giận, muốn giết luôn cả Gionathan, vì cho là con bất hiếu! (x 1 Sm 20).
Ngày nay nhiều người dự tòng, sau khi học giáo lý Công Giáo, thích theo đạo, nhưng lại trì hoãn, vì sợ cha mẹ đã quy-y cho đức Phật! Theo đạo Công Giáo thì bỏ cha mẹ mang tiếng bất hiếu, hoặc nhiều người vì “ăn cây nào, rào cây đó” ; hoặc “một giọt máu đào hơn ao nứơc lã”, đã lờ đi không dám lên tiếng ngăn cản điều sai quấy của ngừơi thân yêu!
2- PHẢI NÊN MỘT VỚI CHÚA GIÊSU TRONG NGÀY THỨ SÁU TUẦN THÁNH
 Chúa Giêsu dạy : “Ai không vác khổ giá mình mà theo sau Ta, ắt không thể làm môn đệ của Ta” (Lc 14, 27 : Tin Mừng).
Lời này có hai ý :
a- Đi dâng Lễ với Đức Giêsu : Người vác thập giá theo sau Đức Giêsu, cụ thể như ông Simon thành Kyrênê (x Lc 23, 26), ông này bị người ta bắt vác thập giá đỡ cho Đức Giêsu, đã trở thành dấu chỉ mời gọi mọi người cùng với ông theo Đức Giê-su lên đồi Sọ thi hành ý Chúa Cha.

Thực vậy, mọi đau khổ người ta phải chịu tự nó không cứu được ai, nó chỉ là khổ giá! Nhưng chỉ có ai chịu khổ vì Đức Giêsu, nhất là phải vượt mọi rào cản đi dâng Lễ, thì đó là Thánh Giá, họ“được thông phần đau khổ với Đức Giêsu, một khi đã cùng chịu cam khổ với Ngài, để rồi cũng được chia sẻ vinh quang Phục Sinh với Ngài” (x Rm 8, 17).
b- Trên đường phục vụ nhìn thấy trước gian khổ vẫn không lùi bước, dù đó là con đường điên rồ theo con mắt người đời, nhưng đối với những ai muốn đi chung đừơng hiến tế nhờ Đức Kitô, với Đức  Kitô và trong Đức Kitô (x Rm 11,36), thì đó lại là con đường khôn ngoan của Thiên Chúa (x  1Cr 1, 17-21). Bởi đó thánh Phao-lô khuyên : “Anh em hãy run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ. Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em, do lòng yêu thương của Người. Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống” (Pl 2,12-16a).
Ai sống được hai điều trên đây là đang đi trên con đường “vác thánh giá theo Chúa”, làm ứng nghiệm Lời Kinh Thánh : “Ai nói mình ở trong Đức Giê-su thì phải đi trên con đường Đức Giê-su đã đi” (1Ga 2,6). Đó là đường đau khổ tới vinh quang (x Lc 24,26). Vì thế, “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi” (Tv 27/26,1a).
Ông Phê-rô và ông Gio-an theo Chúa lên núi, Chúa bảo các ông : Mỗi người chúng con lượm hai cục đá mang theo. Nghe thế, ông Phê-rô cầm hai cục đá nhỏ bằng hòn bi ; còn ông Gio-an lấy hai khối đá lớn vác trên hai vai. Đi được một lúc, ông Phê-rô trông dáng bạn mình có vẻ nặng nề, vất vả quá, liền chế nhạo :
          - Coi tớ này, cũng mang đá mà có vất vả gì đâu, ai bảo cậu dại vác hai cục to thế mà chuốc khổ vào thân? Thầy chỉ nói mỗi người lấy hai cục đá mang theo thôi mà!
Ông Gio-an trả lời :
          - Ôi tình yêu Đức Ki-tô thúc bách tôi ! (2 Cr 5,14).
Đi một quãng xa, cả hai môn đệ cùng thưa với Chúa Giê-su :
          - Thưa Thầy, chúng con đói và khát quá, chúng ta ngồi  nghỉ chân một lát và kiếm gì ăn cho đỡ dạ!
Chúa Giê-su bảo :
          - Vậy chúng ta đến gốc cây kia ngồi nghỉ mệt!
Rồi Ngài nói tiếp :
          - Bây giờ chúng con đặt hai cục đá của mình ra trước mặt.
Hai ông mau mắn tuân lệnh Thầy. Chúa giơ tay làm phép tức khắc đá của mỗi người : một cục biến thành bánh và cục kia hóa ra nước! Phê-rô cầm mẩu bánh bỏ vào miệng nuốt chửng, và uống miếng nước chỉ đủ ướt cổ họng. Lúc đó ông Phê-rô nói với ông Gio-an :
          - Cho tớ ăn ké với cậu, tớ còn đói qúa! Chắc không đủ sức theo Thầy được !
         Ông Gio-an vui vẻ đáp :
-  Ủa, cậu đã quên là khi nãy cậu nhạo báng tớ mang theo hai cục đá bự là thằng dại? Thế tại sao bây giờ cậu lại ngửa tay xin “thằng dại dột” này?!
          Chúa Giê-su nhìn ông Phê-rô thương tình, nên bảo Gio-an:
-  Thôi mà con, con chia cho bạn đi!
Lúc đó ông Phê-rô mới nghiệm ra Lời Thầy đã dạy : “Phàm ai không vác khổ giá mình mà đi sau Thầy ắt không thể làm môn đệ của Thầy” (Lc 14,27 : Tin Mừng). Và “ai từ bỏ quyền lợi của mình thì được gấp trăm mọi sự ở đời này cùng với sự ngược đãi và sự sống đời đời” (Mc 10,29-30).
3- ĐẦU TƯ MỌI KHẢ NĂNG XÂY DỰNG LÝ TƯỞNG ĐỜI NGƯỜI KITÔ HỮU.
Chúa Giêsu dạy : “Ai muốn xây tháp, lại không có dự trù và đầu tư tận lực mọi khả năng vào công trình xây dựng này” (Lc 14, 28-30 : Tin Mừng).
Như thế chân dung người Kitô hữu không phải là kẻ ăn mày! Mà là người giàu có, người có ý chí, mới nghĩ đến việc xây tháp. Chính vì vậy mà thánh Phaolô nói : “Làm sao anh em phải giàu có như Đức Kitô, để rồi vì phục vụ Nước Thiên Chúa mà anh em trở nên nghèo khó, hầu người khác được nên giàu có”  (2 Cr 8, 9).
Mỗi người Ki-tô hữu lúc lãnh Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, đều chọn cho mình vị thánh Quan Thầy. Đây là mô hình nên thánh, để mình đầu tư hết khả năng sống như thánh Bổn Mạng, có thế  mới được ngài bầu cử cho. Do đó, ta không nên chọn một vị thánh mà ta không hề biết tiểu sử về vị đó. Cụ thể như : Micae, đó là một vị thần không sống kiếp người như ta, làm sao ta bắt chước? Nếu ta đã lỡ chọn Micae, thì tốt nhất ta hãy chọn một vị khác kèm theo như Micae Phao-lô. Nên chọn một vị nào có đời sống quá khứ tồi tệ rồi vươn lên làm thánh. Bởi vì ta cũng là con người bất toàn, “không phải muốn điều tốt là làm được, không phải ghét điều xấu là tránh hết” (x Rm 7, 18-19).
Vậy một người: “Bắt đầu thực hiện một công trình mà không có sức hoàn tất, thì mọi người trông thấy sẽ cười chê” (Lc 14,29 : Tin Mừng). Họ bỏ cuộc vì làm thiếu mục đích, thiếu lập trường, thiếu bản lãnh, thiếu ý chí, chứ không phải vì thiếu khả năng !
 Có hai cha con dắt con lừa về quê ngoại, dọc đường người ta phê bình :
          - Cha con tên này ngu hơn lừa! Lừa để cưỡi, chứ ai lại đi dắt lừa?
Nghe thế, ông bố nói với con :
          - Con lên lừa ngồi đi, để bố dắt bộ.
Họ đi được một quãng, có người khác nói :
          - Thằng con thật bất hiếu, ngồi chỗm chệ trên lưng lừa, còn bố già phải đi bộ.
Đứa con nghe thế, vội nhảy xuống nói :
          - Thôi, bố lên ngồi đi ạ, để con dắt, kẻo người ta bảo con bất hiếu.
Ông bố nhảy lên lưng lừa, còn đứa con dắt. Mới đi một quãng không xa, lại có người phê bình:
          - Ông bố thật gian ác, bắt thằng bé đi bộ, còn ông thì ung dung trên lưng lừa!
Ông bố nghe vậy, chịu không được bèn bảo con :
          - Con ơi, lên đây ngồi với bố luôn đi, kẻo người ta lại nói bố không thương con.
Thế là hai cha con cùng trên lưng lừa, con vật vì chở nặng nên chân đi vẹo vọ. Người đi đường thấy thế liền nói :
          - Con vật yếu ớt vậy mà hai cha con cùng ngồi lên sao được!
Cuối cùng hai cha con nhảy xuống trói con lừa khiêng đi. Họ vừa qua chiếc cầu khỉ, con vật dãy dụa, thế là cả hai cha con cùng con lừa rớt xuống sông và bị dòng nước cuốn đi!
Và như vậy hai bố con làm việc thiếu mục đích, thiếu ý chí, nên phải chuốc lấy thất bại tủi nhục!
4- PHẢI KHẮC PHỤC BẢN THÂN TRƯỚC.
Chúa Giêsu dạy : “Như ông vua kia chỉ có một vạn quân mà dám đi đánh đối phương có hai vạn quân” (Lc 14, 31-32: Tin Mừng). Tức là một chấp hai.
Người nào cũng bị ba thù tấn công :
§    Ma qủy.
§    Thế gian.
§    Xác thịt.
Muốn thắng hai kẻ thù : thế gianma quỷ, phải thắng mình trước đã. Như thế là một chấp đôi. Vì vậy đức Khổng Tử dạy : “Muốn tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, trước đó phải tu thân”.
Trong kinh nghiệm bản thân mỗi người, không ai có thể hoàn toàn thắng đựơc mình, đến như thánh Phaolô, cột trụ Hội Thánh còn phải thốt lên sự bất lực và yếu đuối :
- “Điều tốt tôi muốn, tôi lại không làm, chính tôi lại làm điều tôi ghét!” (Rm 7, 19).
- “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối." Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2 Cr 12, 7-10).
Rõ ràng ai cũng phải nhờ ơn Chúa trợ giúp mới trông đứng vững trước mặt Chúa, để “ngẩng đầu hiên ngang, nhìn quân thù vây bủa chung quanh!” (Tv 27/26, 4-6). Hiên ngang nhìn quân thù không hẳn là ta đã hoàn toàn thắng nó, nhưng hiên ngang vì được ở trong tay Thiên Chúa toàn năng. Đúng như lời thánh Phao-lô nói : : “Điều quan trọng không phải tôi là ngừơi hoàn hảo, mà quan trọng vì Chúa Kitô chộp lấy tôi!” (Pl 3, 12).
Một người khi còn trẻ hứa với Chúa rằng : Khi nào trưởng thành, con sẽ làm lớn quy tụ nhiều người về cho Chúa, cụ thể con phải là người lãnh đạo đất nước .
Nhưng khi anh được 50 tuổi, mà chưa lãnh đạo được ai! Anh lại quyết tâm : Ta lấy vợ, sinh con để hướng dẫn vợ con nên  một gia đình gương mẫu.
Khi ông được 80 tuổi, ông chỉ thấy một đàn con cháu mất dạy! Ông  rất buồn, lúc đó ông mới khiêm tốn xin Chúa : “Chúa ơi, con sắp “đai” rồi, con chẳng thực hiện được điều con ước mơ lãnh đạo người khác, bây giờ con hiểu ra rằng tại con có quá nhiều điều sai lỗi! Xin Chúa giúp con biết canh tân sửa mình để con cái của con không bắt chước lối sống thiếu gương mẫu của con, hầu khi con  nhắm mắt lìa đời, con được về với Chúa trong bình an!.
Chúa phán : Nếu con xin điều này lúc con còn trẻ, thì con đã thực hiện được hai điều lớn hơn con mơ ước. Bây giờ con quá già, nhiều tật xấu đã trở thành bản tính của con,và làm cho cả đàn con bắt chước, Cha có ban ơn, chắc là để con sám hối thôi, chứ dễ gì mà con sớm từ bỏ tật xấu để trở nên người đầy nhân đức, mà đàn con hư hỏng của con liệu chúng có biết lỗi mình mà sám hối như con hay không?!
Người nào chu toàn được bốn điều Luật Chúa dạy trên, chính là người đã được Chúa dùng cộng tác với Ngài trong chương trình cứu độ loài người. Có thế mới chung lời với Hội Thánh mà cất tiếng ngợi khen Chúa : “Phúc thay người kính sợ Chúa, những ưa thích mệnh lệnh Chúa truyền ban, giữa chốn tối tăm bừng lên một ánh sáng. Đó là người từ bi và công chính, biết cảm thương và cho vay mượn” (Tv 112/111,1.4-5)
THUỘC LÒNG
Từ thời Gio-an Tẩy Giả đến giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được! (Mt 11,12).



Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: