Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Các Giêsu hữu sắp chọn "giáo hoàng đen" của họ

Các Giêsu hữu sắp chọn "giáo hoàng đen" của họ

10/12/2016 10:44:54 AM
Tên của tân Bề Trên Tổng Quyền Tên sẽ được biết vào cuối tuần này.

jesuit.jpg 
Thánh Ignatius Loyola, thánh Francis Xavier
và chân phước Peter Faber

Ai sẽ là tân “giáo hoàng đen” sắp tới? Đó là tên được gọi nôm na cho vị Bề Trên Tổng Quyền của các Giêsu hữu Dòng Tên, một Dòng có quá trình lịch sử sôi động từ 476 năm nay! Một lịch sử có truyền thống về quyền lực cực mạnh trên Giáo hội và trên thế giới. Nhưng từ khi Đức Phanxicô, giáo hoàng Dòng Tên lần đầu tiên trong lịch sử, đích thực mặc áo trắng được bầu chọn, thì việc bầu chọn “giáo hoàng đen” làm Bề Trên Tổng Quyền các Giêsu hữu gần như chỉ còn là việc thứ yếu.

 

Với con số 16 740 Giêsu hữu (con số này trong những năm 1970 là gấp đôi), hội dòng này vẫn là hội dòng quan trọng nhất của công giáo. Con số này giảm vì ơn gọi ở Âu châu bị cạn, tuy nhiên ơn gọi ở Ấn Độ lại gia tăng, một phần tư Giêsu hữu là ở Ấn Độ! 63 % ơn gọi đến từ Á châu và Phi Châu…

 

Tên của tân Bề Trên Tổng Quyền sẽ được biết vào cuối tuần này. Cha sẽ được bầu trong những ngày sắp tới của Tổng hội lần thứ 36 với 215 tu sĩ đại diện đang họp ở Rôma. Nhưng trước khi đưa ra công chúng, tên của tân Bề Trên Tổng Quyền sẽ được đưa lên Đức Giáo hoàng để ngài chấp nhận. Theo quy chế, Đức Giáo hoàng phải là người đầu tiên được thông báo về kết quả của việc bầu chọn này. Một hình thức đơn giản trên thực tế nhưng là một dấu chỉ quan trọng: Trong đầu họ, “Hội Dòng” luôn nghĩ “giáo hoàng đen” và anh em của mình hoàn toàn tuân phục giáo hoàng trắng, phục vụ cho ngài và cho Giáo hội.

 

Tân Bề Trên Tổng Quyền sẽ thay thế Linh mục Adolfo Nicolas, người Tây Ban Nha đã được bầu chọn cũng trong những điều kiện như vậy vào năm 2008. Có nghĩa là bầu vĩnh viễn suốt đời, dù hiện nay ngài có thể từ nhiệm vì lý do tuổi 80 của ngài.

 

Bề Trên Tổng Quyền tiền nhiệm của Linh mục Nicolas là Linh mục Hans Kolvenbach, người Hà Lan, người đã đưa vào khả năng từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Một gương mẫu đã tác động đến Đức Bênêđictô XVI, người rất kính trọng Linh mục Hans Kolvenbach.

 

Cho đến giờ này, thì rất khó để đoán biết về vụ bầu chọn này, vì nghệ thuật kín đáo là một đức tính của các Giêsu hữu, nghệ thuật này còn được nâng cao khi đó là… công việc riêng của họ.

 

Tuy nhiên tân Bề Trên Tổng Quyền có thể là người Á châu đầu tiên được bầu vì Ấn độ trở thành trục chính của sự tăng trưởng. Tên của Giêsu hữu người Pháp François-Xavier Dumortier cũng được nhắc đến. Ngài vừa xong nhiệm kỳ Viện trưởng của Đại học Dòng Tên nổi tiếng «Gregoria» ở Roma và là Bề trên lỗi lạc của Tỉnh dòng Pháp. Một vài người ở Roma nhắc đến Linh mục Federico Lombardi người Ý, cựu phát ngôn viên Tòa Thánh. Ngài vừa rời mọi trách nhiệm của mình ở Vatican. Ngài là người biết rành mọi ngõ ngách của Vatican và của các Giêsu hữu, vì ngài là một trong các cộng sự viên của Linh mục Nicolas. Nhưng tất cả đều được mở rộng vì các cử tri đại diện đến từ 62 quốc gia và 58 % đến từ Nam bán cầu.

 

Cộng thêm vào đây là một đặc nét rất Dòng Tên làm cho tiến trình bầu chọn này khó đoán trước. Theo chương trình, lúc này các đại diện đang ở trong vòng bốn ngày “thì thầm”. Đây không phải là “bỏ nhỏ” nhưng là thủ thỉ chuyện trò để các cử tri có thể trao đổi các tên có thể được bầu, nhưng không bao giờ trò chuyện quá… hai người! Luật trò chuyện tay đôi này được các Giêsu hữu sáng chế, họ là chuyên gia của những chuyện quyền lực nên họ biết cách để tránh các ảnh hưởng của một nhóm nhỏ hay một khuynh hướng đặc biệt nào đó về việc bầu chọn bề trên.

 

Bỏ phiếu kín

 

Dù bề ngoài có vẻ phúc tạp, nhưng cách bầu chọn này được chuẩn bị dựa trên sự nhất trí trưởng thành của việc bầu chọn. Kinh nghiệm cho thấy không cần phải có hơn một hoặc hai lần bỏ phiếu để đa số chọn ra một tên.

 

Bốn ngày này cũng là thời gian cầu nguyện, ăn năn và nhận định cho các tu sĩ. Việc bầu chọn được diễn ra dưới hình thức phiếu kín bằng giấy (kiểu bầu theo máy điện tử chỉ áp dụng khi bầu bề trên) và đa số tương đối, lần này được ấn định ở con số 107 phiếu bầu.

 

Một đặc nét khác: Một khi cuộc bầu chọn đã xong, các tu sĩ cử tri sẽ ở lại Rôma một thời gian không hạn định – một tháng hoặc có thể hơn – để thỏa thuận với nhau về các định hướng mới cho Dòng trong tương lai.

 

Được thành lập một phần ở Montmartre kể từ năm 1534, Thánh I-Nhã người Tây Ban Nha tụ họp các đồ đệ đầu tiên của mình trước khi về Rôma, các Giêsu hữu chưa bao giờ có một đời sống thanh bình. Năm 1773, Dòng còn bị Đức Giáo hoàng cấm hoạt động và chỉ được phục hồi hoạt động vào năm 1814. Dòng đã làm rất nhiều việc cho Giáo hội: đặc biệt là rao giảng Tin Mừng ở Châu Mỹ La Tinh và một phần ở Á châu. Với Công đồng Vatican II, các Giêsu hữu đã chọn đường lối tận căn cho người nghèo, bỏ qua một số một số truyền thống trong đó có truyền thống giáo dục cho thành phần ưu tú. Nhưng bây giờ chính các Tỉnh Dòng vẫn trung thành với truyền thống giáo dục, nhất là ở Ấn Độ, truyền thống này rất được phát triển.


(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 12.10.2016/
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2016-10-10)


Lên đầu trang