Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài giảng
Thứ 7 sau CN 31 TN năm Chẵn
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Pl 4, 10-19
10 Thưa anh em, nhờ Chúa, tôi rất vui mừng vì cuối cùng thấy tình cảm của anh em đối với tôi lại thắm thiết. Tình cảm đó vẫn sống động, nhưng anh em chỉ thiếu dịp tỏ ra.11 Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói thế, bởi lẽ tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào.12 Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả.13 Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.14 Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải.15 Chính anh em, những người thành Phi-líp-phê, anh em biết là trong giai đoạn tôi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, lúc rời khỏi Ma-kê-đô-ni-a, không một Hội Thánh nào đã đóng góp vào các khoản chi thu của tôi, chỉ có anh em thôi;16 bởi vì ngay khi tôi còn ở Thê-xa-lô-ni-ca, đôi lần anh em đã gửi cho tôi những gì tôi cần dùng.17 Điều tôi tìm kiếm không phải là quà tặng, mà là những gì sinh hoa kết quả dồi dào cho anh em.18 Tôi có đủ mọi thứ cần dùng, lại còn dư dật nữa là khác. Tôi rất đầy đủ, kể từ khi nhận được những gì anh em gửi đến tôi qua tay anh Ê-páp-rô-đi-tô. Quà anh em tặng cho tôi đó, chẳng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận.19 Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su.
ĐÁP CA: Tv 111
Đ.        Hạnh phúc thay người kính sợ Chúa. (c 1a)
1 Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. 2 Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc.
5 Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn, biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình. 6 Họ sẽ không bao giờ lay chuyển, thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.
8a Luôn vững lòng không sợ hãi chi 9 Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc, đức công chính của họ tồn tại muôn đời, uy thế họ vươn cao rực rỡ.
 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: 2Cr 8,9
Hall-Hall: Đức Giê-su Ki-tô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên khó nghèo, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. Hall.
TIN MỪNG: Lc 16,9-15
9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?
13 "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được."
14 Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su.           15 Người bảo họ: "Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.
 
BÀI GIẢNG
DÙNG CỦA ĐỂ TÔN VINH THIÊN CHÚA
 
Đức Giê-su dạy: “Hãy dùng tiền của bất lương mà gây thân nghĩa, phòng khi hết tiền hết bạc họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu” (Lc 16,9: Tin Mừng).
Chắc chắn Đức Giê-su không có ý dạy ta phải hành động ma giáo, lươn lẹo như anh quản lý trong Tin Mừng, cũng chẳng bảo ta sống bất lương để có tiền của mà làm việc bác ái. Mà cụm từ “tiền của bất lương” chỉ có ông Lu-ca ghi và cho biết  nó có thể xấu, có thể tốt, tùy theo cách chiếm đoạt hoặc cách dùng nó!
A. XÉT VỀ MẶT LUÂN LÝ ĐẠO ĐỨC.
Nếu đã gian lận ai, nay sám hối muốn đền trả, mà không biết chủ của ở đâu, thì hãy dùng tiền của đóng góp vào những sinh hoạt của Hội Thánh, hoặc là chia sẻ cho người nghèo. “Đó là người hạnh phúc vì biết kính sợ Thiên Chúa” (Tv 112/111,1a: Đáp ca năm chẵn).
B. XÉT VỀ MẶT ĐỨC TIN.
Tiền của có thể xấu
 
 
Dưới ngòi bút của ông Luca, ta biết, tiền của rất nguy hiểm, nó có sức mê hoặc lòng người bỏ Chúa. Đan cử :
 
a- Trong trình thuật Đức Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ, chỉ có ông Luca ghi quỷ nói với Đức Giê-su: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. (x Lc.4,5-6). Như vậy tiền của là mồi ngon, nhạy bén, quỷ dùng để nhử câu loài người !
 
 
 

b-
Chỉ có ông Luca ghi ông phú hộ được mùa không còn nơi tích trữ thóc lúa, ông cho đốt kho cũ và xây kho mới để chất của, rồi ru hồn: “Nghỉ đi, ăn uống vui chơi đi, sướng chán!” Nhưng Thiên Chúa bảo nó: “Đồ ngốc, đêm nay ngươi ra khỏi thế gian, thì của đó thuộc về ai?” (x Lc 12,13-21). Như vậy tiền của ru người giàu thích hưởng thụ, tôn nó làm lẽ sống, làm chúa phù hộ con người.
 
c- Chỉ có ông Luca ghi người cha có hai đứa con, cũng vì con cái đòi hưởng gia tài của cha, mà lúc nào ông cũng mất một người con (x Lc 15, 11-31). Như vậy, chính vì tài sản của gia đình mà cha mẹ phải điên đầu với con cái !
 
d- Chỉ có ông Luca ghi tên đầy tớ bất lương: hắn đưa lúa, dầu của chủ cho người ta vay, và hắn đã giấu số lời đi (x Lc 16,1-13). Như vậy vì tiền của mà tên đầy tớ tán tận lương tâm.
 
 
 
 
e- Chỉ có ông Luca ghi phú hộ quá giàu sang, ngày ngày yến tiệc linh đình trong những bộ y phục đắt giá, sang trọng, mà không chia sẻ cho người nghèo nằm ngay đầu ngõ một mẩu bánh thừa ! Kết thúc đời phú hộ, hắn bị dìm sâu xuống hỏa ngục (x Lc 16,19-31). Như vậy, vì mê hưởng thụ tiền của mà không biết chia sẻ là nguyên nhân mất sự sống đời đời.
 
g- Chỉ có ông Luca ghi hai vợ chồng Hananya và Saphira đã nói dối ông Phê-rô để giấu đi một số tiền bán đất, mà dám nói là đã dâng hết. Hậu quả cả hai vợ chồng đều chết gục dưới chân thánh Phê-rô (x  Cv 5, 1-11). Như vậy, lấy của cải làm lẽ sống, là nơi nương tựa an toàn, nên dám nói dối, miễn là giữ được tiền, cuối cùng bị tử thần chộp mạng !

Tiền của trở nên tốt cho người biết dùng theo ý Chúa
 
Sáu chứng từ bên cột trái minh chứng tiền của mang “chất bất lương”. Dù vậy, người theo Chúa lại cần “chất bất lương” ấy để làm vinh danh Chúa. Đan cử:
a/ Chỉ có ông Luca ghi sau khi Đức Giê-su gọi ông Lêvi đi làm Tông Đồ cho Ngài lúc ông đang ngồi bàn thu thuế, ông đã bỏ nghề rất có lợi, về nhà làm tiệc lớn đãi Ngài ; đồng bàn với các ngài có đám đông những người thu thuế và nhiều người khác (Lc 5,29). Như vậy, bỏ việc kiếm tiền đi làm Tông Đồ và dùng tiền quy tụ mọi loại người, kể cả người tội lỗi về cho Chúa là được giàu Chúa và tậu được nhiều linh hồn về cho Ngài.
 
b/ Chỉ có ông Luca ghi vị sĩ quan ngoại giáo móc tiền túi xây hội đường cho người Do Thái có nơi cầu nguyện, nên được nhiều người xin Đức Giê-su cứu đầy tớ ông thoát chết (x Lc 7, 3-4). Như vậy, người ngoại giáo còn biết dùng tiền của tạo nơi sinh hoạt tôn giáo cho người thờ Thiên Chúa, thì tâm hồn họ là Đền Thờ của Thiên Chúa .
 
 

c/
Chỉ có ông Luca ghi bà Maria Madalena, một người tội lỗi khét tiếng, đã dùng tiền của giúp Đức Giê-su và các Tông Đồ đi truyền giáo (x Lc 8,1-3). Như vậy, nhờ tiền của Tin Mừng được phát triển rộng rãi.
 
 
d/ Chỉ có ông Luca ghi ông Gia-kêu, trưởng ty quan thuế khi đón Đức Giê-su vào nhà, ông đã tự ý bán tài sản chia cho người nghèo một nửa. Lòng nhân ấy được Đức Giê-su tuyên bố: “Cả nhà ông được cứu độ” (x Lc 19,9). Như vậy biết dùng tiền của để chia sẻ cho đồng loại, thì làm cho mọi người thuộc về mình được sống đời đời.
 
e/ Chỉ có ông Luca ghi các tín hữu bán tài sản đem đặt dưới chân các Tông Đồ để phân phát đồng đều cho mọi người (x Cv 2,44-45 ; Cv 5,32-35). Như vậy, nhờ tiền của các tín hữu thể hiện tình thương và tôn trọng nhau như chính  mình.
 
 
 

g/
Chỉ có ông Luca ghi bà Linh Dương khi còn sống đã may nhiều y phục chia sẻ cho đồng loại, khi bà chết, cả cộng đoàn đi tìm ông Phê-rô để mời ông đến cùng cầu nguyện cho bà, thế là bà được sống lại (x Cv 9,36-43). Như vậy, biết dùng tiền của chia sẻ thì được thoát tay tử thần.
 

Với  cái nhìn về tiền của có hai mặt đối lập như trên, nên ông Luca ghi Lời Đức Giê-su dạy: Hãy dùng tiền của bất lương mà gây thân nghĩa, phòng khi hết tiền hết bạc, người ta sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu (Lc 16, 9: Tin Mừng).
Vậy ta hãy dùng tiền của vào bốn mục đích:

1.   Góp phần phát triển Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh là thực hành điều răn thứ năm mới của Hội Thánh (x GLHT số 2041-2043).

2.    Đủ nuôi thân xác mình cho có sức khỏe để phục vụ tốt: Không hà tiện, không xa xỉ ! (x    St 2,16)

3.    Dùng làm phương tiện để phục vụ đồng loại, nhờ đó nhiều người có điều kiện sống tốt hơn. (x Lc 19,11t)

4.    Chia sẻ cho người không có khả năng tự sống. (x Mt 25,31-46)

Trong những việc chia sẻ trên đây, ta phải ưu tiên vào việc phát triển Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh. Ta xác tín như thế vì sáu mẫu người biết dùng tiền của đẹp lòng Chúa mà tác giả Luca ghi nhận trên đây, thì chỉ có bà Linh Dương giúp người nghèo, còn năm người kia: Ông Lêvi, ông sĩ quan Roma, bà Maria Madalena, ông Gia-kêu và các tín hữu đều dùng tiền của xung vào việc làm phát triển Nước Thiên Chúa. Vì vậy mà thánh Phao-lô lên tiếng khen: “Anh em là những người xuất sắc trong việc Tông Đồ… Đan cử như anh Ê-rát-tô quản lý kho bạc của thành phố”. Thánh Phao-lô còn lên tiếng khen ngợi nhiều tín hữu khác đã cộng tác với ông trong việc truyền giáo (x Rm 16,3-27: BĐ năm lẻ).
Cũng chính vì thế mà thánh Phao-lô đã viết thư khen và cám ơn các tín hữu thuộc giáo đoàn Philipphê: “Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải. Không có Hội Thánh nào đã đóng góp các khoản chi thu của tôi, chỉ có anh em thôi. Điều tôi tìm kiếm không phải là quà tặng, mà là những gì sinh hoa kết quả dồi dào cho anh em. Thiên Chúa của tôi thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 4,10-19: BĐ năm chẵn).
Vậy chúng ta phải cầu nguyện cho mọi người, nhất là những người đang nắm giữ quyền chức và cả những người giàu có, để họ đừng lạm dụng quyền mà bóc lột người khác, nhưng hãy dùng uy tín của mình mà nâng đỡ những người đau khổ, bần cùng, không chỉ hiểu về mặt vật chất mà nhất là nghèo Chúa, như lời thánh Phao-lô dạy: “Tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và cho những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp và sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh, như chính tôi đã được đặt làm  người rao giảng và làm Tông Đồ thày dạy các dân ngoại về mặt Đức Tin và chân lý” (1Tm 2,1-8).
Bởi vì nếu ta không cầu nguyện cho mọi người, nhất là cho người có quyền chức, thì họ dễ lạm dụng thế lực để chiếm hữu tiền của. Thật hiếm có ai dùng quyền đang nắm để dẫn dắt người khác biết dùng tiền của vào bốn mục đích theo ý Chúa  ! Chính ông thủ tướng Trần văn Hương xác nhận: “Nếu diệt hết tham nhũng quốc gia lấy ai làm việc ?” Ngày nay trong các phiên tòa xử tội kẻ tham những, thì toàn là những kẻ có địa vị, có thế lực trong xã hội ! Ta phải cầu nguyện cho mọi người như thế, vì chỉ khi nào họ nhận biết Thiên Chúa là Vua hướng dẫn mọi người để biết dâng lời cầu: “Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con, xin chúc tụng danh Chúa đến muôn đời” (Tv 145/144,1: ĐC năm lẻ).
Vậy con cái Thiên Chúa, con cái sự sáng phải ý thức rằng Chúa là Chủ của, Ngài trao cho ta làm quản lý, nếu ta biết cách dùng tiền của Chúa ban mà giúp đồng loại, không lấy lời như người quản lý bất lương trong Tin Mừng, hoặc ta cho luôn cả vốn, để gây thân nghĩa với đồng loại, thì ta không phải là kẻ bất lương mà là người khôn ngoan trước mặt Chúa. Đây là điều Chúa đang thách đố ta. Có như thế ta mới thực là con Đấng Tối Cao (x Lc 6,35), để mỗi khi dâng Lễ, ta cùng với muôn tạo vật hát bài Thánh vịnh: “Nào ca ngợi Thánh Danh Chúa đi, Người cất nhắc những ai nghèo túng” (Tv 113/112,1a.7b). Vì ta đã làm giàu cho đồng loại, bắt chước Đức Ki-tô, “Ngài vốn dĩ giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên nghèo khó, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho ta trở giàu có” (2Cr 8,9).

Mạnh Thường Quân là người rất giàu có, đã cho nhiều người ở đất Tiết mượn tiền. Một hôm ông sai Phùng Huyên – người đầy tớ – sang đất Tiết đòi nợ. Lúc sắp đi, Phùng Huyên hỏi :

     -    Tiền nợ thu được, ngài có định mua gì không?

Mạnh Thường Quân nói:

     -    Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua.

Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi các con nợ đến và bảo :

     -    Các người nợ chủ tôi thế nào, đưa giấy nợ cho tôi coi.

Họ liền đưa giấy nợ cho Phùng Huyên, sau khi xem xong, Phùng Huyên bật quẹt đốt hết!

Mọi người ngạc nhiên hỏi :

     -    Sao thế ?

Phùng Huyên trả lời:

-       Vì ông chủ bảo tôi nói với các người là ông tha hết nợ cho dân đất Tiết.

Lúc trở về, Mạnh Thường Quân hỏi :

     -    Ngươi đã mua cho ta cái gì?

     -    Nhà của ngài châu báu đầy kho, gia súc vô số kể… chỉ thiếu “nghĩa”, nên tôi lấy hết tiền nợ mua nghĩa cho ngài rồi.

Mạnh Thường Quân bực mình, vì ông chưa hiểu mua “nghĩa” là mua cái gì?

Sau  này Mạnh Thường Quân lâm bệnh nan y, bán hết gia sản để chữa bệnh mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Dân đất Tiết nghe tin ấy, họ lũ lượt kéo đến thăm và biếu ông đủ thứ, nhất là họ biếu ông một hộp thuốc quý, ông uống vào thì khỏi bệnh ngay. Lúc ấy ông mới hiểu Phùng Huyên đã mua “nghĩa” cho ông là vậy !

THUỘC LÒNG.
Hãy dùng tiền của vào bốn mục đích:
1. Góp phần phát triển Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh. (x GLHT số 2041-2043)
2.  Đủ nuôi thân xác mình cho có sức khỏe để phục vụ tốt: Không hà tiện, không xa xỉ ! (x St 2,16)
3. Dùng làm phương tiện để phục vụ đồng loại cho hữu hiệu nhất. (x Lc 19,11t)
           4.
Chia sẻ cho người không có khả năng tự sống. (x Mt 25,31-46)


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: