Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài giảng
Thứ 5 sau CN 31 TN năm Chẵn
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Pl 3, 3-8a
3 Thưa anh em, chúng ta mới thật là những người được cắt bì, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Ki-tô Giê-su, chứ không cậy vào xác thịt,4 mặc dầu tôi đây, tôi có lý do để cậy vào xác thịt. Nếu ai khác có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn:5 tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu;6 nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi.7 Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi.8a Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi
ĐÁP CA: Tv 104
Đ.        Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ! (c 3b)
2 Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa, và suy gẫm mọi kỳ công của Người. 3 Hãy tự hào vì danh thánh Chúa, tâm hồn những ai tìm kiếm CHÚA, nào hoan hỷ.
4 Hãy tìm CHÚA và sức mạnh của Người, chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan. 5 Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện, những dấu lạ và những quyết định Người phán ra,
6 Hỡi anh em, dòng dõi Áp-ra-ham tôi tớ Chúa, con cháu Gia-cóp được Người tuyển chọn! 7 Chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chúng ta, những điều Người quyết định là luật chung cho cả địa cầu.
 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: Mt 11,28
Hall-Hall: Chúa nói: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hall.
TIN MỪNG: Lc 15,1-10
1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người  giảng.2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng."3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
4 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. 7Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
 8 "Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất. 10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một  người tội lỗi ăn năn sám hối."
 
BÀI GIẢNG
TRONG TAY CHÚA GIÊ-SU VÀ MẸ MARIA
 MỚI TUYỆT VỜI !
 
Ta biết ơn cứu độ loài người Thiên Chúa thực hiện không chỉ dựa trên tình thương của Chúa Giê-su, mà còn được tình thương của Mẹ Maria cộng tác với Chúa. Chân lý này Chúa Giê-su đã diễn tả qua hai dụ ngôn: Chiên lạc trở về và người đàn bà có mười đồng bị mất một phải tìm cho đủ.
1/ DỤ NGÔN TRĂM CON CHIÊN DIỄN TẢ TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA MUỐN QUY TỤ MỌI NGƯỜI VÀO HỘI THÁNH.
Nếu ta cắt nghĩa dụ ngôn con chiên lạc theo nghĩa đen, thì thật là vô lý ! Vì người nuôi chiên, ai cũng mong vắt được nhiều sữa, lấy được nhiều thịt, đạt kinh tế cao. Thế thì 99 con chiên không lạc làm cho chủ có nhiều lợi tức hơn, vậy tại sao chủ không vui mừng khi 99 chiên không lạc, mà lại rất vui khi một con trở về, liệu nó có đem lại nhiều lợi tức cho chủ hơn 99 con kia không?!
Bởi đó, muốn hiểu đúng ý nghĩa và giá trị của dụ ngôn chiên lạc, ta phải biết số 100 mang ý nghĩa được Thiên Chúa chúc phúc. Nên ngôn sứ Isaia nói: “Ai chưa tròn 100 tuổi mà chết là dấu bị nguyền rủa” (Is 65,20).
Thế thì Chúa Giê-su hữu ý chọn 12 môn đệ làm nên Israel mới (x Lc 6,12-13), đây là dân được Chúa chúc phúc , nhưng cuối cùng chỉ còn 11, vì Giu-đa đã tự tử (x Cv 1,18). Nên sau khi Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại, Ngài đã chọn kẻ lạc đạo là Sau-lô vào hàng môn đệ, để làm tròn ý nghĩa con số 12 mà Ngài đã định từ trước.
Thực vậy, khi chiên lạc Sau-lô trở về ràn, ông đã không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng (x 2Cr 11,5), xét về lượng cũng như về phẩm:
1)      Về lượng: Nếu ta gạch bỏ hết những lời ông Phao-lô nói trong Tân Ước, thì cuốn Kinh Thánh Tân Ước chẳng còn được bao nhiêu! Và một mình ông Phao-lô thành lập được nhiều giáo đoàn như Cô-rin-tô, giáo đoàn Ga-lát, giáo đoàn Ê-phê-xô, giáo đoàn Phi-líp-phê, giáo đoàn Cô-lô-xê, giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-kê. Nếu ông Phao-lô không trở về, thì có lẽ đạo Chúa đã bị ông khai tử từ lúc ông hằm hừ thở ra mùi sát khí, lãnh trát các thượng tế, xông tới Đa-ma triệt hạ hết những ai tin vào Đức Giê-su, và hôm nay thế giới chưa ai được biết Chúa !?
2)      Về phẩm: Giáo lý của thánh Phao-lô giảng dạy về Đức Giê-su vô cùng phong phú và sâu sắc. Đến nỗi có nhiều người cho là Đức Giê-su  không lập Hội Thánh Công Giáo, mà là thánh Phao-lô ! Và như vậya, chúng ta biết thánh Phao-lô không đơn phương độc mã trở về với Chúa, mà ông còn trở thành chiên đầu đàn dẫn cả dân ngoại, trước đây không thuộc về đàn chiên của Đức Giê-su, nay được ở trong chuồng chiên, chính là Hội Thánh, dưới sự chăm sóc, dẫn dắt của Mục Tử Giê-su! Vì thế, thánh Tông Đồ đã khoe với ông Ti-mô-thê, môn đệ ông rằng: “Đức Giê-su  bước vào trần gian để cứu những người tội lỗi, trong số đó tôi là người thứ nhất !” (1Tm 1,15) Người thứ nhất ở đây không phải là người đầu tiên được Chúa cứu, mà là mẫu trở về với Đức Giê-su  cho tất cả mọi người. Hiểu như thế, chúng ta mới biết giá trị câu nói của Đức Giê-su : “Khi người tội lỗi ăn năn sám hối trở về, thì cả tầng trời rúng lên vì niềm vui mừng!” (Lc 15,7a). Thế thì :
§  Trong gia đình, người bố là chiên đầu đàn, như sách Huấn ca 30,4 nói: “Người bố dù có tắt thở ông cũng chưa chết, vì ông đã để lại con cái giống hệt ông!”
§  Trong một giáo xứ: Cha Sở là chiên đầu đàn. Thánh Gio-an Ma-ri-a Vi-a-ney nói: “Linh mục thánh thiện, thì giáo dân đạo đức ;  Linh mục đạo đức, thì giáo dân tầm thường ; Linh mục tầm thường, thì giáo dân ra quỷ!” Vậy nếu Linh mục mà ra quỷ, thì giáo dân còn độc ác hơn quỷ vương Beelzebul !!
§ Trong địa phận, Giám mục là chiên đầu đàn. Thánh Au-gút-tin nói: “Làm Giám mục cho anh em, tôi rất lo sợ, làm tín hữu với anh em, tôi rất an tâm. Vì Giám mục chỉ là một chức vụ, tín hữu mới là một ân phúc. Giám mục là một danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là một danh hiệu đem ơn cứu độ!”  (x HCHT số 32)
Chính vì vậy mà bất cứ Thánh Lễ nào, sau lời truyền phép, lời cầu nguyện đầu tiên là cho Giám mục thủ lãnh (Giáo  hoàng), và Giám mục địa phận, vì các vị này mới là người quyết định làm cho Hội Thánh được bốc lên
Bởi vì mỗi giáo phận là một Hội Thánh vẹn toàn, vì Giám mục là hiện thân Tông Đồ của Đức Giê-su, là thầy dạy Đức Tin. Nên việc canh tân sống đạo của mọi thành phần trong Giáo phận hoàn toàn lệ thuộc vào Giám mục địa phận.  Do đó nếu có giáo dân hay Linh mục nào giống thánh Phao-lô, thì cũng chỉ là “đèn chói mắt”, làm nhức đầu người khác ! Nhưng nếu Giám mục là một Phao-lô mới, thì sẽ làm bốc lên sức sống đạo của dân Chúa trong địa phận, trở thành bó đuốc sáng, thành đèn hải đăng soi dẫn muôn dân tìm về ràn chiên của Đức Giê-su ! Thực là buồn cho Hội Thánh Chúa, suốt hơn 20 thế kỷ nay, mới chỉ có một Giám mục Phao-lô mà thôi !
Chính vì sứ mệnh của Giám mục trong địa phận quan trọng như  vậy, nên giáo huấn của Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 25 dạy: “Việc rao giảng Phúc Âm là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của Giám mục, Giám mục là những người rao truyền Đức Tin, đem nhiều môn đệ mới về cho Chúa Ki-tô. Giám mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Ki-tô, giảng dạy cho  những kẻ được trao phó cho các ngài”. Đối với các Linh mục, Giáo Luật số 773 và 776 đã buộc: “Cha Sở phải lo huấn luyện giáo lý cho người lớn, thanh niên và trẻ em. Cha Sở phải cổ võ và thúc đẩy cha mẹ chu toàn bổn phận dạy giáo lý trong gia đình. Đây là nhiệm vụ riêng biệt và nặng nề trong việc dạy giáo lý cho dân Chúa”.
Qua lời giáo huấn trên, ước gì hàng giáo sĩ làm đúng nhiệm vụ ngôn sứ Hội Thánh đã truyền là bài giảng phải liên kết các Bài đọc Hội Thánh đã chọn trong Phụng Vụ, từ đó trình bày các mầu nhiệm Đức Tin và những quy tắc cho đời sống Ki-tô hữu (x HCPV số 24 + 52). Nếu không dựa trên nguyên tắc này để giảng giải, thì sự cố tháp Babel thuở xưa lại tái diễn: Con cháu Noe phải tản đi khắp mọi nơi, bỏ dở công trình xây tháp, vì mỗi người nói mỗi kiểu ! (x St 11)
Giám mục Phao-lô đã trở thành mẫu cho các Giám mục khác, ông đã hiên ngang hãnh diện trong Đức Ki-tô mà nói: “Tôi không dựa vào xác thịt của mình, dù tôi là dòng dõi Israel, họ Benjamin, giữ Luật thì đúng như một người Biệt phái, nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh. Nhưng những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay vì Đức Ki-tô tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giê-su Ki-tô,Chúa của tôi” Pl 3,3-8).
Như thế các Giám mục phải là hiện thân Phao-lô trở về canh tân đời sống Đức Tin của mình, để trở thành chiên đầu đàn cho cộng đoàn dân Chúa đã được trao phó cho các ngài dẫn dắt.
2/ DỤ NGÔN NGƯỜI ĐÀN BÀ CÓ 10 ĐỔNG BỊ MẤT 1 DIỄN TẢ TÌNH THƯƠNG CỦA MẸ MARIA.
Vì ta biết số 10 mang ý nghĩa vẹn toàn, như Mười Điều Răn của Chúa, ám chỉ ai tuân giữ là người hoàn hảo trong Chúa.
Chúng ta lại biết Chúa Giê-su là Thiên Chúa toàn năng, mà trong đời hoạt động công khai của Ngài còn cần đến Mẹ Maria cộng tác, từ khởi sự (x Ga 2) cho đến hoàn thành (x Ga 19). Trong lời kinh chúng ta hay cầu nguyện: “Từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen” ; thì Đức Giê-su cũng có quyền nói: “Từ khởi sự cuộc đời rao giảng của tôi cho đến lúc hoàn tất trên thập giá, tôi đều nhờ Mẹ cộng tác. Amen!”
Bởi thế Mẹ Maria có trách nhiệm làm cho công việc của Con Mẹ được trở nên hoàn hảo, cụ thể Mẹ muốn môn đệ của Đức Giê-su phải vẹn toàn về lượng cũng như về phẩm chất. Nhưng Mẹ luôn bị đặt vào tình trạng lo âu, vì thiếu sự vẹn toàn nơi các ông :
§  Số môn đệ của Đức Giê-su phải là 12, thế mà bị mất Giu-đa đã tự tử, Mẹ đau đớn nhất.
§  Lúc Mẹ đứng dưới chân thập giá, Mẹ muốn đón nhận cả 11 môn đệ còn lại cũng phải là con của Mẹ. Nhưng lúc ấy chỉ có Gioan được Đức Giê-su trao cho Mẹ. Ông Gioan được vinh dự này vì ông đã can đảm vượt mọi sợ hãi, chứ không như 10 môn đệ kia đã nhớ Lời Thầy nói: “Tôi tớ không trọng hơn chủ, nếu người ta đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con” (Ga 15,20), nên họ đã bỏ chạy hết ! Người đàn bà kia có 10 đồng mất 1 đã làm bà lo lắng đi tìm kiếm, huống chi ở đồi Sọ, 11 môn đệ Đức Giê-su lại trốn mất 10, thì làm cho Mẹ lo lắng biết mấy! (x Ga 19,25-27)
§  Khi Chúa Giê-su Phục Sinh đến với các môn đệ vào ngày Chúa nhật (dâng Lễ), Ngài chỉ gặp có 10 môn đệ, thiếu ông Tôma, chắc chắn Mẹ không vui gì. Một tuần sau ông Tôma mới trở về với cộng đoàn vào ngày Chúa nhật (dâng Lễ), thì làm cho Mẹ vui mừng biết chừng nào! (x Ga 20,19t)
Thế thì một Ki-tô hữu tôn thờ Chúa và kính yêu Mẹ, càng cần có Mẹ ở bên, nhưng Chúa Giê-su chỉ muốn trao Mẹ Thánh Ngài cho, khi ta vượt mọi rào cản, không sợ mất thời giờ đi dâng Lễ mỗi ngày. Mà có ai  sở hữu được thời giờ đâu? Vì “Thời giờ là của Thiên Chúa” (lời công bố khi làm Phép Nến trong đêm Phục Sinh). Rõ ràng thời giờ không thuộc quyền sở hữu của ai, mà người ta lại sợ mất! Một sự sợ hãi không tưởng, đến nỗi không vượt qua để đến dâng Lễ với Chúa Giê-su, thì làm sao đón Mẹ Maria về nhà mình như ông Gioan được !
Vậy qua hai dụ ngôn: Con chiên lạc và đồng bạc mất đều tìm được, đã diễn tả Chúa Giê-su và Mẹ Maria rất sung sướng khi thấy có thêm người gia nhập Hội Thánh, cũng như vui mừng vì mọi Ki-tô cùng hữu hiệp dâng Thánh Lễ để được Chúa Giê-su Phục Sinh làm Chủ từ cảm nghĩ, lời nói đến việc làm của họ, hầu xứng đáng một cuộc sống làm con Chúa, con Mẹ, như lời thánh Tông Đồ nói: “Không ai được sống cho chính mình, cũng không ai được chết cho chính mình. Dù sống, dù chết, ta đều thuộc về Chúa. Nếu ta không sống như thế thì ta sẽ phải trả lẽ về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 14,7-12).
Bởi vì “chỉ có Chúa là ánh sáng và là ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào! Chúa là thành  lũy bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa! Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong Đền Chúa tôi (dự Lễ), mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang. Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban, trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 27/26,1.4.13).
Bà cố của Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II qua đời sớm, lúc ấy cậu Karol Wojtyla mới 7 tuổi, cậu đứng bên giường mẹ đang hấp hối, cậu khóc nức nở vì sắp mất mẹ. Lúc ấy, người mẹ trở mặt ra âu yếm nhìn cậu và thì thào: “Con đừng khóc nữa, mẹ này chỉ là vú nuôi con, mẹ thật của con là Mẹ Maria. Khi người vú này qua đi, thì người mẹ thật của con chắc chắn phải ra tay chăm sóc con hơn người vú này. Con cứ an tâm”. Nói đoạn, bà tắt thở về với Chúa. Từ bấy giờ trở đi cậu Karol Wojtyla ôm ấp người Mẹ thật trong tim, lúc nào cậu cũng cầu nguyện với Mẹ Maria, đặc biệt trong thời đi lính, trong túi cậu luôn có cuốn sách nói về các nhân đức của Mẹ. Karol Wojtyla luôn tìm giờ để nghiền gẫm cuốn sách đó. Chắc chắn vì lòng sùng kính Mẹ Maria từ lúc 7 tuổi mà khi ngài lên ngôi Giáo hoàng ngày 18/10/1978, ngài giữ chức vụ này lâu đứng hàng thứ 4 so với các vị tiền nhiệm, và trong suốt thời gian ở ngôi Giáo hoàng, ngài đã tỏ ra một vị mục tử xuất sắc bậc nhất, đặc biệt trong thế kỷ 20. Nếu không có ngài, có lẽ thế giới hôm vẫn còn hai khối Cộng sản và Tư bản đố kỵ nhau.
Karol Wojtyla thành công như thế trong sứ mệnh kế vị thánh Phê-rô chăm sóc Hội Thánh, âu cũng chỉ vì nhờ bà cố trước giờ chết (giống Chúa Giê-su) gởi Karol Wojtyla cho Mẹ Maria chăm sóc, nhờ đó mà Karol Wojtyla sống xứng danh làm con Thiên Chúa, làm con Đức Mẹ, là mục tử gương mẫu cho đoàn chiên suốt 27 năm trong ngôi Giáo hoàng.
THUỘC LÒNG-
-   Chúa luôn gìn giữ tôi chẳng khác gì con ngươi mắt Ngài (Dnl 32,10).
             -   Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì vẫn còn có Chúa đón nhận con (Tv 27/ 26,10)


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: