Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN NĂM B - PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG

CN VII PS / B - LỄ CHÚA THĂNG THIÊN
Bài đọc 1: (Cv 1: 1-11).
Bài đọc 2: (Êph. 1: 17-23).
Tin Mừng: (Mc 16:15-20)

 

Sau một lần thất vọng về cái chết của Thầy, nay được nhìn thấy Thầy đã sống lại, các môn đệ vui mừng và hy vọng Thầy sẽ tiếp tục công việc khôi phục vương quốc Israen: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israen không?” Không trả lời cho họ là phải hay không phải, Chúa Giêsu lại nói: “Anh em không cần biết thời giờ hay kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1 : 6-8). Niềm vui và hy vọng vừa được phục hồi thì đột ngột Thầy lại bỏ các ông mà lên trời, làm các ông ngơ ngác bàng hoàng cứ đứng đó nhìn Thầy khuất dạng trong đám mây: “ Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” (Cv 1: 9-11) Và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã “ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (Mc 16: 20)


Chúa Giêsu từ trời xuống thế làm người. Sau ba năm công khai rao giảng Tin Mừng cứu độ, Ngài đã bị người ta giết chết trên cây thập giá. Ba ngày sau, Ngài đã phục sinh, rồi Ngài lại trở về trời để được tôn vinh và ngồi bên hữu Chúa Cha. Đó là chuyện tất yếu. Nếu Chúa Giêsu không về trời thì chương trình cứu chuộc con người rồi sẽ đi về dâu?


Chúa Giêsu về trời không phải để phủi tay hết trách nhiệm, nhưng việc Ngài trở về trời lại hé mở cho nhân loại một niềm hy vọng lớn lao cho cuộc sống mai sau: Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em, và Thầy sẽ trở lại để đón anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy. Việc Chúa Giêsu về trời cho chúng ta thấy cứu cánh của cuộc hành trình nơi trần gian rồi sẽ đi về đâu. Điều này cho chúng ta có một tầm nhìn mới về giới hạn của thế giới này và chiều kích vĩnh của cho cuộc sống mai sau.


Chúa Giêsu về trời để hoạt động ở một phạm vi rộng lớn không còn bị hạn chế về không gian và thời gian. Sự lên trời, trở về nhà Cha không có nghĩa là không có mặt hay không còn hoạt động trên mặt đất, nhưng lại là dấu hiệu chứng tỏ Ngài hiện diện liên lỉ ở bất cứ nơi đâu trên trái đất.


Lời huấn dụ cuối cùng trước khi về trời không phải là một lời kết thúc công việc rao giảng Tin Mừng của Ngài hay là một lời phó thác trách nhiệm cho các môn đệ, nhưng là một huấn thị cho một chương trình hành động mới được phát động rộng rãi để phối hợp hành động ở trên trời và đưới đất: các tông đồ “ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” Chúa Giêsu đang điều hành công việc trên trời. Chúa Thánh Thần, Đấng hỗ trợ con người hành động. Con người là cánh tay hành động của Thiên Chúa ở trần gian và Chúa Giêsu cùng hành động với con người qua trung gian của Chúa Thánh Thần.


Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Như thế việc Chúa về trời không phải là chấm dứt việc Ngài hiện diện với chúng ta; ngược lại, Ngài vẫn luôn đồng hành với chúng ta qua mọi thời đại.


Sống ở trần gian để hướng về nước trời là nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn tất nhiệm vụ ở trần gian theo tinh thần của Tin Mừng là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước Trời. Chu toàn cuộc sống ở trần gian theo tinh thần Tin Mừng là kết qủa của cuộc sống mai sau trên trời. Thực hành tốt đẹp cuộc sống ở đời này theo Tin Mừng là chúng ta góp phần xây dựng nước trời. Góp phần xây dựng trần gian theo chương trình của Thiên Chúa là chúng ta dọn chỗ ở trên trời. Trần gian không phải là nơi để chúng ta gắn bó, nhưng là cơ hội để chúng ta chuẩn bị cho nước trời.


Việc Chúa về trời còn cho chúng ta thấy ngoài cõi sống tạm bợ ở đời này, chúng ta còn có một quê thật cần hướng tới. Cuộc sống ở đời này sẽ là kết quả của cuộc sống ngày mai nếu chúng ta để tâm lực cho cuộc sống ấy.


Ngoài nhiệm vụ sống tốt đẹp cuộc sống ở đời này cho mình, chúng ta còn có nhiệm vụ cùng cộng tác với Thiên Chúa để cùng đem ơn cứu rỗi đến cho hết mọi người ở khắp mọi nơi như lời Chúa đã truyền cho các môn đệ ngày xưa và cho chúng ta hôm nay: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” ( Mc 16:15-16)


Chúa Giêsu xuống trần gian không phải chỉ để rao giảng Tin Mừng cứu độ một lần là xong, nhưng công việc ấy còn kéo dài bao lâu nhân loại chưa quy về một mối như mong ước của Thiên Chúa; bao lâu con người còn vì tự do của mình mà tách rời khỏi Thiên Chúa thì công việc rao giảng Tin Mừng cứu độ vẫn còn tiếp tục cho đến khi cả nhân loại quy về một mối là Cha trên trời. Nhiệm vụ của Chúa xuống thế làm người không phải để vinh danh Ngài, nhưng là để cứu chuộc nhân loại. Tình thương của Thiên Chúa không để mất một ai như chủ chiên để 99 con chiên trong đàn để đi tìm con chiên lạc.


Lời Chúa nói với các môn đệ ngày xưa cũng là lời truyền dạy chúng ta hôm nay. Với phương tiện và sinh hoạt của các môn đệ ngày xưa, cùng lắm cũng chỉ có thể thực hiện được ở Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê hay Samari, nhưng cho đến tận cùng trái đất thì đó lại là trách nhiệm của chúng ta hôm nay.


Một số thanh niên Kitô Giáo đang tham dự một trại hè quốc tế. Một trong những đề tài được đưa ra cho các trại sinh thảo luận và đào sâu là những ý tưởng về công tác truyền bá Phúc Âm giữa lòng thế giới.


Cuộc thảo luận rất bao quát và phong phú: nào là việc sử dụng các phương tiện truyền thông như truyền thanh, truyền hình, nào là quảng bá những bài viết trên báo chí... Sau cùng, khi không còn ý kiến nào phát biểu nữa, một thiếu nữ Phi Châu đã đứng lên và phát biểu ý kiến: “Ở đất nước chúng tôi, khi chúng tôi nhận ra một làng ngoại giáo nào đó đã sẵn sàng tiếp nhận Kitô Giáo, chúng tôi không gửi đến họ những quyển sách hay những vị thừa sai; nhưng chúng tôi gửi đến họ một gia đình Công Giáo tốt lành. Gương sáng của gia đình ấy  là một lời tuyên xưng Phúc Âm mạnh mẽ hơn tất cả những sách vở trên thế giới này.”


Đây cũng là một trong những cách rao giảng Tin Mừng cứu độ của ngày hôm nay. Bao lâu còn có ai, còn có nơi nào chưa đón nhận được Tin Mừng cứu độ thì Chúa vẫn cần chúng ta làm công việc ấy. Chúng ta loan truyền, rao giảng không phải chỉ bằng những lời nói suông mà phải bằng chính cuộc sống của mình.



Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi