Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CN PHỤC SINH: NGUYÊN LÝ SỐNG CỦA CON NGƯỜI MỚI

“Từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối. Bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ.” Suy nghĩ đầu tiên của bà là “ người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chẳng biết họ để Người ở đâu.” Bà liền chạy về báo cho ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Cả ai cùng chạy. Người môn đệ kia chạy nhanh hơn ông Phêrô, ông nhìn thấy những băng vải còn đó nhưng không vào. Khi đến nơi, ông Phêrô vào thẳng trong mồ; người môn đệ kia theo sau, và họ thấy những băng vải và khăn che đầu vẫn còn đó. Khăn che đầu không để lẫn với các băng vải, nhưng được cuộn lại, xếp riêng ra một nơi, như thế có nghĩa là không phải người ta đã đem Chúa đi nơi khác. Nhớ lại lời Kinh thánh : Đức Chúa phải chỗi dậy từ cõi chết, người môn đệ kia, tức là ông Gioan đã thấy và đã tin.( xem Ga 20: 1-9) Còn phần các phụ nữ lại được một thanh niên cho biết: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này.”( Mc 16: 6)  Ông Gioan nhớ lại lời Kinh Thánh, nên ông đã tin là Thầy đã phục sinh. Đức tin đã giúp ông khám phá ra chân lý. Về phần các phụ nữ, tình yêu dẫn họ đến đức tin.

 

Ngôi mộ trống, những băng vải và khăn liệm còn đó, tuy là những dấu hiệu đơn sơ nhưng lại là bằng chứng Chúa Giêsu không còn ở trong mồ. Ngài đã phục sinh như lời Ngài đã ba lần tiên báo cho các môn đệ biết Ngài sẽ phải trải qua cuộc khổ nạn để đi đến phục sinh từ trong cõi chết.

 

Hôm nay chúng ta long trọng mừng kỷ niệm ngày Chúa Giêsu phục sinh sau khi chịu khổ nạn và chết trên thập giá và được mai táng trong mồ và sau ba ngày Ngài đã sống lại. Đây là một biến cố trọng đại liên quan đến số phận của con người, là nền tảng cho đức tin của người Kitô hữu.

 

Chúa Giêsu đã ra khỏi mộ tối để bước vào vầng sáng Phục sinh, đi từ cõi chết do tội lỗi để đi vào ánh áng của sự sống đời đời. Sự phục sinh của Chúa Giêsu đem đến cho con người niềm vui và hy vọng cho con người trong cuộc sống mới, niềm vui và hy vọng trong cuộc sống đời đời. Sự phục sinh của con người mới là một niềm an ủi, là phần thưởng, là khích lệ cho cuộc sống hôm nay đối với những ai vác thánh giá mình mà theo Chúa. Chúa Giêsu đã từ trong cõi chết sống lại. Đó là niềm vui và niềm hy vọng lớn lao cho nhân loại và cho những ai tin tưởng vào Thiên Chúa như thánh Phaolô đã nói: “ Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.”( 1 Cr 15:14)

 

Chúa Giêsu phục sinh, đã chỗi dậy từ cõi chết là Đấng mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. ( 1 Cr 15:22)

 

Chúa Giêsu phục sinh biến đổi chúng ta thành con người mới trong đời sống mới. Nhưng thế nào là con người mới trong đời sống mới?

 

Có câu chuyện cổ “ Ăn Mé Đông, Ở Mé Tây” như sau:  Thời chiến quốc, nước Tề có một cô gái rất đẹp. Cha mẹ cô nâng niu cô như viên ngọc quý trên tay. Có hai nhà hàng xóm ở cạnh nhà nàng. Nhà ở mé đông là nhà của một tay buôn bán; gia tài kếch xù, nhưng tướng mạo thì quá xấu. Nhà ở mé tây là nhà của một thư sinh; chàng có tài văn chương chữ nghĩa, tướng mạo cũng rất anh tú, chỉ có điều nhà cửa thì chỉ có bốn bức vách, đơn sơ, nghèo nàn.

Ngày nọ, cả hai nhà đông và tây đều nhờ người đến mai mối cầu thân; bước đầu, cha mẹ nàng chưa thể quyết định, rồi dò hỏi ý con: “ Hiện tại, hai nhà đông và tây đều đến cầu hôn; tạm thời, ba má chưa thể dứt khoát chọn ai. Riêng ý con, con thích nhà nào, cứ nói cho ba má biết.”  Cô gái nghe hỏi, bẻn lẻn không nói lời nào. Thấy vậy, ba má cô tưởng cô mắc cở khó lòng mở miệng, lại nói: “ Chắc là con không dám nói! Thôi thì như thế này: Nếu con ưng nhà mé đông thì con giơ tay trái, còn ưng nhà mé tây thì con giơ tay phải.”

Nào ngờ cô gái giơ một lúc cả hai tay. Lấy làm ngạc nhiên, cha mẹ nàng hỏi: “ Như thế là thế nào?” Nàng trả lời: “ Người nhà mé đông giàu mà xấu, người nhà mé tây nghèo mà đẹp. Con ưng ăn ở nhà mé đông mà thích ở nhà mé tây ạ!”

 

Cũng thế, để trở thành con người mới, chúng ta không thể bắt cá hai tay, không thể nhập nhằng giữa con người mới và con người cũ, giữa nếp sống cũ và nếp sống mới.

 

Chúa Giêsu đã dạy: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” ( Ga. 12:25), và thánh Phaolô cũng đã khuyên: “ Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.”( 1 Cr 15: 19).

 

Nguyên lý của đời sống mới, con người mới  là sống kết hợp với Đức Kitô phục sinh như lời thánh Phaolô nói: “ Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.” ( Cl 3: 1-4)

 

Như hạt lúa gieo vào lòng đất phải chịu chết đi, phải mục nát đi để sinh nhiều hạt khác( Ga 12:24), thì con người mới cũng phải vác thánh giá mình, cùng chịu chết với Đức Kitô, chết đi với những tội lỗi, chết đi với những thói hư tật xấu, rủ bỏ con người cũ với những tham lam, ích kỷ, ganh ghét, thù hận như thánh Phaolô đã nói: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thực sự sống công chính và thánh thiện.”( Ep 4: 22-24)  Nhờ sự phục sinh của Đức Kitô, chúng ta được tái lập bản chất của con cái Thiên Chúa.

 

Sự phục sinh của Chúa Giêsu là sự chiến thắng giữa bóng tối của tội lỗi và ánh sáng của sự cứu dộ,  là sự giải thoát khỏi sự hủy diệt và và sự sống viên mãn. Hãy nhìn lên ánh sáng của cây nến phục sinh, ánh sáng đem lại sự sống mới. Để có được sự sống mới nhờ sự phục sinh của Đức Kitô, không có nguyên lý nào khác ngoài nguyên lý sống kết hợp với Đức Kitô như thánh Phaolô đã cảm nghiệm: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.”

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi