Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY - B: SỐNG ĐỂ CHẾT HAY CHẾT ĐỂ SỐNG?

CN V MC / B
Bài đọc 1 : ( Gr 31: 31-34). 
Bài đọc 2 : ( Dt 5: 7-9). 
Tin Mừng : ( Ga 12: 20-33)
 
 
 
Sống rồi chết, đó là lẽ thường tình xảy đến cho con người. Không ai thoát khỏi số phận cuối cùng là cái chết. Trường sinh bất tử chỉ là một ảo vọng!  Ai cũng muốn sống. Mạng sống mình, ai chẳng quí! Giết người là một trọng tội. Phá thai là giết người. Yêu quý mang sống mình, đó là lẽ thường tình! Ai coi thường mạng sống mình, ốm không thèm uống thuốc, gặp hiểm nguy đến tính mạng mà không tìm cách tránh đi, có phải là hủy hoại mạng sống mình không! Ông Phêrô khi biết Thầy lên Giêrusalem sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng của Thầy, nên ông đã căn ngăn Thầy theo tư tưởng của loài người, nhưng  tư tưởng của Thiên Chúa lại khác; nên Chúa Giêsu đã khiển trách ông: “ Xatan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”( Mc 8:33)
 
 
Hôm nay, qua Tin Mừng của thánh Gioan, Chúa Giêsu đưa ra ví dụ về hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác, và Ngài đưa ra một chân lý xem ra nghịch với lẽ thường tình: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”( Ga 12:25) . Sống thế nào là chết? Và chết thế nào là sống?
 
 
Chúa Giêsu phân định rõ ràng: “ Ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được cho sự sống đời đời.” Như thế con người có hai mạng sống: mạng sống ở đời này và mạng sống ở đời sau. Mạng sống của thân xác và mạng sống của linh hồn. Mạng sống mà Chúa muốn nói đến là mạng sống linh hồn, là sự sống đời đời.
 
Phanxicô Xaviê là một thanh niên rất điển trai và thông minh. Lần kia, Phanxicô gặp linh mục Inhaxiô Loyol, ngài hỏi chàng: “ Bạn có dự tính gì cho tương lai không?” Phanxicô đáp ngay: “ Dạ có, tôi cố gắng học thật giỏi.” Inhaxiô hỏi tiếp: “  Rồi sao nữa?” Phanxicô trả lời: “ Tôi sẽ tranh cho được chức giáo sư trong trường đại học.” Inhxiô lại hỏi tiếp: “ Rồi sao nữa?” Phanxicô ngập ngừng đáp: “ Rồi...cuối cùng tôi cũng sẽ chết như mọi người.” Inhaxiô lại tiếp tục hỏi: “ Thế khi chết, anh có mang theo được gì không?” Lúc này chàng Phanxicô hạ giọng: “ Chết là hết, chẳng ai mang theo được gì hết!” Inhaxiô ôn tồn nói: “ Anh có nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “ Người ta được cả thế gian mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta lấy gì mà đổi mạng sống mình?” ( Mt 16:26)
 
 
Nghe đến đây, chàng Phanxicô trầm ngâm suy nghĩ.  Sau đó, Phanxicô quyết định học thật giỏi và xin đi tu. Phanxicô trở thành một linh mục thánh thiện, nhiệt thành; ngài đi truyền giáo ở các nước Á Châu, và có dự tính đến Việt Nam, nhưng ước vọng chưa thành thì ngài qua đời. Ngài được Hội Thánh phong chân phước, làm bổn mạng các xứ truyền giáo. 
 
 
Hạt giống Phanxicô đã chịu mục nát để cho hạt giống nẩy mầm và sinh nhiều hạt khác; trái lại , một chàng thanh niên giàu có đến xin đi theo Chúa Giêsu. Ngài bảo anh về bán hết giá tài đi rồi đến mà theo. Anh đã không chịu để cho hạt giống tâm hồn anh mục nát vì tinh thần khó nhgèo, nên hạt giống tâm hồn anh vẫn nằm trơ trọi một  mình trong đống bạc tiền của anh. Anh đã ra đi không trở lại.
 
 
Như hạt lúa gieo vào lòng đất, con người được sinh ra trên thế gian này có thân xác hư nát và linh hồn bất tử. Người quý mạng sống mình ở đời này là người lấy cứu cánh cuộc sống là danh vọng, tiền tài, đam mê, sống hẹp hòi ích kỷ, chỉ biết mình mà không nghĩ đến người khác. Hạt giống không chết đi là hạt giống không chịu lột vỏ, không chịu biến dạng, không chịu lột xác. Nó vẫn trơ trọi một mình trong lòng đất. Không giúp ích gì được cho ai, không nẩy mầm để sinh hoa kết trái. 
 
 
Ngược lại, hạt giống chết đi là hạt giống chịu lột xác, chịu thoát ra khỏi vỏ bọc, chịu mục nát, chịu chết đi để nẩy mầm sinh thêm nhiều hạt khác. Hạt giống chịu chết đi là người sống quên mình để yêu thương, phục vụ anh em. Quên mình, vượt lên trên bản thân mình là khước từ, là đánh mất, là chết đi cho chính mình. Chính khi ra khỏi con người của mình, tự cống hiến bản thân vì những lý do bên ngoài, con người mới phát triển và mang lại hiệu quả. Hạt giống chịu chết đi, chịu mục nát là người coi thường mạng sống mình ở đời này, nhưng lo tích trữ những gì bảo đảm cho mạng sống đời sau, chịu chết đi cho tội lỗi ,cho đam mê, vật chất.
Hạt giống phải chịu mục nát là hạt giống chết cho thánh ý của Thiên Chúa, là chịu chết đi cho tội lỗi và ý riêng để phục vụ thánh ý Thiên Chúa, là chết đi cho những đam mê dục vọng lôi kéo tâm hồn đi nghịch lại với luật lệ của Thiên Chúa, là vác thập giá mình để theo Chúa và phục vụ Ngài như Ngài đã chết để phục vụ con người. Giống như hạt lúa phải chết đi để mang lại nhiều hoa trái khác, thì chúng ta cũng phải chết đi cho bản thân mình để phục vụ Thiên Chúa phục vụ anh em.
 
 
Chúa Giêsu lấy ví dụ về hạt lúa chết đi để sản sinh ra một mùa gặt; từ đó, Ngài muốn nói cho chúng ta biết rằng cái chết của Ngài sẽ mang lại nhiều hiệu quả. Ngài là gương phục vụ cho những ai theo Ngài. Ngài đã trở nên hạt giống chịu mục nát vì yêu thương nhân loại, đã hy sinh mạng sống mình vì yêu, đã phục vụ con người cho đến chết như lời thánh Phaolô đã viết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.”( Dt 5: 8-9)  Vì thế, muốn theo Chúa,  muốn phục tùng Ngài để được sự sống đời đời, chúng ta cũng phải phải trở nên những hạt giống bị mục nát bằng vác thánh giá mình mà theo Chúa :“ Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”( Ga 12:26)  Đó cũng là con đường mà Ngài muốn  những ai tin vào Ngài phải đi qua để đạt tới vinh quang trong Nước Chúa : Ai muốn theo Chúa , thì cũng phải vác thánh giá mình mà theo. Qua cuộc tử nạn của Ngài, Chúa Giêsu sẽ được tôn vinh, và cái chết của Ngài sẽ mang lại sự sống cho những ai chịu chết đi để theo Ngài.
 
 
Tin, sống đức tin và phục vụ Thiên Chúa là điều kiện để được sự sống đời .Người coi thường mạng sống của mình ở đời này và tin vào Thiên Chúa thì sẽ được sự sống đời như lời Chúa Giêsu nói với cô Mácta: “ Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết? Chị có tin thế không?”( Ga 11: 25-26) Câu hỏi Chúa hỏi cô Mácta “Chị có tin thế không?” cũng chính là câu hỏi Ngài hỏi mỗi người chúng ta.
 
 
Lời Chúa kêu gọi : Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng vẫn mãi mãi là lời kêu gọi chúng ta vác thập giá mình mà theo Chúa, là coi thường mạng sống mình ở đời này, là trở thành hạt lúa chết đi để phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. 
 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi