Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
BUỔI GIÁO LÝ 04
Âm thanh
BÀI GIẢNG

THUỘC LÒNG

5.1(A) Ta sống Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thế nào?

            T. Ta phải luôn sống kết hợp với Chúa Giêsu nhờ tham dự Thánh Lễ hằng ngày, Ngài cho ta được hiệp thông cùng một sự sống với Ba Ngôi Thiên Chúa và hiệp nhất với đồng loại như Ba Ngôi Thiên Chúa cùng là Tình Yêu, là Thiên Chúa duy nhất.

 

GIẢI THÍCH

            1- “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).

            Loài người không ai là tình yêu ; họ chỉ có tình yêu. Và đã có là được nhận, có khi đánh mất. Tình yêu nơi Thiên Chúa vĩnh cửu và khác biệt tình yêu của bản tính con người với nhau. Kinh Thánh dùng ba động từ để diễn tả tình yêu :

-         Eros : Tình yêu làm thỏa mãn xác thịt.

-         Philein : Tình yêu bằng hữu tương quan giữa con người với nhau có qua có lại, dựa trên công bằng.

-         Agapê : Chỉ có Thiên Chúa là Agapê, động từ này diễn tả Thiên Chúa yêu loài người khác với loài người yêu nhau. Vì Thiên Chúa luôn ban ơn nhưng không cho loài người, Ngài không tìm lại sự đáp đền nơi loài người. Vinh quang của Thiên Chúa muốn lệ thuộc vào loài người, chỉ vì Ngài yêu họ, như Đức Giêsu nói : “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8).

            Vậy nơi loài người không ai có quyền nói : Tôi phục vụ vì yêu cách vô vị lợi. Bởi vì tôi phục vụ đồng loại, dù người anh em không biết ơn đáp đền, thì Thiên Chúa lại ban cho tôi ơn gấp bội so với điều tốt tôi đã làm cho anh em.

            2- Thánh Lễ Hội Thánh dâng mỗi ngày là cách Thiên Chúa biểu lộ tình yêu cao nhất để cứu loài người.

            Đức Giêsu nhắc lại Giới Răn Yêu quan trọng nhất : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12,30).

                  - “Yêu hết sức lực” : Đức Giêsu không đủ sức vác thập giá lên đồi Sọ, người ta phải nhờ đến người ngoại giáo là ông Simon thành Kyrênê mới ở ngoài đồng về vác đỡ thập giá cho Ngài (x Lc 23,26).

                  - “Yêu hết trí khôn” : Đức Giêsu say sưa trong việc phục vụ nhu cầu con người, thì lại bị chính những người trong gia tộc đến bắt Ngài lôi đi và nói với mọi người : “Ông này khùng điên rồi!” (x Mc 3,21) ; nhất là lúc Ngài bị đóng đinh treo trên thập giá, ai cũng cho Ngài là kẻ không bình thường, vì cứu được người khác mà không cứu nổi chính mình!? (x Mt 27,39t). Bởi thế mà thánh Phaolô nói : “Lời rao giảng thập giá đối với những kẻ đang hư đi là sự điên rồ” (1Cr 1,18a).

                  - “Yêu hết linh hồn” : Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, loài người trấn lột hết những gì Ngài có từ thân xác đến danh dự ; chỉ còn linh hồn của Ngài chúng không cướp mất được, và Ngài đã phó dâng hồn Ngài trong tay Chúa Cha (x Lc 23,46).

                  - “Yêu hết lòng” : Lính Roma thấy Đức Giêsu đã chết, chúng không đập gãy xương chân Ngài như hai tên trộm kia, nhưng chúng lấy giáo đâm thủng tim Ngài, nước và máu trong tim dốc ra hết, khơi nguồn các Bí tích, khai sinh Hội Thánh để cứu nhân loại (x Ga 19,34).

            Vậy “yêu hết sức, hết trí khôn, hết linh hồn, hết lòng” chính là lúc Đức Giêsu dâng Lễ trên đồi Sọ.

            Bởi thế mỗi ngày khi hiệp dâng Thánh Lễ, là ta thực hiện Lời Đức Giêsu kêu gọi hết mọi người : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Và đó chính là ta yêu Chúa và yêu đồng loại cách tuyệt đối, Thiên Chúa đáp lại tình yêu ấy là Ngài cứu ta cũng như những người được ta cầu nguyện cho, được ơn tha tội thoát tay tử thần, được sự sống dồi dào, như dòng chảy từ Chúa Cha đến Chúa Con, tuôn đổ xuống trên những người dự Lễ (x Ga 6,57).

            Chính vì vậy mà Đức Giêsu nói : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13), và Đức Giêsu truyền cho những ai muốn theo Ngài : “Thầy ban cho anh em một Điều Răn Mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Yêu như thế là chu toàn Lề Luật (x Gl 5,14).

            3- Mỗi khi hiệp dâng Thánh Lễ là ta được nhận quà tặng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì ở đâu có tình yêu, ở đó có quà tặng.

                  - Chúa Cha tặng ban Con Một Người cho thế gian, để nhờ Con Một Người mà thế gian được sống (x Ga 3,16).

                  - Chúa Con hiến tặng chính Ngài khi người Kitô hữu rước Lễ, sự trao tặng này nói lên Giao Ước bền chặt không thể hủy bỏ, khác nào vợ chồng trao thân cho nhau, thì giao ước Hôn Nhân của họ mới hoàn hợp, không thể xé bỏ.

                  - Chúa Thánh Thần ban tặng cho ta Lời Hằng Sống, cũng chính là Ngài, vì Đức Giêsu nói : “Lời tôi là Thần Khí và là Sự Sống” (Ga 6,63).

            4- Ba Ngôi Thiên Chúa bằng nhau về mọi điều thiện hảo, nhưng lại cùng vâng lời, cùng lệ thuộc, cùng cộng tác trong chương trình cứu chuộc loài người.

            Nhìn lại cộng đoàn ta đang dung thân, chẳng ai bằng nhau về mọi phương diện, thế mà có những kẻ tự mãn không cần đến nhau, không muốn lệ thuộc vào nhau, không muốn cộng tác với nhau, lại muốn bắt mọi người coi mình như chúa tể, thì làm sao có yêu thương và bình an?!

            Hãy nhớ rằng khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy, ai cũng được trở nên chi thể trong Thân Mình Chúa Giêsu. Thánh Phaolô dạy : “Mắt không có thể bảo tay : “Tao không cần đến mày” ; đầu cũng không thể bảo hai chân : “Tao không cần chúng mày.” Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất ; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12,21-26).

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang