Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Bên lề chuyến viếng thăm Anh



Báo chí Anh, thuộc bất cứ khuynh hướng nào, cũng đều cảm thấy cuộc viếng thăm của Đức Bênêđíctô tại Anh và Tô Cách Lan là chuyện đáng nói, đáng bàn luận. Ngoài việc tường thuật và nhận định cùng phê phán các diễn biến chính, họ không quên đề cập tới những chuyện bên lề có tính nhẹ nhàng của chuyến viếng thăm hay do chuyến viếng thăm này tạo ra.

Tiên tri “tri” hậu

Đầu tiên là bản tin của BBC với hàng tít: “Fears of a lukewarm - or hostile - reception in the streets of Edinburgh proved unfounded” (nỗi sợ về một cuộc đón tiếp hâm hấp, hay thù nghịch, trên đường phố Edinburgh đã được chứng minh là vô căn cứ). Bài báo cho hay: những đám đông đáng kính, thành tâm, dầy mấy hàng, đứng xếp hàng dọc theo các đường chính tại trung tâm thành phố, hoan hô vang dậy khi thấy giáo hoàng xa chạy ngang qua.

Cảnh sát ước lượng con số họ lên đến 125,000 người. Hàng trăm học sinh tham dự cuộc diễn hành nhân ngày lễ Thánh Ninian để chào kính Đức Giáo Hoàng. Các em đại diện cho 14 trường khắp Tô Cách Lan mang tên Ninian. Đây là người Tô Cách Lan đầu tiên được phong thánh cách nay 1,600 năm. Cuộc diễn hành được dẫn đầu bằng hàng trăm kèn ống (pipers) và hàng chục người ăn vận quần áo ngày trước.

Gia đình Devine quê vùng Fernieside, từng có mặt trong kỳ Đức Gioan Phaolô II viếng Anh năm 1982, giờ đây cũng hiện diện để nghênh đón vị kế nhiệm ngài. Con trai họ, Patrick Devine, năm nay 40 tuổi, cho hay: “chúng tôi tới đây vì chúng tôi đã có mặt ở đây năm 1982. Ngài đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, và đây là chuyến viếng thăm có tính lịch sử. Lần này người tham dự không đông như năm 1982, nhưng rất tốt cho thế hệ con em, rất tốt cho cả nước Tô Cách Lan. Đức Bênêđíctô XVI không bình dân như Đức Gioan Phaolô, đấng vẫn được coi là giáo hoàng của giai cấp lao động, nhưng thiển nghĩ phải dành cho ngài cơ hội”.

Nữ tu Francis, tới đây với chị em cùng Đan Viện Cát Minh ở Fife, cho hay chuyến viếng thăm này chắc chắn sẽ góp phần mang các tín ngưỡng lại với nhau. “Tôi rất phấn khích và thấy mình may mắn được tới đây để nghênh đón và ủng hộ ngài. Tôi cho rằng đây là một ơn phúc, bất luận bạn có nhận thấy điều ấy hay không. Nó sẽ cải thiện các liên hệ giữa Giáo Hội và nhà nước cũng như với các tôn giáo khác”.

Đức cha Barry Morgan, Tổng giám mục Wales, người được gặp Đức Giáo Hoàng khi ngài vừa đặt chân tới Edinburgh, nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng “rất muốn giảng hòa và nhấn mạnh tới vai trò của tôn giáo”.

Số người phản đối chỉ vào khoảng 150 người. Họ đại diện cho các nhóm đồng tính luyến ái và một số giáo phái khác. Một trong các biểu ngữ của họ viết: “Hãy ngưng việc che chở các linh mục ấu dâm” và “Áo mưa cứu mạng người”. Người tổ chức cuộc phản đối, Mike Williamson, 21 tuổi, nói rằng anh ta không đồng ý dành cho Đức Giáo Hoàng tư cách quốc khách vì những chống đối có tính kỳ thị của ngài đối với việc dùng áo mưa, hay việc can thiệp vào quyền sinh đẻ của phụ nữ cũng như gương xấu do việc lạm dụng tình dục gây ra.

Tờ The Guardian thì cho hay ngay khi giáo hoàng xa vừa rời điện của Nữ Hoàng, mầu sắc Tô Cách Lan đã bừng nở khắp chốn. Vừa thấy chiếc xe và hình bóng vị giáo hoàng khoác tấm khăn len, các em học sinh trường Thánh Phêrô ở Aberleen đã vang lên lời tung hô, tay vẫy cờ lia lịa. Dậy từ 5 giờ sáng, các em chen chúc leo lên xe buýt lúc rạng đông để vượt qua đoạn đường dài 130 dặm hướng về phía nam. 5 tiếng đồng hồ sau, các em hân hoan ra mặt, cười cười nói nói trước ống kính truyền hình, trước khi được xếp hàng dọc theo con phố chính. Claire Richard, 11 tuổi, ăn nói nhỏ nhẹ, cho hay: “dạ, điều đặc biệt: đây là lần đầu tiên em được gặp một đức giáo hoàng. Ngài đâu có tới đây mỗi ngày, cả mỗi năm cũng không nốt”. Điều đáng nói hơn nữa là mặc dù Aberdeen có kích thước và danh tiếng, nhưng ở đấy chỉ có 3 trường tiểu học Công Giáo và không có một trường trung học Công Giáo nào. Jo Martin, hiệu trưởng trường Thánh Phêrô, phát biểu: “Từ nay trở đi, bất cứ khi nào nghe nói tới Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, các em sẽ nhớ là đã hiện diện ở đây. Đây cũng là một cơ hội giúp các em gặp các học sinh của các trường Công Giáo khác, nhờ đó đồng hóa với di sản của mình”. Đây quả là một ngày lịch sử để người Công Giáo mừng vui, bất chấp gương mù gương xấu do nạn lạm dụng tình dục gây ra và tư cách thiểu số của họ trong một xã hội ngàng càng bị thế tục hóa.

Không khí ngày hội càng rõ hơn tại công viên Bellahouston ở Glasgow. Một đám đông từ 60 tới 70 ngàn người, tay cầm cờ Tô Cách Lan và cờ vàng trắng của Tòa Thánh, lũ lượt kéo nhau tới đó, bất chấp gió lạnh cuối thu. Họ đứng chật vườn cỏ dài hơn hai dẫy phố, nghiêm chỉnh như đạo quân trung cổ sẵn sàng chờ tướng tư lệnh tới.

Họ bắt đầu tới đó từ lúc 9 giờ 30 sáng, từng nhóm nhỏ, khệ nệ với ghế xếp và áo mưa. Đến trưa, thì họ tới từng trăm, đứng đầy dọc theo Mosspark Boulevard. Trẻ có, già có, người tàn tật cũng có; người Tô Cách Lan, người Ấn Độ, có cả người Phi Luật Tân. Họ mang cờ, biểu ngữ đầu chít khăn có hình giáo hoàng, ai cũng vui dưới ánh nắng mặt trời và bầu không khí ngày hội. Chẳng ai lưu ý tới hàng giờ chờ đợi hay nối đuôi.

Cuối cùng, khi thấy vị giáo hoàng tóc trắng xuất hiện, đám đông bừng lên tiếng hoan hô và khi xe của ngài làm đến vòng thứ hai trong công viên, thì không còn ai bình thản, họ tuôn đến hàng rào để hoan hô ngài, khiến nhân viên an ninh phải yêu cầu tự chế.

Michael Fox, 18 tuổi, một thừa tác viên Thánh Thể tại Trường Thánh Aloysius ở Glasgow, cho hay: “Tôi đi chứng kiến một điều chỉ xẩy ra một lần. Tôi ở đây để cảm nghiệm, để may mắn được là thành phần của cộng đồng vĩ đại này”. Vì theo anh, anh biết nhiều người vẫn cho thánh lễ là một cơ hội để nối kết với Giáo Hội.

Đúng như Zenit nhận định: tại Tô Cách Lan, các đe dọa biểu tình phản đối đã trở thành số không. Trừ một số quá nhỏ tại phố Princes, không một biến cố nào khác đã diễn ra. Thay vào đó, một đám đông vĩ đại và sống động đã tụ họp nhau tại Công Viên Bellahouston, để tham dự Thánh Lễ ngoài trời vào buổi tối. Ước lượng có từ 70,000 tới 100,000 người, chật ních công viên.

Biểu ngữ, ăn ngoài trời, ca hát và nhảy múa

Tờ Daily Mail, ngày 19 tháng 9 thuật lại khung cảnh ngày hội của chuyến viếng thăm. Theo tờ báo này, ngay từ sáng sớm từ khắp nơi trên đất Đại Anh (Britain), hàng ngàn người lũ lượt kéo nhau tới để được gặp Đức Giáo Hoàng. Một số nhằm hướng Nhà Thờ Chánh Tòa Westminster. Số khác kéo tới phía nhà dành cho người cao niên tại Vauxhall. Nhiều người khác lại thích tới Mall hơn để được thấy ngài trong giáo hoàng xa. Nhưng nhiều hơn cả là hướng Hyde Park, 80 ngàn người tất cả. Họ tới đó để tham dự buổi canh thức với Đức Giáo Hoàng.

350 mẫu Anh đất công viên tại Trung Tâm Luân Đôn này luôn duy trì được ý nghĩa đại kết hết sức đặc biệt của nó. Khởi thủy, nó vốn là sở hữu của các đan sĩ Westminster, cho tới ngày bị Henry VIII chiếm hữu vào năm 1536. Từ đó, nó trở thành địa điểm dựng máy chém, sản sinh ra rất nhiều vị tử đạo cả Công Giáo lẫn Anh Giáo.

Buổi canh thức hôm nay có ý định biểu tượng hóa một thời điểm hòa giải. Tuy nhiên, nó cũng là nguyên cớ để người ta mừng vui, đại hội. Đến trưa, thì đoàn người nhấp nhô như rồng rắn gồm đủ già trẻ, lớn bé, linh mục, nữ tu bắt đầu tuốn vào công viên, trước Đức Giáo Hoàng cả mấy tiếng đồng hồ.

Họ được phân phát những cuốn hướng dẫn chi tiết cho biết phải làm gì và không nên làm gì trong chuyến hành hương thời hiện đại này. Họ có thể mang theo chăn, gối, nệm quì cầu nguyện, cũng như biều ngữ, cờ quạt. Hàng ngàn người vẫy cờ Vatican, biến công viên thành một đại dương vàng trắng. Có những biểu ngữ rất mộc mạc: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng con yêu Đức Thánh Cha hơn Đậu Trên Bánh Nướng (beans on toast)”. Nhưng rượu, còi và đồ bằng thủy tinh đều bị cấm. Nhiều khách hành hương còn được lưu ý là mức âm thanh có thể vượt quá 96 decibels.

Có tường trình cho hay 118 nhân viên cứu thương sẵn sàng túc trực cùng với 12 nhân viên y tế cỡi xe đạp vòng quanh, nhưng không có biến cố nào đáng kể xẩy ra.

Quả là một bầu khí ngày hội, với nhiều nhóm hành hương ca vang bài “One Body, One Bread” hay “Shine, Jesus Shine”. Có người hứng chí ví nó như một thứ đại nhạc hội ngoài trời (Glastonbury) với Chúa hiện hiện! Âm nhạc, ca múa, diễn văn và cầu nguyện vang vọng khắp buổi chiều. Có những gia đình ngồi ăn ngoài trời dưới ánh nắng, hàng dẫy xe đò chở bạn bè từ khắp các giáo xứ Đại Anh. Nhiều người rời nhà từ sáng tinh mơ để kịp dự “buổi chung kết” vào ngày thứ ba của chuyến viếng thăm Anh. Có những người đến từ những vùng đất ở bên ngoài Đại Anh nữa.

Trên khán đài vĩ đại đang diễn ra một chương trình gồm ca nhạc, các bài đọc và những vở kịch ngắn cũng như những lời cầu nguyện và suy gẫm, do Carol Vorderman, một xướng ngôn viên truyền hình, và Frank Cottrell-Boyce, một nhà văn, điều hợp. Trong số các trình diễn viên, người ta nhận ra nhiều ca đoàn địa phương, em học sinh Liam McNally, một tài năng sáng chói về âm nhạc vừa được khám phá, và cả nhóm “The Priests” nổi danh của Bắc Ái Nhĩ Lan. Ba linh mục của nhóm, được thụ phong đã hơn 20 năm nay, năm 2008 được hãng Sony khám phá ra tài năng và từ đó trở thành nổi tiếng quốc tế. Những lúc rảnh rỗi mục vụ, các ngài lên đường chu du thế giới để trình diễn âm nhạc thánh. Bên cạnh đó, có lời chứng cảm động của một thanh niên vô gia cư, được một nhà trọ (hostel) Công Giáo cung cấp nơi ăn chốn ở. Anh không phải là người Công Giáo nhưng muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những người sẵn sàng giúp đỡ anh trong hoàn cảnh vô vọng.

Đúng 5 giờ 30, đám đông bỗng im lặng như tờ khi Barry và Margaret Mizen xuất hiện trên khán đài. Jimmy, đứa con trai 16 tuổi của họ, từng làm cậu bé giúp lễ, trước đây bị đâm một phát chết tươi tại lò bánh gần nhà ở Lee, phía đông nam Luân Đôn vào tháng 5 năm 2008. Họ nói về niềm tin của họ với một sức mạnh dịu dàng khiến người ta vừa cảm hứng vừa thấy mình nhỏ mọn. Rồi cả cử tọa bỗng vỗ tay hoan hô rầm rộ khi màn hình chiếu lên khuôn mặt cậu bé và tiếng Margaret Mizen cho hay bà mong có một tương lai trong đó không một người trẻ nào “bị lấy mất khỏi tay chúng ta”.

Một số cơ quan từ thiện, như Cafod và Trung Tâm Hồng Y Hume, chuyên chăm lo những người vô gia cư tại Luân Đôn, cũng đem nhiều nhóm tới công viên. Cathy Corcoran, người trông nom Trung Tâm Hume, phát biểu: đối với những người thông thường vốn chẳng có gì, ‘thì một biến cố như thế này chắc chắn sẽ biến đổi họ’.

Bên ngoài công viên, chừng 10,000 người đang diễn hành chống lại cuộc viếng thăm chính thức của Đức Giáo Hoàng. Chắc họ khó có thể nhất trí với quan điểm của Corcoran. Nhưng bên trong công viên, thì tất cả khối 80,000 người đang tụ họp kia hẳn đều nhất trí với cô. Ngay những người ấy cũng phải ngạc nhiên về thành quả của chuyến viếng thăm. Nó là sự tổng hợp diệu kỳ của cả trang trọng, nghi lễ lẫn thân mật phi nghi thức. Trang trọng huy hoàng nào bằng nghi lễ đón chào của Nữ Hoàng tại lâu đài Holyrood, và sau đó là không khí lễ hội với cuộc diễn hành nhân ngày lễ Thánh Ninian tại Edinburgh và Thánh Lễ tại Glasgow với giọng hát tuyệt vời của Susan Boyle, người con gái của Tô Cách Lan. Và rồi những hình ảnh lịch sử ngoại thường tại Đại Sảnh Westminster và Đan Viện cùng tên… Nhưng hôm 18, sự tương phản rõ nét hơn hết với Thánh Lễ huy hoàng tại Nhà Thờ Chính Tòa Westminster, huy hoàng như chưa từng có, nhưng sau đó là cuộc gặp gỡ với giới trẻ ở bên ngoài Nhà Thờ Chính Tòa và với người cao niên tại viện Thánh Phêrô và sau cùng với hàng ngàn gia đình tại Hyde Park. Trước đó, chưa một vị giáo hoàng nào đã vượt qua ngưỡng cửa Đan Viện. Chưa một vị giáo hoàng nào đã thăm Anh chính thức; và Hyde Park cũng chưa bao giờ có được một cuộc nghinh đón đông đảo như vậy. Biểu ngữ, cờ Tòa Thánh, Cờ Liên Hiệp (Union Jacks) được đồng loạt vẫy lên hân hoan rạng rỡ.

Đúng 6 giờ 40 tối, cả công viên chìm vào thinh lặng khi Đức Giáo Hoàng xuất hiện trên màn hình. Mặt trời dần khuất giữa lúc ban nhạc trổi bài Messiah của Handel. Rồi thì sự phấn khích lên đến tột đỉnh khi giáo hoàng xa từ từ tiến vào công viên. Vị giáo hoàng mỉm cười được hàng ngàn máy ảnh bấm lia lịa. Họ xô đến, hô vang tên ngài. Rồi ngài lên khán đài chính chủ tọa buổi canh thức với chủ đề “Cor ad cor loquitur” (Lòng nói với lòng). Cử tọa đã chuẩn bị dự buổi canh thức này bằng những bài suy niệm về tầm quan trọng của việc phục vụ xã hội. Khi đức giáo hoàng tham dự với họ, họ hướng qua chủ đề tạ ơn vì hồng ân được hoà hợp nhịn nhàng với các anh em Kitô hữu khác, vì quà phúc Henry Newman và các suy niệm về Chúa Kitô. Bóng tối bỗng trùm phủ, nhưng rồi ánh nến đã lóe lên khắp công viên giống những vì sao lấp lánh trên bầu trời, và cả 80,000 con người bỗng cất lên tiếng hát.

Trong cuộc viếng thăm lần này, có lúc đức giáo hoàng tỏ ra mệt mỏi, nhưng những cuộc gặp gỡ với người dân thường, nhất là với giới trẻ và giới cao niên, đã làm ngài tươi tỉnh hẳn lại. Ngài rời Hyde Park lúc 8 giờ 15 tối, trễ hơn chương trình dự liệu một tiếng đồng hồ.

Ngài đi rồi, không khí lễ hội vẫn chưa chấm dứt. Các linh mục hân hoan hòa mình với các thiếu niên đang vẫy biểu ngữ. Và rồi giọng đơn ca nam trổi lên với bài “Nunc dimitis” (xin để con ra đi) trích từ Sách Cầu Nguyện Chung (1662), nhưng được nhiều người biết hơn như là bản nhạc kết thúc cuốn phim phóng tác truyện Tinker, Tailor, Soldier, Spy của John Le Carrer. Và vì thế, nhiều người bảo đây là buổi nhạc hội dân ca chứ không hẳn một buổi nhạc hội giáo hoàng (chơi chữ giữa pop concert pope concert).

Một phép lạ nhỏ

Tờ Daily Mail cũng tường thuật một phép lạ nhỏ xẩy ra tại Đại Sảnh Westminster, nơi đức giáo hoàng đọc diễn văn trước các chính khách, các nhà làm văn hóa và nhiều lãnh tụ khác, trong đó có đủ bốn vị cựu thủ tướng Anh. Đó là việc Cherie Blair ôm hôn địch thủ cũ của chồng mình là Gordon Brown.

Kể từ ngày Tony Blair xuất bản cuốn tự thuật, trong đó, ông cực lực chỉ trích người kế nhiệm mình, thì đây là lần đầu tiên, hai cựu thủ tướng Lao Động của Anh gặp nhau. Nhiều người lo ngại rằng cuộc gặp gỡ này sẽ là một cuộc gặp gỡ hết sức lúng túng. Vì trong cuốn tự thuật của mình, Tony Blair mô tả Gordon Brown như điên loạn (madenning) và mối tương quan giữa hai người hết sức khó khăn. Dù Gordon Brown quả quyết: hai người vẫn coi nhau như bạn, nhưng bạn hữu của ông rất giận dữ và bác bỏ các nhận định của ông Blair. Người ta còn đồn rằng có lúc ông Brown đã muốn từ chối lời mời tham dự buổi nghinh tiếp Đức Giáo Hoàng tại Đại Sảnh Westminster. Nhưng có lẽ vì ngoại giao mà ông vẫn phải đến chăng, dù sao ông cũng là người đã chính thức mời Đức Giáo Hoàng sang thăm Anh?

Chuyện lạ là hai người đã bắt tay và nói chuyện thân mật với nhau. Và lạ hơn nữa là Cherie Blair đã đi bước trước bằng cách ôm hôn Gordon, khiến ông này bỡ ngỡ và nhiều người khác tán thưởng. Một nhân chứng phát biểu: “Họ như hai anh em tranh chấp luôn gấu ó với nhau, nên thấy họ làm hòa quả là điều tốt, dù sao cả hai đều có hậu cảnh tốt về Kitô giáo”. Thấy Cherie ôm hôn Gordon, người ta hy vọng họ sẽ hết thù hận và việc này là việc thành thật. Tuy nhiên, chuyện còn dài, chưa biết kết cục sẽ ra sao. Có điều Tony và Gordon nói chuyện với nhau rất lâu. Thực tế là Gordon chỉ chuyện trò với Tony Blair và Harriet Harman (lãnh tụ Lao Động) chứ không chuyện trò với ai khác.

Bất chấp trời mưa

Cũng tờ Daily Mail cho ta hình ảnh sau cùng về đám đông nghinh đón Đức Thánh Cha tới chủ tọa lễ phong chân phúc cho Đức Hồng Y Newman. Khoảng 50,000 người chen chúc nhau tại Cofton Park, thuộc thành phố Birmingham, trong dịp này, dù dưới trời mưa. Số người tham dự ít hơn các biến cố đại chúng trước có lẽ vì đây là biến cố duy nhất mà người tham dự cần có vé mời trước. Tuy nhiên bầu khí lễ hội thì vẫn là một.

Sherry Franklin, 50 tuổi, quê ở Long Ashton, vùng Bristol, đến đây tham dự Thánh Lễ cùng với chị là Irene Cox, 52 tuổi, mắc bệnh tiểu đường kinh niên. Bà cho hay: “được hiện diện với Đức Giáo Hoàng và nhiều người Công Giáo như thế này quả là một giấc mơ đã thành sự thực. Tôi có bà chị bệnh nặng. Mong ước lớn nhất của chị là một ngày kia được thấy Đức Giáo Hoàng. Được ở với chị và thấy mong ước của chị trở thành sự thực quả là điều tuyệt diệu”.

David Paton, 44 tuổi, giáo sư kinh tế tại Đại Học Nottingham, phát biểu: “Đối với người Công Giáo, việc Đức Giáo Hoàng tới xứ sở ta quả là một biến cố lớn, nên chúng tôi không thể để lỡ cơ hội được thấy ngài. Tôi đã được thấy Đức Giáo Hoàng trước tại Cardiff lúc trẻ tuổi hơn. Đây quả là cơ hội một đời chỉ có một lần đối với tôi”.

Nina Watson, 52 tuổi quê ở Streatham, Nam Luân Đôn, cho rằng mình rời nhà rất sớm để đáp xe buýt từ Thủ Đô tới đây. Bà bảo Đức Giáo Hoàng là người “tuyệt diệu và gây nhiều cảm hứng” trong suốt thời gian thăm viếng Anh. “Ngài rất minh bạch, và đề cập tới tình yêu và việc tìm kiếm Thiên Chúa. Ngài hoàn toàn tuyệt vời”.

Như thường lệ, trước Thánh Lễ, giáo hoàng xa đã lượn quanh Công Viên, được toàn thể cộng đoàn hoan hô vang dậy với những biểu ngữ như “Trăm phần trăm Công Giáo” và tiếng hô “Chúng con yêu mến ngài, thưa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô”.

Thủ tướng David Cameron đã thay mặt mọi người mà cho rằng quả là một kinh nghiệm cảm động khi được ở Đại Anh trong dịp này. Ông cám ơn Đức Thánh Cha đã thúc đẩy Đại Anh “ngồi thẳng lên và suy nghĩ”. Phần mình, trước khi lên máy bay trở lại Vatican, Đức Bênêđíctô XVI cám ơn mọi người về sự nồng ấm của cuộc nghinh đón. “Trong thời gian ở với các bạn, tôi đã có dịp gặp gỡ đại diện của nhiều cộng đồng, của nhiều nền văn hóa, của nhiều ngôn ngữ và tôn giáo từng tạo thành xã hội Đại Anh. Chính tính đa dạng của Đại Anh hiện đại đã là một thách thức đối với chính phủ và nhân dân Nước này, nhưng cũng là một cơ hội lớn lao để đẩy mạnh cuộc đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo nhằm làm phong phú thêm toàn diện cộng đồng của các bạn”.

Vũ Văn An
VietCatholic News (20 Sep 2010 00:32)

Lên đầu trang