Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Vatican: Cuộc viếng thăm Anh quốc của Đức giáo hoàng là một thành công







BIRMINGHAM, Anh quốc (Tin của AP) – Hôm qua, Chủ nhật, Tòa thánh Vatican tuyên bố rằng cuộc viếng thăm nước Anh 4 ngày của Đức giáo hoàng Benedict XVI là “một thành công lớn”, vì vị giáo chủ này đã có thể vươn tới được với một dân tộc đang dò chừng sứ điệp của ngài và tức bực vì tai tiếng gây ra bởi lạm dụng tính dục trong giáo hội của ngài.

Ngày chót cuộc thăm viếng, vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày xảy ra trận chiến tại Anh, ĐGH Benedict đã khen ngợi những hoạt động anh dũng của người Anh chống chế độ Phát xít, và ngài cũng đã chuyển một công dân Anh quốc gần hơn tới giai đoạn được tuyên thánh.

Người phát ngôn của Tòa thánh, linh mục Federico Lombardi, nói rằng điều quan trọng không phải là những con số -- vì đám đông tập hợp trong dịp này nhỏ hơn nhiều so với cuộc thăm viếng của Giáo hoàng Gioan Phaolô II năm 1982 – tuy nhiên, lời cảnh báo của Benedict về hiểm họa của một xã hội không ngừng tục hóa đã được người dân Anh tiếp nhận “bằng mối quan tâm sâu xa”.

Quả vậy, thông tin trong những ngày này của giới truyền thông Anh thật đáng kể vì tính nghiêm túc, khi các báo và truyền hình đề cập đến thông điệp của Benedict, và các đài truyền hình cho truyền đi trực tiếp gần như hầu hết các bài diễn từ của ngài, các Thánh lễ ngài cử hành và những hoạt động cố khác.

Cha Lombardi tuyên bố với các phóng viên: “Mọi người đều đồng ý về sự thành công lớn lao, không phải về phương diện những con số, nhưng… về sự kiện là thông điệp của Đức giáo hoàng đã được giáo dân trân trọng và vui mừng tiếp nhận.”

Thủ tướng Anh, ông David Cameron, trong bài diễn từ tiễn biệt trước khi Benedict rời nước Anh, nói rằng Đức giáo hoàng đã “thách đố cả đất nước hãy ngồi lên và suy nghĩ, và đó là một điều tốt.”

Đồng thời dường như ông cũng đồng ý với luận điểm của Đức giáo hoàng rằng tại Anh quốc, tình trạng thế tục hóa đang càng ngày càng gia tăng.

Ông tuyên bố những lời này trước khi Đức giáo hoàng rời phi trường Birmingham: “Đức tin là một phần trong tấm vải dệt nên đất nước chúng ta. Đã là như thế và sẽ luôn luôn là như thế.” Đêm khuya ngày Chủ nhật Đức giáo hoàng đã về đến Roma.

Điều đó chắc là bằng chứng rõ rệt vào hôm Chủ nhật, khi Benedict tuyên phong Chân phước cho Hồng y John Henry Newman trước hàng chục ngàn tín hữu, những người phải trả 25 đồng bảng Anh (hay 39 mỹ kim) để được tham dự. Đây là lần đầu tiên khách hành hương được giáo hội địa phương yêu cầu trả tiền để được thấy Đức giáo hoàng.

(Ghi chú của người dịch: Tiền đóng góp này là để giúp cho giáo hội địa phương trang trải chi phí tổ chức buổi lễ, và một phần cũng để giúp cho các tín hữu không đủ khả năng đóng góp có thể tham dự được.)

Newman là một người Anh giáo sống ở thế kỷ 19 trở lại theo Công giáo, được tôn vinh trong một Thánh lễ cử hành ngoài trời tại Birmingham, đây là đỉnh cao tinh thần trong cuộc tông du của ĐGH Benedict. Nhà thần học Newman rất có ảnh hưởng ở cả hai giáo hội – Anh giáo và Công giáo – và Benedict muốn đặt người làm tấm gương cho các tín hữu, vì người đã vâng phục lương tâm của mình bất chấp phải trả giá cao.

Vậy mà Benedict đã mở đầu bài giảng thánh lễ bằng một tưởng niệm rất khác biệt nhưng không kém buốt nhói đối với một vị giáo hoàng người nước Đức trên đất Anh: kỷ niệm 70 năm ngày xảy ra Trận chiến Anh quốc, khi các máy bay ném bom Quốc xã Đức tấn công nước Anh trong Thế chiến II.

Benedict tuyên bố trước đám đông tham dự thánh lễ: “Đối với tôi, một người đã sống và đã khổ đau trong những ngày đen tối của chế độ Quốc xã tại nước Đức, tôi thật cảm động sâu xa được tới đây với các bạn vào dịp này, và được nhắc nhớ lại biết bao nhiêu đồng bào của các bạn đã hy sinh mạng sống, dũng cảm chống lại các lực lượng của ý thức hệ xấu xa đó.”

Tưởng cũng nên nhắc lại là Benedict đã bị bó buộc phải gia nhập vào Đoàn Thanh niên Hitler và phục vụ trong quân đội, nhưng đã đào ngũ vào lúc Thế chiến II gần kết thúc. Trước đây ngài đã nói đến sự xấu xa của chế độ Quốc xã, như ở trại tử thần Auschwitz (Ba lan), hoặc tại đài tưởng niệm Diệt chủng Yad Vashem (Do thái), nhưng không đề cập đến kinh nghiệm cá nhân của mình là một người Đức đã sống qua thời gian đó.

Thánh lễ này là hoạt động lớn sau cùng trong chuyến tông du của Benedict. Ngài cũng một lần nữa xin lỗi về tai tiếng lạm dụng tính dục, đã gặp các nạn nhân, và khen ngợi hàng giám mục Anh đã hành động đáp ứng với những vụ đó.

Ngài cũng đã tìm cách làm giảm đi mối căng thẳng với Giáo hội Anh giáo bằng cuộc viếng thăm lịch sử tới Tu viện Westminster, là thủ phủ của Giáo hội Anh giáo. Ngài bảo các giám mục nên “rộng rãi” khi để cho tín đồ Anh giáo cải đạo theo Công giáo.

Năm ngoái, Đức giáo hoàng bất ngờ ngỏ lời mời gọi người Anh giáo gia nhập “giáo quyền thể nhân” mới, tức là họ có thể trở lại đạo Công giáo nhưng vẫn giữ một số những di sản về phụng tự của Anh giáo. Lời mời gọi này được dư luận rộng rãi coi như là nỗ lực của Vatican nhằm chiêu dụ người cải đạo mặc dầu Roma nhấn mạnh rằng đó chỉ là một đáp ứng mục vụ đối với những yêu cầu của người Anh giáo muốn gia nhập Công giáo.

Hôm thứ Bẩy đã có cuộc biểu tình phản đối Benedict lớn nhất tính từ 5 năm triều đại giáo hoàng: khoảng 10 ngàn người diễn hành chống đối ở trung tâm Luân đôn, chống các chính sách của ngài về luyến ái đồng giới, ngừa thai và phẫn nộ bởi tai tiếng lạm dụng tính dục của giáo sĩ.

Tờ báo khuynh tả The Independent trong số ra ngày Chủ nhật có một hàng tít lớn ở trang nhất: “Người Công giáo nói với Giáo hoàng: Ngài lầm”. Báo này cũng cho chạy một bản thăm dò cho biết cứ 10 người Công giáo Anh thì có 7 người tin là một người đàn bà có quyền lựa chọn phá thai, và 10 người thì có 9 ủng hộ các biện pháp ngừa thai hiện đang có sẵn khắp nơi.

Thế nhưng lại có đến hơn 100 ngàn người vui vẻ sắp hàng dọc theo các phố xá ở Luân đôn để coi Đức giáo hoàng đi qua trên chiếc xe Popemobile của ngài đêm thứ Bẩy vừa qua, và 80 ngàn người khác tụ tập tại Hyde Park trong buổi kinh chiều, trái với những con số đáng kể cho thấy sự thờ ơ và thù nghịch không úp mở trước cuộc thăm viếng, và sự kiện là người Công giáo chỉ chiếm 10% số dân Anh quốc.

Và một đe dọa được cho là khủng bố chống giáo hoàng, đưa đến kết quả 6 người bị bắt vào hôm thứ Sau, nhưng coi như đã xẹp hơi. Cơ quan Scotland Yard đã thả những người này ngay đêm đó và không kết án.

Benedict đã gọi Newman là một “công dân Anh thánh thiện” trong số các thánh nhân người Anh khác, đây là dấu chỉ Newman chẳng bao lâu nữa sẽ được tuyên thánh và trở thành một tiến sĩ của giáo hội – danh vị này chỉ dành cho một số ít các nhà tư tưởng lớn người Công giáo như Thánh Tôma Aquinô và Thánh Têrêxa thành Lisieux.

Benedict đã khen ngợi Newman về các tác phẩm của người, đặc biệt là viễn tượng của người về nền giáo dục Công giáo.

Lời Benedict: “Người đã tìm cách thành toàn một môi trường giáo dục trong đó có sự huấn luyện tri thức, kỷ luật luân lý và cam kết tôn giáo kết hợp với nhau.”

Đức giáo hoàng mở đầu bài giảng thánh lễ bằng lời đề cập đến những cuộc oanh tạc dữ dội gọi chung là Blitz, đang được tưởng niệm trong những ngày này. Đây là lần thứ hai trong cuộc tông du, vị giáo hoàng sinh trưởng tại Đức đã nói đến trận chiến đó. Ngài tuyên bố:

“Bẩy mươi năm sau, chúng ta tủi hổ và kinh hoàng nhắc lại con số thương vong về chết chóc và tàn phá mà trận chiến tranh này khi vừa bùng phát đã gây ra, và chúng ta đổi mới quyết tâm hoạt động cho hòa bình và hoà giải ở bất cứ nơi nào có mối nguy cơ về xung đột xuất hiện”.

Birmingham là căn cứ sản xuất chiến đấu cơ Spitfire, dùng làm công cụ đánh bại những trận oanh tạc Blitz của Quốc xã. Thành phố này được cho là bị đánh bom nặng nề nhất, chỉ sau Luân đôn. Ở khu vực Coventry kế cận, cuộc không tập ngày 15 tháng 11 năm 1940 đã phá hủy 43 ngàn căn nhà, làm hư hại 3 phần tư các cơ xưởng và phá sập ngôi nhà thờ chính tòa Anh giáo thời trung cổ.

Cuộc tuyên phong chân phước hôm Chủ nhật là nghi lễ đầu tiên Benedict thực hiện. Theo luật lệ ngài ban hành, giáo hoàng không cử hành lễ tuyên chân phước mà chỉ tuyên thánh. Sự thay đổi này là một cử chỉ đáng chú ý nhấn mạnh đến quan điểm của Benedict coi Newman là một gương mẫu cần yếu vào thời điểm mà Kitô giáo đang trên đà suy yếu ở châu Âu.

Nguồn: Victor L. Simpson and Robert Barr / Associated Press.

Phụng Nghi

VietCatholic News (20 Sep 2010 08:30)
Lên đầu trang