Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT III PS / A: CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH

 CN III PS / A

Bài đọc 1 : (Cv 2 :14,22-33)

Bài đọc 2 : (1 Pr 1:17-21)

Tin Mừng : (Lc 24:13-35)

 

Sau cái chết của Thầy Giêsu, các môn đệ sống trong tình trạng hoang mang , thất vọng. Giấc mơ của họ về một Đấng Mêsia sẽ cứu chuộc Ítraen, nay đã đổ vỡ tan tành. Trong số mười một môn đệ, có hai người đã rời bỏ anh em để về làng Emmau cách Giêrusalem chừng mười một cây số.

 

Họ vừa đi vừa nói về cái chết của Đức Giêsu, về tất cả những gì vừa xảy ra. Họ nhìn cái chết của Ngài dưới nhiều góc cạnh, nhưng vẫn không thể hiểu được. Một Đấng Mêsia  mà lại chịu xỉ nhục, chịu đóng đinh và đã chết trên thập giá như thế ư! Cuộc trở về Emmau của hai môn đệ tương tự người đã đánh mất niềm tin.

 

Trên đường đi, tình cờ họ gặp một người khách lạ mà thánh Luca cho biết: “ Chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.”  Sự hiện diện của Đấng Phục sinh khác với sự hiện diện của Đức Giêsu  tại Nadarét. Đây là một sự hiện diện mới mẻ, chỉ có được tỏ hiện với con mắt đức tin. Thiên Chúa đang  cùng đồng hành với chúng ta để lắng nghe nỗi lòng của con người: “ Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy.” Sau khi thuật lại những biến cố đã xảy ra tại Giêrusalem  về cái chết và tin đồn về sự sống lại của “một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân”. Rõ ràng niềm tin và sự hiểu biết về Đấng Mêsia của họ còn non yếu.

 

Chỉ đến khi hai môn đệ nói xong, người khách lạ ấy mới lên tiếng chê trách hai ông: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí của các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Người khách lạ khai mở tâm trí họ để họ nhìn vào Kinh Thánh bằng một cái nhìn mới, hướng dẫn họ về việc các ngôn sứ đã loan báo trước về Đấng Mêsia sẽ chịu đau khổ và chịu chết thế nào để rồi đi vào vinh quang ra sao. Cái chết của Đức Giêsu không phải là kết thúc một giấc mơ, nhưng  là để làm trọn lời Kinh Thánh.

 

Khi gần tới làng họ muốn đến, người khách lạ làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép người khách lạ : “ Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn.”  Khi ngồi đồng bàn với họ, người khách lạ cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và nhận ra Đức Giêsu, nhưng Ngài đã biến mất. Điều chính yếu đã đến với hai môn đệ trên đường Emmau là niềm tin rằng Đức Giêsu yêu thương họ. Chính niềm tin này làm cho tâm hồn họ bừng cháy như lời họ đã xác nhận: “ Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

 

Chỉ một người khách lạ trên đường Emmau, nhưng hai môn đệ lại nhìn với hai cái nhìn khác nhau. Với con mắt trần tục, hai ông chỉ nhìn người đồng hành với mình là một người khách lạ; nhưng sau khi được người khách lạ giải thích Kinh Thánh, hướng dẫn họ nhìn Đấng Kitô bằng một cái nhìn mới và được thấy lại những cử chỉ Đức Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly, bằng con mắt đức tin họ đã nhận ra người khách lạ là Đức Giêsu Phục sinh. Từ những người đánh mất niềm tin bằng thất vọng, Đức Giêsu Phục sinh đã hướng dẫn họ  đến niềm tin bằng hy vọng.

 

Khi nhận ra người khách lạ chính là Thầy mình, bất kể đường dài mệt nhọc, “ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem gặp nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.” Họ đã trở lại với cộng  đoàn. Họ được tái sinh trong đức tin trong cộng đồng huynh đệ. Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau là bản lược đồ hay khuôn mẫu của Bí tích Thánh Thể: Phụng vụ Thánh Thể theo sau Phụng vụ Lời Chúa

 

Cuộc sống của mỗi người Kitô hữu hôm nay cũng có những lúc mang tâm trạng như hai môn đệ trên đường đi Emmau do những nỗi tuyệt vọng, thất bại, buồn phiền, đau khổ. Đức Giêsu sống lại luôn đồng hành với chúng ta và lắng nghe chúng ta trong cuộc hành trình này.

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi