Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM C - SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU

LỄ CHÚA BA NGÔI

Bài đọc 1 : (Cn 8:22-31).

Bài đọc 2 : (Rm 5:1-5).

Tin Mừng : (Ga 16:12-15)

 

Một môn đệ rất muốn từ bỏ mọi sự, nhưng anh ta nói rằng gia đình quá yêu thương anh nên không thể cho anh ra đi được. Sư phụ của anh nói: “Yêu thương à? Đó không phải là yêu thương đâu.” Rồi Sư phụ tiết lộ một bí quyết yoga có thể giúp anh đóng vai một người chết. Ngày hôm sau, anh ta giả chết như thật; gia đình anh than khóc thảm thiết. Sư phụ xuất hiện và nói với mọi người: “Tôi có khả năng cứu người xấu số này sống lại nếu có ai chết thay cho anh ta. Có ai tình nguyện không?” Thật bất ngờ! Mọi người trong gia đình bắt đầu viện dẫn các lý do để giải thích tại sao họ cần phải sống. Vợ anh ta tóm kết cảm nghĩ của mọi người như sau: “Thưa ngài, thực sự không cần phải có ai thay vào chỗ anh ấy. Chúng tôi có thể sống mà không cần anh ấy.”

 

Tình yêu của con người như thế đó! Trong tình yêu của con người, vẫn còn pha lẫn ít nhiều ích kỷ cá nhân. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa lại khác hẳn. Tình yêu của Thiên Chúa chỉ trao ban, hy sinh và tha thứ vì lợi ích của người mình yêu như  Mục Tử nhân lành, như người Cha nhân hậu. Tình yêu của Thiên Chúa không khép kín nơi Ba Ngôi, nhưng tỏa lan ra cả vũ trụ và cho hết mọi người. Trong bức thư gửi con gái, Albert Einstein đã viết: “Có một loại lực vô cùng mạnh mẽ, loại lực mà tới tận bây giờ khoa học cũng chưa thể tìm ra định nghĩa chính xác nào cho nó. Lực này bao gồm và chi phối mọi loại lực khác, thậm chí còn đứng sau vô vàn hiện tượng do vũ trụ vận hành mà chúng ta vẫn chưa thể lý giải. Đó là Tình Yêu.”

 

Tình yêu của Thiên Chúa đã đồng hóa giữa Ba Ngôi như Đức Kitô đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy.” Ngôi Con ở trong Ngôi Cha và Ngôi Cha ở trong Ngôi Con trong lời nói và hành động: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra, nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.” (Ga 14:10) Rồi khi Thần Khí được sai đến, Người cũng sẽ “lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” Chúa Cha yêu thương người Con yêu dấu của mình, không từ chối người Con điều gì, và đáp lại, Chúa Con luôn tuân phục thánh ý Chúa Cha và làm tất cả để tôn vinh Chúa Cha: “Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.” (Ga 14:13)

 

Bản tính của Thiên Chúa là yêu thương. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh của mình và luôn đưa con người đi vào sự hiệp nhất với Ngài bằng con đường yêu thương. Vì yêu thương con người,  Chúa Cha đã sẵn sàng hy sinh người Con yêu dấu của Ngài để cứu chuộc nhân loại. Chúa Con cũng vì yêu thương nhân loại đã vâng theo thánh ý Chúa Cha  xuống trần gian mang thận phận con người và đã chịu chết vì tội lỗi con người. Chúa Thánh Thần là Ngôi vị liên kết yêu thương giữa Thiên Chúa với loài người, được sai phái đến với con người để an ủi bảo trợ, để giúp con người bền chí vững mạnh trên con đường đi về quê trời. Chính tình yêu đã liên kết con người với Thiên Chúa. Ba Ngôi Vị nhưng là một trong bản thể là tình yêu. Một bản thể nhưng  là Ba Ngôi  trong hành động: Chúa Cha là Đấng Sáng Tạo. Chúa Con là Đấng cứu độ. Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, trao ban sự sống.

 

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi không phải là lúc chúng ta ngồi mổ xẻ thế nào, tại sao ba lại là một hay một lại là ba. Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là một mầu nhiệm cao siêu vượt khỏi trí hiểu của con người. Đó là một mầu nhiệm đức tin. Phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần là bằng chứng về Ba Ngôi Thiên Chúa, là bí tích thông ban tình yêu, nối kết và hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa trong tình yêu.  

 

Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là mầu nhiệm yêu thương, mầu nhiệm hiệp nhất, mầu nhiệm sự sống. Ba Ngôi Thiên Chúa là mẫu gương yêu thương trong gia đình, ngoài xã hội. Yêu nhau thì “ở” trong nhau như Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha.

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi