Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH năm C - KHÔNG ĐỂ MỒ CÔI

CN VI PS / C

Bài đọc 1: (Cv 15:1-2.22-29)

Bài đọc 2: (Kh 21:10-14.22-23)

Tin Mừng: (Ga 14:23-29)

 

 

KHÔNG ĐỂ MỒ CÔI

 

 

Sau khi mừng Chúa Giêsu phục sinh, Giáo Hội lại đưa chúng ta trở về với quá khứ để nhắc nhớ chúng ta những gì Ngài đã truyền dạy để chúng ta vững tin  trên con đường tương lai.

 

Trong bữa Tiệc ly trước giờ phút chịu cuộc tử nạn, Chúa truyền cho các môn đệ một giới răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Và sau đó, Ngài cho các ông biết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy, nhưng như Thầy đã nói với người Do thái: ‘ Nơi tôi đi, các ngươi không thể đến được’, bây giờ Thầy cũng nói với anh em như vậy.” Ông Simon Phêrô đã hỏi Chúa: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?”  Ngài trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” Từ tin tức ấy, các môn đệ hoang mang lo lắng và Chúa đã phải động viên: “Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” Các môn đệ sống trong tình trạng như rắn mất đầu, như con cái phải xa cách cha mẹ:  

 

Gió đưa cành cửu lý hương 

Xa cha xa mẹ, thất thường bữa ăn 

Sầu riêng, cơm chẳng muốn ăn 

Đã bưng lấy bát, lại dằn xuống mâm. ( Ca dao )

 

hoặc không có Thầy thì cũng như con cái chịu cảnh mồ côi:  

 

Đêm đêm con thắp ngọn đèn trời 

Cầu cho cha mẹ sống đời với con 

Còn cha còn mẹ thì hơn 

Không cha không mẹ như đờn đứt dây 

Đờn đứt dây còn xây còn nối 

Cha mẹ mất rồi con chịu mồ côi 

Mồ côi tội lắm ai ơi! ( Ca dao)

 

Chúa đi nhưng không phải đi luôn. Chúa đi rồi Ngài lại đến. Ngài không để chúng ta mồ côi. Ngài đi là có lợi cho chúng ta.

 

Cái lợi thứ nhất là Chúa Giêsu về trời không còn hiện hữu với các môn đệ bằng xương bằng thịt nhưng Ngài hiện hữu một cách khác, một cách thiêng liêng. Ngài hiện diện với chúng ta không phải chỉ có một mình Ngài mà có cả Ba Ngôi Thiên Chúa. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” Và “Đấng Bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” Như thế, những ai tin và giữ các điều Chúa dạy thì không còn phải xao xuyến. Chúng ta không còn phải chịu cảnh mồ côi.  

 

Cái lợi thứ hai  là Chúa đi là để dọn chỗ trước cho chúng ta để Ngài ở đâu thì chúng ta cũng được ở đó: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”. Chúng ta không còn buồn rầu, xao xuyến, nhưng hãy sống trong vui mừng và hy vọng. Chúng ta chỉ tìm thấy sự bình an đích thực khi chúng ta đặt hết hy vọng và niềm vui vào Thiên Chúa. Chúa đã hứa ban cho chúng ta bình an đích thực mà thế gian không thể ban tặng.

 

Nhưng để đạt được hạnh phúc ấy, chúng ta phải tin yêu Ngài, mà tin yêu Ngài thì phải giữ các điều răn Ngài đã dạy. Ngài đã nhắc đi nhắc lại: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.”  và “Ai có”, nghĩa là ai tin rằng  “Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.” Dấu chứng của lòng yêu mến Chúa là tin yêu và giữ các điều răn của Ngài

 

Trong niềm vui Chúa Kitô Phục sinh, qua những lời nhắn nhủ các môn đệ trước khi bước vào cuộc tử nạn cũng là những lời dặn dò chúng ta hôm nay. Người Kitô hữu trước hết phải là người tin và yêu mến Thiên Chúa. Để thể hiện tình yêu ấy, chúng ta phải hành động: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.”

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi