Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài giảng
THỨ 2 SAU CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM LẺ
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI ĐỌC : Dcr 8,1-8

            1 Có lời Đức Chúa các đạo binh phán như sau:2 Đức Chúa các đạo binh phán thế này. Vì Xi-on, Ta phát ghen dữ dội, Ta nổi giận đến tột cùng vì nó.3 Đức Chúa phán thế này: Ta đã trở lại Xi-on, Ta sẽ ngự lại ở Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem sẽ được gọi là Thành-trung-tín và núi của Đức Chúa các đạo binh là Núi Thánh. 4 Đức Chúa các đạo binh phán thế này:Trên những quảng trường Giê-ru-sa-lem các cụ ông cụ bà ra ngồi nghỉ. Ai nấy tay chống gậy vì tuổi thọ đã cao. 5 Tại các quảng trường trong thành phố, đông đảo thiếu nhi nam nữ tới vui đùa. 6 Đức Chúa các đạo binh phán như sau : Nếu đó là điều không thể được đối với số dân còn sót lại - trong những ngày ấy - thì cũng là điều không thể được với Ta chăng? Sấm ngôn của Đức Chúa các đạo binh. 7 Đức Chúa các đạo binh phán thế này:  Ta sẽ đưa dân Ta ra khỏi miền đất phía mặt trời mọc và miền đất phía mặt trời lặn.  8 Ta sẽ dẫn chúng về, cho cư ngụ ở giữa Giê-ru-sa-lem. Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, sẽ cai trị chúng theo lẽ công minh chính trực.

ĐÁP CA : Tv 101

Đ.        Chúa sẽ xây dựng lại Sion, sẽ xuất hiện vinh quang rực rỡ.   (c 17)

16 Bấy giờ chư dân sẽ sợ uy danh Chúa, mọi đế vương hoàn cầu uý kính Ngài vinh hiển. 17 Vì Chúa sẽ xây dựng lại Sion, sẽ xuất hiện quang vinh rực rỡ. 18 Người đoái nghe dân bị bóc lột kêu cầu, chẳng khinh thường lời họ nguyện xin.

19 Điều này phải ghi lại cho đời sau được biết, dân hậu sinh phải ca tụng Chúa Trời 20 Vì Chúa đưa mắt từ toà cao thánh điện, từ trời xanh đã nhìn xuống cõi trần, 21 để nghe kẻ tù đày rên siết thở than và phóng thích những người mang án tử.

29 Con cháu bề tôi sẽ an cư lạc nghiệp, và dòng giống tồn tại trước nhan Ngài. 22 Rồi ra, ở Sion, người người sẽ rao truyền danh thánh Chúa, tại Giê-ru-sa-lem, ai nấy ngợi khen Người, 23 khi mọi nước mọi dân tập trung về để thờ phượng Chúa.

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : Mc 10,45b

            Hall-Hall : Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Hall.

TIN MỪNG : Lc 9,46-50

            46 Khi ấy, một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất?47 Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình48 và nói với các ông: "Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất."

            49 Ông Gio-an lên tiếng nói: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy."50 Đức Giê-su bảo ông: "Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! "

 

BÀI GIẢNG

BƯỚC LÊN ĐÀI DANH VỌNG

            Thánh Phaolô nói : “Ai cầu mong được chức vụ lãnh đạo người ấy mong ước điều lành” (1Tm 3,1). Như vậy, mong ước địa vị trong xã hội bản chất là tốt, nó là mồi kích thích người ta phải cố gắng trong mọi sinh hoạt. Nhưng tranh giành để đoạt địa vị là điều xấu (x Lc 9,46 : Tin Mừng).

            Muốn trở nên người có địa vị, đầy danh vọng để lãnh đạo người khác, trước mặt Chúa họ phải là người giống Chúa Giêsu. Do đó, đang lúc các môn đệ tranh luận với nhau : ai là người làm lớn trong Nhóm, Đức Giêsu lên tiếng dạy : “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai  Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” (Lc 9,48 : Tin Mừng).

            Tiếp đón trẻ vì danh Chúa Giêsu” phải hiểu là :

-         Được tái sinh trong Chúa Giêsu.

-         Sống tinh thần trẻ thơ.

 

I. ĐƯỢC TÁI SINH TRONG CHÚA GIÊSU.

            Thực vậy, ai không được sinh lại bởi Chúa Giêsu, dù người ấy có địa cao, thì trước mặt Chúa họ cũng chỉ là một sinh vật (x 1Cr 15,45), chẳng khác gì loài thú đều phải chết (x Gv 3,18-19). Mà ý định ngàn đời của Thiên Chúa là “con người phải nên giống hình ảnh Ngài” (x St 1,26). Không phải giống Thiên Chúa vô hình mà là giống Con Thiên Chúa làm người : Đức Giêsu Kitô. Do đó ta phải được tái sinh bởi nước trong Bí tích Thánh Tẩy và bởi Lời Chúa (x Ga 3,5 ; Gc 1,18), và được nuôi dưỡng trong Bí tích Thánh Thể (x Ga 6,32-59), thì được cùng trở nên một nguồn gốc, một xương thịt với Chúa Giêsu (x Dt 2,11), được cùng một sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa (x Ga 5,57), được quyền năng làm những việc lạ lùng hơn Chúa Giêsu (x Ga 14,12), và như thế cũng được đồng hóa với Ngài (x Gl 2,20). Người như thế chắc chắn được Chúa Giêsu xác nhận : “Họ là kẻ nhỏ trong Nước Trời, được cao trọng hơn ông Gioan Bt, mặc dù ông  Gioan Bt là người cao cả nhất trong những người do người nữ sinh ra” (x Mt 11,11).

            Ngay trong gia đình, ai nhỏ nhất, người ấy làm vua. Bởi lẽ cả gia đình phải quan tâm chăm sóc, trìu mến đứa bé sơ sinh. Cũng chính vì vậy mà trong ngày Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, dấu chỉ bắt đầu cả nhân loại phải được sinh lại bởi nước và Thần Khí để trở  nên con Thiên Chúa. Ngày ấy, tiếng Chúa Cha phán : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Tiếng ấy, Chúa Cha muốn nói về những người được tái sinh trong Con yêu dấu của Ngài.

II. SỐNG TINH THẦN TRẺ THƠ.

            Sống tinh thần trẻ thơ là sống tinh thần Thiên Chúa đã phú bẩm sẵn cho con người : “Nhân tri sơ tính bản thiện”. Trẻ thơ luôn thể hiện sáu đặc tính :

            1/ Vâng phục cha mẹ. Trẻ nào cưỡng lời cha mẹ, không thể thành công làm lớn trong xã hội được. Thực vậy, “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con đi”. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, tuần nào cũng kiếm giờ về thăm mẹ. Mẹ con bên nhau hàn huyên cả tiếng đồng hồ. Có lần mẹ lên tiếng hỏi : “Con quá nhiều việc bận rộn trong Hội Thánh, sao không để thời giờ lo việc Chúa cho chu đáo hơn?” Nhưng Đức Giáo hoàng thưa lại : “Được ngồi bên mẹ để nghe mẹ dạy bảo, đó là hạnh phúc trong đời con không bao giờ quên”.

Đức Giêsu muốn những kẻ thuộc về Ngài phải đi con đường khiêm nhu, hạ mình phục vụ như chính Đức Giêsu đã tự hạ mình, sống kiếp phàm nhân, Ngài vâng Lời Chúa Cha phục vụ đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá (x Pl 2,6t). Như vậy, chính Đức Giêsu đã phải trải qua gian khổ để học cho biết thế nào là vâng phục (x Dt 5,8). Khi Chúa để ta lâm cảnh khổ nhục, cũng chỉ vì thương ta, “vì Ngài là Đấng từ bi nhân hậu, Ngài có hạ nhục ta thì cũng chẳng vui thích gì” (Ac 3,32-33) ; còn ta trong lúc được sửa dạy, ta chỉ thấy buồn đau, nhưng sau mới thấy hiệu quả cao quý. Để hiểu rõ điều này, ta hãy nghe tiếng Chúa nói qua ngôn sứ Zacarya về số phận của người Do Thái : “Vì Sion, Ta phát ghen dữ dội, Ta nổi giận đến tột cùng vì nó. Tuy thế Chúa phán : Ta sẽ trở lại Sion, Ta sẽ cư ngụ ở Giêrusalem, Giêrusalem sẽ được gọi là thành trung tín. Trên những quảng trường Giêrusalem, các cụ ông cụ bà ra ngồi nghỉ. Đông đảo thiếu nhi nam nữ tới vui đùa. Ta sẽ đưa dân Ta ra khỏi miền đất phía mặt trời mọc và miền đất phía mặt trời lặn. Ta sẽ dẫn chúng về, cho cư ngụ ở Giêrusalem. Chúng sẽ là dân của Ta ; còn Ta là Thiên Chúa của chúng, sẽ cai trị chúng theo lẽ công minh chính trực” (Dr 8,1-8 : Bài đọc năm lẻ). Đúng là “Chúa sẽ xây dựng lại Sion, sẽ xuất hiện quang vinh rực rỡ” (Tv 102/101,17 : ĐC năm lẻ)

            2/ Không có ác tâm : Thánh Phaolô nói : “Có ác thì như con nít thôi” (1Cr 14,20). Thực vậy, trẻ con chơi với nhau thế nào cũng có lúc bất hòa, chúng mếu máo khóc lóc chạy đi mách ông bà cha mẹ, nhưng lát sau chúng lại vui đùa với nhau bình thường, đó là “cái ác” của trẻ thơ ; khác hẳn người lớn, bề ngoài xem ra thân thương, hòa thuận với đồng loại, nhưng trong lòng tìm mưu kế hại nhau.

            Sự bất hòa là do lòng ghen tỵ, thấy người khác làm được điều tốt, thành công hơn mình, sinh khó chịu, tìm hết cách ngăn cản. Đan cử như ông Gioan đến khoe với Đức Giêsu : "Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy." Nhưng Đức Giêsu không ủng hộ, Ngài nói : “Chớ ngăn cản, vì ai không chống lại anh em là ủng hộ anh em” (Lc 9, 49-50 : Tin Mừng).

            Rõ ràng ông Gioan sống tinh thần cục bộ, chỉ muốn vơ phần chăn về phía mình mà dẹp cái hay, điều tốt của người khác, muốn sửa tính xấu này thì phải nhớ rằng : “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban” (Ga 3,27). Do đó thánh Tông Đồ nói :Bạn có gì mà đã không được nhận lãnh? Nếu bạn đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7).

            Xưa kia ông Giôsuê biết có hai người không ở cùng lều với ông Môsê mà nói tiên tri, ông liền đề nghị ông Môsê ngăn cản, nhưng ông Môsê trả lời : “Anh ghen dùm tôi đấy à ? Phải chi Thiên Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ” (Ds 11,26-29). Cũng trong tinh thần này, thánh Phaolô nói : “Có những kẻ rao giảng về Đức Kitô vì lòng ganh tị và tranh chấp, song những người khác lại làm công việc đó vì ý ngay lành. Những người này làm vì bác ái, bởi họ biết rằng tôi được chỉ định để lo bênh vực Tin Mừng. Còn những người kia thì loan báo Đức Kitô vì tính ưa tranh giành, họ không có lòng ngay, tưởng làm như thế là gây thêm khổ cho tôi, trong lúc tôi bị xiềng xích. Nhưng không sao đâu! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Kitô được rao giảng là tôi mừng. Và tôi sẽ còn mừng nữa” (Pl 1,15-18).

            Vậy ai làm điều tốt cũng được, miễn là điều tốt có người làm, là Thiên Chúa được tôn vinh, vì Ngài nhân lành ban ơn đồng đều cho người công chính cũng như kẻ bất lương (x Mt 5,45).

            3/ Không đòi ai quan tâm tôn mình lên. Ta cứ quan sát trong bữa tiệc, những người có chức vị thì được tôn trọng mời lên chỗ danh dự, còn đàn bà con nít thì không  đáng kể (x Mt 14,21).

            Vậy ta phải sống khiêm nhường như người hạ mình sát đất, giống như trẻ thơ đang bò, không còn khoảng cách nào để phải sợ ngã nữa.

            4/ Luôn sống vươn tới sự trưởng thành. Thánh Phaolô nói : “Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con” (1Cr 13,11). Thực vậy, trẻ con nói trước hiểu sau, lớn lên mới suy nghĩ ; còn người trưởng thành thì phải nghĩ trước, hiểu, rồi mới nói.

            Vậy ta cần phải chăm chỉ học Thánh Kinh, Giáo Lý, để Đức Tin vươn tới trưởng thành, vì “khởi điểm đạt tới Đức Khôn Ngoan là thật lòng ước ao học hỏi” (Kn 6,17)

            5/ Sống lệ thuộc vào đấng sinh thành. Thánh Phaolô muốn các Kitô hữu phải sống lệ thuộc vào Thiên Chúa, như trẻ thơ trong gia đình phải lệ thuộc vào cha mẹ : chúng muốn gì phải được phép của cha mẹ, mặc dù mọi vật trong gia đình cha mẹ mua sắm là dành cho con cái (x Gl 4,1-3).

            Vậy trước khi làm việc gì, sử dụng cái gì, ta phải cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn.

            6/ Sống bằng tình yêu. Trẻ thơ không bao giờ bận tâm lo lắng ăn gì, uống gì, mặc gì? Cũng chẳng sợ kẻ thù nào, khi nó được nép mình trong tay cha mẹ. Thiên Chúa muốn con cái Ngài sống tinh thần đó, như Lời Kinh Thánh  nói : “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu; hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 131/130,1-3).

            Để minh chứng ta là trẻ thơ sống vâng phục, không ác tâm, không đòi được tôn vinh, vươn tới trưởng thành, lệ thuộc vào Cha trên trời, sống bằng tình yêu của Thiên Chúa, ta hãy học lối sống Đạo của ông Gióp :

Một ngày kia, các con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu ở nhà người anh cả của họ,thì một người đưa tin đến nói với ông Gióp: "Trong lúc bò của ông cày ruộng và lừa cái ăn cỏ bên cạnh, dân Sơ-va đã xông vào cướp lấy; còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay."Người ấy còn đang nói thì một người khác về thưa: "Lửa của Thiên Chúa từ trời giáng xuống đã đốt cháy chiên dê và đầy tớ; lửa đã thiêu rụi hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay."Người này còn đang nói thì một người khác về thưa: "Người Can-đê chia thành ba toán ập vào cướp lấy lạc đà; còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay."Người ấy còn đang nói, thì một người khác về thưa: "Con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu trong nhà người anh cả của họ, thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi thốc vào bốn góc nhà; nhà sập xuống đè trên đám trẻ; họ chết hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay."

            Bấy giờ ông Gióp chỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói: "Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Ngài lại lấy đi : xin chúc tụng danh Chúa! " (Gióp 1,13-21 : Bài đọc năm chẵn).

            Bởi đó chúng ta là con cái Thiên Chúa, mỗi khi gặp gian nan khốn khó ập đến như ông Gióp, hãy nép mình trong vòng tay Chúa Giêsu Thánh Thể và thưa với Ngài : “Lạy Chúa, xin lắng tai nghe tiếng con cầu” (Tv 17/16, 6b : ĐC năm chẵn).

            Vậy muốn được địa vị cao cả trong Nước Thiên Chúa, ta phải sống tinh thần trẻ thơ khi phục vụ dưới ánh sáng Tin Mừng, có thế ta mới được đồng hóa với Chúa Giêsu trong kiếp người, như Ngài nói : “Con Người đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45b : Tung Hô Tin Mừng).

THUỘC LÒNG

            Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi : xin chúc tụng danh Chúa!" (G 1,21)

http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: