Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Số phận của Hồng Kông đặt một phần trên quyết định của Toà Thánh Vatican

Các cuộc biểu tình Hồng Kông vẫn bền bỉ tiếp diễn khiến nhiều người lo sợ nó sẽ trở thành một cuộc đàn áp Thiên An Môn mới. Các nhà hoạt động cổ vũ nhân quyền cho rằng thái độ của tổng thống Donald Trump sẽ quyết định số phận của cuộc biểu tình này. Nhiều người còn nhận định rằng quyết định của một nhà lãnh đạo khác trên thế giới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của Hồng Kông. Nhà lãnh đạo đó chính là Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

catholic.jpg
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam (trái), ĐHY
Joseph Zen (giữa) và ĐHY Gioan Thang Hán (AFP photos)

Người Công Giáo Rôma ở Hồng Kông chỉ chiếm trên dưới 5% dân số, nhưng họ lại có một quyền lực kỳ lạ trên chính trị, văn hoá và thậm chí cả truyền thông. Bà đặc khu trưởng Hồng Kông, Carrie Lâm, một người thân Bắc Kinh đã khơi mào các cuộc biểu tình, cũng là người Công Giáo ngoan đạo, đã lớn lên dưới sự giáo dục của một trường Công Giáo, và khi giữ chức trưởng đặc khu, bà thường xuyên tham vấn các Giám Mục Công Giáo về các chính sách quản trị.

Hồng Kông cũng là cầu nối truyền thống giữa Vatican và Trung Quốc. Theo nhiều chuyên gia về mối quan hệ Vatican-Trung Quốc, Hồng Kông vốn là nơi đối lập lớn nhất với bất cứ thoả thuận nào giữa Toà Thánh và ĐCSTQ, với sự tác động của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (SN 1932 và là Giám Mục Hồng Kông từ 2002-2009). Trước đây, ĐHY Giuse có một đồng minh mạnh mẽ ở Rôma là Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy, SDB, vị giám chức người Trung Quốc từng giữ chức lớn nhất ở Giáo triều Rôma, thư ký thánh bộ Truyền giảng Tin Mừng cho Các Dân tộc, là thánh bộ chịu trách nhiệm coi sóc đất Trung Hoa. Cả ĐHY Giuse và ĐTGM Savio đều rất có tiếng nói với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, và đều ra sức ngăn cản bất cứ linh mục hay Giám Mục có ý định gia nhập Hội Công giáo Yêu nước của Trung Quốc. Bên cạnh đó còn có tiếng nói của Đức Tổng Giám Mục Ettore Balestrero, một viên chức cấp cao trong phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh, cũng là một người chống đối gay gắt ĐCSTQ.

Ngay trước khi ĐGH Bênêđictô XVI từ chức, ĐTGM Balestrero được sai đến làm sứ thần Toà Thánh tại Colombia, theo nhiều nguồn tin là để bảo vệ ngài khỏi những điều bất ngờ có thể xảy đến khi ĐGH mới khác biệt lên ngôi. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân kết thúc sứ vụ vào năm 2009 và được kế vị bởi Đức Giám Mục, sau là Hồng Y, Gioan Thang Hán (sinh năm 1939). Ngài là một người ôn hoà hơn, ít gay gắt chống đối chính quyền đại lục hơn vị tiền nhiệm, và chưa bao giờ chỉ trích Vatican về bất kỳ vấn đề gì. Dù vậy, thực tế là ngài luôn quan tâm những gì diễn ra liên quan đến đại lục. Toà Thánh hành động rất cẩn trọng tại Hồng Kông, chứng tỏ qua việc năm 2014 đã bổ nhiệm đồng thời hai Giám Mục phụ tá, GM Francisco Hạ Chí Thành (SN 1959) chống Trung Quốc, và GM Lý Bân Sinh (SN 1956) thân Trung Quốc hơn. Giám Mục Lý Bân Sinh là thành viên của Opus Dei và là một người bảo thủ về thần học; tuy là người bảo thủ nhưng lại ủng hộ thoả thuận Toà Thánh-Trung Quốc.

Mọi sự tiếp tục thay đổi vào năm 2016-2017, khi thoả thuận Vatican-Trung Quốc có thể đang được biên soạn tại Rôma. Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Nhật Quân được cất đi khỏi Giáo triều, gửi đi giám sát Giáo Hội Công Giáo đang rối ren tại Guam vì vị Giám Mục đang vướng vào một bê bối lạm dụng tình dục. Sau đó ĐTGM Hàn được sai đi làm sứ thần Toà Thánh tại Hy Lạp (một quốc gia không quan trọng lắm trong chính sách đối ngoại của Vatican).

Cùng năm 2016, ĐGM phụ tá Hồng Kông Lý Bân Sinh được bổ nhiệm làm Giám Mục Macau, theo nhiều nguồn tin là được sự khuyến khích của ĐCSTQ. Năm 2017, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán về hưu. Kế vị là Đức Giám Mục Michael Dương Minh Chương (1945-2019). Vốn là một người quen biết thân với bà Carrie Lâm, nhiều người đã đồn đoán Đức cha Dương được bổ nhiệm là để ủng hộ thoả thuận Vatican-Trung Quốc. Điều còn bất ngờ hơn là Đức cha Dương còn chấp nhận việc ĐCSTQ tháo dỡ Thánh Giá nhiều nhà thờ Tin Lành ở Trung Quốc, và sau đó phân minh rằng việc điều hành của nhà nước cần được tôn trọng. Và cũng như Đức cha Lý Bân Sinh, Đức cha Dương tuy thân Trung Quốc hơn nhưng lại là một người bảo thủ về thần học, đã có những phát biểu sắc nhọn chống lại LGBT và so sánh đồng tính như tệ nạn nghiện ma tuý, điều khiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô không hài lòng.

Ngày 3/1/2019, ĐGM Dương Minh Chương qua đời vì xơ gan. Mọi ánh mắt dồn về Rôma để chờ dấu chỉ kế tiếp. Hiện tại đang có 2 ứng viên có sẵn để làm giám quản là 2 Giám Mục Hạ Chí Thành và Lý Bân Sinh. Quyết định của Toà Thánh sẽ cho biết Toà Thánh đánh giá thoả thuận Vatican-Trung Quốc được ký vài tháng trước như thế nào. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ muốn Giám Mục Macau Lý Bân Sinh làm tân Giám Mục Hồng Kông hơn, và sẽ không hài lòng nếu Giám Mục Hà Chí Thành được bổ nhiệm. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây ra bất ngờ khi không chỉ định 2 vị Giám Mục còn tại chức này, mà lại gọi Đức Hồng Y trung lập đã hồi hưu Gioan Thang Hán để tạm giữ lại vị trí mà ngài đã giữ trước đây là làm Đấng bản quyền của Hồng Kông.

Hiện thời, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán đang là người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hồng Kông trong cơn bão khủng hoảng. Chính ngài đã đề nghị bà Carrie Lâm không ký dự luận dẫn độ với Trung Quốc, và cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đưa ra một ủng hộ nhẹ nhàng với những người biểu tình. Đồng thời, ngài cho mọi người Hồng Kông biết là ngài không ủng hộ vị tiền nhiệm của mình, ĐHY Giuse Trần Nhật Quân trong việc chống đối thoả thuận Vatican-Trung Quốc. Ngài cho phép vị Giám Mục phụ tá Hà Chí Thành hoạt động tích cực trong các hoạt động biểu tình đòi dân chủ, và thậm chí ngài được xem là một trong các lãnh đạo tinh thần của quần chúng biểu tình.

Toà Thánh tuyệt nhiên không lên tiếng chút nào về chuyện biểu tình ở Hồng Kông. Nhưng dù sao cũng sẽ phải lên tiếng, không bằng lời nói thì sẽ bằng hành động. Đức Hồng Y Thang đã 80 tuổi, ngài chỉ giữ chức giám quản tạm thời. Đức Giáo Hoàng phải sớm chỉ định một Giám Mục mới cho Hồng Kông. Người Công Giáo địa phương nhiệt liệt ủng hộ các cuộc biểu tình và không giấu giếm gì ý muốn Đức Giám Mục Hà Chí Thành sẽ kế vị Giám Mục Hồng Kông. Họ cho rằng việc bổ nhiệm Giám Mục Lý của Macau sang Hồng Kông sẽ là dấu hiệu chống lại biểu tình và dân chủ. Việc bổ nhiệm Giám Mục cho Hồng Kông sẽ cho biết quan điểm của Toà Thánh là gì trong vấn nạn dân chủ ở Hồng Kông hiện nay. Chưa ai biết thoả thuận giữa Toà Thánh và Trung Quốc có bao gồm cả Hồng Kông hay không. Tuy nhiên, thực chất Đức cha Lý cũng không phải là người đương nhiên thân Cộng Sản, cũng như Đức cha Hà cũng đã chưa bao giờ ủng hộ chuyện Đức Hồng Y Trần Nhật Quân chống thoả thuận Vatican-Trung Quốc. Trừ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ làm thế giới ngạc nhiên một lần nữa khi chọn một người thứ ba - người mà dư luận không nghĩ cũng không đồn đoán. Phải chờ xem công bố cuối cùng của Tông Toà để biết các bậc giáo phẩm ở Vatican nghĩ gì.

Theo bitterwinter.org

Gioakim Nguyễn dịch

Lên đầu trang