Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Sinh suất dưới số không sẽ làm xã hội suy trầm

ROME (Zenit.org)- Một nền văn hóa không có trẻ thơ và không có người cao niên sẽ suy đốn trầm trọng và không thể vận hành.

Đó là tuyên bố của Hồng y Angelo Bagnasco, tổng giám mục Genoa, và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, khi ngài cử hành thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ Phù hộ tại đền thánh Liguria trên đỉnh núi Figogna.

Ngài phản ảnh về vẻ tươi đẹp của tình chung thủy và về gia đình, coi đó như là “cung lòng của cuộc sống.”

Đề cập đến sinh xuất thấp hơn số không của nước Ý (hiện nay là -0.047%), Hồng y khẳng định rằng “sự quân bình về dân số không những chỉ cần thiết cho sự sống còn về thể lý của một cộng đồng – vì không có trẻ thơ thì không có tương lai – mà cũng còn là điều kiện cho sự liên minh giữa các thế hệ, và đây là điều tối cần cho một biện chứng dân chủ bình thường.”

Ngài cho biết Giáo hội, vì lý do đó, đã từ lâu khẳng định rằng cuộc khủng hoảng về dân số sẽ hướng tới một “thảm họa trầm trọng về văn hóa”.

Thiếu trẻ thơ sẽ tạo ra không những một tương lai ảm đạm, mà còn “thiếu tình trạng quân bình giữa các thế hệ” và một “sự nghèo nàn về phương diện giáo dục.”

“Quả vậy, bé thơ trai gái và thanh thiếu niên, bắt buộc chúng ta phải tham gia vào các cuộc thảo luận, làm cho chúng ta phải đi ra ngoài con người của chính chúng ta, vì tuổi tác và yếu đuối nên thường có khuynh hướng tụt hậu đối với những nhu cầu cấp thiết. Khi có con cái, cha mẹ không những chỉ phải thay đổi quan niệm và phong thái, mà còn phải hoạch định và sắp đặt cuộc sống trong tương quan với trẻ thơ ở từng lớp tuổi khác nhau.”

“Một xã hội không có trẻ thơ, cũng như một xã hội không có người cao niên, sẽ như bị què quặt trầm trọng và không thể vận hành được.”

Đổi thay về phương diện văn hóa

Hồng y Bagnasco nhận xét rằng vấn đề sinh suất càng ngày càng giảm thiểu có liên quan đến các giá trị văn hóa.

“Nếu ngắm nhìn bức ảnh Đức Mẹ ẵm Chúa Hài đồng, chẳng cần cố gắng chúng ta cũng tưởng tượng ra được cuộc sống ở Nazareth: các ngài đã sống một cuộc đời tuyện đối giản dị, vui với công việc hàng ngày, ở nhà cũng như nơi thánh Giuse làm thợ mộc; các ngài đã sống cuộc sống của dân làng, thân thiện với hàng xóm láng giềng, tham dự các việc thờ phượng với sự hiện diện của Chúa.”

“Mọi việc đều làm cho người ta nghĩ tới một sự tham gia sâu xa và tích cực vào cuộc sống, coi đó như một quà tặng được trao ban và không phải là tài sản tuyệt đối của riêng ta. Nó làm cho chúng ta nhận thức được hiện hữu trong dòng lịch sử của các thế hệ, của một truyền thống không cưỡng bức nhưng giúp đỡ. Tóm lại, chúng ta cảm nhận được hơi thở của hy vọng.”

Trái lại, trong khí hậu văn hóa ngày nay, các cặp vợ chồng và các gia đình dường như sụp đổ trước “những trận đòn của cuộc đời và của các mối tương quan.

“Những cố gắng mỗi ngày dường như buồn tẻ và không có ý nghĩa, do đó không thể chịu đựng nổi. Tương lai mất đi giá trị và vẻ háo nhoáng, còn hiện tại thì quá chú tâm vào những gì nó hứa hẹn và sự thỏa mãn ngay tức thì.”

Trong bối cảnh đó “sự chung thủy được hiểu là một cái gì đó lặp đi lặp lại nhàm chán, tẻ nhạt, thiếu cảm xúc rộn ràng.”

Hồng y Bagnasco khẳng định: Nhưng chung thủy là điều kiện để lớn mạnh. Tình yêu trong cuộc sống gia đình được chuyển biến với thời gian: “từ sự sôi nổi lúc ban đầu, thay đổi thành sâu xa hơn, có căn cội hơn, tăng cường bằng những niềm vui và nỗ lực.”

“Trong sự lớn mạnh này, việc lặp đi lặp lại hàng ngày biết bao nhiêu điều nhỏ nhặt hay những nhiệm vụ lớn lao, cũng như biết bao nhiêu hành động có vẻ như u ám ảm đạm, lại giống như cơn mưa êm đềm và tiếp nối tưới gội mặt đất và làm cho nó được mầu mỡ. Không phải là trận giông bão những ham muốn lớn lao và những mối xúc cảm mãnh liệt làm cho con người lớn mạnh lên hay đo lường được bản chất của tình yêu, mà chính là sự chung thủy khiêm tốn hàng ngày làm dấu chỉ của tình yêu.”

Học cách sống

Hồng y khẳng định rằng gia đình chính là một “ngôi trường học về nhân loại và đức tin.”

Người ta học biết về tình yêu khi được yêu thương, người ta học biết về lòng tự tin, người ta khám phá ra “vẻ đẹp của từng lớp tuổi. Và trong gia đình, người ta đầu tiên thấy được giá trị của chấp nhận, khiêm tốn, đáng tin cậy và “năng lực phi thường của lòng tha thứ được cho đi và được tiếp nhận, của khả năng chịu đựng.”

Trong gia đình cũng còn có “kinh nguyện đọc với nhau hàng ngày, tham dự Thánh lễ ngày Chủ nhật, dự các nghi lễ phụng vụ theo truyền thống, đi hành hương đến các đền thánh, treo các ảnh tượng trong nhà. Mỗi lời nói đều là một bài học về đức tin, mỗi lúc học hỏi như thế sẽ để lại một dấu hiệu trong tâm hồn.”

“Một bà mẹ có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước cái nhìn của con mình chăng? Chúng ta biết là không thể được, và nguyên điều đó cũng đủ để hướng về tương lai với niềm tín thác.”

 

Phụng Nghi

 

(VietCatholic News - 31 Aug 2010 08:39)

Lên đầu trang