Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Anh Quốc


EDINGBURG
. Sáng 16-9-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã lên đường viếng thăm chính thức tại Anh quốc trong 4 ngày, từ 16 đến 19-9-2010 theo lời mời của Nữ Hoàng Elisabeth II.


Đây là lầu đầu tiên trong gần 5 thế kỷ, một thủ lãnh Giáo Hội Anh giáo mời một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm, tuy rằng hồi năm 1982, ĐTC Gioan Phaolô 2 đã đến thăm các tín hữu Công Giáo tại Anh quốc trong khuôn khổ một cuộc viếng thăm mục vụ.

Cao điểm và cơ hội của chuyến viếng thăm là lễ tôn phong chân phước cho ĐHY John Henry Newman, một nhân vật giữ một vai trò nổi bật trong sự hồi sinh của Giáo Hội Công Giáo tại Anh Quốc. Khẩu hiệu được chọn cho cuộc viếng thăm của ĐTC cũng là khẩu hiệu Hồng Y của Đức Newman ”Lòng nói với lòng” (Cor ad Cor).

Tháp tùng ĐTC trên chuyến bay Airbus 320 của hãng Alitalia có 70 ký giả quốc tế và đoàn tùy tùng 30 người.

Vì những lý do lịch sử, Giáo Hội Công Giáo tại các đảo Anh có hai HĐGM: Ecosse (Scotland) và Anh, kể cả miền bắc Ai Len, với tổng cộng gần 5 triệu 300 ngàn tín hữu Công Giáo, trên tổng số gần 60 triệu dân, tức là tương đương với gần 9% dân số. Giáo Hội tại các đảo Anh gồm có 32 giáo phận với 59 GM, được sự cộng tác của 5.225 linh mục triều và dòng. Tại đây có 800 phó tế vĩnh viễn, 340 tu huynh và gần 6.200 nữ tu.

Sau hơn 3 giờ bay, vượt qua 1.930 cây số, máy bay chở ĐTC đã đáp xuống phi trường quốc tế Edinburg lúc gần 10 giờ rưỡi sáng. Đây một thành phố có nửa triệu dân cư, thủ phủ xứ Ecosse và cũng là trụ sở của tổng giáo phận Thánh Anrê và Edinburg có hơn 111.500 tín hữu Công Giáo do ĐHY Keith O'Brien coi sóc.

Không có nghi thức đón tiếp tại phi trường. ĐTC chỉ chào vài nhân vật và hội kiến ngắn với phu quân của Nữ Hoàng Elisabeth II, hoàng tế Philip, cũng là quận công xứ Edinburg. Liền đó ngài tiến về lâu dài hoàng gia Holyroodhouse, cách đó 15 cây số, để tham dự nghi thức đón tiếp chính thức. Lâu đài này, có nghĩa là Nhà Thánh Giá, là dinh thự chính thức của Nữ Hoàng ở xứ Ecosse trong mùa hè.

Tại lâu đài hoàng gia, ĐTC đã hội kiến riếng với Nữ Hoàng. Bà lớn hơn ĐTC 1 tuổi, sinh năm 1926 và vốn là con của Vua George VI, thành hôn với Trung Úy Philip Mountbatten năm 1947 khi được 21 tuổi. 4 năm sau đó, bà trở thành Nữ Hoàng Anh, đồng thời cũng là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh giáo.

Sau khi hội kiến với Nữ Hoàng Anh, ĐTC được mời ra khuôn viên để gặp gỡ 400 người gồm các vị lãnh đạo chính quyền, giới chức chính trị, xã hội, Giáo Hội Anh giáo và Công Giáo, Do thái, cùng với một số vị đại biểu quốc hội Ecosse.

Trong lời chào mừng ĐTC, Nữ Hoàng Anh ca ngợi sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là các hoạt động của Giáo Hội trong việc giúp đỡ người nghèo và trong lãnh vực giáo dục. Nữ Hoàng cũng đề cao vai trò của tôn giáo trong xã hội Anh quốc, cũng như gia sản Kitô chung của Công Giáo và Anh giáo.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Trong diễn văn đầu tiên trên đất Anh, ĐTC đặc biệt đề cao căn cội Kitô của đất nước này và cảnh giác chống lại những hình thức tục hóa quá khích muốn loại bỏ các giá trị truyền thống và mọi căn cội Kitô. Ngài bắt đầu từ sự kiện tên của chính lâu đài hoàng gia:

”Tên Holyroodhouse, dinh thự chính thức của Nữ Hoàng tại xứ Ecosse này, gợi lại ”Thánh Giá” và hướng cái nhìn về những căn cội Kitô sâu xa vẫn còn hiện diện trong mọi tầng lớp của đời sống ở đây. Các vị Vua Chúa của Anh và Ecosse đều là Kitô hữu ngay từ thời khởi đầu và trong đó có cả những vị thánh đặc biệt như Edoardo vị Hiển Tu và Margarita xứ Ecosse. Như Nữ Hoàng đã biết, nhiều người trong các vị ấy đã thi hành nghĩa vụ cai quản một cách kỹ lưỡng dưới ánh sáng Tin Mừng, và qua đó đã uốn nắn đất nước trong sự thiện hảo ở mức độ sâu xa nhất. Kết quả là sứ điệp Kitô đã trở nên thành phần của ngôn ngữ, tư tưởng và văn hóa của các hải đảo Anh trong hơn 1 ngàn năm. Lòng tôn trọng của các tiền nhân của quí vị đối với sự thật và công lý, sự khoan dung và lòng bác ái được truyền đến quí vị nhờ một niềm tin vẫn còn là một sức mạnh sâu xa để mưu cầu thiện hảo trong Vương quốc của quí vị, mưu lợi ích lớn lao cho các tín hữu Kitô và những người không Kitô”.

ĐTC nhắc đến sự đóng góp của Anh quốc để chấm dứt nạn buôn bán nô lệ trên thế giới, rồi cũng có những phụ nữ Anh như bà Florence Nightingale đã phục vụ người nghèo và các bệnh nhân, đặt ra những tiêu chuẩn mới trong việc săn sóc sức khỏe, sau đó được noi theo tại các nơi. John Henry Newman, sắp được phong chân phước, là một trong nhiều tín hữu Kitô Anh quốc trong thời đại của họ, với lòng từ nhân, tài hùng biện và hoạt động đã làm vinh dự cho đồng bào của mình.

ĐTC cũng đề cao các vị thủ lãnh của Anh quốc đã chống lại ”chế độ độc đoán của Đức quốc xã nhắm loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi xã hội và coi nhiều người không có nhân tính chung, đặc biệt là những người Do thái bị họ coi là không đáng sống. Ngoài ra, tôi muốn nhắc đến thái độ của chế độ Đức Quốc xã đối với các vị mục tử Kitô và các tu sĩ đã rao giảng sự thật trong tình thương, đã chống đối Đức quốc xã và đã phải trả giá bằng mạng sống của mình vì sự chống đối đó. Và ĐTC cảnh giác rằng:

”Trong khi chúng ta suy tư những lời cảnh giác về chủ nghĩa cực đoan vô thần của thế kỷ 20, chúng ta không bao giờ có thể quên rằng sự loại trừ Thiên Chúa, loại trừ tôn giáo và đức tin ra khỏi đời sống công cộng rốt cục sẽ đưa đến một quan niệm què quặt về con người và xã hội, và qua đó, nó đưa tới một ”quan niệm thu hẹp về con người và vận mệnh con người” (Caritas in veritate, 29).

ĐTC nhắc đến sự đóng góp của Anh quốc vào việc hình thành LHQ cách đây 65 năm, cũng như những nỗ lực của chính phủ nước này trong việc chấm dứt xung đột tại miền bắc Ai Len. Ngài nhận định rằng:

”Chính phủ và nhân dân Anh là đã hình thành những ý tưởng ngày nay vẫn còn ảnh hưởng vượt ra ngoài các đảo Anh. Điều này cũng đòi họ phải chu toàn nghĩa vụ đặc biệt, đó là hành động một cách khôn ngoan để mưu công ích. Đồng thời, vì ý kiến của họ được truyền tới rất nhiều người, nên các cơ quan truyền thông có một trách nhiệm hệ trọng hơn những người khác, và cũng có cơ hội rộng rãi hơn để thăng tiến hòa bình giữa các dân nước, sự phát triển toàn diện của các dân tộc và sự phổ biến các nhân quyền đích thực. Ước gì tất cả mọi người dân Anh có thể tiếp tục sống các giá trị lương thiện, tôn trọng và quân bình vốn làm cho họ được nhiều người quí chuộng và ngưỡng mộ.”

Và ĐTC kết luận rằng: ”Ngày nay Vương quốc thống nhất đang cố gắng trở thành một xã hội tân tiến và đa văn hóa. Trong nghĩa vụ đầy khích lệ này, ước gì xã hội Anh luôn có thể duy trì sự tôn trọng các giá trị truyền thống và tôn trọng những biểu thị văn hóa mà những hình thức tục hóa quá khích nhất không còn quí chuộng và chấp nhận nữa. Ước gì xã hội Anh không để bị lu mờ nền tảng Kitô vốn là căn cội của tự do, và ước gì gia sản ấy, vốn luôn phục vụ đất nước, có thể liên tục hình thành tấm gương của chính phủ và dân tộc Anh đối với 2 tỷ thành viên của Khối Thịnh Vượng chung, cũng như đại gia đình các dân nước nói tiếng Anh trên thế giới”

Sau bài diễn văn, ĐTC đã được Nữ Hoàng tháp tùng giới thiệu với các vị khách mời cao cấp nhất và chào thăm họ. Trước khi giã từ lâu đài hoàng gia, ngài đã được một số em học sinh tặng hoa. Liền đó ngài dùng xe bọc kính tiến về tòa TGM giáo phận Edinburg. Trên xe ngài đeo một khăn quàng màu xanh đậm có sọc, biểu tượng của xứ Ecosse. Dọc đường 5 cây số, có đông đảo các học sinh, tín hữu và dân chúng đứng hai bên đường, cầm cờ Tòa Thánh và Ecosse để chào mừng ngài.

Tại tòa TGM giáo phận Thánh Anrê và Edinburg, ĐTC đã dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng cũng như các vị lãnh đạo Công Giáo ở địa phương, và nghỉ ngơi.

Ban chiều 16-9-2010, ĐTC đã giã từ thành phố Edinburg, đi xe tới Glasgow cách đó gần 90 cây số để cử hành thánh lễ đầu tiên trong cuộc viếng thăm. Hàng trăm ngàn tín hữu tụ tập tại công viên Bellahouston để tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành. Sau thánh lễ, ĐTC ra phi trường đáp máy bay về thủ đô Luân Đôn.

LM Trần Đức Anh OP

Hoạt động của Đức Thánh Cha tại Luân Đôn sáng 17-9-2010


LUÂN ĐÔN. Sáng ngày 17-9-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã gặp gỡ giới giáo dục Công Giáo, hàng ngàn em học các trường Công Giáo và các vị lãnh đạo tôn giáo khác tại Đại Học Công Giáo Saint Mary ở Luân Đôn.

Lúc 8 giờ, ĐTC đã dâng thánh lễ riêng trong nguyện đường của tòa Sứ Thần, rồi sau đó, đến Đại Học Công Giáo Saint Mary ở Twickenham cách đó 12 cây số. Đại Học này được thành lập năm 1850, cùng thời điểm với việc tái lập Hàng giáo phẩm Công Giáo tại Anh quốc. Cơ sở này nhắm cung cấp một nền giáo dục cho con cái của những gia đình Công Giáo không khá giả và thoạt đầu do các Tu Huynh các trường Công giáo đảm trách, về sau được chuyển giao cho các tu sĩ dòng Vinh Sơn. Trụ sở hiện nay của Đại Học này có từ năm 1925 và sau đó có thêm nhiều tòa nhà được xây thêm. Hiện thời Học viện có 4 ngàn sinh viên với 750 nhân viên các ngành.

Đến Học viện St. Mary vào lúc gần 10 giờ rưỡi, ĐTC đã được các học sinh tiếp đón nồng nhiệt, cùng với bộ trưởng giáo dục của Anh quốc. Liền đó, ngài tiến vào nhà nguyện, trước sự hiện diện của 300 nữ tu nam nữ dấn thân trong ngành giáo dục Công Giáo trên toàn quốc.

Cuộc gặp gỡ có hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa, với một bài đọc từ sách Khôn Ngoan: ”Tôi đã yêu mến sự khôn ngoan hơn cả sức khỏe và sắc đẹp” (Kn 7,7-10.15-16).

ĐTC nhắn nhủ các giáo chức

”Như anh chị em biết, nghĩa vụ của giáo chức không phải chỉ là cung cấp các thông tin hoặc chuẩn bị về kỹ thuật để mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội; giáo dục không phải và không bao giờ được nhìn dưới khía cạnh hoàn toàn duy lợi ích. Đúng hơn, giáo dục nhắm tới sự huấn luyện con người, chuẩn bị con người sống cuộc sống sung mãn, nói tóm lại, đó là một sự giáo dục về khôn ngoan”.

ĐTC cũng nhắc đến quá trình đóng góp của các đan sĩ cho việc rao giảng Tin Mừng tại các đảo Anh, ”các đan sĩ dòng Biển Đức đã tháp tùng thánh Augustino trong sứ vụ truyền giảng Tin Mừng tại Anh quốc, các môn đệ của thánh Columba đã phổ biến đức tin tại xứ Ecosse và miền bắc Anh quốc.. Chính sự dấn thân của các đan sĩ đã chuẩn bị con đường cho cuộc gặp gỡ Lời Nhập Thể của Thiên Chúa, và qua đó đã đặt nền móng cho nền văn hóa của chúng ta và nền văn hóa tây phương.”

ĐTC cũng đề cao của các tu sĩ thuộc các dòng hoạt động, với đoàn sủng giáo dục người trẻ.. Thường thường các dòng tu đã góp phần vào việc giáo dục lâu dài trước Nhà Nước đảm nhận trách nhiệm trong việc phục vụ cá nhân và xã hội. Vì các vai trò liên hệ của Giáo Hội và Nhà Nước trong lãnh vực giáo dục tiếp tục tiến triển, nên anh chị em không bao giờ được quên rằng các tu sĩ có một đóng góp có một không hai trong công tác tông đồ này, đó là làm chứng tá bằng đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa và lòng trung thành, yêu mến Chúa Kitô, là vị Tôn Sư tối cao. Ngoài ra, sự hiện diện của các tu sĩ trong các trường Công Giáo là một lời nhắc nhớ mạnh mẽ về đặc tính Công Giáo đã được thảo luận sâu rộng, đặc tính này cần phải thấm nhập vòa mọi khía cạnh của đời sống học đường.

Sau cùng, ĐTC đề cao hoạt động của những người dấn thân để bảo đảm cho các trường học của chúng ta có một môi trường an toàn đối với các trẻ em và người trẻ.

ĐTC nhắn nhủ các
học sinh sinh viên

Buổi gặp gỡ của ĐTC với các tu sĩ nam nữ giáo chức mang mầu sắc nghiêm trang, khác hẳn với bầu không khí vui nhộn của hàng ngàn học sinh chờ đợi ĐTC ở khuôn viên Học Viện. Các em đến từ các trường Công Giáo trên toàn quốc, và buổi gặp gỡ với ĐTC không những được đài truyền hình truyền đi, nhưng người ta còn có thể theo dõi qua Internet trong tất cả các trường Công Giáo ở Ecosse và Anh quốc.

Đức Cha Malcolm McMahon O.P, GM giáo phận Nottingham, chủ tịch Ủy ban GM Anh về giáo dục, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC, tiếp đến là chứng từ của một nữ sinh, và nghi thức khai mạc Hiệp Hội Gioan Phaolô 2 về thể thao, với một đoàn các em học sinh mặc áo cầu thủ màu vàng lên tuyên hứa tuân giữ tinh thần thể thao đúng đắn và cao thượng.

Trong bài huấn dụ dành cho các học sinh và sinh viên, ĐTC đặc biệt mời gọi các em hãy nên thánh và giải thích rằng:

”Khi tôi mời gọi các em hãy nên thánh, có nghĩa là tôi xin các em đừng hài lòng với những chọn lựa hàng nhì. Tôi xin các em đừng theo đuổi một mục tiêu hạn hẹp, mà làm ngơ không biết tới tất cả những mục tiêu khác. Sở hữu tiền bạc có thể làm cho ta quảng đại và làm điều tốt lành trên thế giới, nhưng tự nó, nó không đủ để làm cho chúng ta hạnh phúc. Có nhiều tài năng trong một số hoạt động hoặc nghề nghiệp là một điều tốt, nhưng nó không bao giờ có thể làm cho chúng ta thỏa mãn, cho đến khi chúng ta nhắm tới một cái gì đó cao cả hơn. Nó có thể làm cho chúng ta nổi tiếng, nhưng không làm cho chúng ta hạnh phúc. Hạnh phúc là điều là mọi người mong ước, nhưng một trong những thảm trạng của thế giới này là bao nhiêu người không tìm được hạnh phúc vì họ tìm ở nơi không đúng. Giải pháp thật là đơn giản: hạnh phúc chân thật cần phải tìm nơi Thiên Chúa. Chúng ta cần có can đảm đặt những hy vọng sâu xa nhất của chúng ta nơi Thiên Chúa mà thôi: không phải nơi tiền bạc, sự nghiệp, thành công trần thế, hoặc trong những quan hệ của chúng ta với người khác, nhưng là với Thiên Chúa.

ĐTC giải thích thêm rằng: “Thiên Chúa không những yêu thương chúng ta một cách sâu đậm và nồng nhiệt đến độ chúng ta thật khó tưởng tượng được. Chúa mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu ấy.. Và một khi các em đi vào tình bạn với Thiên Chúa, thì mọi sự trong cuộc sống các em bắt đầu thay đổi.. Các em bắt đầu coi lòng ham muốn của cải và tính ích kỷ, và mọi thứ tội lỗi khác là những xu hướng hủy hoại và nguy hiểm, tạo nên đau khổ sâu xa và gây thiệt hại lớn lao, và các em muốn tránh vơi vào những cái cạm bấy ấy. Các em bắt đầu cảm thương những người đang gặp khó khăn và muốn làm cái gì đó để giúp đỡ họ. Các em muốn giúp người nghèo đói, an ủi người đau khổ, trở nên tốt lành và quảng đại. Khi những điều ấy bắt đầu được các em quan tâm, có nghĩa là các em bắt đầu tiến bước trên con đường thánh thiện”.

Gặp các vị lãnh đạo tôn giáo

Giã từ các học sinh và sinh viên, ĐTC tiến sang một gian phòng khác của Học Viện Saint Mary để gặp gỡ đông đảo các đại diện tôn giáo tụ họp tại đây vào lúc quá 11 giờ rưỡi. Ngoài các vị thủ lãnh các Giáo Hội Kitô, còn có các vị lãnh đạo Do thái, Hồi giáo, Ấn giáo, đạo Sikh và Phật giáo là những tôn giáo hiện diện tại Anh quốc.

Nam tước Sacks Aldgare, Rabbi trưởng của Liên hiệp cộng đoàn Do thái thuộc Khối thịnh vượng chung, và tiến sĩ Khalek Azzam, thuộc Hồi giáo đã chào mừng và phát biểu trong buổi gặp gỡ, trước khi đến lượt ĐTC lên tiếng.

Ngài bày tỏ sự đánh giá cao của Giáo Hội Công Giáo về sự hiện diện của các tín hữu dấn thân trong các lãnh vực khác nhau của đời sống xã hội và kinh tế. Chứng tá của họ hùng hồn nói về sự kiện chiều kích tinh thần của đời sống chúng ta là điều cơ bản đối với căn tính làm người của chúng ta. Trong tư cách là tín đồ thuộc các truyền thống khác nhau, chúng ta làm việc để mưu ích cho cộng đoàn theo nghĩa rộng, chúng ta đề cao tầm quan trọng của chiều kích này, trong sự cộng tác với nhau, bổ túc cho cuộc đối thoại liên tục của chúng ta.

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Sự tìm kiếm điều thánh thiêng là tìm kiếm điều duy nhất cần thiết, điều duy nhất thỏa mãn những mong đợi của con tim con người.. Bên trong những lãnh vực thuộc thẩm quyền của mình, các khoa học nhân văn và tự nhiên cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết sâu rộng về những khía cạnh của cuộc sống chúng ta và đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về cách thức hoạt động của thế giới vật chất, nhưng các khoa này không mang lại câu trả lời, không thể trả lời cho câu hỏi căn bản, tại sao chúng hoạt động ở những bình diện hoàn toàn khác nhau như vậy.

”Sự tìm kiếm thánh thiêng không hạ giá các lãnh vực nghiên cứu khác của con người. Trái lại, nó đặt các lãnh vực ấy trong bối cảnh làm gia tăng tầm quan trọng của chúng như những con đường qua đó chúng ta thi hành sứ mạng làm người quản lý thiên nhiên trong tinh thần trách nhiệm. Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta nghĩa vụ tìm kiếm và sử dụng các mầu nhiệm thiên nhiên để phục vụ một điều thiện cao cả hơn. Điều thiện cao hơn này trong đức tin Kitô được diễn tả như tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân.”

ĐTC cũng nhắc lại rằng từ Công đồng chung Vatican 2, Giáo Hội Công Giáo đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và cộng tác giữa tín đố các tôn giáo khác nhau. Và để cho cuộc đối thoại này được nhiều thành quả, cần có sự hỗ tương giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau. Nó đòi sự tôn trọng lẫn nhau, tự do thực hành tôn giáo của mình và thi hành những việc phụng tự công cộng, cũng như tự do theo lương tâm của mình mà không phải chịu xách nhiễu hoặc bách hại, kể cả sau khi từ một giáo này theo tôn giáo khác.

Sau diễn văn của ĐTC, Đức TGM Patrick Kelly của tổng giáo phận Liverpool, đã giới thiệu một số vị lãnh đạo tôn giáo lên ĐTC để ngài bắt tay thăm hỏi. Liền đó ĐTC trở về tòa Sứ Thần để dùng bữa trưa, trong khi các vị lãnh đạo tôn giáo cùng với ĐHY Kasper và Đức TGM Kurt Koch, cựu và đương kim Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tin hữu Kitô, tham dự buổi tiếp tân tại một sảnh đường của Học Viện.

Ban chiều ngày 17-9-2010, ĐTC đến thăm Đức TGM Giáo Chủ liên hiệp Anh giáo Rowan Williams ở điện Lambeth, vào lúc quá 4 giờ, trước khi đến Westminster Hall, để gặp các vị lãnh đạo xã hội dân sự, giới đại học, văn hóa, chủ doanh nghiệp, ngoại giao đoàn và các vị lãnh đạo tôn giáo.

Hoạt động cuối cùng trong ngày của ngài là buổi cầu nguyện đại kết tại Đan viện Westminster vào lúc quá 6 giờ chiều, cùng với Đức Giáo Chủ Anh giáo.

LM Trần Đức Anh OP

VietCatholic News (17 Sep 2010 12:50)

Lên đầu trang