Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
HỌC HỎI HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO

 LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
 
HỌC HỎI HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO
 
 
 
 
 
 
 
 
  
Trong ba ngày từ 3-5/7/2012, Giáo phận Phan thiết tổ chức thường huần định kỳ cho Linh mục đoàn.
 
Sáng 3/7: Tĩnh tâm quý III tại nhà nguyện Tòa Giám Mục.
Trong giờ chầu Thánh Thể khai mạc Tĩnh Tâm, Đức Giám Mục Giáo Phận đã chia sẻ Tin Mừng (Lc 10,1-12): Chúa Giêsu chỉ định và sai 72 môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng.
ĐGM nhấn mạnh đến cụm từ “sai đi từng hai người một”. Sai đi: đòi buộc người được sai phải phụ thuộc vào Đấng sai đi và đến nơi được chỉ định, làm công việc theo ý Người sai. Từng hai người một: nói lên sự hiệp thông giữa những người được sai. Linh mục giáo phận là người tông đồ được sai đến một môi trường nhất định để loan báo Tin Mừng thì cần phải vâng phục Đấng sai đi là Thiên Chúa qua Đấng bản quyền và luôn tạo nên một tông đồ đoàn hiệp thông trong sứ vụ.
Đến 10g, Đức cha Giuse chủ trì cuộc họp với linh mục đoàn.
Ngài chào mừng quí cha về tham dự tĩnh tâm đông đủ, bày tỏ niềm vui về những hoa trái mà Giáo phận đã gặt hái được trong quý vừa qua. Giáo phận có thêm 18 tân linh mục, trong đó có một tân linh mục chịu chức tại giáo phận Verona (Ý) là cha Tôma Phan Quốc Tuấn; công việc thuyên chuyển linh mục cùng với việc bổ nhiệm 7 cha phó làm quản xứ đầu tiên. Kế đến, ĐGM giáo huấn về việc điều hành giáo xứ, chương trình nghỉ mùa hè của quý cha nơi các giáo hạt, những sáng kiến cho công tác mục vụ hè và cuối cùng là chúc mừng quý cha bổn mạng Tôma.
Cha Tổng Đại Diện GB Hoàng Văn Khanh trình bày bản hướng dẫn sống “Năm Đức Tin”.
 
1.Ngày 11.10.2011, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI ban hành Tự sắc Porta Fidei công bố Năm Đức Tin. Từ Porta Fidei (cửa đức tin) gợi lại Cv 14,27: “Chúa mở cánh cửa đức tin cho dân ngoại”. Năm Đức Tin lần I cử hành năm 1967 do ĐGH Phaolô VI, kỷ niệm 1900 năm tử đạo của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, kết thúc với bản tuyên xưng đức tin của dân Chúa. Năm Đức Tin lần II này sẽ bắt đầu vào ngày 11.10.2012 và kết thúc vào ngày 24.11.2013 (Lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ), kỷ niệm hai sự kiện lớn trong Giáo hội: 50 năm Công đồng Chung Vatican II và 20 năm ban hành Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo.
 
2. Công đồng Vatican II được ĐGH Gioan XXIII triệu tập 1963 thiết tha soi dẫn mọi người bằng ánh quang Đức Kitô phản chiếu trên gương mặt Hội thánh. Chính Người thanh tẩy, soi sáng và thánh hóa trong các cử hành Phụng vụ thánh (Sacrosanctum concilium). Với Hiến chế Dei Verbum, Công đồng muốn giới thiệu cho toàn nhân loại bản chất sâu xa của Hội thánh là Ánh sáng muôn dân (LG) và mối quan hệ của Hội thánh với thế giới ngày nay (GS). Như thế, với 4 hiến chế cột trụ, và các tuyên ngôn, sắc lệnh, Công Đồng đối diện với các vấn đề chính yếu của thời đại.
 
3. Để giúp lĩnh hội các văn kiện của Công đồng cách thuận lợi, THĐGM 1985, kỷ niệm 20 năm bế mạc Công đồng, đề nghị soạn thảo sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nhằm cung cấp cho dân Chúa bản toát yếu toàn bộ giáo thuyết công giáo và làm bản tham khảo chắc chắn cho các tài liệu giáo lý của từng địa phương. Sách Giáo lý đã được biên soạn gồm 4 phần: Tín lý (kinh Tin kính), phụng vụ thánh, đời sống kitô hữu (luân lý), việc cầu nguyện. Sách Giáo lý là khí cụ hữu hiệu và chính thức nhằm phục vụ sự hiệp thông trong Giáo hội và là chuẩn mực chắc chắn cho việc giáo dục đức tin.
 
4.  Mục đích
Việc cử hành Năm Đức Tin nhắm đến 3 mục đích cụ thể:
¨     Tái khám phá cốt lõi đức tin Kitô giáo là gặp gỡ Chúa Kitô
¨     Học hỏi ý nghĩa sâu xa của các văn kiện Công đồng Vatican II
¨     Đào sâu nội dung đức tin trong sách Giáo lý, nhờ đó thi hành hữu hiệu sứ vụ loan báo Tin mừng.
Như thế, Năm Đức Tin giúp mọi tín hữu tìm hiểu sâu hơn nền tảng đức tin Kitô giáo, đó là gặp Đức Kitô Phục Sinh, Đấng mở ra chân trời mới cho cuộc sống và qua đó giúp định hướng dứt khoát đời mình. Năm Đức Tin nhằm góp phần làm sống lại nơi các tín hữu sự gắn bó với Chúa Giêsu Kitô và đào sâu đức tin, nhờ đó trở nên những chứng nhân đáng tin về Đấng Phục Sinh, có thể chỉ cho mọi người biết cánh cửa dẫn vào đức tin.
 
5.     Hướng dẫn mục vụ
-  Giáo hội hoàn vũ: Khai mạc trọng thể dưới sự chủ tọa của ĐGH, ngày 11.10.2012. Cùng với lễ khai mạc Năm thánh, là những sự kiện khác: THĐGM 2012, Đại hội giới trẻ thế giới 2013, những sáng kiến đại kết. cácHĐGM được đề nghị nâng cao việc huấn luyện giáo lý, sự dụng công nghệ thông tin và các loại hình nghệ thuật để quảng bá nội dung đức tin và những giá trị Công đồng mang lại cho Giáo hội và xã hội.
-  Cấp Giáo phận * : Khai mạc – Bế mạc tại Giáo phận. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, học tập. Tổ chức các buổi cử hành sám hối, đặc biệt xét mình về các tội nghịch đức tin. Phát triển và phổ biến những sáng kiến nhằm tái khám phá đức tin, sống đức tin và loan Tin mừng.
* Riêng tại Giáo phận Phan Thiết, sẽ tổ chức học tập, hội thảo vào các ngày tĩnh tâm quý: về các đề tài:
¨      50 năm Công đồng Vatican II 
¨      Sách Giáo lý – Chương trình giáo lý
¨      Lời Chúa  (Lectio Divina – Giảng – Loan Tin mừng)
¨      Sống và chứng nhân đức tin trong gia đình
-  Cấp giáo xứ - Giáo hạt: Khai mạc – bế mạc tại  Giáo hạt- Giáo xứ. Chú trọng việc cử hành đức tin trong Phụng vụ, nhất là Phụng vụ Thánh Thể (Giáo phận sẽ tổ chức tĩnh huấn các thừa tác viên ngoại lệ của Thánh Thể). Tổ chức việc học tập các văn kiện Công đồng. Dạy và học Giáo lý. Nỗ lực thực hiện việc loan báo Tin mừng.
 
Chiều 3/7: Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Chánh xứ Gx Chợ Đũi, nguyên Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Sài gòn, trình bày Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo. 
 
Đề tài 1: Để tiếp cận Học Thuyết Xã Hội Công giáo
 
Để tiếp cận chúng ta cần lưu ý những điểm sau:
     1.  Bận tâm loan báo tin mừng của Giáo Hội:  Giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội là một phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, vì khi loan báo Tin Mừng, Giáo Hội làm chứng cho con người nhân danh Đức Kitô, làm chứng cho phẩm giá và ơn gọi của con người là hiệp thông với những người khác.
     2.   Học Thuyết Xã Hội Thuộc về Thần học luân lý: Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis cho thấy: học thuyết xã hội của Giáo Hội “không thuộc về lĩnh vực ý thức hệ, mà thuộc về lĩnh vực thần học, hay nói rõ hơn là thần học luân lý”... Đó là “một sự trình bày chính xác những thành quả suy tư nghiêm túc về các thực tế phức tạp của đời sống con người, trong xã hội và trong trật tự quốc tế, dựa vào đức tin và truyền thống Giáo Hội.
     3.  Học Thuyết Xã Hội Nhấn Mạnh Luật tự nhiên: Luật tự nhiên, cũng là luật Chúa, không thể bị huỷ bỏ bởi tội con người. Luật tự nhiên là nền tảng luân lý thiết yếu để con người xây dựng cộng đồng nhân loại và thiết lập dân luật, tức là những kết luận có tính cụ thể và phụ thuộc rút ra từ những nguyên tắc của luật tự nhiên.
     4. Học Thuyết Xã Hội Công Bố Hay Tố Giác ? Giáo Hội dấn thân trong công tác mục vụ này theo hai hướng: bằng cách công bố những nền tảng Kitô giáo của nhân quyền và bằng cách tố giác những sự vi phạm các quyền này. Dù sao, “công bố bao giờ cũng quan trọng hơn là tố giác, và không thể tố giác mà quên công bố, vì có như thế việc tố giác mới chắc chắn và có động cơ cao cả”.
 
Ngày 4/7
Đề tài 2: Bốn Nguyên Tắc Của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo 
 
I. NGUYÊN TẮC NHÂN VỊ VÀ NHÂN QUYỀN
1. Nhân vị và nhân phẩm theo cái nhìn chung của nhân loại
Nhân vị:  Khi nói tới nhân vị chúng ta thường hiểu mỗi cá nhân của xã hội loài người là một nhân vị, là chủ thể của quyền lợi và nghĩa vụ. Nhân vị không biệt lập nhưng hướng về nhân vị khác, thông hiệp với nhân vị khác.Nhân phẩm: Nhân phẩm là phẩm giá con người, là giá trị tinh thần của một cá nhân với tính cách là một con người. Nhân phẩm chính là những giá trị phản ánh và tạo nên phẩm chất của từng cá nhân.
Giáo hội đánh giá cao bảnTuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền,Giáo hội ghi nhận“giá trị tích cực của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, được Liên Hiệp Quốc chấp nhận ngày 10-12-1948, và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II coi như“một cột mốc thực sự trên con đường tiến bộ đạo đức của nhân loại”. 
 
II. NGUYÊN TẮC CÔNG ÍCH (LE PRINCIPE DU BIEN COMMUN)
Nguyên tắc công ích: mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích nếu muốn đạt tới ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người. Tuy nhiên, lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo.
 
III. NGUYÊN TẮC BỔ TRỢ
Là nguyên tắc quan trọng nhất của triết học xã hội: mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ (subsidium) tức là hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển các xã hội thuộc trật tự thấp hơn. Bổ trợ hiểu theo nghĩa tích cực và tiêu cực. 
 
IV. NGUYÊN TẮC LIÊN ĐỚI
Liên đới là một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý. Liên đới là một quyết tâm chắc chắn và kiên định muốn dấn thân cho công ích: đức tính xã hội căn bản nằm trong phạm vi công bằng, sẳn sàng liều mất bản thân mình vì người khác. Chúa Giêsu làm mối dây liên kết sự liên đới với bác ái được sáng tỏ trước mặt mọi người : trao ban hoàn toàn vô điều kiện, tha thứ và hòa giải. 
 
Đề tài 3 : Các Giá Trị Căn Bản Của Đời Sống Xã Hội
 
1. Sự thật: Mọi người có nghĩa vụ đặc biệt là phải luôn hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm. Sống trong sư thật, tìm kiếm sự thật.
2. Tự do: Tự do là dấu chỉ cao đẹp nhất nơi con người cho biết phẩm giá tuyệt vời của mỗi người.
3. Công lý: Công lý là ước muốn kiên định và vững chắc trả những gì mình mắc nợ Chúa và tha nhân.Công lý xã hội nhằm điều hòa các quan hệ xã hội theo tiêu chuẩn tuân thủ luật pháp. Công lý hướng về liên đới và yêu thương
 
A. CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU
Có một mối liên kết sâu xa giữa các đức tính, các giá trị xã hội và tình yêu. Tình yêu là tiêu chuẩn cao nhất và phổ quát nhất của toàn bộ nền đạo đức xã hội. Chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa ấy mà các giá trị như sự thật, tự do và công lý đã khai sinh và phát triển
 
B. CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ
Con người là nền tảng và mục tiêu của đời sống chính trị. Điều răn bác ái của Tin Mừng soi sáng cho các Kitô hữu thấy ý nghĩa sâu xa nhất của đời sống chính trị. “Không có cách nào tốt hơn là… cổ vũ ý thức nội tâm về công lý, lòng nhân hậu và việc phục vụ công ích, đồng thời củng cố các niềm xác tín nền tảng về bản chất đích thực của cộng đồng chính trị, về việc thực thi cách đúng đắn và về các giới hạn của công quyền”.
 
C. QUYỀN HÀNH CHÍNH TRỊ
Quyền hành chính trị phải bảo đảm cho có được một đời sống cộng đồng trật tự và ngay thẳng, không tước đoạt sự hoạt động tự do của các cá nhân và tập thể, nhưng phải điều tiết và định hướng cho sự tự do ấy bằng cách tôn trọng và bảo vệ sự độc lập của các cá nhân và chủ thể xã hội hầu đạt được ích chung. Quyền hành chính trị phải được thi hành trong khuôn khổ luân lý và nhân danh công ích theo đúng trật tự pháp lý được luật pháp công nhận. Khi thực hiện được như thế, các công dân bị buộc tự trong lương tâm phải tuân hành”.
 
D. XÃ HỘI DÂN SỰ
Cộng đồng chính trị được thiết lập là để phục vụ xã hội dân sự, mà từ xã hội dân sự này, cộng đồng chính trị được khai sinh. Các tập thể công dân có thể lập ra các hiệp hội, ra sức phát triển và bày tỏ sở thích riêng của mình, hầu đáp ứng các nhu cầu căn bản và bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình.
 
E. CỘNG ĐỒNG TÔN GIÁO
Công đồng Vatican II đã trao cho Giáo hội Công giáo nhiệm vụ thúc đẩy tự do tôn giáo. Chính phẩm giá của con người và chính bản chất của công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa đòi phải để cho mọi người được tự do không bị một áp lực nào trong lĩnh vực tôn giáo. Quyền tự do tôn giáo phải được nhìn nhận trong trật tự pháp lý và phải được phê chuẩn như một quyền dân sự. 
 
G. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Công đồng Vatican II đã long trọng tái xác nhận rằng "cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập với nhau và hoàn toàn tự trị trong địa hạt riêng của mình. Giáo Hội được tổ chức theo những cách thức có thể giúp đáp ứng các nhu cầu tâm linh của các tín hữu, còn các cộng đồng chính trị đưa ra các mối quan hệ và định chế nhằm phục vụ mọi sự có liên quan tới công ích trên trần gian. Giáo Hội có quyền được luật pháp nhìn nhận bản sắc đúng của mình. Giáo Hội thấy mình có bổn phận phải bênh vực các quyền căn bản của con người hay vì sự cứu độ các linh hồn.
 
Ngày 5/7 : 5 Giáo hạt chia làm 2 tổ thảo luận 2 câu hỏi.
 
1.Tại sao Giáo Hội Công Giáo nói về vấn đề nhân quyền ở trong Giáo Hội ? Chính Giáo Hội cũng cảm thấy nhu cầu phải tôn trọng công lý và các quyền con người ngay trong hàng ngũ Giáo Hội (số 159).
2. Nguyên tắc bổ trợ áp dụng vào mục vụ giáo xứ như thế nào ?
Sau đó cha Ernest đúc kết thảo luận và mời gọi các linh mục vận dụng học thuyết xã hội Công Giáo vào chương trình mục vụ giáo xứ. Học thuyết Xã hội Công Giáo là phương tiện để loan báo Tin mừng, làm cho tất cả mọi thực tại thấm đượm Tin mừng. Con đường yêu thương là mô thức của các giá trị đạo đức và hướng đến phục vụ con người.
Kết thúc những ngày thường huấn, Đức Cha Giuse đúc kết và cám ơn.
Vấn đề thường huấn linh mục được nói đến trong nhiều văn kiện của Giáo Hội. Đặc biệt trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis. Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II đã viết trong nhiều số về vấn đề thường huấn. Các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới đã đúc kết lại trong những chương trình cụ thể. Tại các Giáo phận của Giáo Hội Việt Nam, hàng năm nổ lực làm sao có 52 giờ thường huấn. Một năm có 52 tuần, mỗi tuần một giờ. Chính vì vậy tại nhiều Giáo Phận, một năm có hai đợt thường huấn, mỗi đợt ba là ngày liên tiếp. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II coi thường huấn là điều kiện làm nóng lại niềm vui ban đầu của đời dâng hiến.
Năm nay, cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng thuyết trình về học thuyết Xã hội Công giáo. Ngài đã có nhiều thời gian giảng dạy môn thần học luân lý tại Đại Chủng Viện Sài Gòn cũng như giúp các Đại Chủng Viện khác và các Hội Dòng. Ngài nghiên cứu về Học Thuyết Xã Hội và cũng đã trình bày tại đó đây.
Cám ơn cha Ernest và cám ơn tất cả linh mục đoàn của Giáo phận đã sắp xếp thời giờ đến đây để lắng nghe. Anh em linh mục sẽ áp dụng những điều đã ghi nhận và định hướng cho công tác mục vụ tại ở giáo xứ như thế nào, đó là tác động của Chúa Thánh Linh.
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An 


Lên đầu trang