Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
MẸ HIỀN YÊU DẤU của LÀNG PHONG DI LINH

Soeur MAI THỊ MẬU










Trọn đời của Đức Cha Cassaigne (tên Việt là Sanh) là một chuỗi ngày sống và chia sẻ tất cả với người cùi tại Kala để rồi khi nằm xuống, ngài chỉ để lại trên mộ của mình vài chữ ngắn gọn: “JEAN CASSAIGNE. 1895-1973. "Caritas et Amor” (Bác Ái và Tình Yêu). Đó là phương châm của ngài khi là giám mục, nhưng đó cũng là kim chỉ nam để ngài sống trọn vẹn cuộc đời tận hiến của mình: tận hiến cho Chúa của ngài và cho những người con mang bệnh cùi trong mình. Chính ngài đã thiết lập trại cùi Kala ở Di Linh vào ngày 19 tháng 03 năm 1929 và trong vòng 10 năm ngài là người duy nhất để chăm sóc cho những người Thượng mắc bệnh phong và bị xóm làng gạt bỏ ra ngoài rừng trong tình trạng sống dở chết dở.
 
Mãi đến năm 1938 mới có được 3 Nữ Tử Bác Ái đến tiếp tay với ngài. Năm 1941, ngài buộc phải rời Kala để xuống Saigon thi hành chức vụ Giám mục, rồi 14 năm sau, ngài lại trở về sống với những người con phong hủi của mình từ năm 1955 cho đến khi qua đời năm 1973. Ngài yêu thương người phung đến độ chia sẻ mọi sự với họ, và để yêu thương đến cùng, ngài chia sẻ cả bệnh tật của họ để chết dần chết mòn trong thân thể đớn đau của một người đã nhiễm bệnh phung. Hiện nay mộ phần ngài vẫn còn nằm tại đấy, trơ gan cùng tuế nguyệt như một chứng tích tình yêu.
 
Đức cha Cassaigne ấy, một con người từ một đất nước xa xôi ở phương Tây, đã đến và ở lại với đất nước nghèo nàn khốn khổ Việt nam. Vị giám mục ấy đã chọn đi theo con đường sống và chết cho tình yêu: Đức cha trọn vẹn dành cuộc đời tận hiến để đồng hành và chia sẻ những khổ đau thân xác và tinh thần của người cùi để rồi đồng cảm với họ đến cùng.
 
Có lần một nữ tu nặng lời với một bệnh nhân vì anh phạm lỗi. Thấy thế, ngài đã trách xơ trước mặt bệnh nhân! Ngày hôm sau, ngài gặp riêng xơ để xin lỗi và tâm sự: “Hôm qua cha trách con, cốt ý để cho bệnh nhân đừng tủi, mặc dầu con đã làm phải. Cha đến xin con đừng buồn. Chúng ta không thể làm Chúa Giêsu buồn, thì cũng đừng làm cho người cùi buồn. Vì họ là con Chúa, là hình ảnh Chúa Cứu Thế đau khổ trên Thập Giá.” Nữ tu mà ngài đã trách hôm ấy tên là Josephine Mai Thi Mậu.
 
Ngày 25 tháng 2 năm 2006, Chủ tịch Nước Việt Nam đã lên tận trại cùi Kala mà giờ đây đã đổi tên thành ‘Trung Tâm Điều Trị Phong Di Linh’ để trao tặng danh hiệu ‘anh hùng’ cho xơ Mai Thi Mậu. Xơ Mậu, người đã sống 40 năm ơn gọi nữ tu của mình qua hai thế hệ phục vụ người phong, và từng học những bài học tận hiến cụ thể qua 5 năm sống cạnh Đức Cha Cassaigne. Một nữ tu được Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa tặng danh hiệu Anh Hùng, tương đương với những người Cộng Sản sáng chói nhất! Xơ Mậu nhận tước hiệu ‘anh hùng’ như nhận giùm cho một người khác; bởi lẽ trái tim của xơ đã được người cùi chiếm trọn nên không còn chỗ để chất chứa thêm niềm vui của một vị anh hùng!
 
Soeur Mai Thị Mậu bảo rằng thời trẻ bà đến cao nguyên Di Linh này như thế nào thì mai này khi ra đi cũng như thế ấy. Tình yêu thương những con người bất hạnh là cái duy nhất bà cần. Và hôm 25-2, một lễ trao danh hiệu anh hùng do Chủ tịch nước tặng cho người nữ tu ấy đã diễn ra ngay tại làng phong Di Linh trên một ngọn đồi.

Ân nhân của những bệnh nhân phong ở Di Linh

Vietcatholic news
22/03/2012
DI LINH - Theo quan niệm trong dân gian, nỗi bất hạnh lớn nhất của con người là mắc phải bệnh phong cùi, có nơi gọi là bệnh hủi. Bởi vì căn bệnh này không chỉ vì khó chữa trị mà người bệnh còn bị gia đình, cộng đồng xa lánh, hắt hủi. Thế nhưng những bệnh nhân phong cùi ở Di Linh (Lâm Đồng) lại có được sự may mắn vì ở đây có những con người không chạy trốn họ mà dám chia sẻ nỗi khổ đau với họ, nâng đỡ họ vượt qua được những mặc cảm định kiến để vươn lên làm một người bình thường. Nữ tu Mai Thị Mậu là một người như thế. Chị đúng là ân nhân của những bệnh nhân phong.
Trại phong Di Linh được thành lập từ những năm 50 của thế kỷ XX và người có công lớn là Giám mục Jean Cassaigne. Vị Giám mục này sau 14 năm cai quản giáo phận Sài Gòn đã xin từ nhiệm lên Di Linh, lúc đó còn là vùng rừng thiêng nước độc, cùng với một số nữ tu để xây dựng một nơi cho những người bị bệnh phong cùi có chỗ trú ngụ và chữa trị. Cuối cùng , chính vị Giám mục này đã bị lây bệnh cùi và chết ở mảnh đất này nam 1973.
Là một nữ tu của dòng Nữ tử Bác ái Vinh sơn, quê ở Hải Hậu, Nam Định, nữ tu Mai Thị Mậu được nhà dòng cho đi học nghề y để có thể phục vụ đồng bào được hữu hiệu hơn. Chị cũng như tất cả các nữ tu khác của dòng đều có tâm niệm rằng, được phục vụ người nghèo khổ đó là niềm hạnh phúc vì theo đức tin của các chị, người nghèo khổ bệnh tật, bất hạnh, đó chính là anh chị em. Được phục vụ săn sóc họ chính là phục vụ, săn sóc cho Chúa, cho anh chị em mình. Niềm tin đó cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thúc đẩy chị đến với trại phong Di Linh vào năm 1965.
Ngay ngày đầu tiên đến Di Linh, vừa chân ướt, chân ráo, chị đã gặp một người đàn ông, hủi ăn cụt cả bàn tay, hớt hải chạy đến kêu chị giúp đỡ. Vợ anh ta trở dạ mà mãi không sinh được. Soeur Mậu đâu có học nghề đỡ đẻ. Nhưng ở đấy, lúc đó chẳng ai biết nghề y. Vậy là chị nhận lời đi. Trời tối, đèn đóm chẳng có mà sản phụ thì đau đớn kêu la. Chị vừa động viên sản phụ, vừa làm các động tác giúp sản phụ dễ sinh hơn. Để có ánh sáng, người chồng phải đốt củi ngò. Đây là loại cây khi cháy rất khói, vì vậy nước mắt của chị chảy giàn dụa. Phải 3 tiếng đồng hồ đứa trẻ mới chịu ra chào đời vì nó quá lớn, nặng những 4,5 kg. Thế nhưng sản phụ lại bị sa tử cung. Giữa rừng, biết tìm đâu ra bác sĩ bây giờ? Vậy là chị cứ làm theo bản năng, tẩy trùng sạch sẽ rồi đẩy vào. Chị phải thức trắng cùng sản phụ vì lo lắng. May mắn là họ đã mẹ tròn con vuông. Thế là từ đấy, chị trở thành bà đỡ mát tay cho bao đứa trẻ ở đây chào đời và cũng thành bà mối cho bao bệnh nhân trong trại phong Di Linh nên vợ nên chồng.
Công việc của Soeur Mậu ở trại phong rất tất bật. Trại có 354 bệnh nhân trong đó có 147 người bị tàn phế vĩnh viễn. Có những gia đình mấy thế hệ đều là bệnh nhân và đều do tay Soeur Mậu chăm sóc. Vì vậy công việc vô cùng bận rộn từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Ngày nào cũng như ngày nào. Nếu có chút thì giờ là chị ra vườn cà phê để có thể hướng dẫn cho một số bệnh nhân có sức lao động có thể làm ra sản phẩm từ chính bàn tay của họ.
Điều lo lắng nhất của Soeur Mậu không chỉ là chữa lành cho các bệnh nhân phong ở đây mà làm sao để họ có thể hoà nhập với cộng đồng, với xã hội. Dĩ nhiên, điều này cần ở cả hai phía, dư luận xã hội và chính những người bệnh nhân phong. Đối với bệnh nhân, phải làm cho họ có ý chí vươn lên. Muốn vậy, họ cần được học hành. Không có giáo viên, các chị tự làm giáo viên. Không có giáo án, sách giáo khoa, các chị tự mày mò sao cho con em người bệnh có thể đọc được cái chữ, biết làm tính. Nhưng chỉ đọc thông viết thạo chưa đủ, muốn vươn lên phải học cao hơn nữa. Vậy là chị Mậu cho mở lớp học tập trung. Con em bệnh nhân được nuôi ăn, ngủ tại trại để chuyên lo việc học văn hoá. Chúng được nuôi dạy chu đáo hơn ở nhà nhưng cũng phải học hành cẩn thận dưới sự giám sát của các nữ tu. Chị Mậu luôn đi kiểm tra buổi tối từ việc làm bài tập đến việc đi ngủ của trẻ. Bao giờ đưa trẻ cuối cùng yên giấc chịu mới về phòng của mình. Tình cảm yêu thương của Soeur Mậu đã là định hướng cho một số em đi theo nghề y và quay về phục vụ chính những bệnh nhân của trại Di Linh như y tá Ka Sỉu, bác sĩ K’Điu. Y tá Ka Sỉu nói:
- Cháu từ lúc sinh ra đã được Soeur Mậu chăm sóc, yêu quý. Cháu chọn nghề y là muốn phụ giúp cho Soeur Mậu đỡ vất vả và giúp đỡ chính bà con bệnh nhân ở đây.
Còn ông K’ Bles- bố đẻ của bác sĩ K’ Điu lại vô cùng xúc động vì nhờ có Soeur Mậu mà con trai của ông nay mới trở thành bác sĩ và hiện là Phó Giám đốc Trung tâm. Đó là niềm tự hào của gia đình ông, một gia đình có ông bà là bệnh nhân phong của trại Di Linh. Ông nói:
-Tất cả chúng tôi ở trại Di Linh này đều biết ơn bà Mậu. Mọi người ở đây gọi bà ấy là Mơi Mậu tức Mẹ Mậu. Ông bà tôi là bệnh nhân được bà ấy chăm sóc đã đành, đến đời chúng tôi và con cái chúng tôi dù không mắc bệnh vẫn được bà ấy chăm lo, nâng đỡ như con cháu ruột thị trong nhà.
Ông kể lại những hình ảnh kinh hoàng trong quá khứ đã ám ảnh biết bao bệnh nhân bị phong cùi. Những người không có bàn tay, không có ngón tay, phải dùng dây chun buộc cuốc, rựa vào cùi tay để cày cuốc kiếm ăn qua ngày, máu chảy đỏ cả luống cà phê. Có người bị vi khuẩn phong ăn mất cả sống mũi, hai cái hốc vếch lên trời. Có người bị hủi ăn mất cả thanh quản, gặp người chỉ ú ớ, khắp người lở loét. Họ bị dân làng xua vào rừng, chết dần chết mòn và làm mồi cho cọp vì nghe nói cọp rất thích ăn thị người cùi. Đơn giản người bị bệnh cùi rất nặng hơi nên cọp dễ phát hiện và họ cũng không có sức để chạy trốn hay chống đỡ.
Đau với nỗi đau của người bệnh, nên Soeur Mậu tìm mọi cách để làm giảm nỗi đau đớn của họ. Do bị cùi ăn nên tay chân người bệnh biến dạng, không đi giày dép được. Sau năm 1975, thấy bộ đội có đôi dép lốp, Soeur Mậu tìm một thợ ở Sài Gòn lên làm dép cho từng người. Những đôi dép lốp cao su đã mang lại niềm vui cho các bệnh nhân vì giờ đây họ có thể rửa chân lên giường đi ngủ và ra đường không phải cọ chân đến chảy máu trên cát sỏi nữa. Thế nhưng Soeur Mậu vẫn còn băn khoăn vì những đôi dép đó không đẹp và nhất là vẫn gây đau cho người bệnh. Soeur tìm bạn bè dò kiếm. Niềm vui đã đến với Soeur khi một tổ chức nhân đạo đã đồng ý trang bị cho trại Di Linh một phòng làm giày chỉnh hình cho các bệnh nhân phong. Nói sao hết được niềm vui của các bệnh nhân khi được đến đo chân đóng giày. Họ đã được đối xử như những người bình thường khác.
Soeur Mậu vẫn còn lo xa hơn nữa. Chẳng lẽ cứ tập trung các bệnh nhân quanh quẩn ở trại Di Linh? Vậy là Soeur lo kiếm đất, tạo lập một cơ sở 2 cho trại. Mảnh đất này là của một bác sĩ người Đức gốc Pháp khi đến nhờ Soeur chữa bệnh. Bệnh khỏi, ông muốn cảm ơn. Soeur Mậu đề nghị ông bán rẻ cho mảnh đất. Và ông đã bán lại 53 ha với giá 15 cây vàng vào năm 1973. Bây giờ khu đất này là một làng mới cho các gia đình bệnh nhân đã lành bệnh, để họ có cơ hội làm kinh tế, có cơ hội hoà nhập với cộng đồng. Cái làng mới đó giờ đã hình thành ở xã Gia Hiệp. Đã có 135 gia đình tình nguyện đến nhập làm cư dân của làng. Mỗi gia đình đều được cấp 4 sào đất và một ngôi nhà trị giá 12 triệu đồng. Soeur Mậu và các nhân viên đã dạy cho họ biết cách trồng cà phê, chăn nuôi và cả cách tính toán quản lý một gia đình. Bây giờ nhiều gia đình đã có một cơ ngơi, tuy chưa giàu có nhưng cũng không thua kém với những người ở làng bên. Gia đình chị Ka Đim là một gia đình như thế. Chị có vườn cà phê, trong chuồng có vài chục con lợn lớn nhỏ. Chị xúc động kể:
- Chúng tôi được Soeur Mậu dạy dỗ từ cách trồng cấy, chăn nuôi đến việc tằn tiện chi tiêu trong gia đình. Cha mẹ chúng tôi cũng không chỉ bảo được như thế. Soeur Mậu là ân nhân của tất cả chúng tôi.
Cơ sở 2 này bây giờ cũng có một xưởng may dạy nghề cho các em gái để sau này các em có thể sống tự lập. Làng cũng có một nhà trẻ để cha mẹ chúng có thể yên tâm đi làm. Dù bận đến đâu, mỗi tuần Soeur Mậu cũng ghé qua nhà trẻ để dạy các cháu hát và nghe chúng bi bô chào. Điều đáng mừng là 100% trẻ em ở làng này đều được đến trường. Có nhiều em còn được học lên cao. Có 10 em đang học phổ thông trung học và 4 em đang học đại học. Vậy là làng này còn có triển vọng đi lên nữa. Đó cũng là niềm vui của người nữ tu Mai Thị Mậu khi bước vào tuổi 63.
Gần 40 năm gắn bó với trại phong Di Linh, Soeur Mậu chưa bao giờ kêu ca phàn nàn về lương bổng bởi chị rất cảm thông với địa phương Lâm Đồng còn nghèo không được khá giả như nhiều tỉnh thành khác. Theo gương chị, các nữ tu cũng như các nhân viên ở đây, đều cần cù, tận tuỵ với công việc, không ai bỏ nghề, bỏ việc đi nơi khác. Bởi vì những lúc khó khăn nhất, Soeur Mậu đã không bỏ các bệnh nhân phong mà đi thì nay sao lại bỏ trại Di Linh mà đi cho đành lòng? Và nếu không có họ thì với mức trợ cấp của Nhà nước là 120 ngàn đồng /tháng một bệnh nhân nặng làm sao có thể đủ trang trải được với mức giá cả đắt đỏ như hiện nay.
Bây gìơ công việc của Soeur Mậu cũng đã bớt nhọc nhằn hơn vì đã có những nhân viên trẻ trung thay thế nhưng trong cương vị là người quản lý ở đây, đầu óc của chị vẫn không bao giờ ngơi nghỉ. Chị nói:
- Người bị bệnh phong cùi bây giờ đã đỡ khổ hơn nhưng vẫn còn cơ cực lắm. Cà phê năm được năm mất mà nếu được mùa có khi giá lại hạ. Phải tìm cây khác chắc ăn hơn. Tôi đang thử đưa cây ăn trái vào trồng. Hy vọng đây sẽ là lối đi để dân có cuộc sống ổn định.
Khi hỏi về cuộc sống của chị, chị lại chỉ nói về các đồng nghiệp. Họ đã cộng tác với chị và gắn bó với chị như chị em trong một gia đình. Những bệnh nhân thì hết lời ca ngợi các chị nhưng chính Soeur Mậu lại nói rằng, chị học được rất nhiều đức tính tốt của người bệnh như tính kiên nhẫn, vượt thắng nỗi đau thể xác và tinh thần, chấp nhận bệnh tật để vươn tới tương lai.
Nhà nước ghi nhận những hy sinh đóng góp của Soeur nên đã tặng thưởng huy chương Anh hùng lao động. Điều đó chứng tỏ công sức của chị đã được xã hội ghi nhận. Tuy nhiên chị còn vui hơn khi địa phương dù còn nghèo đã đầu tư xây dựng cho trại phong Di Linh một cơ ngơi khá khang trang. Người bệnh giờ đây đã có chỗ ở và điều trị thoáng mát hơn và đặc biệt trẻ em đã có lớp học, có sân chơi. Trại phong Di Linh bây giờ không còn nỗi khiếp sợ mà đã vang lên tiếng hát, tiếng cười của con trẻ.
Sau khi chương trình “Người xây tổ ấm” Đài truyền hình Việt Nam năm 2004 nói về Soeur Mai Thị Mậu phát sóng. Có rất nhiều người đã đến thăm trại phong Di Linh như để chia sẻ với các bệnh nhân và cũng để tận mắt chứng kiến những việc làm âm thầm nhưng cao thượng và đầy tình nhân ái của Soeur. Không ít người đã đặt ra câu hỏi: Vì sao Soeur làm được như thế? Soeur Mậu trả lời: Vì tôi là ngưòi may mắn được Chúa cho lành lặn nên tôi phải chia sẻ cho anh chị em tôi là các bệnh nhân phong. Tôi thay mặt những người lành lặn đến đây và tôi biết có nhiều người cũng muốn thế nhưng chưa có điều kiện.
Khi chúng tôi hỏi về những ước muốn của Soeur, chị nói:
- Tôi chỉ mong tất cả những người bệnh nhân phong sớm được tái nhập vào cộng đồng xã hội, được xã hội tạo điều kiện học văn hoá, học nghề để lập nghiệp như những người bình thường khác.
Chúng ta cầu chúc cho những ước mong của Soeur Mậu sớm thành hiện thực và cầu mong cho xã hội ta có thêm nhiều người có lòng nhân ái như nữ tu Mai Thị Mậu để làm dịu bớt các nỗi đau của những người kém may mắn.
Năm nay, Soeur Mậu đã ngoài 70, dã nghỉ hưu nhưng vãn chưa rời công việc chăm sóc bệnh nhân ở trại phong Di Linh. Người ta hỏi Soeur sao chưa về nghỉ tuổi già? Soeur đáp: “Làm sao tôi bỏ di được, khi bà con luôn chờ tôi cũng giống như tôi đi láy chồng thì trại phong này cũng là gia đình chồng tôi vậy. Tôi sẽ thuộc về nơi này mãi mãi.”
Phạm Huy Thông
 
Nữ "chủ hộ"anh hùng của gia đình hơn 300 người


01/03/2006 22:03
 
Nữ tu Mai Thị Mậu vinh dự là nữ tu công giáo đầu tiên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Năm nay bà bước vào tuổi 65, nhưng vẫn là "chủ hộ" của một "đại gia đình" gồm trên 300 con người, trong đó 95% là người dân tộc K'ho và Nùng; phân nửa trong đó lại là những người tàn tật do bệnh phong, chỉ biết trông nhờ vào sự chăm sóc của người khác.
Năm 27 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung cấp y tá, nữ tu Mai Thị Mậu đã tình nguyện về sống và phục vụ những người phong cùi ở trại phong Di Linh (Lâm Đồng). Có thể nói, sau linh mục Cassaigne là người có công thành lập trại phong (năm 1927) thì nữ tu Mai Thị Mậu là người gắn bó lâu nhất với các bệnh nhân phong suốt 38 năm qua. Bệnh nhân phong vẫn thường gọi bà là Mẹ một cách trìu mến thân thương. Cụ Ka-Pao 67 tuổi, cụt cả 2 chân, có hơn 50 năm là thành viên của "gia đình" xúc động nói: "Ở đây sướng lắm! Được ở nhà đẹp, được Mẹ cho uống thuốc, cho ăn uống đầy đủ, lại còn giặt giũ áo quần cho nữa. Mẹ tốt lắm!". Còn cụ V.S quê mãi Đà Nẵng, cả nhà bị bệnh phong, đã tìm về đây xin nương tựa, cụ thổ lộ: "Thú thật có lúc sống trong tuyệt vọng tôi chỉ muốn chết đi cho nhanh, nhưng được Mẹ Mậu và các nữ tu, cán bộ y tế ở đây động viên tinh thần, đút cho mình từng miếng cơm, miếng cháo, chăm lo từng giấc ngủ… nhờ đó tôi lấy lại được niềm tin cuộc sống. Các con tôi lành bệnh, được cấp nhà cho ở, cấp đất để sản xuất. Ơn này tôi phải mang suốt đời!".
Từ khi thành lập đến nay, Khu điều trị phong Di Linh đã điều trị nội trú cho trên 2.100 người và hàng trăm người được điều trị ngoại trú tại gia. Hiện nay, Khu trực tiếp điều trị và chăm sóc tàn tật cho 130 người; gần 150 người khác sau khi lành bệnh được cấp đất, cấp nhà để sống tự lập. Khu còn tổ chức chăn nuôi, sản xuất tập thể để mọi người giúp đỡ nhau, người mạnh giúp người yếu trong một thời gian đến khi họ có khả năng hoàn toàn tự lập. Đặc biệt, tất cả các con cháu bệnh nhân phong đều được đến trường 100% từ độ tuổi mẫu giáo cho đến đại học, tất cả học phí, chi phí ăn ở nữ tu Mậu đều đi vận động lo cho. Hiện nay, có 9 em đang theo học bậc đại học tại Đà Lạt và TP.HCM, 5 em học trung học y tế, kế toán, thiết kế xây dựng, thú y, cơ khí và một số khác đang được gửi đi học các ngành nghề khác... Nữ tu Mai Thị Mậu cho biết có 14 con em sau khi tốt nghiệp đã tình nguyện về lại Khu điều trị để cùng các nữ tu chăm sóc bệnh nhân phong trong vai trò bác sĩ, y sĩ, hộ lý, nhân viên cấp dưỡng, điện máy... "Chúng tôi quyết tâm em nào học xong 12 đều phải học bậc đại học hoặc cao đẳng, để mong sau này các em có tương lai vững chắc" - nữ tu Mậu tâm sự.
 
Năm 2001, Khu điều trị phong Di Linh và nữ tu Mai Thị Mậu vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III. Năm 2005, bà là một trong 12 chiến sĩ thi đua tiêu biểu đại diện cho tỉnh Lâm Đồng tham dự Đại hội thi đua yêu nước được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Ngày 25.2.2006, tại Khu điều trị phong Di Linh, Sở Y tế Lâm Đồng long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động cho nữ tu Mai Thị Mậu. Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, nữ tu xúc động: "Chỉ mình bản thân tôi cũng chẳng làm được gì, đây là công sức của tập thể cán bộ công nhân viên của trại, mà tôi chỉ là người đại diện để nhận thôi". Bà nói tiếp: "Được vinh dự như hôm nay phần lớn là nhờ sự hợp tác của anh chị em bệnh nhân phong, các cháu và đội ngũ cán bộ công nhân viên. Hai bên vừa cho và nhận đó thôi, bệnh nhân phong chấp nhận để chúng tôi giúp đỡ, chăm sóc. Chúng tôi xem đây là gia đình của mình, là nơi đem lại niềm tin tưởng cho mọi người, niềm vui tươi hạnh phúc và hơn hết là tình yêu thương nhân loại".


                                                                                                                                                                     Lâm Viên

Trở lại làng phong


Cập nhật: 03.35am 23-05-2010 / Báo: nhandan.com.vn / Trong : Xã hội | Xem trang gốc




i74_014526.jpg


"Trong cuộc đời gắn bó với những bệnh nhân phong, ngày mà tôi vui sướng nhất chính là ngày Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt chỉ đạo các cơ sở y tế phải tiếp nhận bệnh nhân phong như bất cứ bệnh thông thường nào và các trường học cũng phải tiếp nhận tất cả các học sinh có tiền sử mắc bệnh phong".

Xơ Mai Thị Mậu nói vậy, bởi trong lòng người Anh hùng Lao động, thầy thuốc - tu sĩ ấy mãi mãi không bao giờ quên những nỗi ấm ức và mặc cảm mà những người bệnh của bà và con cái họ từng phải gánh chịu...

Từ "ốc đảo Hansen" thành ngôi làng ấm áp

Mỗi ngày ở đây, trên ngọn đồi đầy sắc mầu hoa lá ở Bảo Thuận cùng với những vườn cà-phê xanh tươi ở Gia Hiệp thuộc huyện Di Linh (Lâm Ðồng), cuộc sống vẫn diễn ra bình thường như bất cứ ngôi làng nào. Trong những ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh ở cả hai cơ sở là mái ấm của 200 hộ dân "làng phong" với gần 300 nhân khẩu mà trong đó có hơn 150 người đã bị tàn phế hoặc đang được chữa trị. Với sự chăm sóc của 19 cán bộ, thầy thuốc, họ nhẫn nại trên bước đường tìm kiếm sự thành công trong điều trị bệnh với niềm tin và mơ ước yên lành cho cơ thể cũng như tâm hồn. Họ gắng sức tạo lập một cuộc sống dù còn lắm gian truân.

Từ xưa đến tận đầu thế kỷ 20, bệnh phong vẫn được coi là căn bệnh ghê gớm, có khả năng lây nhanh và không có thuốc chữa. Người ta đã xua đuổi và những người bị mắc bệnh phong trên thế giới này đã phải trốn chui, trốn nhủi vào rừng sâu, ra hoang đảo, nhưng khi bị phát hiện họ vẫn có thể bị thiêu sống hoặc thả bè trôi ra biển. Họ chết dần, chết mòn cả thể xác lẫn tinh thần trong sự xa lánh, định kiến. Thế nhưng, trong hoàn cảnh đó, dù ít ỏi, vẫn còn có những tấm lòng nhân ái tìm đến để cảm thông, an ủi họ, mặc dù hồi đó chưa hề có một loại thuốc đặc trị hay cách điều trị hữu hiệu nào.

Trở lại với làng phong Di Linh. Những năm đầu thế kỷ 20, không ít người dân tộc Cơ Ho, Châu Mạ và cả người Kinh ở Lâm Ðồng, Bình Thuận bị mắc bệnh phong. Mặc cảm sợ hãi đã đưa họ vào rừng sâu với cuộc sống bế tắc, đói khổ, đau đớn. Trong những lần vào rừng săn bắn, vị Giám mục người Pháp Giăng Ca-xai-nê thuộc dòng Thừa sai Pa-ri đã tìm thấy họ. Năm 1927, "ông Tây" giàu lòng bác ái này đã lập nên trại phong Di Linh. Giăng Ca-xai-nê đã gắn bó suốt 48 năm với những người bệnh phong cho đến năm 1973 ông mất. Giờ đây, phần mộ của ông vẫn yên vị giữa làng phong và hằng ngày những người bất hạnh vẫn đến cầu nguyện cho linh hồn vị tu sĩ giàu lòng thương người...

Ông K'Bai, một bệnh nhân phong lâu năm nói rằng: "Ðối với chúng tôi, còn có những điều đáng sợ hơn cái chết!" Vâng, đáng sợ hơn cái chết, đó chính là sự mặc cảm, sự lạnh lùng, miệt thị, sự bất bình đẳng trong đối xử, sự xa lánh của gia đình và cộng đồng. Họ đã bị bệnh tật hành hạ đau đớn, nhưng đau đớn hơn là sự quay lưng của người đời, tủi nhục gặm nhấm. Năm nay 80 tuổi, K'Bai mắc bệnh từ năm 1959. Ông bị buôn, làng xua đuổi vào rừng và linh mục Giăng Ca-xai-nê phát hiện và đưa về trại từ đó. 51 năm qua, làng phong chính là nhà của ông, các thầy thuốc và những người đồng bệnh là người thân của ông. Ngay cả vợ ông, bà Ka Rérh cũng là một bệnh nhân phong mà các vị thầy thuốc đã ghép đôi cho ông và giúp ông có tới ba người con khỏe mạnh. Khoa học đã chứng minh, bệnh phong không phải là căn bệnh di truyền, rất khó lây nhiễm, bệnh phong có thể chữa khỏi hoàn toàn và tránh được tàn phế nếu điều trị sớm bằng đa hóa trị liệu. Những người điều trị bệnh phong đã thực hiện tốt công việc của mình và xác tín điều đó. Thế nhưng, đến bây giờ ngoài xã hội vẫn nhiều người chưa nhận thức được điều đó nên vẫn còn những hành vi đối xử thiếu tình người.


i74_014550.jpg
                         
 Anh hùng Mai Thị Mậu với trẻ em làng phong

Thời gian trôi qua, từ một "trại cùi" hẻo lánh được mệnh danh là "ốc đảo Hansen" nay đã trở thành một Trung tâm điều trị bệnh phong tầm cỡ với những thành tích rất đáng trân trọng.  T trực tiếp ở đây, ở chính làng phong này, công đầu thuộc về xơ Mai Thị Mậu (nguyên giám đốc), xơ Nguyễn Thị Tiến (giám đốc đương nhiệm) và 17 người cộng sự hết lòng vì người bệnh của hai bà. Lòng nhân hậu và tình yêu nghề đã tạo nên một không gian ấm áp trong một vùng cộng cư chứa đầy virus và dịch u cùi. Giám đốc Nguyễn Thị Tiến nói: "Là một cơ sở y tế, chúng tôi hết lòng vì bệnh nhân. Nhưng, điều quan trọng khác là giúp họ xóa tan mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, làm sao họ thấy mình là người có ích...".

Những đứa con trở về

Tôi nhớ mãi kỷ niệm lần đầu đến Trung tâm điều trị bệnh phong Di Linh mà người dân địa phương quen gọi là "làng phong". Trên ngọn đồi dừng chân trong buổi trưa đứng bóng hôm ấy là một mầu xanh ẩn dật, lành lạnh và những ngôi nhà nhỏ nép vào nhau, tựa vào nhau. Họ như là những cư dân có đời sống rất riêng trên một "ốc đảo". Trước mặt tôi là một người đàn ông gầy gò, dáng nhỏ thó, gương mặt chìm sâu, ảm đạm. Vẻ như ông không muốn tiếp chuyện khi ánh mắt chạm vào chiếc máy ảnh mà người đối diện vô tình đeo lủng lẳng bên người. Tôi chợt giật mình hiểu ra, chẳng có ai lại thích ngắm gương khi khuôn mặt của mình đang biến dạng, méo mó. Sự mặc cảm đã thiêu đốt đến tận tâm can, thao thức trong từng giấc ngủ của những con người ấy.

Ðiều đáng mừng là, con cái bệnh nhân, những đứa trẻ lớn lên từ mảnh đất trại phong đã trả lời cho xã hội những câu hỏi bấy lâu còn chưa được giải đáp thỏa đáng. Họ lớn lên, lành lặn cả thể xác lẫn tâm hồn, được chăm sóc dạy dỗ tử tế, nhiều người đã bước qua cổng trường đại học. Nhiều người trong số đó sau những tháng ngày đèn sách đã trở về với làng phong trong vai trò thầy giáo hay thầy thuốc, góp sức cùng "mẹ Mậu", "mẹ Tiến" cùng mọi người và cả cộng đồng thoa dịu nỗi đau chung. Có lẽ đây là một trong những thành công lớn nhất của những người làm công tác loại trừ bệnh phong. Trong khi loại trừ một căn bệnh đặc biệt, họ đã "loại trừ" luôn những định kiến xã hội bằng câu trả lời: con cái của bệnh nhân phong là những người lành lặn, là những người có ích cho xã hội.  

Là con trai của hai bệnh nhân phong lâu năm, ông K'Bràng và bà Ka Mát, bác sĩ K'Brình không thể nào quên những năm tháng gian khó đã đi qua của cuộc đời mình. Khổ về vật chất chỉ là "chuyện nhỏ", ám ảnh khôn nguôi với anh chính là nỗi mặc cảm trong suốt thời cắp sách. Thế nhưng, với sự yêu thương, động viên của những "người mẹ" ở làng phong, anh quyết chí học hành thành tài, học để trở về làng phong mà anh coi là một gia đình lớn. Học để trở về phục vụ chính cha mẹ đẻ, cho những bệnh nhân mà từ ấu thơ anh đã coi là người thân của mình. Tốt nghiệp đa khoa Ðại học Y thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2005, K'Brình đã trở thành một trong ba bác sĩ giàu kinh nghiệm và tình yêu thương của khu điều trị. Cũng có hoàn cảnh giống anh, bác sỹ K'Ðỉu - Phó Giám đốc Khu điều trị bệnh phong Di Linh cũng sinh ra và lớn lên tại làng phong khi có cha và mẹ đều là bệnh nhân. Bà giám đốc cấp cho tôi thông tin, trong số 19 cán bộ - nhân viên của trung tâm, có đến tám người là con của bệnh nhân: đó là các bác sĩ K'Brình, K'Ðỉu và Ðinh Quốc Quan; các hộ lý - điều dưỡng Ka Thủy, Ka Rụng, Ka Riềm và hai lái xe K'Brèm và K'Jeóh. Một điều dưỡng viên trẻ tên là Lan nói rằng: "Các anh chị ấy làm việc rất tận tâm. Ngoài lương tâm, trách nhiệm, trong họ còn có sự đồng cảm và chia sẻ tột cùng. Bởi, hơn ai hết, họ là người trong cuộc".          

Chuyện về người nữ tu - anh hùng

Ðể những người con bệnh nhân phong lành lặn, thành đạt trở về làng phong, đó là nhờ ý tưởng cao đẹp và công lao của xơ Mai Thị Mậu. Bà là người mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từng nói: "Với xơ Mậu, phải phong ba lần Anh hùng mới xứng đáng!". Khi biết tin bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng vào cuối tháng 2-2005, không mấy ai ngạc nhiên. Nhiều bệnh nhân phong còn đang được bàn tay bà chăm sóc hằng ngày hay đã bình phục trở về với cộng đồng đều xúc động rơi nước mắt khi chứng kiến vị ân nhân của họ được  trao tặng phần thưởng cao quý. Giám đốc đương nhiệm Nguyễn Thị Tiến nói: "Tôi quý mến xơ Mậu vì tấm lòng vị tha và tinh thần phục vụ tận tụy của bà. Xơ Mậu là tấm gương sáng của những người thầy thuốc ở đây, và là ân nhân suốt đời của các bệnh nhân phong".

Không gặp xơ Mậu nhiều lần, nhưng quả thật, với đôi cuộc tiếp xúc ngắn ngủi và những gì biết được về người nữ tu ấy đã để lại trong suy nghĩ của tôi những ấn tượng thật khó phai mờ. Là nhà quản lý, là cán bộ y tế, nhưng trước hết, bà là một người phụ nữ mà lòng nhân hậu và những hành động thể hiện đức tính từ tâm thật khó có thể dùng ngôn từ để chuyển tải hết. Năm 1973, khi Giăng Ca-xai-nê tạ thế, trách nhiệm điều hành ngôi làng đặc biệt này, ngay từ thời điểm đó, đã đặt lên đôi vai Mai Thị Mậu, lúc đó bà mới 32 tuổi. Xơ Mậu nói: "Ðược hòa nhập cộng đồng, được đối xử bình đẳng và nhân từ là niềm an ủi lớn lao nhất của những ai bị mắc bệnh phong. Vì, họ cũng là con người và có đời sống tâm hồn như bất cứ ai khác". Bà đã nói như thế và suốt gần bốn mươi năm qua của cuộc đời mình đã sống và làm hết sức cho điều tâm niệm đó. Bà như một điểm tựa tinh thần, một chiếc gậy cuối cùng cho những người bệnh vượt qua cái "dốc" dữ dội nhất trong cuộc đời tàn phế của mình. Một giấc ngủ không sâu trong cơn đau thể xác cũng có sự vỗ về của xơ Mậu. Một người trở dạ sinh con cũng bíu chặt bàn tay của bà. Ai đó xấu số qua đời thì người chia sẻ sự mất mát, đau thương đầu tiên vẫn là xơ Mậu. Con cái người bệnh đi học, bà lo mọi giấy tờ thủ tục. Bọn trẻ yêu đương nhau bà góp thêm đôi lời khuyên giải; khi chúng thành gia thất bà lại giữ vai trò chủ hôn. Bà lo từng giấc ngủ, bữa ăn, không ngần ngại khi đưa bàn tay của mình rửa ráy, băng bó cho những cơ thể lở loét. Người thầy thuốc tu sĩ ấy coi nỗi đau của những bệnh nhân, những người đồng loại như chính nỗi đau trên cơ thể mình...

Người phụ nữ lưng còng mang bộ áo quần bạc mầu, đầu đội chiếc nón lá đang tỉ mẩn đưa từng nhát chổi quét sân mà tôi nhìn thấy đầu tiên trong chuyến trở lại làng phong này vẫn là xơ Mậu. Ngoài tuổi bảy mươi, đã nghỉ hưu nhưng xơ Mậu vẫn còn đầy nhiệt huyết với công việc phụ giúp làng phong. Có lẽ bà không biết mệt mỏi? Anh hùng Lao động Mai Thị Mậu nói rằng: "Nhiều lúc cũng mệt mỏi lắm chứ. Nhưng những thân phận đáng thương ở đây không cho phép tôi được quyền nghỉ ngơi. Tôi phải ở bên họ, chăm sóc họ. Cùng với những người đồng nghiệp, đồng đạo và cả xã hội này, tôi góp chút tình cảm và sức lực của mình làm dịu phần nào nỗi đau của những người bệnh phong. Cuộc đời tôi đã thuộc về họ".

UÔNG THÁI BIỂU

Rộn rã làng phong

Theo dantri.com.vn - 2 năm trước

(Dân trí) - Làng phong bây giờ vui nhiều hơn buồn, tự tin nhiều hơn mặc cảm, nhộn nhịp nhiều hơn lặng lẽ. Làng phong bây giờ đón khách lạ bằng những nụ cười thay vì những cái cúi mặt và ánh nhìn lảng tránh...
Cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) mùa này bạt ngàn một màu xanh ấm no, sung túc. Vùng đất này từ hơn 80 năm nay đã là điểm đến của những con người bất hạnh mang bệnh phong.
Họ đã về và sinh sống nơi đây, dựng lên những căn nhà, những con đường, khu điều trị, những lớp học. Đó là Trại điều trị Phong Di Linh, mà trước đây người ta thường gọi với cái tên ít nhiều ghẻ lạnh: Làng cùi.
Làng phong bây giờ vui nhiều hơn buồn, tự tin nhiều hơn mặc cảm, nhộn nhịp nhiều hơn lặng lẽ. Làng phong bây giờ đón khách lạ bằng những nụ cười thay vì những cái cúi mặt lảng tránh. Trường ở làng phong ríu rít tiếng trẻ nhỏ. Nhà ở làng phong có cả những người không mắc bệnh ở, vì họ đã hiểu hơn về căn bệnh này.
Một “bệnh viện” mới với kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ thay thế cho các khu điều trị trước đây đã xuống cấp. Sơ Mậu, người gắn bó với làng phong hơn 30 năm nay nói rằng mai đây các khu điều trị, khu hành chính, khu dưỡng lão, phòng xét nghiệm, phòng dược, phòng khám da liễu; trong tương lai gần sẽ có thêm phòng siêu âm, Xquang, vật lý trị liệu... được đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân nơi đây.
Khi chúng tôi đến thăm, các công nhân cầu đường đang hối hả cho việc khánh thành tuyến đường vào trại từ con đường lộ. Trên khuôn mặt các bệnh nhân phong cũng như những người điều hành quản lý nơi đây tràn ngập một tinh thần rạng rỡ, lạc quan.
Một hình ảnh mới đang khởi sắc trong lòng người rạo rực mà chúng tôi ghi được từ làng phong.

Rộn rã làng phong
Biển hiệu trại phong cũ gỡ xuống, đón sự ra đời của một "bệnh viện" mới hiện đại và khang trang

Rộn rã làng phong
Làng phong yên bình, sung túc

Rộn rã làng phong

Rộn rã làng phong
Khu điều trị mới khang trang, đã ấm áp những nụ cười

Rộn rã làng phong
Lớp học ở làng phong

Rộn rã làng phong

Rộn rã làng phong

Rộn rã làng phong
Làng phong Di Linh đã thay da, đổi thịt

Hà Huy Vũ

Chuyện cảm động về người nữ tu được phong Anh hùng

Việt Báo (Theo_Tien_Phong)
 
Cuộc chiến không tên nơi “ốc đảo”

Xơ Mai Thị Mậu (sinh năm 1941) tại xã Hải An, Hải Hậu, Nam Định. Năm 27 tuổi, xơ tình nguyện lên Trại phong Di Linh và đã gắn bó cuộc sống của mình với người phong cho đến tận bây giờ.
22 năm làm y tá, suốt ngày đêm xơ tận tụy chăm sóc người bệnh. 14 năm đảm nhiệm chức vụ phó giám đốc rồi giám đốc Khu điều trị phong Di Linh, xơ vẫn dành nhiều thời gian để trực tiếp khám chữa bệnh cho người phong.
Hiện nay, dẫu đã nghỉ hưu vì tuổi khá cao (65 tuổi) nhưng xơ vẫn tình nguyện tham gia điều trị cho người bệnh. Về phía những bệnh nhân phong (đa số là người K’Ho) suốt mấy chục năm qua luôn gọi xơ Mậu là mè (mẹ) hoặc mộ (bà) với tình yêu thương và kính trọng vô bờ.
Thuở xơ đặt chân đến Trại phong ( năm 1968) thì nơi ấy còn là chốn rừng thiêng nước độc. Tôn kính đức cha Cassaigne, người có công đầu lập làng phong Di Linh, xơ Mậu nguyện suốt đời tiếp tục con đường, lặng lẽ cứu chữa, chia sẻ nỗi bất hạnh, đau đớn của người bệnh.
Xơ thường xuyên thăm khám và hướng dẫn cho các y bác sĩ trẻ cách thức, kinh nghiệm diệt loại vi khuẩn gây nên sự phong lở, biến dạng hình hài: Vi khuẩn ăn mòn, kéo sụp mi mắt, gặm nhấm làm trơ hốc mũi, lở loét, thối thịt, rụng dần các chi…
Xơ Mậu không chút e ngại dùng tay cầm nắm, lật giở những đôi bàn tay phong cụt, bàn chân bị co rút, từng đốt xương đang bị viêm… cho “học trò” quan sát kỹ hơn. Trại phong đã điều trị nội trú cho hơn 2.100 người và hàng trăm bệnh nhân ngoại trú.
Còn nhớ, trong một cuộc trao đổi cách đây hơn 10 năm, xơ Mậu từng tâm tư: Mấy mươi năm làm việc ở đây, chẳng mấy khi tôi thấy gia đình đến thăm và giúp đỡ họ.
Dường như họ bị bỏ rơi ngay từ khi mới được đưa đến. Không ít người phong (xin được giấu tên) cũng cho biết đã khỏi bệnh mấy chục năm nay nhưng khi trở về cố hương vẫn bị gia đình ghẻ lạnh, bà con xóm giềng ngờ vực và tỏ ra ghê sợ nên đành quay về Trại.
Day dứt với câu hỏi: “bao giờ và làm thế nào để bảo vệ nhân phẩm và xác lập quan hệ chan hòa, bình đẳng, thân ái giữa người phong và cộng đồng?”, Trại phong tìm mọi cách hòa nhập trại viên vào cộng đồng.
Vạn sự khởi đầu nan, xơ Mậu cho biết : Năm 1996, chúng tôi đề ra giải pháp xóa bếp ăn tập thể, khuyến khích trại viên tự tổ chức bữa ăn để quen dần với cuộc sống tự lập nhưng khi người phong ra chợ, các chủ hàng giúi cho họ hoặc con cá, miếng thịt hoặc bó rau, củ khoai rồi đuổi đi.
Sau đó, lãnh đạo trại còn bị chất vấn: “Tại sao dám thả người phong ra đường?” dù đã được giải thích rằng đó là những người đã khỏi bệnh, sẽ không làm lây lan căn bệnh này nữa nhưng các chủ hàng vẫn không thông.
Một số người còn vặc lại: “Ai mà biết được ! Họ đi đến đâu thì ở đó hàng họ ế ẩm”(!). Tôi cũng từng nghe nhiều câu chuyện về định kiến của người đời với những con người bất hạnh ấy: Tấm biển cơ sở sản xuất của trại phong liên tục bị “mất cắp” vì các hộ dân sợ người ta biết mình sống gần khu vực của người phong thì sản phẩm nông nghiệp sẽ bị tẩy chay.
Những đứa trẻ ở trại phong khi đi học bị bạn bè xa lánh. Những chàng trai, cô gái đến tuổi cập kê phải lựa lúc không có người qua lại mới dám ra vào cổng trại vì sợ người khác phát hiện mình là người của trại…
Cách đây vài năm, được tin con em của người phong thi đỗ vào các trường đại học, tôi đến tìm hiểu để viết bài nhưng xơ Mậu bảo không nên bởi các em còn mang nhiều mặc cảm về nỗi bất hạnh của gia đình nên dễ bị tổn thương.

Chắp cánh cho những hy vọng

Thoát khỏi bệnh tật, người từng bị bệnh phong có thể lập gia đình và con cái mà họ sinh ra cũng lành lặn, bình thường như bao người khác. Dân số của trại tăng đều hàng năm: Nếu như năm 1993, trại có chừng 300 người thì nay đã lên đến hơn 370.
Thế nhưng chỉ khoảng 130 người được hưởng trợ cấp của nhà nước với số tiền 120 ngàn đồng/người/tháng, còn với trên 240 người còn lại, trại phải tự giải quyết lấy.
Tôi không khỏi thắc mắc 120 ngàn đồng cũng chỉ đủ lo cho cái ăn, còn cái mặc và bao nhiêu nhu cầu thiết yếu khác thì trông cậy vào đâu ?
Xơ Mậu giải thích: “Chúng tôi có 50 ha đất ở xã Liên Hiệp huyện Đức Trọng (cách trại gần 20km). Từ năm 1990, bắt đầu xây dựng tại đó một làng phục hồi. Những người khỏi bệnh mà còn khả năng lao động hoặc con cháu người phong được đưa sang làng để trồng trọt, tạo sản phẩm nuôi sống bản thân và giúp đỡ bệnh nhân nặng, đồng thời làm quen dần với cuộc sống tự lập”.
Khi “ra riêng”, mỗi cặp vợ chồng được cấp một căn hộ nho nhỏ, 2 sào vườn để trồng cà phê và khoản trợ cấp vài trăm ngàn đồng và được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, cách thức tổ chức cuộc sống gia đình một số hộ đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo, hòa nhập cộng đồng.
“Thấy được hiệu quả của mô hình này, chính quyền địa phương và tổ chức AFRF (Pháp) đã hỗ trợ kinh phí để xây thêm hàng chục ngôi nhà nữa, nâng tổng số căn hộ lên hơn 70” – xơ Mậu vui mừng cho biết thêm.
Còn các chị Ka Hường, Ka Liên, Ka Ni... xúc động nghẹn ngào khi cầm chìa khóa nhà trong tay bởi sở hữu một căn nhà là điều mà người phong chưa bao giờ dám nghĩ đến, ngay cả trong giấc mơ.
Giờ đây, khi sự kỳ thị của xã hội đối với người phong không còn nặng nề như trước, xơ Mậu tự hào cho biết mặc dù đa số người phong vào trại đều nghèo khổ, ít học nhưng con cái của họ tỏ rõ chí hướng học hành.
Trại tìm mọi cách để xoay xở, giúp đỡ về tài chính động viên các em vượt qua mặc cảm về bệnh tật , số phận, chú tâm học hành để trở thành những bác sĩ, kỹ sư, thợ lành nghề…
Đinh Quốc Quang từng tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế và vừa được cử đi đào tạo sau đại học (cùng với BS K’ Điểu). K’Brình cũng đã tốt nghiệp Đại học Y TPHCM và đang điều trị cho bệnh nhân trong trại. K’Tóch tốt nghiệp Đại học sư phạm TP. HCM, K’ Biên học ngành sư phạm ĐH Đà lạt, K’Báu - SV Đại học Đông Phương…
Ngoài ra còn có y sĩ Ka Đui tận tụy, y tá Ka Hes xinh xắn, nữ hộ sinh kiêm điều dưỡng Ka-Siuh mát tay luôn nhiệt tình phục vụ người bệnh. Các “chiến sĩ áo trắng” của trại cùng có chung suy nghĩ rằng họ trưởng thành nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, sự cưu mang của những người mẹ giàu lòng nhân ái như xơ Mậu, xơ Lý, xơ Tiến…
Không ai hiểu cuộc sống nơi này bằng họ và họ sẽ làm hết sức mình để góp phần làm lành lại những vết thương tâm hồn và thể xác cho người phong.
Thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của những nữ tu có tấm lòng nhân ái, ý chí kiên định, dám nghĩ dám làm như xơ Mai Thị Mậu. Danh hiệu Anh hùng lao động mà Nhà nước phong tặng cho xơ cũng chính là sự tri ân của cộng đồng người phong đối với người mẹ của làng vậy.

Kim Anh
 


Người nữ tu anh hùng

 
TTCN - Soeur Mai Thị Mậu bảo rằng thời trẻ bà đến cao nguyên Di Linh này như thế nào thì mai này khi ra đi cũng như thế ấy. Tình yêu thương những con người bất hạnh là cái duy nhất bà cần. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từng nói rằng với soeur Mậu phải phong ba lần anh hùng mới xứng đáng!
 Và hôm 25-2, một lễ trao danh hiệu anh hùng do Chủ tịch nước tặng cho người nữ tu ấy đã diễn ra ngay tại làng phong Di Linh trên một ngọn đồi.
Ngôi làng trên đồi

Cao nguyên Di Linh bạt ngàn cà phê đã là vùng đất dung nạp sớm nhất những con người bất hạnh mắc bệnh phong. Cái cõi riêng ấy đã tồn tại suốt gần 80 năm qua. Thật khó hình dung khu dân cư thanh bình, sạch sẽ, ẩn dưới cây xanh với đường đi lối lại uốn lượn và được trồng nhiều hoa này lại là một trại phong nổi tiếng, đã có từ năm 1927.
“Làng cùi” - cái tên chỉ còn trong quá khứ ấy - gồm nhiều nóc nhà rải ra, nhấp nhô trên nhiều cung bậc của khu đồi rộng chừng 40ha thuộc huyện Di Linh (Lâm Đồng). Ngôi làng đặc biệt ấy chỉ cách thị trấn Di Linh một thung lũng trồng lúa nước, chừng 500m theo đường chim bay nhưng là một thế giới khác hoàn toàn với những sôi động ngoài kia.
Dân làng có đủ mọi lứa tuổi, nhiều gia đình có lẽ đã trải qua đến 3-4 thế hệ chung sống tại đây. Trên những khoảng sân có những ông lão, bà cụ đang trầm tư ngồi, đây đó là dăm ba người đàn bà đang cho lũ trẻ ăn cạnh cầu thang, dưới những mái nhà mang phong cách kiến trúc pha trộn biệt thự kiểu Pháp với nhà sàn Tây nguyên.
Trong những căn nhà trên đỉnh đồi - khu điều trị bệnh - những người bệnh đang được chẩn trị, chăm sóc chu đáo. Lại có một khu khác cho người bệnh đã giảm tịnh dưỡng. Còn ven các sườn đồi, quanh các mái nhà là những mảnh vườn cà phê nho nhỏ đang ra bông trắng ngào ngạt hương, với khá nhiều dân làng đang canh tác. Cũng không khó nhận ra khu khám chữa bệnh, khu phục hồi thể hình cho bệnh nhân, rồi trường mẫu giáo, nhà ăn... Và có cả một nghĩa trang riêng của làng với hàng ngàn nấm mộ.
Dưới chân đồi, ngay lối vào làng là tấm bảng ghi “Trung tâm điều trị phong Di Linh”, chỉ rõ cái cộng đồng cư dân ở đây.
Nhưng ở đây tôi còn gặp những người khỏe mạnh, đã hết bệnh vẫn chung sống với người đang bệnh. Tôi còn biết có người không hề mắc bệnh vẫn lập gia đình với người từng bị bệnh nhưng đã được chữa trị và con cái họ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Người ta cũng kể với tôi về những mối tình đi đến hôn nhân giữa những cô gái Kinh với các chàng trai người thiểu số K’ho ngay tại ngọn đồi này, hay những chàng trai sống bên ngoài làng phong yêu và cưới các cô gái trong làng...
Người nữ tu anh hùng

Làng phong Di Linh trong quá khứ gắn với “ông Tây” bác ái nhân từ J.B.Casaigne. Năm 1973, khi ông mất đi, trách nhiệm điều hành ngôi làng bỗng chốc đặt lên vai soeur Mai Thị Mậu, khi ấy vừa 32 tuổi và đã sống ở làng được năm năm. Thế là người nữ tu trẻ tuổi đến từ Sài Gòn tiếp tục công việc đầy vất vả, khó khăn: chữa trị bệnh, chăm nom những công dân của làng.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, khó ai bình tâm để chú ý đến những người mắc bệnh phong thân tàn ma dại ở vùng cao hẻo lánh, nhưng soeur Mậu vẫn tiếp tục tìm kiếm trên cao nguyên Lang Bian những người mắc bệnh để đưa về ngôi làng cô quạnh trên ngọn đồi. Những năm đầu (từ 1968) khi mới đặt chân lên đây, người nữ tu đã trải qua trường y ấy đã tâm nguyện: “Nếu không được cứu kịp thời chắc chắn những con người bất hạnh ấy sẽ chết trong quằn quại đớn đau một cách oan uổng giữa rừng”.
Có lúc bà đi một mình, có lúc đi cùng những người phiên dịch (tiếng K’ho), trên vai họ là những chiếc gùi đựng gạo muối, rau xanh, thuốc men... Ai mắc bệnh nhẹ bà chữa trị ngay tại buôn làng, người bệnh nặng được đưa về làng phong để điều trị nội trú. Không ít buôn làng khi ấy vẫn còn sống trong tình trạng bán khai, người dân lại tự kỷ, sợ người lạ nên nhiều bệnh nhân thấy soeur Mậu là bỏ chạy.
Bởi phần lớn bệnh tật bà con làng buôn đều đổ cho “con ma lai”, huống chi thứ bệnh tàn phá cơ thể khủng khiếp như vậy. Và hễ ai mắc bệnh phong là bị đuổi khỏi làng, vì lũ làng cho rằng đã có “liên lụỵ” với con ma hoặc đã “thành ma!” rồi. Muốn cứu họ soeur Mậu phải tìm vào những khu rừng “biệt xứ” kia. Lúc đi bộ, lúc đi xe đạp, rồi xe Honda, có khi phải lên tận vùng Lang Hanh thì soeur phải nhảy xe đò Sài Gòn - Đà Lạt...
Bà kể: có một lần trên đường đi Sài Gòn, xe nghỉ ăn trưa ở Định Quán, bất chợt thấy nhóm người lam lũ ở quanh đó mà bà dễ nhận ra dấu hiệu của bệnh phong trên thân thể của họ, thế là ngay khi trở lại Di Linh bà đã đánh xe xuống Định Quán đưa họ lên Di Linh chữa trị... Cứ thế cho đến nhiều năm sau, khi không còn đủ sức để băng rừng, thêm công việc cần phải giải quyết hằng ngày tại làng phong quá nhiều bà mới thôi đi, tập trung điều hành mọi hoạt động chữa trị bệnh, tổ chức cuộc sống cho dân làng. Trong số những con bệnh, có người khi lành bệnh đã xin ở lại luôn nơi đây, bởi với họ bây giờ ngọn đồi cô quạnh này thật ấm áp ân tình.
Dành trọn cuộc đời cho những bệnh nhân của làng phong Di Linh, soeur Mậu không hề ngại va chạm ngay cả những vết lở loét trên cơ thể họ, bà còn chăm nom giấc ngủ, lo từng bữa ăn hằng ngày cho họ. Trái gió trở trời đau nhức cơ thể họ cũng gọi bà, một phụ nữ nào đó trở dạ sinh con vẫn cứ phải có bàn tay “mẹ Mậu” hay có ai đó qua đời cũng bà lo tang ma... Con cái những người dân làng đi học, mọi thứ giấy tờ, thủ tục cần cho chúng cũng đến tay bà. Người ta cũng không khỏi ngạc nhiên khi mà ngay từ năm 1973 bà đã nghĩ đến quĩ đất dành cho những người khi hết bệnh, sinh con đẻ cái có chỗ để ra riêng.
Đó là khu đất rộng 53ha ở xã Gia Hiệp, cách ngọn đồi này 9km, mà bà đã mua rẻ được khi chữa lành bệnh cho một điền chủ người Đức quốc tịch Pháp. Khi ông ta muốn trả ơn thì bà chỉ yêu cầu cho mua rẻ lại ít đất để lo cho tương lai con cái của bệnh nhân làng phong. Hiện soeur Mậu đã chia đất cho những người lành bệnh cùng con cháu họ và hằng ngày khi xe chạy ngang khu đất cạnh đường 20 này người ta dễ thấy một ngôi làng mới hình thành với những căn nhà nho nhỏ sơn màu tím đỏ ẩn trong màu xanh của vườn cà phê.
Suốt mấy mươi năm qua “mẹ Mậu” âm thầm gánh vác công việc ở cái làng có đến 150 nhân khẩu (57 gia đình) cùng 152 bệnh nhân già trẻ khác đang “thường trú” tại làng phong... Dù “làng cùi” nay đã thuộc sự quản lý của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng (thuộc Sở Y tế Lâm Đồng), nhưng thật ra mọi công việc ở đây chủ yếu vẫn do các soeur lo toan dưới sự điều hành của “mẹ Mậu”...
Năm 2006 này soeur Mậu đã 65 tuổi nhưng bà vẫn tiếp tục công việc của một “kiến trúc sư trưởng” Trung tâm điều trị bệnh phong Di Linh (tên gọi mới) dù dưới hình thức gọi là “hợp đồng lao động”. Bà nói: “Những thân phận đáng thương ở đây không cho phép tôi nghỉ hưu. Chừng nào họ cần đến tôi, chừng ấy tôi cần phải ở bên họ, chăm lo cho họ”. Tôi hỏi soeur Mậu: suốt một đời gắn bó với “thế giới người cùi” ấy, lúc nào bà hoan hỉ nhất?
Bà cho biết đó là khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo các cơ sở y tế từ nay phải tiếp nhận các bệnh nhân phong, và các trường học phải tiếp nhận học sinh tiền sử có bệnh phong! Trong lòng của bà vẫn không quên những cái chết oan uổng của người bệnh phong ở làng này khi họ mắc thêm những thứ bệnh khác nhưng không được nhập viện chữa trị (như ruột thừa, tim mạch...): “Được hòa nhập, đối xử từ tâm và bình đẳng là niềm an ủi lớn lao nhất của những ai đã mắc bệnh phong. Vì họ cũng là con người!”.
NGUYỄN HÀNG TÌNH 

Lên đầu trang