Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - NĂM C: NHÌN LÊN, NHÌN XUỐNG

CN XXVI TN / C

Bài đọc 1 : (Am 6:1-4-7)

Bài đọc 2 : (1Tm 6:11-16)

Tin Mừng : (Lc 16:19-31)

 

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Nhìn lên mình chẳng bằng ai. Nhìn xuống lại chẳng thấy ai bằng mình.”   

 

Khi nhìn lên, thấy “mình chẳng bằng ai”, thay vì từ đó phấn đấu vươn lên để bằng người khác, người ta lại sinh ra đố kỵ, ghen ghét; hay khi nhìn xuống, thấy “chẳng ai bằng mình”, người ta lại từ đó sinh ra kiêu căng, miệt thị, khinh chê người thấp kém hơn mình. Đó là trường hợp một ông nhà giàu kia và anh Ladarô nghèo khó trong bài Tin Mừng hôm nay: Ông giàu có ăn mặc toàn bằng lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình; còn anh Ladarô nghèo khó, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cửa nhà ông, thèm được ăn những thứ rơi rớt từ bàn ăn của ông cho đỡ đói mà không được.

 

Ông giàu có hằng ngày vẫn nhìn xuống và thấy anh ăn mày Ladarô nằm trước cửa nhà ông. Ông chẳng thèm đoái hoài đến số phận khổ cực của anh, thậm chí ông còn nhìn anh như một thứ ô uế trước cửa nhà ông. Ông coi như anh không hiện diện trước mặt ông. Ông sống và chỉ biết sống cho ông. Ông đã nhìn xuống, nhưng lại vô cảm trước nỗi khổ của người khác: sống chết mặc bay.

 

Nhưng khi nhìn xuống,  thấy mình may mắn hơn người khác lại biết  thương cảm với người thua kém. Nhìn lên để khiêm hạ, nhìn xuống để yêu thương

 

Ngày xưa, hai anh em nhà nọ sống và làm việc chung trên một cánh đồng và một cối xay. Mỗi tối về, họ chia đều hoa lợi thu hoạch được trong ngày. Người em sống độc thân; còn người anh có vợ và nhiều con cái. Một hôm, người em chợt nghĩ: “Mình chỉ có một mình; còn anh ấy phải nuôi vợ nuôi con. Việc chia đều hoa lợi thật không công bằng.” Thế rồi, mỗi đêm, người em âm thầm lấy bớt thóc lúa của mình đem đổ vào kho của người anh. Còn người anh cũng chợt nghĩ: “ Thật không công bằng về việc chia đều hoa lợi. Mình có con cái cấp dưỡng trong tuổi già. Chú ấy sống một mình, sẽ chẳng có ai cấp dưỡng; chú ấy cần dự phòng cho tuổi già sau này.” Và mỗi đêm khuya, người anh âm thầm lấy bớt thóc lúa của mình đem đổ vào kho của người em. Kết quả là mỗi sáng thức dậy, cả hai đều ngạc nhiên thấy phần thóc lúa của mình không bị hao hụt. Chẳng ai hiểu tại sao. Bất ngờ một tối, hai anh em gặp nhau giữa đường khi đang mang thóc đổ vào kho của nhau. Hiểu ra sự việc, cả hai cảm động và ôm chầm lấy nhau.

 

Ông nhà giàu nhìn lên để kiêu căng tự mãn và ông nhìn xuống để miệt thi khinh chê; ngược lại, anh nghèo Ladarô có nhìn lên cũng chỉ để van xin lòng thương xót của người khác và có nhìn xuống cũng chỉ biết chống chọi với số phận bạc  bẽo của mình. Giàu nghèo đã trở thành hai mảnh đời cách biệt! Thế rồi cả hai cùng chết. Số phận của họ rồi sẽ ra sao?

 

Nhân nào quả nấy. Sau khi chết, Ông nhà giàu bị đày xuống âm phủ. Ông ngước mắt nhìn lên, thấy Ladarô đang ở trong lòng của tổ phụ Apraham. Bây giờ thì ông nhìn lên không phải để khoe khoang tự mãn, mà để van xin với tổ phụ Apraham và ngay cả với anh nghèo Ladarô: “Lạy tổ phụ Apraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi của con cho mát; vì ở đây, con bị thiêu đốt khổ lắm!” Tổ phụ Apraham đã trả lời với ông: “Con ơi, hãy nhớ lại: Suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh.....” Ngày xưa ở trần gian, Ladarô chịu đói khổ, còn ông ăn sung mặc sướng, thì ở cõi sau, ông chịu khốn khổ và Ladarô được anh ủi. Thế cũng công bằng thôi!

 

Chỉ khi rời bỏ thế giới riêng tư và có sự quan tâm đến người khác, người ta mới nhận ra thế giới, nhận ra người chung quanh mình. Từ bản thân mình chứ không phải từ thế giới bên ngoài giúp chúng ta nhìn thấy sự khác biệt chung quanh chúng ta. Đầu đội trời, chân đạp đất. Hãy nhìn lên để tạ ơn Thiên Chúa nhờ lòng thương xót và nhân hậu của Ngài và hãy nhìn xuống để yêu thương, chia sẻ và phục vụ anh em. Sống liên đới trong yêu thương. Mọi người là anh em của tôi.

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi