Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
CHÚA NHẬT 14 TN _ B:TỪ NGẠC NHIÊN ĐẾN KHÔNG TIN

CN XIV TN / B

Bài đọc 1: (Ed 2:2-5).

Bài đọc 2: (2 Cr 12: 7-10).

Tin Mừng: (Mc 6: 1-6)

 

Vào thời thượng cổ, có một người tên là Hứa Do. Ông là một người ẩn dật, lánh xa danh lợi, ở lánh một mình nơi thanh vắng trong chàm Bái trạch, tức là một nơi cây cối mọc um tùm, có nhiều chỗ nước đọng. Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời về để nhường cả đất nước và các chư hầu. Hứa Do từ chối, lui về ẩn tại Trung nhạc, phía nam sông Dĩnh Thủy.

 

Sau đó, vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời cho được Hứa Do ra làm tổng trưởng, một chức quan lớn đứng đầu tất cả các quan và thay vua lo việc hành chính và cai quản cả chín châu. Hứa Do thấy thế, không muốn nghe chuyện nữa, ra bờ sông Dĩnh Thủy rửa tai. Ngay lúc ấy, Sào Phủ, một bậc cao sĩ thời bấy giờ, không ưa thế lợi, ở ẩn trong núi, lấy cây làm tổ để nằm nên gọi là Sào phủ, đang dắt trâu xuống bờ sông cho uống nước. Thấy thế, Sào Phủ hỏi Hứa Do:  “Việc gì mà bác phải rửa tai vậy?” Hứa Do thuật lại chuyện của mình. Sào Phủ liền kéo con trâu lại và nói: “Ta tính cho trâu uống nước, lại e bẩn cả miệng trâu.” Nói đoạn, ông dắt trâu lên quãng sông phía trên để cho trâu uống. (Cổ học Tinh Hoa)

 

Với cái nhìn của người đời thì Hứa Do và Sào Phủ là hai người, nếu không phải những  người ngông cuồng, thì cũng là những người gàn đở. Hành động rửa tai hoặc không cho trâu uống nước đã rửa tai vì sợ làm bẩn miệng trâu khác nào thái độ bịt tai phản kháng chống đối của người đồng hương của Chúa Giêsu!  

 

Trong thời gian công khai đi rao giảng Tin Mừng, thấy Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ, chữa lành biết bao nhiêu bệnh nhân, ăn nói như người có quyền lực, ai nấy đều ngạc nhiên. Họ thán phục, đã tin và đi theo Ngài rất đông.Thế rồi một lần ghé lại quê nhà, vào một này sabát, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đổi ngạc nhiên. Họ ngạc nhiên có thể vì tài hùng biện và quyền năng của Ngài, nhưng cũng có thể, vì họ biết rõ tông tích cha mẹ của Ngài sinh sống ra sao, làm nghề gì, bạn bè là những ai, nên họ đã ngạc nhiên: “Bởi đâu mà ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa la làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” Họ cũng đi từ ngạc nhiên, nhưng không phải dẫn đến  thán phục và tin mà dẫn đến chống đối rồi khước từ không tin. Họ đã vấp ngã vì Ngài. Chính Chúa Giêsu cũng lấy làm lạ vì họ không tin. Đó là một thực trạng phủ phàng: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6:4)  

 

Trường hợp của Chúa Giêsu cũng không tránh khoải thực trạng của các ngôn sứ trong thời Cựu Ước. Chính Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Êdêkien đã khiển trách dân riêng của Ngài: “Chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá. Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.” (Ed 2: 3-5) Thay vì ngạc nhiên dẫn đến thán phục và tin, thì người đồng hương lại đi từ ngạc nhiên đến chống đối và không tin.

 

Trước hết, vì tự ái, người đồng hương đã không dễ dàng chấp nhận lời giảng dạy của một ngươi mà họ biết rõ gốc gác và địa vị xã hội. Họ coi đó như thói “lên mặt dạy đời.” Họ đã đánh giá Đấng Mêsia ngang hàng hoặc còn thấp kém hơn họ. Đấng đang rao giảng và làm phép lạ không phải chỉ là con bác thợ mộc Giuse hay là con bà Maria mà còn là một Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa đang ở giữa họ mà họ không nhận ra. Họ cứng lòng tin. Họ chỉ biết Đấng đang rao giảng cho họ là con của một gia đình nghèo khó, tầm thường, chẳng có danh giá gì về mặt xã hội. Họ không tin vì Chúa Giêsu không phải là một ai khác lạ để cho họ khâm phục: “Con vua thì lại làm vua Con sãi ở chùa lại quét lá đa.”  Đáng lẽ họ phải hãnh diện và tự hào vì quê hương có một người nổi tiếng như Chúa Giêsu thì họ lại khước từ, tẩy chay. Đúng  là “quen quá hóa nhàm. Bụt nhà không thiêng!”

 

Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại chỉ có một. Thế nhưng vì thành kiến sinh cố chấp, độc đoán, bảo thủ không biết phục thiện, hẹp hòi, không cởi mở đã đưa con người đến chỗ đánh giá sai lạc một sự thật. Vì tự ái, không muốn ai hơn mình, thành ra kiêu ngạo, rồi sinh đố kỵ ghen tương, thiếu khiêm nhường. Con người trở nên cứng lòng.

 

Trước những ngạc nhiên của cuộc sống, chúng ta nhận ra Thiên Chúa hay lại đánh mất cơ hội tiếp nhận Ngài như người đồng hương của Chúa đã dối xử với Ngài khi trở về quê quán của mình? Để không bị khiển trách như thánh Gioan đã viết: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Ga 1: 11-12)

 

Mỗi người Kitô hữu, những người con của Cha trên trời, cũng được trao nhiệm vụ làm sứ giả cho Thiên Chúa. Số phận của các ngôn sứ ngày xưa và của chính Chúa Giêsu cho thấy số phận của người tông đồ của Chúa ngày nay cũng không trách khỏi những chống đối, miệt thị. Môn đệ không trọng hơn thầy!

Hãy tin tường vào sức mạnh của Thiên Chúa. Cái yếu đuối của chúng ta là cơ hội cho Thiên Chúa biến thành sức mạnh như thánh Phaolô đã nhắc lại lời của Chúa: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cr 12:9). Trong tinh thần khiêm tốn, ý thức về giới hạn hèn kém của mình và hoàn toàn đạt tin tưởng, phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa như Ngài đã nói qua miệng ngôn sứ Êdêkien: “Phần ngươi, hỡi con người, đừng sợ chúng, cũng đừng sợ những lời chúng nói, dù ngươi có bị chống đối, có gặp chông gai tư bề, hay ngồi trên bò cạp. Những lời chúng nói, ngươi đừng sợ; có phải giáp mặt chúng, cũng đừng khiếp, vì chúng là nòi phản loạn. Ngươi cứ nói với chúng những lời của Ta, dù chúng nghe hay không, vì chúng là quân phản loạn.” (Ed 2: 6-7)

 

Trong cuộc sống của mỗi người cũng có nhiều điều làm cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng không đánh động, không giúp chúng ta nhìn về thực chất mà chỉ nhìn vào mình mà xét đoán, phê phán và chối từ. Cần phải ra khỏi cái vỏ bọc tự ái, ghen tỵ để đón nhận tha nhân trong tinh thần cởi mở, vị tha. Đừng đánh giá con người bằng xét đoán hay thành kiến.

 

Ngày nay, Thiên Chúa không còn trực tiếp gỉang dạy chúng ta như dân Chúa khi xưa, nhưng chúng ta có Tin Mừng được Chúa Giêsu truyền lại. Chúng ta đón nhận Tin Mừng bằng một tâm tình khiêm tốn lắng nghe hay lại vì tự ái tự mãn kiêu căng mà bịt tai lại trước những chân lý cứu độ mà Ngài đã truyền lại!

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi