Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài suy niệm, chia sẻ
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG - ĐẤNG BẢO TRỢ

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Bài đọc 1: (Cv 2: 1-11).

Bài đọc 2: (1 Cr 12: 3-7,12-13).

Tin Mừng: (Ga 20: 19-23)


Qua những lời cáo biệt trước khi bước vào cuộc tử nạn, Chúa Giêsu đã trăn trối với các môn đệ nhiều điều: nào là Ngài truyền cho các ông một điều răn mới là yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em, nào là Chúa Cha ở trong Ngài và Ngài ở trong Chúa Cha, nào là ai thấy Ngài là thấy Cha Ngài... nhưng có một điều làm cho các môn đệ băn khoăn thắc mắc khi Ngài bảo: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít nữa thôi.”Vậy Thầy sẽ bỏ họ để đi về đâu? Ông Simon Phêrô đã lên tiếng hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?”Ngài đã trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể đi đến được, nhưng sau này anh sẽ đi theo.”, rồi Ngài lại bảo: “Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.” Khiến cho ông Tôma  thắc mắc: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết đường?” Câu trả lời úp úp mở mở của Chúa Giêsu càng làm cho các ông băn khoăn, thắc mắc thêm. Lời nói của Chúa không đáp ứng được khát vọng của các ông! vì thế Chúa Giêsu mới trấn an họ: “Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.”

 

Đứng trước tình trạng xao xuyến lo âu của các môn đệ, Chúa đã trấn an họ rằng Ngài không để họ mồ côi. Ngài đi là để dọn chỗ cho họ rồi Ngài lại đến để đem họ về với Ngài để Ngài ở đâu họ cũng ở đó. Rồi Chúa Giêsu lại cho các ông biết: Ngài đi là có lợi cho họ, vì khi Ngài đi, Ngài “sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” (Ga 14: 16); “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi là có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng bảo Trợ sẽ không đến với anh em, nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Ga 16: 7) Như thế có nghĩa là Thầy sẽ từ bỏ họ vĩnh viễn và Đấng Bảo Trợ sẽ là một Đấng đến thay thế Thầy. Nhưng Đấng Bảo Trợ ấy là ai? Những lời hứa hẹn ấy cũng chưa hoàn toàn giải tỏa được những nỗi xao xuyến và hoang mang.

 

Sau biến cố đau thương của cuộc tử nạn trên thập giá, bao nhiêu hứa hẹn cũng chỉ là mây khói. Thế rồi tin vui Thầy chết và đã sống lại vẫn không xóa tan trong lòng các môn đệ sự ngờ vực và buồn chán.  Rồi vào chiều ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Chúa Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói vơi các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được ta; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20: 19-23)

 

Thực hiện lời đã hứa với các môn đệ, Chúa Giêsu đã qua hơi thở của Ngài mà sai phái Đấng Bảo Trợ ấy đến với các ông, đó là Thánh Thần. Nhưng Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ ấy là ai? Ngài phát xuất từ đâu và vai trò, nhiệm vụ của Ngài là gì trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa?

 

Đấng Bảo Trợ là Đấng phát xuất từ Chúa Cha, được Chúa Con sai đến với chúng ta để làm chứng về Chúa Con và để từ đó nhiệm vụ của chúng ta cũng làm chứng về Chúa Con: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha. Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa anh em cũng làm chứng , vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.” (Ga 15: 26-27)

 

Như thế, nhiệm vụ của Đấng bảo Trợ là tôn vinh Chúa Con, là phát ngôn viên chính thức của Chúa Giêsu, là người hướng dẫn chúng ta đi trên con đường công chính và sự thật, là thầy dạy chúng ta thực hành những điều răn Thiên Chúa , là người hướng dẫn chúng ta trên con đướng tương lai như Chúa Giêsu đã nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy ra.” (Ga 16:13)

 

Đối với thế gian, nhiệm vụ của Đấng Bảo Trợ là: “chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính  và việc xét xử: Vì tội lỗi, vì chúng không tin vào Thầy; về công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi” (Ga  16:8-11)  Với uy quyền là Thần chân lý, Chúa Thánh Thần sẽ chứng minh cho thế gian biết về tội lỗi, vì thế gian đã cứng lòng không tin vào lời giảng dạy của Chúa, chối bỏ con đường công chính để đi theo con đường của tội lỗi; Ngài sẽ chứng minh cho thế gian biết sai lầm của mình về công chính, vì  thế gian chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, vì thế gian tự cho mình là công chính để lên án Chúa Kitô; Ngài sẽ chứng minh cho tế gian thấy sai lầm của mình trong việc xét xử, vì thế gian  sẽ hết quyền xét xử một cách bất công, và chính thủ lãnh thế gian đã bị lên án.

 

Đấng Bảo Trợ là  Thánh Thần Chúa Cha sai đến “sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (Ga 14: 26) Ngài sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn và gìn giữ chúng ta khỏi vấp ngã. Như thế, nhiệm vụ của Đấng Bảo Trợ là nhắc nhớ chúng ta thực hành những gì Chúa Giêsu đã dạy. Quên hay không nhớ thực hành những gì Chúa dạy là chúng ta chối từ sự hướng dẫn, giáo dục của Thánh Thần. Đấng Bảo Trợ sẽ luôn bênh vực, ủi an chúng ta trong những giây phút tăm tối của cuộc đời.

 

Các tông đồ sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các ngài đã mở tung cửa để ra đi loan báo tin Mừng. Từ những người chất phát, ít học, các ngài đã trở thành những nhà hùng biện, nói đủ thứ tiếng làm cho mọi người phải kinh ngạc. Và khi các ngài bị bắt bớ, tù đày, các ngài đã can đam,vui vẻ chịu đựng tất cả vì danh Đức Kitô. Chúa Thánh Thần ban ân sủng cho mỗi người không phải để cho chúng ta sử dụng riêng mà phải chia sẽ.

 

Để đón nhận được Đấng Bảo Trợ thì điều kiện ắt phải có là: yêu mến Đức Kitô và giữ các  điều răn của Ngài truyền dạy là yêu thương anh em như chính mình. Những ai đón nhận Thần Khí và biết Ngài thì được Ngài ở trong tâm hồn mình và ở giữa cộng đoàn đức tin là Giáo Hội như lời Chúa Giêsu đã nói: “Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga, 14: 17)

 

Lễ Hiện xuống là ngày khai sinh Giáo Hội, cũng là ngày nhắc nhớ rằng chúng ta có Chúa Thánh Thần đang ở trong và ở giữa chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta với nhau, và giúp chúng ta mạnh dạn làm chứng cho Chúa Kitô trong thế giới hôm nay.

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi